Câu Gốc Mỗi Tuần (04/12/2021)

Đời Sống Của Người Phục Vụ

Nguyễn Thị Trinh

Các con thương mến,

Tuần này chúng ta cùng nhau học bài học về ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ qua câu gốc Ma-thi-ơ 20:28

“Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.”

Trước khi bước vào bài học, cô có lấy một ví dụ để các con có thể hiểu được thế nào là người phục vụ, thế nào là người được phục vụ.

Trường hợp:

Hiếu và Tín cùng lấy bộ đồ lắp ráp và xe ô tô ra chơi cùng với nhau. Sắp đến giờ ăn cơm nên mẹ bảo hai anh em dọn cất đồ chơi, chuẩn bị rửa tay ăn cơm. Hai anh em vâng lời mẹ cất dọn đồ chơi, rồi đi rửa tay. Anh Hiếu giúp em Tín vặn vòi nước, lấy xà bông, giúp em rửa tay. Trong trường hợp này, ai là người phục vụ? Ai là người được phục vụ?

Anh Hiếu là người phục vụ, giúp em Tín rửa tay cho sạch. Em Tín là người được phục vụ, vì được anh Hiếu giúp mình có một đôi bàn tay sạch sẽ.

Như vậy, người phục vụ là người lao động để mang lại lợi ích, sự tiện nghi cho người xung quanh. Người được phục vụ là người được hưởng sự tiện nghi, ích lợi từ thành quả lao động của người xung quanh.

Chúa kêu gọi chúng ta hãy là những người phục vụ.

Chúa Jesus chính là một tấm gương sáng về sự phục vụ cho chúng ta noi theo. Những việc làm điển hình nhất về sự phục vụ của Chúa, mà chúng ta đã học qua, đó là:…Chúa rửa chân cho các môn đồ, Chúa rao giảng Tin Lành cho dân chúng cũng chính là phục vụ thức ăn thuộc linh cho dân chúng, Chúa hóa bánh ra cho đoàn dân ăn là phục vụ thức ăn thuộc thể… Trong mọi trường hợp, chúng ta thấy Chúa luôn là Đấng giải quyết mọi vấn đề, đó chính là sự phục vụ của Chúa dành cho loài người.

Vậy chúng ta thấy rằng, Chúa Jesus là Chúa, là Chủ, mà Ngài còn phục vụ loài người. Vậy mỗi chúng ta cũng cần noi theo Chúa mà phục vụ lẫn nhau…

Áp dụng vào thực tế, cô chia sẻ và nhắc nhở các con 3 điều sau:

1/ Các con cần luôn học tập và chăm chỉ rèn luyện để có năng lực phục vụ về cả thuộc thể lẫn thuộc linh.

Các con hiện đang còn nhỏ, đang ở trong độ tuổi tập tành, học hỏi nhiều thứ.

Về thuộc thể:

Trong các con, có bạn có thể tự lấy nước uống, có bạn đôi khi lấy nước còn bị đổ; hoặc có bạn biết rửa chén bát, nhưng có bạn vẫn rửa chưa được sạch, hoặc rửa chưa quen nên nhiều lần làm rơi vỡ; lại có nhiều bạn biết quét nhà nhưng cũng có bạn chưa biết quét, quét chưa được sạch.

Như vậy, đối với các bạn chưa làm được đó, giả sử các con muốn rót cho ba mẹ ly nước uống, hay phụ ba mẹ rửa chén, quét nhà mà các con làm chưa tốt, thì các con phải làm sao? Các con cần cẩn thận, chăm chỉ học tập từ ba mẹ, làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi các con có thể làm tốt được. Các con có thể tự phục vụ được cho mình rồi thì sau đó mới có thể phục vụ cho mọi người xung quanh. Đó chính là sự các con rèn luyện năng lực phục vụ về phần thuộc thể.

Về thuộc linh:

Ví dụ, một hôm nào đó mình làm sai một việc gì đó rồi bị ba mẹ trách phạt, lúc đầu mình buồn lắm nhưng khi đến với Chúa và cầu nguyện, nhớ đến Lời Chúa có câu Thánh Kinh:

“Vì người Chúa yêu thì Ngài sửa phạt. Ngài đánh đòn bất cứ ai mà Ngài nhận làm con;” (Hê-bơ-rơ 12:6).

Vậy là các con hiểu ra là ba mẹ yêu thương các con nên mới sửa phạt các con theo Lời Chúa, miễn sao giữ cho các con luôn được ở lại trong sự Cứu Rỗi. Sự hiểu biết đó của các con đến từ sự các con chăm chỉ đọc Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày, để những khi có cần thì Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhở, nâng đỡ các con.

Khi anh chị em của các con gặp vấn đề tương tự, các con cũng biết nâng đỡ anh chị em mình từ những điều mình đã học được trong Lời Chúa. Đó là rèn luyện năng lực để phục vụ về phần thuộc linh.

Hãy ghi nhớ: Nếu các con không có năng lực phục vụ chính mình thì các con không thể phục vụ cho ai được.

2/ Người phục vụ là người biết nghĩ cho người khác, lao động cách siêng năng.

Chúa đến thế gian vì Chúa suy nghĩ cho loài người mà Ngài đến, Chúa đi lại, làm việc, rao giảng Tin Lành cũng là vì loài người.

Chúng ta thấy, Chúa luôn toàn năng, toàn tri, việc gì Ngài cũng biết và việc gì Ngài cũng làm được. Đương nhiên, Ngài là Thiên Chúa. Nhưng chắc chắn, Chúa cũng có thời của một thiếu nhi, Ngài cũng cần học tập từ những thứ nhỏ nhất, vì Ngài cũng là một con người trong xác thịt.

Bởi vậy, các con cũng vậy, cần học từ những thứ nhỏ nhất với sự siêng năng.

Trong các con, có bạn nào thường có suy nghĩ là: “Con không biết nên con không làm” không? Ví dụ khi được người lớn nhờ làm việc này việc kia, các con có bao giờ trốn việc với lý do là do các con không biết làm không?

Nếu có thì các con cần từ bỏ suy nghĩ đó và mỗi ngày tập tính siêng năng hơn, hãy biết suy nghĩ cho người khác và biết giúp đỡ mọi người. Không biết thì cần học hỏi để biết, chứ không thể lấy đó làm lý do để lười biếng. Như lời Chúa có chép:

“Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng {chăm về những sự} của những người khác nữa.” (Phi-líp 2:4).

Cụ thể hơn:

Trong việc tắm rửa vệ sinh thân thể, người phục vụ sẽ biết tự giác làm việc đó mà không cần ba mẹ nhắc nhở. Đối với các bạn lớn hơn một chút, còn cần học để tự giặt quần áo và dần dần biết phụ ba mẹ giặt quần áo cho em.

Trong việc ăn uống, người phục vụ sẽ học để biết phụ dọn thức ăn, rồi tạ ơn Chúa ăn với sự vui thỏa không cần đợi người lớn nhắc nhở. Thậm chí còn biết dọn chén bát xuống rửa sạch để giúp ba mẹ, đó là phục vụ.

Trong sự vui chơi, giải trí, người phục vụ sẽ biết chừng mực để chơi mà không gây ồn ào, không gây bừa bãi ảnh hưởng đến người xung quanh, cũng biết chơi đúng thời gian quy định rồi dừng lại, dành thời gian cho những nhiệm vụ khác.

Qua đó chúng ta thấy, người phục vụ là người biết nghĩ đến người khác và luôn siêng năng để làm gương tốt cho mọi người.

3/ Phục vụ là biết hy sinh

Đức Chúa Jesus là tấm gương của sự hy sinh. Sự hy sinh lớn nhất được nhắc đến trong chính câu gốc tuần này là Chúa hy sinh mạng sống của Ngài để làm giá chuộc cho nhiều người. Nhưng chúng ta cũng biết, là Ngài đã sống lại, đúng như Lời Chúa đã dạy vậy:

“Vì bất cứ ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất nó, còn bất cứ ai vì Ta mà mất sự sống mình, thì sẽ tìm được nó.” (Ma-thi-ơ 16:25).

Học theo Chúa về sự phục vụ mọi người, có lẽ các con sẽ thấy như vậy là mình sẽ chịu thiệt hơn, bị thua kém hơn người khác. Nhưng không phải vậy, đúng như Lời Chúa ở câu 26. 27 nói: “ai muốn làm lớn thì phải phục vụ, ai muốn đứng đầu thì cần phải là tôi tớ”

Sau khi Chúa đã hạ mình phục vụ và chịu chết, Ngài đã được làm cho sống lại và trở thành Đấng làm đầu của mọi quyền cai trị và thế lực như trong Cô-lô-se 2:10b có chép. Sự hết lòng hy sinh để phục vụ, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình thì dù có thể người khác không biết, nhưng Chúa biết và ghi nhận tấm lòng của các con. Và sự hy sinh nào cũng có sự thua thiệt tạm thời của nó, nhưng về những sự đời đời thì sự hy sinh đúng theo ý Chúa luôn có giá trị còn mãi.

Qua bài học về sự phục vụ, nguyện xin Chúa giúp các con ghi nhớ được bài học này và gắng sức sống theo tấm gương Đức Chúa Jesus, luôn là người phục vụ đối với mọi người xung quanh của các con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh.