Loài Người: Linh Hồn (Phần 03)

Loài Người: Linh Hồn (Phần 03)

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Tuần trước chúng ta đã học về bài linh hồn phần 02. Chúng ta đã cùng nhau học về  đặc tính của linh hồn. Chúng ta ôn lại bài cũ trước khi học bài mới các con nhé. 

Có ba đặc tính của linh hồn. 

  • Linh hồn biết suy tư
  • Linh hồn biết cảm xúc
  • Linh hồn biết quyết định. 

Như chúng ta biết Thiên Chúa sáng tạo nên linh hồn của loài người từ chỗ không có mà làm ra có, Thiên Chúa thổi hơi linh vào lỗ mũi thì loài người có linh hồn sống. Thiên Chúa cũng ban linh hồn sống cho các loài vật như các loài thú, các loài chim, các loài cá, Sự sống là sự có hơi thở, di động, sinh sôi nảy nở thêm ra. Và linh hồn của loài vật khác, linh hồn của loài người khác, tuy đặc tính về linh hồn của loài vật cũng có suy tư, cảm xúc và quyết định, nhưng chúng khác với loài người và bị giới hạn hơn loài người rất nhiều. Riêng các loài thực vật như cây cỏ thì chúng có sự sống, chúng cũng sinh sôi nảy nở nhưng chúng không có linh hồn. Chỉ có loài người và các loài thú mới có linh hồn. 

Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục học về Sự Nhiễm Tội của Linh Hồn.

Ban đầu Thiên Chúa sáng tạo nên linh hồn A-đam và linh hồn Ê-va, hai linh hồn này hoàn toàn vô tội, cho đến khi họ tự ý phạm tội, kể từ đó mỗi linh hồn đều phạm tội do bị nhiễm tội từ cha mình. 

Ví dụ nhà cha mẹ của bạn A bị bệnh truyền nhiễm, thì khi sinh con ra, đứa con đó cũng bị nhiễm bệnh giống như cha mẹ của chúng, và căn bệnh đó cứ lây lang hết đời con đời cháu. 

Nhiễm có nghĩa là sự lây lan từ người này sang người kia. Nhiễm cũng có thể hiểu là một sự thấm vào cơ thể hoặc là tin thần. Ví dụ như ở gần những người có thói hư tật xấu, hay chửi thề, nói tục thì chúng ta cũng bị nhiễm bởi thói hư đó, hoặc khi thời tiết gió lạnh thì chúng ta cũng bị nhiễm gió nhiễm sương. Trường hợp nhiễm do lây lan thì từ người có bệnh truyền qua cho người không có bệnh. Như chúng ta biết là hiện tại đang có dịch Covid- 19 đó. 

Sự nhiễm tội của linh hồn ở đây là sự nhiễm do di truyền từ cha mẹ. Vì tổ phụ của loài người là ông A-đam và bà Ê -va, hai ông bà đã phạm tội nên từ đó về sau loài người sinh ra điều bị nhiễm tội giống như ông bà. Khi một thai nhi hình thành trong lòng mẹ, khi mà linh hồn và tâm thành kết hợp với thể xác thì chính lúc đó linh hồn đó đã mang luôn bản chất tội di truyền từ cha. 

“Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Sinh ra trong sự gian ác là sinh ra trong hậu quả của tội lỗi. Hoài thai trong tội lỗi là thai nhi được tạo thành trong môi trường bị lây nhiễm tội.

Vì được sinh ra trong hậu quả của tội lỗi mà mỗi một người được sinh ra phải chịu đau khổ và chịu chết. Chết thuộc thể lẫn chết thuộc linh. Chết thuộc thể vì thể xác bị hậu quả của tội lỗi làm cho già yếu, phải phân rẽ khỏi linh hồn. Chết thuộc linh vì hậu quả của tội lỗi khiến cho tâm thần và linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Thánh Kinh cũng dạy rõ:

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

Vì được hoài thai trong tội lỗi mà mỗi một người được sinh ra đã mang bản chất tội, khi lớn lên đương nhiên suy nghĩ tội, nói tội, và làm tội. Điều đó tương tự như loài rắn độc khi sinh ra đã mang bản chất có nọc độc, lúc còn bé thì nọc độc chưa phát triển nhưng khi trưởng thành thì nọc độc tự nhiên kết thành.

Bản chất của tội lỗi là luôn làm trái ngược với tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết mà Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm của loài người, nếu người ấy không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì người ấy từ từ sẽ trở nên chai lì và không còn ngay thẳng nữa. Và cuối cùng dẫn đến sự chết, hư mất linh hồn. 

Chính vì sự nhiễm tội đó mà con người sống trong sự nô lệ của tội lỗi, cứ làm ra tội, thế giới cũng bị băng hoại theo. Về các loài vật chúng ta không có ý thức chống nghịch Thiên Chúa, chúng không bị nhiễm tội, nhưng chúng cũng bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của loài người. Ảnh hưởng có nghĩa là tuy mình không có tội, không làm ra tội nhưng lại bị chịu hình phạt chung, chịu thiệt thòi chung. Ví dụ như loài người cứ xả rác bừa bãi, không giữ vệ sinh môi trường thì môi trường sẽ trở nên xấu đi, thì những con vật sống trong môi trường đó chúng bị ảnh hưởng, có thể chúng bị chết hoặc bị nhiễm độc

Thuyết Linh Hồn Ngủ: 

Thuyết linh hồn ngủ cho rằng, sau khi một người chết về phần thể xác thì linh hồn cũng ngưng hoạt động, không còn ý thức. Thuyết linh hồn ngủ hoàn toàn không đúng với lẽ thật được trình bày trong Thánh Kinh. Hai giáo phái lớn tin nhận thuyết linh hồn ngủ là Cơ-đốc Phục Lâm và Chứng Nhân Giê-hô-va.

Vì trong Thánh Kinh có ghi lại câu chuyện mà chính Đức Chúa Jesus đã kể về người ăn mày La-xa-rơ và người nhà giàu, khi hai người chết đi thì người ăn mày La-xa-rơ linh hồn được ngồi trong lòng của ông Áp-ra-ham, còn người nhà giàu thì phải chịu nóng, chịu đau đớn trong lửa. Lu-ca 16:19-31:

19 Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, mỗi ngày ăn ở rất là sung sướng.

20 Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ.

21 Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người.

22 Người nghèo chết, thiên sứ đem để vào ở trong lòng của Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn. [“Ở trong lòng” là một thành ngữ, có nghĩa: gần gũi, thân mật.]

23 Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông;

24 người kêu lên và nói: Hỡi tổ phụ Áp-ra-ham! Xin thương xót tôi, sai La-xa-rơ để người nhúng ngón tay của người vào nước mà làm cho mát lưỡi của tôi; vì tôi bị khổ trong lửa này.

25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải chịu những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được an ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.

26 Có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà muốn từ đó qua đây cũng không được.

27 Người giàu nói rằng: Tổ tôi ơi! Vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi,

28 vì tôi có năm anh em ruột, để người làm chứng cho họ về những điều này, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn này chăng.

29 Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!

30 Người giàu nói rằng: Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến với họ, thì họ sẽ ăn năn.

31 Nhưng Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dù có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng chịu thuyết phục vậy.

Vậy thì cho chúng ta hiểu rằng, khi loài người chết đi linh hồn hoàn toàn có ý thức và sẽ chịu nhận lãnh hậu quả của tội lỗi, người nào tin Chúa thì linh hồn được về với Chúa và chờ ngày sống lại, còn ai không tin nhận Chúa thì chịu đau khổ trong âm phủ. 

Và con con cho cô biết, nếu chúng ta phạm tội, mà không ăn năn thì khi chết linh hồn sẽ giống như người nhà giàu kia hay giống như người ăn mày?

Sự Vĩnh Cửu của Linh Hồn:

Vĩnh cửu có nghĩa là còn lại mãi mãi không bao giờ qua đi, không tan biến đi. 

Mọi sự do Thiên Chúa dựng nên đều sẽ tồn tại đời đời trong các trạng thái khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau, không một sự gì có thể tan biến trở thành hư không; vì Thiên Chúa là Đấng đời đời, mọi sự ra từ Ngài hoặc được sáng tạo bởi Ngài phải còn lại đời đời. Trong mọi sự do Thiên Chúa sáng tạo, linh hồn và thân thể loài người là cao quý hơn hết, cao quý hơn cả các thiên sứ, vì được sáng tạo như hình Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, để làm con Thiên Chúa và cùng đồng trị với Thiên Chúa cho đến đời đời.

Kết luận:

Linh hồn chính là bản ngã của mỗi người, là một thực thể do Thiên Chúa dựng nên để làm con của Thiên Chúa và vui sống đời đời trong vương quốc của Ngài. Linh hồn loài người đầu tiên, là A-đam, do Thiên Chúa sáng tạo trực tiếp. Linh hồn thứ nhì, là Ê-va, do Thiên Chúa làm ra từ linh hồn A-đam. Từ đó trở đi, mỗi linh hồn được sinh ra bởi cha và mẹ của mình.

Bị hư mất đời đời có nghĩa là đời đời bị “xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài”, nghĩa là không còn cơ hội được cứu rỗi, chứ không có nghĩa là bị tan biến thành hư không, không còn thực hữu, không còn nhận thức và cảm xúc.

Nguyện Đức Thánh Linh luôn giúp mỗi chúng ta nhận thức cách rõ ràng, bổn phận và trách nhiệm của từng linh hồn trước Đấng Tạo Hóa. A-men!

Ghi chú:

Bài giảng thiếu nhi được tổng hợp từ bài giảng của người chăn Huynh Christian Timothy:

Loài Người (01): Nguồn Gốc