Lời Tiếc Thương cho Giê-ru-sa-lem

Các con thương mến, tuần này chúng ta học những câu còn lại của phân đoạn Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 23 với chủ đề: Lời Tiếc Thương cho Giê-ru-sa-lem.

Câu gốc:

“Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom gà con mình lại, vào dưới cánh của nó, mà các ngươi chẳng muốn!” (Ma-thi-ơ 23:37).

Đức Chúa Jesus kêu gọi: “Hỡi Giê-ru-sa-lem! Hỡi Giê-ru-sa-lem” là Ngài kêu gọi tất cả mọi người sống trong thành Giê-ru-sa-lem cùng mọi người thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên từ xưa cho đến nay.

Từ xưa cho đến nay, dân tộc I-sơ-ra-ên vẫn nhiều lần phạm tội với Chúa, thế nhưng vì Chúa yêu thương họ nên Chúa không hình phạt họ ngay, mà Ngài nhiều lần sai các tiên tri, các đầy tớ của Ngài đến để kêu gọi họ ăn năn. Nhưng rất tiếc nhiều lần dân sự đã không ăn năn tội lỗi, ngược lại họ đã ném đá, thậm chí là giết chết những người được Chúa sai đến với họ.

Trong đoạn Thánh Kinh này, Chúa ví Ngài như gà mẹ, những người I-sơ-ra-ên như những gà con. Chúa muốn gom họ lại như gà mẹ gom gà con lại dưới cánh của mình vậy. Nhưng họ không chịu.

Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc gà mẹ đang dẫn gà con đi xới đất tìm thức ăn mà nếu gà mẹ phát hiện ra có con diều hâu, hay những loài chim hay tìm bắt gà con để ăn thịt, hay kể cả con người mình lại gần đàn gà con thì gà mẹ sẽ túc gọi con mình để gà con kịp chui vào dưới bụng, dưới cánh gà mẹ để ẩn nấp khỏi nguy hiểm. Chúa dùng hình ảnh đó để nói lên tình yêu của Ngài đối với dân I-sơ-ra-ên. Chúa kêu gọi họ chạy đến để núp dưới bóng cánh của Chúa chính là kêu gọi họ sống trong điều răn, luật pháp của Ngài, để được Ngài bảo vệ. Nhưng họ không vâng theo và khi họ phạm tội với Thiên Chúa chính Ngài cũng không thể bảo vệ được họ.

Lời Chúa sau đây cũng nói rất rõ rằng:

“Này, tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng ngắn mà không cứu được; tai của Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được. Nhưng bởi sự gian ác của các ngươi đã làm phân cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:1-2).

Khi chúng ta phạm tội thì chúng ta bị phân cách với Chúa, Chúa không nghe chúng ta và không cứu chúng ta nữa. Trong đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 23 này, dù chính Đức Chúa Jesus đã một lần nữa chỉ ra tội lỗi để mong dân I-sơ-ra-ên ăn năn nhưng thật tiếc là họ không chịu ăn năn, nên Chúa đã kêu lên lời thương tiếc cho sự phạm tội không chịu ăn năn của họ như trong câu gốc các con học trong tuần vừa qua, rồi Ngài báo cho họ biết hình phạt sắp tới họ phải nhận lãnh đó là nhà cửa của người dân sẽ bị bỏ hoang.

Đây là hình phạt rõ ràng mà chúng ta ngày nay đều thấy được đó là Chúa đã bỏ mặc dân I-sơ-ra-ên cho các nước thù địch chiếm lấy đất nước, bắt dân sự từ vua, quan, thầy tế lễ cho đến dân thường đến các nước khác để làm nô lệ. Nhà cửa của họ đã thật sự bị bỏ hoang cho đến ngày nay. Một ngày kia, vào cuối của bảy năm đại nạn, lúc toàn dân I-sơ-ra-ên sẽ quay về thờ phượng, kêu cầu sự giải cứu của Chúa thì Chúa mới quay lại để giải cứu họ ra khỏi sự tấn công, bách hại của các thế lực chống đối Chúa.

Cô đưa ra một ví dụ thế này:

Hai anh em Anh Duy và Anh Thư đang đi bộ đi chơi. Trên đường có một vũng nước bẩn do trời mưa, chỗ vũng nước đó còn có mấy viên đó nhọn nữa. Anh Duy chú ý nhìn đường nên đã tránh đường khác để không giẫm vào vũng nước bẩn đó. Còn Anh Thư thì vừa mải ăn bánh, rồi nói chuyện với anh nên cứ đi mà không để ý thấy vũng nước. Khi Anh Duy thấy vậy thì la lớn lên, kêu em tránh vũng nước đó ra.

Với lời kêu gọi đó của anh thì cách khôn ngoan nhất Anh Thư nên làm lúc này là nên dừng lại ngay để nhìn đường, xác định được vũng nước đó nằm chỗ nào để đi tránh xa vũng nước bẩn đó ra. Lời Chúa kêu gọi người I-sơ-ra-ên xưa kia để họ tránh xa tội lỗi cũng tương tự như vậy, nhưng thật tiếc là người I-sơ-ra-ên đã không nghe theo Lời Chúa cảnh báo, kêu gọi họ.

Còn ngày nay, Chúa cũng mỗi ngày nhắc nhở, kêu gọi các con sống theo Lời Chúa qua Thánh Kinh, qua lời dạy dỗ từ Ban Chăm Sóc, từ ba mẹ và cô chú anh chị em trong Hội Thánh, để các con biết nhìn ra được điều gì là tội lỗi mà tránh xa, điều gì là thánh khiết đẹp lòng Chúa thì làm theo. Dù vậy, nhưng nếu các con được dạy dỗ, có sự hiểu biết mà các con không vâng theo thì Chúa cũng chẳng thể nào bảo vệ các con được. Hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Chúa không chấp nhận con cái của Ngài sống trong tội, Chúa dạy mình cần phải phân rẽ khỏi những tội lỗi ô uế của thế gian:

“Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán.” (II Cô-rinh-tô 6:17-18).

Qua bài học tuần này, các con cần ghi nhớ các bài học sau để làm theo:

– Chúa luôn yêu thương các con, Ngài vẫn luôn kêu gọi các con sống theo Lời Ngài để được Ngài bảo vệ. Nếu các con lỡ phạm tội thì Chúa kêu gọi các con hãy từ bỏ sự phạm tội đó, Ngài muốn làm Cha của các con và muốn các con là những con cái biết vâng lời của Ngài.

– Các con cần tránh xa gương xấu của những người I-sơ-ra-ên xưa, phạm tội mà không chịu ăn năn. Đừng để Chúa phải nói lời tiếc thương về các con như Chúa đã tiếc thương cho sự phạm tội không chịu ăn năn của dân tộc I-sơ-ra-ên.

– Học theo tấm gương của Chúa Jesus là nếu thấy anh chị em của mình có sai trái gì thì cần lên tiếng nhắc nhở trong tình yêu thương và cầu thay cho họ để họ biết sửa đổi.

Đó là những điều mà Lời Chúa hôm nay cô muốn chia sẻ cùng các con. Nguyện xin Chúa ở cùng các con mỗi ngày, nhắc nhở lời của Ngài cho các con, để các con biết áp dụng, làm theo trong cuộc sống của mình. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Trinh