Đấng Christ và Vua Đa-vít

Các con thương mến, tuần này chúng ta cùng nhau học Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 22:41-46.

Câu gốc là:

“Vậy, nếu Vua Đa-vít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thế nào?” (Ma-thi-ơ 22:45).

Trước khi đến với nội dung bài học thì cô xin giải thích cho các con một số từ và nhân vật trong đoạn Thánh Kinh trên, để các con có thể hiểu rõ hơn.

  • “Đấng Christ”: Theo từ điển Hê-bơ-rơ thì từ “Christ” theo nghĩa đen là người được xức dầu; theo nghĩa bóng là người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để làm một điều gì đó cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus được gọi là Đấng Christ, bởi vì, Ngài được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua.
  • Vua Đa-vít là vị vua thứ nhì của dân I-sơ-ra-ên. Theo các lời tiên tri trong Cựu Ước thì Đấng Christ được sinh ra trong dòng dõi của vua Đa-vít.
  • “Thần trí” là sự hiểu biết, sự nhận thức của tâm thần về thế giới thuộc linh. Mà các con đã biết tâm thần là thân thể thiêng liêng của mỗi con người mà mắt chúng ta không thấy được.

Ví dụ: Các con biết Thiên Chúa là có thật, thì sự biết đó là trong thần trí mà các con nhận biết. Thì ở trong câu chuyện này, Vua Đa-vít được Chúa ban cho sự hiểu biết trong tâm thần, vua gọi Đấng Christ là Chúa.

Nội dung của phân đoạn này nói về việc Đức Chúa Jesus hỏi những người Pha-ri-si về Đấng Christ.

Đức Chúa Jesus hỏi những người Pha-ri-si: Đấng Christ là con của ai?

Họ đã trả lời là: Con vua Đa-vít.

Ngài đáp lời họ: Trong thần trí thì vua Đa-vít gọi Đấng Christ là Chúa, vậy làm sao Đấng Christ lại là con của vua Đa-vít được?

Sự trả lời này của Đức Chúa Jesus khiến những người Pha-ri-si không thể nói thêm được lời nào nữa.

Trong lời đáp sau cùng của Chúa dưới hình thức là một câu hỏi (có dấu chấm hỏi ở cuối câu) làm gợi ra cho những người Pha-ri-si và cho chúng ta khi đọc đến câu chuyện này sự suy nghĩ: Nên hiểu thế nào về mối quan hệ của Đấng Christ và vua Đa-vít? Đấng Christ thật sự là con của ai?

Các con đã từng được học về sự ra đời của Chúa Jesus ở các chương đầu của sách Ma-thi-ơ. Ở ngay câu đầu tiên của Ma-thi-ơ chương 1 đã có chép:

“Gia phả của Đức Chúa Jesus Christ, con cháu Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham.” (Ma-thi-ơ 1:1)

Câu Thánh Kinh này cần được hiểu đúng là thế này: Đức Chúa Jesus Christ đã được sinh ra làm người dưới danh nghĩa là con ông Giô-sép, thuộc dòng dõi con cháu vua Đa-vít. Nhưng thật ra, Ngài đã được sinh ra làm người bởi trinh nữ Ma-ri, nàng đã chịu thai bởi thánh linh của Đức Chúa Trời mà sinh ra Đức Chúa Jesus khi chưa từng ăn ở cùng bất cứ người nam nào. Nên thực chất, Đức Chúa Jesus Christ không có quan hệ gì về huyết thống với dòng dõi vua Đa-vít.

Bởi vậy, khi nói về phương diện xác thịt thì trên danh nghĩa Đấng Christ là con cháu dòng dõi vua Đa-vít, còn về phương diện thần linh thì Ngài là con của Đức Chúa Trời, được sinh ra bởi thánh linh của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa thần cảm Phi-e-rơ tuyên xưng rất rõ ràng như sau:

“Ngài phán với họ: Còn các ngươi thì nói Ta là ai? Si-môn Phi-e-rơ đáp lời và thưa: Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống! Bấy giờ, Đức Chúa Jesus phán với người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và máu tỏ cho ngươi biết điều này đâu, mà là Cha Ta ở trên trời vậy.” (Ma-thi-ơ 16:15-17).

Vậy qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta một lần nữa khẳng định Đức Chúa Jesus dù là một con người nhưng Ngài cũng chính là Đấng Christ, Ngài là con của Đức Chúa Trời, Ngài là Thiên Chúa. Ngài vừa là người vừa là Thiên Chúa, đây là một sự mầu nhiệm chúng ta không thể hiểu hết được, nên chỉ lấy đức tin mà tin vào Lời Chúa ở đây thôi.

Qua phân đoạn Thánh Kinh chúng ta có được hai bài học sau:

  • Đức Chúa Jesus là một con người, nên Ngài luôn luôn thấu hiểu mọi sự yếu đuối, khó khăn của mỗi người trên đất này.

Bởi vậy mà ngày nay, các con hãy luôn biết dạn dĩ đến với Chúa mỗi khi có nan đề trong cuộc sống, vì Ngài luôn thấu hiểu các con, cảm thông cho các con và luôn yêu các con.

Ví dụ: Khi các con lỡ phạm một tội lỗi nào đó, các con cảm thấy bối rối, sợ hãi. Nhưng khi nhớ đến Đức Chúa Jesus là Đấng luôn cảm thương cho những yếu đuối của các con. Ngài đã từng là một con người nên có thể hiểu được sức mạnh của sự cám dỗ tội lỗi nó lớn như thế nào? Và Ngài cũng hiểu sự yếu đuối của mỗi chúng ta. Nhớ về điều này sẽ giúp các con không sợ hãi, xấu hổ mà không dám đến gần Chúa nữa, nhưng các con sẽ cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho các con. Nhờ đó mà các con sẽ dũng cảm hơn để đến ăn năn với Chúa, sửa đổi những gì mình sai phạm.

  • Đức Chúa Jesus là con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, Ngài là Thiên Chúa sống động, vẫn luôn ở cùng chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Nên chúng ta luôn cần hết lòng tôn kính Ngài trong đời sống của mình.

Vì Ngài là Thiên Chúa nên Ngài luôn sống và sống đời đời, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta là những người tin cậy và vâng giữ Lời Ngài như lời Ngài hứa:

“…Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế…” (Ma-thi-ơ 28:20b).

Ngài ở cùng chúng ta mỗi ngày, nên trong mọi việc làm của các con cũng cần bày tỏ ra sự thật lòng tôn kính Chúa. Điều này cũng nhắc nhớ các con biết luôn tỉnh thức mà không sa vào tội lỗi, nhưng cứ làm mọi việc với tấm lòng biết ơn Chúa, làm cho Chúa, vì Ngài luôn nhìn thấy hết mọi điều.

Các con thử suy nghĩ về ví dụ này: Ví dụ như mẹ hướng dẫn và giao cho Mỹ Linh việc rửa bát. Mẹ ngồi bên cạnh để hướng dẫn và xem Mỹ Linh làm việc. Vậy thì, có phải lúc này Mỹ Linh sẽ rất cẩn thận, cọ rửa thật sạch chén bát, không muốn làm đánh rơi vỡ cái nào, đúng không các con? Mỹ Linh muốn làm thật tốt việc mẹ giao để mẹ được vui về mình, đỡ bớt công việc cho mẹ và có thể mẹ sẽ có nhưng lời khen dành cho Mỹ Linh khiến bạn rất vui vẻ nữa.

Chúa cũng vậy, Chúa vẫn luôn ở bên cạnh các con để nhìn xem các con mỗi ngày làm thế nào đối với công việc Ngài giao. Ở lứa tuổi thiếu nhi, Chúa giao cho các con những công việc như đi học trên lớp, học Lời Chúa mỗi ngày, phụ giúp ba mẹ những gì các con có thể làm được… các con đã chăm chỉ, hết lòng làm vì muốn Chúa vui lòng chưa? Tùy vào thái độ các con làm việc, học tập đó mà Chúa sẽ ban thưởng hay trách phạt các con.

Mặc dù hiện nay mắt các con không thấy được Ngài nhưng bởi đức tin vào Lời Chúa, các con nhận biết Chúa vẫn luôn nhìn thấy các con để gìn giữ, ban phước cho các con khi các con vâng lời Ngài cách hết lòng. Đó là tình yêu thương và sự khích lệ mà Chúa muốn các con cảm nhận được để hết lòng sống đẹp lòng Ngài.

Tóm lại, lẽ thật về Đấng Christ là con của Đức Chúa Trời giúp cho các con nhận biết được quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó, các con càng thêm yêu kính Chúa hơn, vững tin hơn trong sự chăn dắt của Chúa trong cuộc sống của mình và luôn ý thức để sống thánh khiết trọn vẹn hơn mỗi ngày.

Nguyện xin Chúa giúp các con ghi nhớ bài học này để áp dụng với đời sống mà sống đẹp lòng Ngài. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh