Loài Người: Tâm Thần (Phần 01)
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến,
Trong những bài học trước chúng ta đã học về nguồn gốc của loài người từ đâu mà có, chúng ta học về linh hồn của loài người. Nguồn gốc của linh hồn và những đặc tính của linh hồn. Linh hồn có cảm xúc, có suy tư, có quyết định.
Trong bài thứ nhất, nói về nguồn gốc của loài người, chúng ta đã đề cập đến sự kiện Thiên Chúa sáng tạo nên loài người bằng cách:
- Thiên Chúa dùng bụi của đất nắn nên thân thể vật chất của loài người.
- Thiên Chúa thổi hơi thở sống của Ngài vào trong lỗ mũi của hình thể bụi đất.
- Hình thể bụi đất trở nên một thân thể xác thịt, hơi thở sống của Thiên Chúa trở nên một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần. Linh hồn loài người được sáng tạo trong giây phút tâm thần kết hợp với xác thịt. Linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt.
Hôm nay chúng ta bước qua học về bài mới đó là phần Tâm Thần. Hôm nay chúng ta học phần 01.
Chúng ta hãy tưởng tượng ra khi Thiên Chúa dùng bụi và đất nắn nên hình người có đầu, tay chân, mắt mũi miệng xong, thì lúc đó cũng chỉ là một cục đất thôi, không cử động và không có hơi thở. Rồi sau đó Thiên Chúa thổi hơi linh vào lỗ mũi thì cái hình được nắn nên đó từ từ mở mắt ra, có hơi thở và cử động được. Vậy chính giây phút đó. Hình thể bụi đất trở nên một thân thể xác thịt, hơi thở sống của Thiên Chúa trở nên một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần. Và trong giây phút đó linh hồn được sáng tạo tâm thần kết hợp với xác thịt. Thì linh hồn đó sống động, thở, và có ba đặc tính, cảm xúc, suy tư và quyết định. Linh hồn đầu tiên đó chính là ông A-đam.
Trong câu chuyện về sự sáng tạo loài người, Thánh Kinh không cho chúng ta nhiều chi tiết. Tuy nhiên, theo thời gian, Thiên Chúa mạc khải cho loài người biết về bản thể, bản chất, và bản tính của loài người qua các phân đoạn khác nhau trong Thánh Kinh. Về bản thể (hình thể), loài người là một linh hồn sống được dựng nên theo hình Thiên Chúa. Về bản chất (chất liệu tạo nên bản thể), loài người ra từ bụi của đất và hơi thở sống của Thiên Chúa. Về bản tính (tính chất của bản thể), loài người được sáng tạo giống như Thiên Chúa, biết nhận thức, biết suy tư, biết cảm xúc, biết lựa chọn, và biết quyết định.
Bản chất xác thịt ra từ bụi đất thì chúng ta dễ dàng nhận thấy qua năm giác quan của xác thịt, năm giác quan đó là thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác. Thị giác là chúng ta nhìn được bằng mắt, thính giác là chúng nghe được âm thanh bằng lỗ tai, Vị giác là chúng ta nếm được những mùi vị như mặn, ngọt, chua, cay…(Các con cho cô biết quả ớt thì có vị gì? kẹo thì có vị gì?) Khứu giác thì chúng ta ngửi được mùi hương, mùi hôi hay mùi thơm, Xúc giác thì chúng ta sờ chạm, tiếp túc bằng bàn tay, bàn chân, da thịt trên cơ thể …(Khi chúng ta sờ vào tủ lạnh thì có cảm giác lạnh, sờ vào nồi nước sôi thì có cảm giác nóng). còn bản chất thiêng liêng ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa, tức là tâm thần ở trong thân thể xác thịt, thì chúng ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể nhận thức một cách siêu nhiên. Linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt.
Qua thân thể xác thịt chúng ta nhận thức và giao tiếp với thế giới vật chất như thế nào thì qua thân thể thiêng liêng, là tâm thần, chúng ta cũng nhận thức và giao tiếp với thế giới thiêng liêng, thường gọi là thế giới thuộc linh, như thế ấy.
Có nghĩa là xác thịt chúng ta nhìn thấy được bằng mắt đây thì chúng ta có thể nghe được, thấy được, nếm được, ngửi được như thế nào thì thân thể liêng liêng cũng nhận thức được và giao tiếp được như thế ấy. Như chúng ta cầu nguyện tương giao với Chúa, chúng ta có thể được nghe Chúa phán bên lỗ tai xác thịt của chúng ta, hoặc khi trong giấc mơ thì tâm thần của chúng ta cũng thấy được, sờ được, ngửi được…
Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ tâm thần được dùng trong Thánh Kinh để chúng ta hiểu rõ và không bị nhầm lẫn.
- Đức Thánh Linh: Thiên Chúa Ngôi Ba, còn gọi là “Thần của Thiên Chúa”, “Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời” Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ” (Phi-líp 1:19), và “Đấng Thần Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:7). Trong thời Cựu Ước thì Đức Thánh Linh chưa hề ngự trong thân thể của con dân Chúa mà Ngài chỉ tác động vào tâm thần và xác thịt của loài người để hoàn thành mọi ý muốn của Thiên Chúa.
Tác động bên ngoài như là người đó nghe được tiếng của Chúa phán bảo bên lỗ tai của mình, hoặc phán bảo qua môi miệng của người đó. Các con có nhớ ông Môi Se không, ông được Chúa phán bảo trực tiếp với ông trong bụi gai, trong đám mây. Khi đó chúng ta gọi Ngài là Đấng Thần Linh. Trong thời Tân Ước thì Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19), ban năng lực và ân tứ cho con dân Chúa để họ có thể sống theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho họ làm theo (Ê-phê-sô 2:10). Ngài ngự trong thân thể của con dân Chúa và tác động bên trong, tức là khi các con cầu nguyện thì trong tâm thần các con Đức Thánh Linh dạy các con biết cầu nguyện như thế nào, khi các con viết bài chia sẻ, suy ngẫm Lời Chúa thì được bài tỏ trong tâm thần để các con có thể hiểu được Lời Chúa, tác động bên trong còn là khi các con phạm tội thì trong tâm trí các con có sự cáo trách, nhắc nhở. Khi đó chúng ta gọi Ngài là Đức Thánh Linh, Vậy các con nhớ nhé. Khi Thiên Chúa Ngôi Ba tác động bên ngoài thì chúng ta gọi Ngài là Đấng Thần Linh, khi Ngài tác động bên trong chúng ta gọi Ngài là Đức Thánh Linh. Chúng ta nhớ và phân biệt hai danh xưng này thì khi đọc Thánh Kinh chúng ta sẽ phân biệt được và hiểu được, danh xưng có nghĩa là tên gọi đó các con.
Ví dụ như thế này cho các con dễ hình dung ra nhé. Ví dụ như bạn Tuệ Anh trong nhà bạn ấy có một tên nữa đó là bé Kem. Ở trong gia đình thì gọi bạn là bé Kem, Nhưng khi đi học thì gọi bạn là Tuệ Anh, có hai tên nhưng chỉ có một người thôi. Thì cũng vậy, Đấng Thần Linh và Đức Thánh Linh cũng chỉ có một Thiên Chúa Ngôi Ba thôi, nhưng khi Ngài tác động bên ngoài thì gọi là Đấng Thần Linh, còn bên trong là Đức Thánh Linh.
- Thánh linh: Năng lực của Thiên Chúa được thể hiện bởi Đức Thánh Linh, được ban cho loài người bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta chớ lẫn lộn giữa thánh linh là năng lực của Thiên Chúa với Đức Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa
Chúng ta cần phải phân biệt Đức Thánh Linh và thánh linh. Đức Thánh Linh là một thân vị Thiên Chúa, còn thánh linh là năng lực ra từ Đức Thánh Linh.
Chúng ta có thể nói, tôi đầy dẫy thánh linh, chứ không nói tôi đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Ví dụ, Bạn A có ba và mẹ, Bạn A nhận được đầy dẫy tình yêu của ba và mẹ.
Chúng ta có thể nói Bạn A có đầy dẫy ba mẹ không?
Cũng vậy, thánh linh là năng lực ra từ Đức Thánh Linh.
Vậy thì tâm thần là bản chất vô hình mà mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy được.
- Bản chất vô hình của Thiên Chúa: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “Thần”. Giăng 4:24 chép về bản chất của Đức Chúa Trời như sau:
“Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật”. (Giăng 4:24).
Chúng ta không thể nào hiểu được bản chất vô hình của Thiên Chúa cho đến khi chúng ta được đối diện với Ngài trong cõi đời đời (I Cô-rinh-tô 13:12). Qua sự mạc khải của Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta chỉ biết rằng: Thiên Chúa là ánh sáng, Thiên Chúa là sự sống, và Thiên Chúa là tình yêu.
- Bản chất vô hình của Thiên Sứ
- Bản chất vô hình của tà linh
Bản chất vô hình của tà linh: Tà linh là những thiên sứ phạm tội, có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người. Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “ác thần”, “quỷ”, “tà ma”, “tà linh” hoặc “thần linh”. Những câu Thánh Kinh sau đây chép về sự kiện các tà linh nhập vào thân thể xác thịt của loài người:
“Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jesus nhiều kẻ bị các quỷ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi các quỷ ra; cũng chữa được hết thảy những người bệnh.” (Ma-thi-ơ 8:16).
“Trong nhà hội có một người bị tà linh ám, cất tiếng kêu lớn lên rằng: Hỡi Jesus Na-xa-rét!” (Lu-ca 4:33).
- Bản chất vô hình của loài người
Bản chất vô hình của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần”.
“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
Dù Thánh Kinh dùng cùng một từ ngữ để nói về bản chất vô hình của Thiên Chúa, của các thiên sứ, của các tà linh, và của loài người nhưng có sự khác biệt lớn giữa bản chất của Thiên Chúa và bản chất của các loài thọ tạo; có sự khác biệt lớn giữa bản chất thiêng liêng của các thiên sứ và tâm thần của loài người.
Ghi chú:
Bài giảng thiếu nhi được tổng hợp từ bài giảng của người chăn Huynh Christian Timothy:
Chú thích:
Xem hình ảnh minh họa