Thí Dụ về Mười Người Nữ Đồng Trinh_Phần 1

Thí Dụ về Mười Người Nữ Đồng Trinh_Phần 1.

Nguyễn Thị Trinh

 

Tải link mp3: https://od.lk/d/NV8xODQ1NDkzMjBf/Thieu%20Nhi%2001-04-2023.mp3

Các con thân mến,

Tuần này chúng ta cùng nhau học Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 25:1-13 với chủ đề: Thí Dụ về Mười Người Nữ Đồng Trinh_Phần 1.

Với câu gốc:

“Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ.” (Ma-thi-ơ 25:13).

Đây là một ngụ ngôn khó để có thể giải thích được rõ ràng ý nghĩa của từng chi tiết hoặc mang ra để áp dụng cho một thời kỳ nào đó. Nhưng theo sự dạy dỗ của người chăn cùng với sự cô tìm hiểu Lời Chúa, và sự giúp đỡ từ Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi, cô có thể giải thích cho các con hiểu thí dụ này theo sự hiểu mà cô thấy đúng và hợp lý.

Thí dụ này là nói về sự Đức Chúa Jesus cùng Hội Thánh quay trở lại lần thứ hai.

Lần thứ nhất, Chúa đã tái lâm đón Hội Thánh, khi ấy Hội Thánh được kết hiệp với Chúa, được gọi là lễ cưới.

Lần thứ hai này là chàng rể và cô dâu trở về nơi nhà của cô dâu để tổ chức tiệc cưới. Nên lúc này mới có bạn của cô dâu.

Lễ cưới và tiệc cưới khác nhau. Và thí dụ này nói đến tiệc cưới.

  • Mười người nữ đồng trinh này tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Năm người khôn là người tin và làm theo cả Cựu Ước và Tân Ước, tức họ tin nhận Chúa Jesus. Còn người dại là người chỉ tin Cựu Ước, không tin nhận Chúa Jesus.
  • Chàng rể ở đây có thể hiểu là Đức Chúa Jesus Christ.
  • Còn dầu, rất có thể là tiêu biểu cho Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa luôn luôn cần thiết cho đời sống của con dân Chúa, để nuôi sống phần thuộc linh của mình. Nếu mình không có Lời Chúa thì phần thuộc linh của mình sẽ trở nên tối tăm, bị hư mất. Nên sự giải thích cô thấy hợp lý nhất cho dầu là Lời Chúa.

Dù thí dụ này không phải là đang nói về thời kỳ Hội Thánh mà chúng ta đang sống ngày nay, nhưng qua thí dụ này, chúng ta cũng học được những bài học cho mình.

Cô xin kể tóm tắt câu chuyện trước rồi sau đó giải thích thêm cho các con theo các câu hỏi gợi ý mà cô đã đưa ra.

Câu chuyện kể rằng có mười người nữ đồng trinh cầm đèn đi đón chàng rể. Trong đó có năm người thì chỉ mang theo đèn và dầu có sẵn trong đèn thôi, họ được gọi là năm người dại; và có năm người thì chẳng những mang theo đèn và dầu sẵn trong đèn, mà họ còn mang thêm theo dầu đựng trong bình để mang theo bên ngoài nữa, họ được gọi là năm người khôn. Chàng rể đến muộn nên các nàng đều buồn ngủ và ngủ gục. Đến khuya, khi chàng rể sắp đến thì các nàng đã được thông báo và kịp thức dậy, sửa soạn lại đèn mình để đón rước chàng rể. Thế nhưng lúc này, năm người dại đã gặp vấn đề, đó là đèn của họ bị hết dầu và gần tắt. Họ không có dầu mang theo trong bình nên họ đến xin dầu từ năm người khôn. Năm người khôn không cho, vì số dầu họ còn trong bình chỉ đủ cho họ dùng. Bởi vậy nên năm người dại phải đi đến người bán dầu để mua. Khi họ đi mua dầu thì chàng rể đến, năm người khôn đã đợi sẵn ở đó thì được đi cùng chàng rể để vào dự tiệc và cửa phòng tiệc đóng lại. Năm người dại mua được dầu quay trở lại gọi cửa thì đã không được mở, chủ tiệc nói là không hề biết họ. Câu chuyện kết thúc ở đó rồi Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ là hãy tỉnh thức, vì các môn đồ không biết ngày giờ nào Chúa sẽ trở lại. Đây cũng là bài học dành cho chúng ta ngày nay.

Những bài học quan trọng mà Đức Chúa Jesus dạy qua thí dụ này là:

  • Sự chuẩn bị Lời Chúa trong đời sống của con dân Chúa.
  • Sự tỉnh thức trong đời sống.

Tuần này chúng ta sẽ học phần 1, học bài học quan trọng thứ nhất là sự chuẩn bị.

Trong câu chuyện có năm người dại, gọi họ là dại vì họ thiếu sự chuẩn bị kĩ càng trong công việc làm của mình, cụ thể ở đây là việc đi đón chàng rể. Đây là một công việc thật quan trọng mà họ lại lơ là, không có sự suy tính, để tâm mà hết lòng lo chuẩn bị cho tốt.

Năm người dại này tiêu biểu cho những người con dân Chúa ngày nay thiếu Lời Chúa để trang bị cho thuộc linh của chính mình. Các con cần chú ý là họ dại vì họ “thiếu” sự chuẩn bị chứ không phải là họ không có sự chuẩn bị.

Còn năm người khôn họ được gọi là khôn vì họ có sự chuẩn bị tốt, chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ. Người khôn tiêu biểu cho những con dân Chúa luôn có Lời Chúa trong đời sống của mình hằng ngày, các con chú ý ở đây cô muốn nhấn mạnh đến chữ “có Lời Chúa hằng ngày”.

Con dân Chúa có Lời Chúa hằng ngày có nghĩa là: Không chỉ đọc và suy ngẫm, mà còn cần sống theo Thánh Kinh mỗi ngày.

Cô ví dụ thế này để các con dễ ghi nhớ bài học:

Sáng chủ nhật, ba của bạn Ban nói với Ban là hôm nay ba sẽ dẫn Ban và Minh đi tắm biển. Hai anh em cần chuẩn bị trước và chờ ba đi công việc, khoảng chiều, bớt nắng thì ba về dẫn đi. Ba dặn Ban cũng lo chuẩn bị đồ cho em Minh nữa, bỏ đồ sẵn vào cặp chờ ba về là chở đi luôn. Ban cũng lo chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và cho vào cặp để đó sẵn. Vậy, nếu đã chuẩn bị tốt rồi, hai anh em cũng luôn ở nhà chờ sẵn thì chiều ba về chắc chắn hai anh em sẽ được đi tắm biển rất vui cùng ba.

Nhưng ngược lại, nếu cẩu thả, chuẩn bị đồ bị thiếu cái này thiếu cái kia, khi ba về sẽ mất thời gian để chuẩn bị thêm, thì có khi Ban lại còn bị la làm cho mất vui; hoặc thậm chí là hai anh em không được đi nữa vì thời gian chuẩn bị lại kéo dài thêm và trời dần tối.

Cũng tương tự vậy đó, trong câu chuyện nhờ sự chuẩn bị kĩ càng, đầy đủ mà năm người khôn đã được đi cùng chàng rể vào dự tiệc cưới, chắc chắn họ sẽ rất vui. Còn năm người dại vì thiếu sự chuẩn bị mà phải bị bỏ lại ở bên ngoài, không có cơ hội dự tiệc nữa, chắc là sẽ rất buồn bực và hối hận.

Bài học áp dụng vào đời sống các con qua câu chuyện trên là:

  • Cần có sự chuẩn bị tốt cho mọi việc trong đời sống:

+ Về thuộc linh: bài học này nhấn mạnh đến sự mỗi ngày các con cần có Lời Chúa. Đó là sự chuẩn bị cho thuộc linh của mỗi người luôn luôn. Cô luôn khuyên khích các con đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày qua sự đọc phân đoạn Thánh Kinh mà cô đưa ra trong tuần, các con nên nghiêm túc và tự giác, vui lòng làm theo điều này. Đặc biệt là sự biết luôn cầu nguyện và vâng theo Lời Chúa.

Chính Lời Chúa cũng khẳng định:

“…vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài.” (Thi Thiên 138:2c).

Nên thật sự Lời Chúa rất cần thiết cho chúng ta mỗi ngày, đó là sự chuẩn bị cho thuộc linh.

+ Về thuộc thể: bài học về sự chuẩn bị cũng rất cần thiết cho các con, từ việc chuẩn bị cặp sách, quần áo đi học; phụ giúp mẹ chuẩn bị cho bữa ăn; chuẩn bị bài để phát biểu trên lớp… Gần như tất cả các việc làm trong đời sống các con cũng cần ghi nhớ về bài học này để có sự chuẩn bị tốt, chuẩn bị đầy đủ để mọi việc làm của các con được hoàn thành tốt.

Lời Chúa trong Châm Ngôn cũng nói:

“Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hại.” (Châm Ngôn 18:9).

Ý là muốn nói đến những người làm việc mà thiếu sự tính toán, lo chuẩn bị thì kết quả chắc chắn sẽ rất tệ hại, thậm chí là không có kết quả gì.

Đó là những gì mà cô muốn chia sẻ đến các con trong Lời Chúa tuần này. Nguyện xin Chúa giúp các con luôn ghi nhớ để làm theo.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh