Câu Gốc Mỗi Tuần (09/10/2021)

Các cháu thiếu nhi thân mến,

Khi chúng ta chỉ đơn thuần đọc câu gốc tuần này:

“Nhưng có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu.” (Ma-thi-ơ 19:30).

Thì chúng ta có thể hiểu được đại khái có 3 trường hợp về kẻ ở đầu sẽ nên rốt và kẻ ở rốt sẽ nên đầu như sau:

Trường hợp 1:

Kẻ ở đầu sẽ trở nên rốt là những kẻ có quyền thế, địa vị, vật chất ngoài thế gian nhưng không có Chúa.

Kẻ ở rốt sẽ trở nên đầu là những người nghèo hèn, thất học nơi thế gian nhưng giàu có nơi Thiên Đàng vì họ có Chúa trong cuộc đời.

Trường hợp 2:

Kẻ ở đầu sẽ trở nên rốt là những người đã vào Hội Thánh mà có sự kiêu ngạo, tự cho mình là người bậc trên trước trong Hội Thánh thì sẽ trở thành nhỏ trong Vương Quốc Thiên Đàng.

Kẻ rốt sẽ trở nên đầu là những người bước đi trong Hội Thánh với sự hạ mình, khiêm nhường, bởi họ ý thức được sự chẳng xứng đáng chi của mình và nhận biết ân điển, ơn thương xót Chúa ban cho họ mà ra sức hầu việc Ngài. Những người như vậy sẽ được xem là lớn trong Vương Quốc Thiên Đàng.

Trường hợp 3:

Kẻ ở đầu sẽ trở nên rốt là những người biết Chúa, đến với Chúa từ rất sớm, ban đầu có sự nóng cháy, sốt sắng hầu việc Chúa, nhưng thiếu sự trung tín, bền lòng nên đã nguội lạnh dần lòng yêu mến Chúa, không còn ham thích sống theo Lời Chúa. Những người như vậy thì kết quả cuối cùng của họ chưa chắc là sẽ mất sự cứu rỗi, nhưng phần thưởng của họ sẽ ít vì thiếu sự trung tín đến cùng.

Kẻ rốt sẽ trở nên đầu là những người biết và tin Chúa muộn màng nhưng cứ hết lòng hầu lo công việc Chúa cho đến cuối cùng, ham mến sống theo Lời Chúa. Sự không phân bì, so đo mà cứ ra sức tận hiến cho Chúa mỗi một ngày của họ đó sẽ đem lại cho họ nhiều phần thưởng ở ngày cuối cùng.

Trong một khía cạnh nào đó thì cả 3 trường hợp này đều mang đến bài học, sự nhắc nhở cho mỗi chúng ta về sự xét lại chính mình và mỗi ngày định hướng cho bản thân bước đi với Chúa.

Nhưng khi đặt câu gốc này vào đoạn Thánh Kinh trên, suy ngẫm cách kĩ càng và áp dụng đối với các con, thì cô nhận thấy sự dạy dỗ nhiều nhất dành cho các con là ở trường hợp thứ 3: trường hợp trong các con có người biết và tin Chúa, tham gia phòng nhóm thiếu nhi từ rất sớm, lại có người biết và tin Chúa sau, mới tham gia phòng nhóm chưa lâu lắm.

Cô lấy ví dụ cụ thể trong phòng nhóm mình để các con dễ hiểu. Cô lấy ví dụ này là để nhắc nhở, thức tỉnh các con chứ cô không có ý là bêu xấu, chê bai các con gì cả.

Đó là:

Thiếu Nhi Hội Thánh chúng ta cô thấy có Lượng Bằng đến với Hội Thánh sau một số bạn, nhưng từ đó đến nay cô thấy Lượng Bằng luôn sốt sắng trong việc nhóm lại, trả lời câu hỏi, hát tôn vinh Chúa trong các buổi nhóm. Đây là tấm gương tốt, đáng để học hỏi. Cô nói vậy nhưng Lượng Bằng cũng luôn cẩn thận, canh giữ tấm lòng mình để con không chủ quan, mà luôn giữ lòng yêu kính Chúa và sốt sắng như vậy đến cuối cùng.

Còn lại có một số bạn cô biết là các bạn ấy sinh hoạt với thiếu nhi Hội Thánh khá lâu rồi, nhưng cô thấy các con dạo gần đây ít lên tiếng, chưa thật sốt sắng trong các buổi nhóm thiếu nhi như đáng phải có. Cô xin nói rõ là, không phải các con không có tham dự, không có sự sốt sắng, mà là các con có ít sự sốt sắng khi tham dự các buổi nhóm thiếu nhi như trước.

Cô cũng cảm thông vì các con ở vùng xa, vùng cao nên sóng mạng có thể yếu hơn, hay bị chập chờn; hoặc các con bị rào cản về ngôn ngữ; hoặc vì các con chưa có được sự thuận tiện trong các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính; hoặc các con chưa được sự hỗ trợ, quan tâm, nhắc nhở nhiều từ phía bố mẹ… Tất cả những điều đó cô đều nghĩ tới khi suy nghĩ, nhớ về các con. Tuy nhiên, cũng là một câu nói đó: Chủ yếu là các con có tấm lòng với Chúa hay không?

Cô nhớ những câu chuyện cô được nghe kể lại, và những tấm gương cô gặp được trong cuộc sống hồi xưa về những người phải đi đường rất xa, đội mưa đội gió, trắc trở mọi đường nhưng họ vẫn luôn hăng hái, vui vẻ, hết lòng để vượt qua mọi chặng đường như vậy để đến nhóm lại với anh chị em trong Hội Thánh Chúa, để được cầu nguyện cùng nhau, học hỏi Lời Chúa, hát Thánh ca tôn vinh Chúa.

Hồi xưa, lúc cô còn nhỏ, cô sinh hoạt trong giáo hội, cô cũng thấy có những bạn thiếu nhi nhỏ tuổi nhưng đã có tấm lòng như vậy. Hiện nay, trong Hội Thánh chúng ta cũng có một số bạn thiếu nhi như thế, chính các bạn ấy lại là tấm gương cho người lớn, đôi khi chính các bạn là sự nhắc nhở cho bố mẹ các bạn trong sự sống theo Lời Chúa. Nhưng đáng buồn là cũng có một số bạn chưa có được tấm lòng như vậy với Chúa, với anh chị em trong thiếu nhi.

Nên vấn đề không nằm ở ngoại cảnh bên ngoài, ở việc chúng ta có gì trong tay, mà vấn đề nằm ở tấm lòng mỗi chúng ta. Chúng ta có luôn trung tín để giữ tấm lòng hăng hái, sốt sắng như thuở ban đầu của mình khi mới đến với phòng nhóm của thiếu nhi hay không? Hay nó đã nguội lạnh dần theo thời gian và mỗi buổi nhóm thiếu nhi trở thành hình thức mà các con lấy làm gánh nặng, không có sự trông ngóng gì khi đến giờ nhóm? Đó là lời cảm thán cô nhắc nhở các con để các con luôn tự xét lòng mình.

Thánh Kinh có chép:

Cuối cùng của một việc hơn sự khởi đầu nó; lòng kiên nhẫn hơn lòng kiêu ngạo. (Truyền Đạo 7:8).

Tạ ơn Chúa vì các con là những người có phước vì biết Chúa từ khi còn nhỏ tuổi. Nhưng các con phải luôn ghi nhớ, sự cuối cùng trong cuộc đời mình theo Chúa thì quan trọng hơn việc khởi đầu cuộc đời mình theo Chúa thế nào. Trước kia, cô quen biết và cũng nghe kể rất nhiều về những đứa con hư hỏng từ những gia đình có ba mẹ là mục sư, chấp sự, trưởng nhóm trong giáo hội. Những đứa trẻ biết Chúa từ nhỏ nhưng đã trở nên hoang đàng, hư hỏng cả một cuộc đời.

Nên chúng ta hãy coi chừng chính mình, cần trung tín luôn với Chúa trong sự nhóm lại, sốt sắng trong phòng nhóm để cùng nhau gây dựng cho các bạn thiếu nhi khác và trên hết là gây dựng cho chính mình, kẻo chúng ta cũng bị nguội lạnh lòng yêu mến Chúa.

Một lời cảnh báo và nhắc nhở đặc biệt đến từ câu Thánh Kinh:

“Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lạnh. Nhưng người nào kiên trì cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.” (Ma-thi-ơ 24:12-13).

Ngày nay, thế hệ chúng ta có thể nói là thế hệ nhìn thấy rất rõ ràng về sự thêm lên nhiều của tội ác, tội lỗi. Các con ở nơi trường học, hay là trong nơi các con đang ở mà có các bạn người ngoại, các bạn người ngoại còn nhỏ nhưng đã tiêm nhiễm nhưng sự chửi thề, nói tục, nói dối, ghiền nghiện các loại game, phim ảnh, ti vi, điện thoại, hỗn hào với ba mẹ… Cô nghĩ là các con ít nhiều có nhìn thấy những điều đó trong chính cuộc sống của các con. Mỗi lần như vậy, cô hi vọng Lời Chúa trong câu Thánh Kinh trên sẽ nhắc nhở các con để các con không bị ảnh hưởng, bị tác động bởi những lề thói hư hoại của thế gian đó, nhưng cứ luôn nhìn xem Chúa qua sự trung tín cầu nguyện với Chúa để giữ mình khỏi sa vào cám dỗ, trung tín đọc, suy ngẫm và làm theo Thánh Kinh để không bị chú vào những điều của thế gian. Có như vậy thì các con mới là những người có xuất phát ban đầu tốt đẹp và sẽ được kết quả tốt đẹp trong ngày cuối cùng, là người được Chúa kể là kẻ được nên đầu trong nhà Chúa.

Cuối cùng, một câu Thánh Kinh nữa, cô gửi đến các con để các con luôn ghi nhớ đển biết tự tra xét mình mỗi ngày trong:

“Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12).

Hãy để Lời Chúa luôn được ghi khắc nơi tấm lòng các con, để dẫn dắt các con đi đến cùng trong chặn đường đức tin của mình.

Các em thiếu nhi nhỏ có thể chưa có ý thức về tội lỗi, có nghĩa là các em ấy chưa nhận thức được việc làm đó là sai mà cố tính làm, nhưng các anh chị lớn khi đã ý thức được việc gì là đúng, nên làm mà không làm; ý thức được việc làm gì là sai, không nên làm mà vì một lý do gì đó mà các con vẫn làm việc sai trái đó thì các con phạm tội, và các con phải chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.

Nguyện Lời Chúa qua câu gốc nhắc nhở các con:

Đừng chủ quan, thiếu cảnh giác khi tự thấy rằng mình biết và theo Chúa từ bé, mình ở trong Hội Thánh lâu thì mình được an toàn thuộc linh. Nếu các con không sốt sắng, gắn mình vào trong Hội Thánh của Chúa qua các buổi nhóm thiếu nhi, qua sự gây dựng các bạn khác trong nếp sống của mình thì hãy coi chừng, các con đứng một mình như vậy sẽ rất dễ bị nguội lạnh đi lòng yêu mến Chúa và sẽ là kẻ đầu (vì tin Chúa từ nhỏ) mà trở nên rốt (vì ở trong nhà Chúa lâu mà không lớn lên trong sự yêu kính Chúa, hầu việc Chúa).

Cô chúc các con luôn là những chiên thơ biết vâng lời, chăm ngoan trong những việc làm nhỏ của của các con trong cuộc sống mỗi ngày nơi gia đình, sốt sắng trong phòng nhóm thiếu nhi… và cứ luôn trung tín như vậy.  Để một ngày không xa nữa thôi, Chúa đến đón chúng ta về thì các con sẽ được xưng là những kẻ đầu trong Hội Thánh.

Đúng, thật không phải là chúng ta tin Chúa bao lâu và đã làm gì cho Chúa, mà vấn đề là chúng ta hiện nay đang như thế nào với Chúa?

Cảm tạ Chúa, cô cảm ơn các con đã lắng nghe phần chia sẻ của cô.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh.