Đức Tin Trong Khi Cầu Nguyện
Nguyễn Thị Trinh
Các con thương mến,
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta bài học về “Đức Tin Trong Khi Cầu Nguyện” qua sự dạy dỗ từ chính Đức Chúa Jesus:
“Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, hết thảy đều được cả.” (Ma-thi-ơ 21:22).
Trước tiên chúng ta cần hiểu đức tin là gì?
Để dễ hiểu cô xin đưa ra hai ví dụ sau đây:
Ví dụ 1:
Chúng ta không ai trực tiếp nhìn thấy Thiên Chúa sáng tạo trời đất, loài người và muôn vật. Nhưng chúng ta tin rằng phải có Đấng tạo dựng nên mọi vật, Đấng ấy chính là Thiên Chúa.
Đó chính là đức tin.
Ví dụ 2:
Khi bạn A bị mẹ đánh đòn, đau nhiều và khóc nhiều lắm, nhưng sau đó bạn A vẫn chạy đến ôm mẹ và nói yêu mẹ. Vì bạn A tin rằng mẹ luôn yêu thương mình. Cho dù mẹ có đánh đòn đau nhưng vẫn yêu thương mình.
Vậy, sự A tin là mẹ thương mình cũng gọi là đức tin nơi tình yêu thương của mẹ.
Theo định nghĩa của Thánh Kinh thì:
“Đức tin là nền tảng của những điều đang trông mong là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy.”(Hê-bơ-rơ 11:1).
Còn nếu nhìn thấy rồi tin, thì không gọi là đức tin. Ví dụ: nhìn thấy chiếc máy bay, tin rằng chúng có thể đưa chúng ta bay lên trời cao, đi đến nơi khác. Thì đó không phải là đức tin.
Khi Chúa Jesus nói cầu nguyện với đức tin ở đây là tin vào những điều gì?
Có ba điều cơ bản chúng ta đặt đức tin vào nơi Chúa để mọi lời cầu xin của chúng ta được nhậm:
1/ Tin vào sự thực hữu của Chúa, có nghĩa là tin Ngài có thật.
Thánh Kinh có chép
“Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.” (Hê-bơ-rơ 11:6).
Bởi vậy, khi chúng ta đến gần Ngài qua sự cầu nguyện thì điều cơ bản thứ nhất chúng ta cần tin là tin Ngài có thật.
Ví dụ như việc chúng ta cầu nguyện dâng buổi nhóm lên Chúa. Thì trước nhất, phải tin là Chúa là Đấng có thật. Vì cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, nếu Chúa không có thật thì chúng ta nói với ai? Ai nghe chúng ta nói?
2/ Tin vào quyền năng của Ngài
Trước khi Ngài phán ra lời này, là câu gốc chúng ta học hôm nay, thì Ngài đã thi hành một phép lạ, đó là qua một lời phán của Ngài mà cây vả đang xanh tươi trở nên khô héo. Trước đó Ngài còn chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ và làm nhiều việc quyền năng, phép lạ khác mà chúng ta đã từng học qua. Sau đó Ngài còn dạy dỗ môn đồ rằng:
“Quả thật, Ta nói với các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ gì hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, nhưng dầu các ngươi bảo hòn núi này rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được.” (Ma-thi-ơ 21:21).
Chúng ta tin rằng, lời của Đức Chúa Jesus luôn là chân thật, bởi vì mọi lời Ngài nói ra đều là ý muốn từ nơi Đức Chúa Cha. Ngài phán dạy rằng: tin vào Chúa và không nghi ngờ gì hết thì có thể dời núi được thì thật là có thể dời núi được, cũng như việc Ngài phán thì cây vả liền lập tức khô đi mà Ngài vừa làm ra vậy.
Bởi vậy mà khi ngài dạy rằng: “Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, hết thảy đều được cả” thì thật là Ngài có thể ban cho chúng ta mọi điều mà chúng ta cầu xin Ngài. Bởi vì quyền năng của Chúa là lớn lao, vượt ra ngoài mọi giới hạn của loài người chúng ta, không có gì là không thể với Chúa. Nên điều cơ bản thứ hai chúng ta cần tin để lời cầu xin của mình được nhậm là tin vào quyền năng vô hạn của Ngài.
Ví dụ như hôm nay chúng ta xin Chúa ban cho đường truyền thuận lợi, tức là chúng ta tin vào quyền năng của Ngài khiến cho đường truyền được thông suốt, không bị ngắt quãng. Tin rằng Chúa có thể làm được mọi sự.
3/ Tin vào tình yêu của Chúa dành cho chúng ta
Trong mọi việc, nếu không tin vào tình yêu của Chúa dành cho cá nhân mình thì chúng ta chẳng có phần gì với Chúa cả.
Khi cầu nguyện, các con cần ý thức là Chúa yêu tất cả chúng ta là những người tin nhận sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nên mọi sự còn lại thì Đức Chúa Cha đều sẽ ban cho chúng ta tùy vào tình yêu rất lớn Ngài dành cho chúng ta khi chúng ta cầu xin Ngài, như lời Chúa có chép:
“Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32).
Ví dụ như lời cầu nguyện cho đường truyền ổn định hôm nay được Chúa nhậm lời thì chúng ta nhận thấy rằng Chúa yêu thương chúng ta và cho đường truyền được ổn định. Cho dù có khi chúng ta thấy Chúa vẫn cho phép việc đường truyền bị ngắt quãng, không thuận lợi. Thì chúng ta vẫn tin rằng Chúa cho phép điều tốt nhất xảy ra, để rèn tập chúng ta trong sự kiên nhẫn, biết cảm tạ Chúa trong mọi sự, dù là những sự đó không theo ý mình.
Và thực tế trong cuộc sống đi theo Chúa, cô kinh nghiệm được rằng, có nhiều lúc lời mình cầu xin không được Chúa nhậm lời, hoặc chờ rất lâu mới thấy Chúa nhậm lời.
Tại sao lại như vậy?
Chúng ta cùng đến với lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus trong vườn Ghết-sê-ma-nê trước khi Ngài chịu thương khó:
“Rồi, Ngài bước tới một chút, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện. Ngài thưa: Hỡi Cha của Con! Nếu được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Nhưng không như Con muốn, mà như Ngài muốn. Ngài lại đi lần thứ nhì mà cầu nguyện, Ngài thưa: Hỡi Cha của Con! Nếu chén này không thể lìa khỏi Con mà Con phải uống nó, thì xin ý của Cha được nên.” (Ma-thi-ơ 26:39, 42).
Như vậy chúng ta thấy được rằng, lời cầu xin cần được làm ra với đức tin, nhưng quan trọng hơn là điều mình cầu xin phải nằm trong thánh ý của Chúa và thời điểm mà Ngài muốn, chứ không phải để phục vụ theo ý riêng của bất kỳ người nào.
Bởi vậy mà chúng ta có thể hiểu rằng, “việc gì bất kỳ” mà Đức Chúa Jesus nói đến trong câu gốc tuần này là tất cả mọi việc cho dù có khó thực hiện, có lớn lao đến đâu đi nữa, thì Chúa là Đấng quyền năng, Ngài đều có thể ban cho chúng ta được. Nhưng việc đó cần phải là việc đẹp ý Ngài, theo thời điểm Ngài biết trước là tốt đẹp nhất cho chúng ta, chứ không phải “việc gì bất kỳ” là việc theo sự đòi hỏi vô cớ của chúng ta.
Cảm tạ Chúa vì lời Chúa qua câu gốc tuần này là lời chân thật, nhằm tôn cao quyền năng vĩ đại của Chúa. Việc của chúng ta là luôn cần hiểu biết được thánh ý của Ngài bằng việc tương giao với Ngài qua sự cầu nguyện, qua sự đọc, suy ngẫm lời Ngài mỗi ngày và không ngừng tin cậy Ngài.
Áp dụng câu gốc này vào trong đời sống thực tế mỗi ngày:
Khi các con bị bệnh tật, các con nhớ dùng đức tin để cầu xin sự chữa lành từ Chúa.
Khi các con có sự buồn giận, không vui với anh chị em mình, thì cũng nhớ dùng đức tin để cầu xin Chúa giúp mình hòa giải, vui vẻ cùng anh chị em.
Khi các con thiếu thốn một món đồ nào đó, các con dùng đức tin để cầu xin sự ban cho từ Chúa.
Với lời cầu xin bằng đức tin thì chính Chúa sẽ là Đấng lắng nghe các con, nhậm lời và ban cho các con theo như điều các con cầu xin đẹp ý Ngài.
Cũng hãy nhớ, Chúa là Đấng yêu các con nên Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho các con, theo thời điểm Ngài muốn. Bởi vậy mà trong mọi hoàn cảnh, các con cũng cần luôn biết dâng lên Chúa lời cảm tạ và biết ơn Ngài.
Cảm tạ Chúa, nguyện xin Lời Chúa qua câu gốc tuần này giúp các con càng thêm lên sự vững vàng hơn khi bước đi với Chúa, vì biết chắc rằng không có gì là không thể với Chúa cả. Cầu xin Chúa giúp các con luôn biết tin cậy Ngài, gần gũi với Ngài hơn trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày; để các con càng kinh nghiệm được Chúa ở cùng trong đời sống của các con. Amen!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh