Sự Phán Xét Cuối Kỳ Tận Thế_phần 2
Nguyễn Thị Trinh
Các con thương mến,
Tuần này chúng ta sẽ học tiếp phần còn lại của bài học với chủ đề: Sự Phán Xét Cuối Kỳ Tận Thế_phần 2.
Trước khi học tiếp phần còn lại này thì các con hãy cùng cô ôn lại bài học tuần trước với 3 câu hỏi sau:
1/ Câu chuyện chúng ta đang học là để phán xét ai?
A, Những người xưng nhận mình là người tin Chúa, sau Bảy Năm Đại Nạn.
B, Những người tin Chúa lẫn không tin Chúa, sau Bảy Năm Đại Nạn.
C, Toàn thể loài người.
D, Cả 3 đáp án trên đều sai.
Đáp án: 1/ A
2/ Điểm khác nhau giữa những người là chiên và dê trong câu chuyện là gì?
A, Sự bày tỏ tình yêu thương bằng hành động.
B, Hình thức tin Chúa ở bên ngoài.
C, Tấm lòng thật yêu kính Chúa.
D, Đáp án A và C đúng.
Đáp án: 2/ D
3/ Trong những người dưới đây, ai không phải là anh chị em cùng Cha của con?
A, Một người tù vì danh Đấng Christ.
B, Một người nông dân nghèo luôn sống theo Thánh Kinh.
C, Anh chị em ruột của con vẫn đang sống trong tội lỗi, chưa tiếp nhận Chúa.
D, Một người thuộc về Hội Thánh.
Đáp án: 3/ C
Qua bài học tuần trước, các con đã biết được ai là chiên, ai là dê, ai là anh chị em cùng Cha của mình. Tuần này chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn để biết như thế nào là bày tỏ tình yêu thương bằng hành động đối với anh chị em cùng Cha.
Trước hết, các con cần ghi nhớ, sự quan tâm, giúp đỡ của mình đối với anh chị em cùng Cha là trên hai phương diện: Thuộc thể và thuộc linh.
Về thuộc thể: sự đói, khát, trần truồng, bệnh tật, bị tù… thì chúng ta có thể dễ nhìn biết được để giúp đỡ, chia xẻ cùng anh chị em.
Còn về thuộc linh: sự đói, khát, trần truồng, bệnh tật, bị tù… là những lúc anh chị em mình ngã lòng, gặp chuyện đau buồn trong cuộc sống thì mình cần cầu thay, khích lệ họ bằng Lời Chúa. Khi họ vấp ngã, phạm tội thì mình nhắc nhở, khuyên răn… Chỉ cho họ cách mặc lấy Đấng Christ để sống một đời sống mới. Đó cũng chính là sự các con đang cho anh chị em mình ăn, uống khi họ đói khát và mặc lấy cho họ khi họ trần truồng, gặp khó khăn trong thuộc linh vậy.
Cô đưa ra một ví dụ cụ thể để các con hiểu rõ hơn, như thế nào là bày tỏ tình yêu thương bằng hành động.
Ví dụ: Gia đình bạn A mới biết đến Chúa và vừa tiếp nhận Chúa được một thời gian ngắn thì gặp phải sự bắt bớ dữ dội từ những người thân, họ hàng. Bởi vậy nên gia đình bạn A vâng theo Lời Chúa dạy, trốn tránh sự bắt bớ và đã chuyển đến gần gia đình bạn B, ở một tỉnh khác để sinh sống. Vì đến một nơi ở mới nên gia đình bạn A bước đầu gặp nhiều sự khó khăn, thiếu thốn. Thấy vậy nên gia đình bạn B dù không phải là giàu có những vẫn hết lòng giúp đỡ, chia xẻ những gì mình có cho gia đình bạn A. Bạn B đã chia xẻ những bộ quần áo mình có cho bạn A. Khi nhà nấu những món ăn ngon thì B được ba mẹ bảo mang sang cho nhà bạn A cùng ăn. Gia đình B vẫn thường cầu thay và trò chuyện để khích lệ gia đình bạn A trên bước đường theo Chúa.
Hình ảnh của bạn B, của gia đình bạn B chính là hình ảnh của con chiên trong câu chuyện. Biết yêu thương, san sẻ những gì mình có; biết cầu thay, nâng đỡ anh chị em cùng Cha của mình khi anh chị em gặp khó khăn, hoạn nạn, bắt bớ.
Cũng trong ví dụ này, nếu như bạn B có những lúc có cảm thấy tiếc, không muốn chia xẻ cho A quần áo và thức ăn của mình, vì nghĩ bạn A cũng không phải người thân ruột thịt của mình. Nhưng sau đó, B bị cáo trách trong lòng, thấy mình như vậy là không đúng nên đã ăn năn với Chúa và quyết định vẫn chia xẻ mọi thứ mình có với gia đình A. Vậy thì,
4/ Bạn B trong trường hợp này là dê, hay vẫn như là chiên trong câu chuyện?
A, Là dê.
B, Vẫn là chiên.
Đáp án: 4/ B
Với lời kết ở câu cuối phân đoạn này, Chúa phán:
“Và những kẻ này sẽ đi vào hình phạt vĩnh cửu, còn những người công chính sẽ vào sự sống vĩnh cửu.” (Ma-thi-ơ 25:46).
Vậy, nếu các con muốn được vào sự sống vĩnh cửu thì các con cần là những người công chính như trong câu chuyện. Vậy, theo con:
5/ Trong những người dưới đây, ai là người công chính?
A, Người bề ngoài giữ trọn vẹn luật pháp Chúa, chỉ còn một chút ý tưởng tội trong lòng.
B, Người không cố ý phạm tội, nhỡ phạm thì lập tức ăn năn và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những tội lỗi mình gây ra.
C, Người nói là mình yếu đuối nên cho phép mình phạm những tội lỗi nhỏ.
D, Cả 3 đáp án trên đều đúng.
Đáp án: 5/ B
Qua chi tiết này và câu hỏi cô vừa nêu, cô muốn nhấn mạnh đến bài học là, những người nhỡ vấp phạm mà thiếu tình yêu thương với anh chị em mình, mình không cố ý phạm thì họ không phải là dê. Nếu một phút yếu đuối nào đó, một người chưa có sự sẵn lòng chia xẻ với anh chị em mình khi anh chị em gặp khó khăn thì như vậy người đó chưa phải là dê. Khi người đó được nhắc nhở thì lập tức ăn năn, sửa sai thì đều là những con chiên của Chúa. Nhưng nếu bản chất người đó vốn ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, luôn bỏ mặc, xem như là không nhìn thấy khi anh chị em mình gặp khó khăn, đang cần đến sự giúp đỡ của mình thì đó mới là những con dê trong câu chuyện.
Lời Chúa cũng dạy rõ:
“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).
Kết luận: Bài học chính, quan trọng nhất trong tuần này để các con áp dụng vào đời sống đó là:
Tình yêu thương anh chị em chân thật cần được thể hiện qua hành động, qua những việc làm cụ thể như là chia xẻ đồ ăn, quần áo, chỗ ở, nâng đỡ lẫn nhau, cầu thay cho nhau trong những khi anh chị em cần đến mình. Chứ đừng như những người được ví như là dê trong câu chuyện, cứ nghĩ là chỉ cần mình tin Chúa là được, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không biết nghĩ đến anh chị em cùng Cha của mình. Như vậy thì họ sẽ mất đi sự cứu rỗi, kết quả cuối cùng là bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục cùng với Ma Quỷ như câu gốc tuần này các con đã học thuộc lòng.
Nguyện xin Chúa ghi khắc bài học này vào tấm lòng các con, để các con nhớ và áp dụng vào trong cuộc sống theo Chúa của mình, để biết cách đối đãi cùng anh chị em mình khi họ gặp khó khăn. Đó cũng chính là đang đối đãi với chính Chúa, để sao cho nếp sống của các con được đẹp lòng Chúa và ích lợi cho nhà Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh.