Dấu Hiệu về Sự Chúa Đến và Sự Tận Thế_Phần 2

Các con thương mến,

Tuần này chúng ta cùng tiếp tục học với nhau Lời Chúa qua phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 24:15-22 với chủ đề: Dấu Hiệu về Sự Chúa Đến và Sự Tận Thế_Phần 2

Câu gốc các con học là:

“Nhưng các ngươi hãy cầu nguyện, để sự chạy trốn của các ngươi sẽ không là lúc mùa đông, cũng không vào ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 24:20).

Trong Thánh Kinh có nhắc đến sự kiện “gớm ghiếc tàn nát lập ra trong Nơi Thánh”, đây là sự kiện Anti-Christ (nghĩa là kẻ chống nghịch Đấng Christ) sẽ vào ngồi trong đền thờ của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, tự xưng mình là Đức Chúa Trời và bắt mọi người đều phải thờ lạy ông.

Qua đọc sách Đa-ni-ên 9:26-27 và tìm hiểu mà chúng ta biết sự kiện này là một lời tiên tri về thời kỳ bảy năm đại nạn sắp tới, vào giữa bảy năm đại nạn thì sự kiện này sẽ xảy ra.

Đọc các câu 16-18 chúng ta thấy Đức Chúa Jesus tiên tri và chỉ dạy cho con dân I-sơ-ra-ên ở tại Giê-ru-sa-lem và các thành gần đó cần phải lập tức, nhanh chóng trốn chạy khi thấy Anti-Christ vào trong đền thờ tự xưng mình là Đức Chúa Trời và bắt mọi người phải tôn thờ ông. Vì lúc đó, nếu không chạy trốn kịp thời thì quân đội của Anti-Christ sẽ ập đến để bắt con dân Chúa phải xưng nhận và tôn thờ ông làm Đức Chúa Trời. Nếu không làm theo thì rất có thể họ sẽ bị giết chết. Nên nếu không trốn chạy thật nhanh thì sẽ bị mất mạng, bởi vậy mà Chúa dạy rất rõ phải lập tức bỏ chạy lên núi trong ngày đó để trốn tránh sự bắt giết.

Tại sao trong lúc trốn chạy thì đàn bà có mang và đàn bà cho con bú lại khốn khó hơn?

Là vì đàn bà có mang thì sức khỏe sẽ kém hơn và thân thể cũng nặng nề hơn. Còn đàn bà cho con bú thì phải mang theo con của mình nữa. Nên họ sẽ chạy chậm hơn, khốn khó hơn.

Qua đó, chúng ta thấy được Thiên Chúa của chúng ta là Đấng nhìn thấy hết mọi sự đau khổ, khó khăn của loài người ở trong cuộc đời này. Đối với các con cũng vậy, có những khi các con có gặp những khó khăn, ví dự như ở trên lớp bị bạn bè bắt nạt chẳng hạn, hoặc bị những người xung quanh chê cười đức tin của các con thì Chúa vẫn luôn nhìn thấy những sự khó khăn đó của các con và Ngài luôn quan tâm, yêu thương các con nếu các con vẫn cứ vững lòng trông cậy Ngài.

Như trong câu chuyện hôm nay, khi Chúa có chương trình của Ngài dành cho toàn thế gian, đó là sẽ có bảy năm đại nạn xảy ra. Chính Chúa sẽ dùng những hình phạt của Ngài giáng xuống thế gian để trừng phạt thế gian tội lỗi này. Rồi ở giữa thời gian bảy năm đại nạn đó, Chúa lại cho phép Anti-Christ bách hại, bắt giết con dân Chúa là người I-sơ-ra-ên để họ phải nhanh chóng trốn chạy như vậy. Nhưng trong sự trốn chạy đó, Chúa biết trước sẽ có những người thật khốn khó trong việc đi lại để chạy trốn như là đàn bà có thai, đàn bà cho con bú, nên Chúa mới bảo con dân Chúa hãy cầu nguyện, cầu thay cho cái ngày phải trốn chạy đó không rơi vào lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát. Đó cũng là câu gốc mà các con học trong tuần qua.

Tại sao Chúa lại muốn con dân I-sơ-ra-ên không phải trốn chạy vào lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát?

Bởi vì như vậy sẽ đỡ vất vả, đỡ khốn khó hơn.

Mùa đông thì lạnh lẽo, có thể có mưa nữa, nên sự trốn chạy sẽ thêm phần khó khăn hơn.

Còn ngày Sa-bát thì theo luật mà những người Pha-ri-si diễn giải, đặt thêm ra là trong ngày Sa-bát không được đi quá xa, mang vác những đồ quá nặng. Nên nếu phải trốn chạy trong ngày Sa-bát thì những người I-sơ-ra-ên tin kính Chúa mà thiếu sự hiểu biết, vẫn đặt mình dưới gánh nặng luật pháp do những người Pha-ri-si đặt ra thì có thể họ sẽ vì sợ vi phạm ngày Sa-bát mà không dám chạy xa, hoặc không dám mang theo nhiều lương thực, nước uống nặng trong khi chạy trốn. Bởi vậy mà có thể họ sẽ bị khó khăn, thậm chí là có thể vì điều đó mà họ sẽ bị bắt lại và bị giết. Vì vậy nên Chúa muốn con dân Chúa cầu nguyện để ngày trốn chạy Anti-Christ không rơi vào lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát.

Qua đây chúng ta thấy tình yêu của Chúa dành cho loài người thật vô cùng lớn lao, dù Chúa đã biết trước mọi điều, định trước mọi điều nhưng Chúa vẫn dạy chúng ta là cầu nguyện. Và qua câu gốc cho chúng ta thấy, lời cầu nguyện của con dân Chúa thật có giá trị, có thể làm thay đổi cả ngày và giờ mà Chúa đã định trước. Vì rõ ràng Chúa nói: “các ngươi hãy cầu nguyện, để sự chạy trốn của các ngươi sẽ không là lúc mùa đông, cũng không vào ngày Sa-bát” thì thật lời cầu nguyện đó sẽ giúp ích rất nhiều cho người I-sơ-ra-ên.

Lời Chúa cũng nói:

“Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:16b).

Có nghĩa là khi các con tin cậy Chúa, vâng lời Ngài và luôn luôn hết lòng cầu xin một điều đẹp theo ý Chúa, thì lời cầu nguyện đó sẽ được thành trong ý muốn tốt lành của Ngài. Được cầu nguyện với Chúa là một ơn phước đặc biệt mà Chúa ban cho loài người chúng ta, và Chúa thật muốn các con hết lòng cầu nguyện với Ngài để được Ngài nhậm lời. Đó chính là sự các con và Chúa gần gũi với nhau, có tình yêu thương với nhau.

Ở phần cuối phân đoạn này, Chúa khẳng định là sự bách hại, bắt giết con dân Chúa của Anti-Christ lần này là lớn lắm, lớn đến nỗi trước đó chưa có và sau này cũng không bao giờ có sự bắt bớ nào lớn như vậy đối với con dân Chúa người I-sơ-ra-ên. Nhưng vì những người mà Chúa đã chọn lựa, là những người I-sơ-ra-ên có tấm lòng yêu kính Chúa mà Chúa sẽ giảm bớt những ngày hoạn nạn đó để giải cứu họ, giúp họ giữ vững được đức tin mà về với Chúa trên thiên đàng.

Dù chúng ta không phải là người I-sơ-ra-ên, chúng ta thuộc trong Hội Thánh sẽ được Chúa cất lên với Ngài trước khi sự việc này xảy ra. Nhưng lời Chúa ở đây muốn ai biết đến lời tiên tri này thì cũng hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện thay cho dân I-sơ-ra-ên.

Việc Chúa muốn chúng ta cầu thay như thế này cũng gần giống với việc Chúa muốn các con cầu thay cho các anh chị em của mình ở trong phòng nhóm vậy đó. Ví dụ mỗi khi có bạn nào bị ốm bệnh, các cô chú sẽ bảo các con hãy nhớ cầu thay xin Chúa chữa lành bệnh cho bạn hoặc giảm bớt sự đau mệt khi bạn bị bệnh. Vì Chúa không muốn con dân Chúa phải khốn khổ, vất vả, bệnh tất. Chúng ta là anh chị em của nhau nên mình cần cầu thay cho nhau.

Cũng vậy, Chúa biết là ngày con dân I-sơ-ra-ên phải trốn chạy sự bắt giết của quân đội Anti-Christ chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng để đỡ cho họ phải khổ cực thì Chúa muốn mình cầu nguyện, cầu thay cho họ.

Lời giải nghĩa về lời tiên tri qua phân đoạn Thánh Kinh tuần này là như vậy. Qua bài học này, cô muốn các con rút ra và ghi nhớ 3 bài học sau:

1/ Mỗi khi các con cầu nguyện thì nhớ đến để lòng cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên, để trong ngày cuối cùng sắp đến, ngày mà Anti-Christ bắt bớ họ sẽ không rơi vào lúc mua đông hay là ngày Sa-bát.

Ngoài ra, các con thấy đó, với sự biết trước của Chúa thì Ngài đã nhìn thấy sự khốn khó của đàn bà có thai, đàn bà cho con bú phải chạy trốn vất vả, Chúa cũng biết là chạy trốn vào lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát thì cũng sẽ rất vất vả nên Chúa dạy là phải cầu thay cho họ, để nhờ lời cầu thay của mình mà họ đỡ vất vả hơn. Chúa thật quan tâm và yêu thương loài người. Qua đó cô còn muốn các con rút ra thêm 2 bài học sau:

2/ Luôn cầu nguyện với Chúa, cầu thay cho mọi người trong những điều gì mà mình biết được. Điều này cần phải làm một cách trung tín, hết lòng.

Lời Chúa cũng có chép:

“Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ,” (Ê-phê-sô 6:18).

3/ Học theo tấm gương của Chúa, luôn có tấm lòng yêu thương, quan tâm mọi người xung quanh mình.

Chẳng những là cầu thay không thôi, mà ngày nay trong khả năng của các con, các con cũng cần có những hành động cụ thể để những người xung quanh các con, như ba mẹ, anh chị em của các con đỡ phải vất vả vì các con hơn. Như là các con biết tự giác trong mọi việc làm thuộc bổn phận của mình như chép câu gốc, học bài, tắm rửa… Đó cũng là để đỡ bớt đi gánh nặng cho ba mẹ.

Nguyện xin Chúa dùng bài học tuần này để dạy dỗ, dẫn dắt các con sống theo ý muốn của Ngài. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh