Các Thầy Tế Lễ Lập Mưu Giết Chúa

Các Thầy Tế Lễ Lập Mưu Giết Chúa

Nguyễn Thị Trinh 

Các con thương mến,

Bắt đầu từ tuần này thì chúng ta sẽ cùng nhau học về Sự Chịu Thương Khó và Sống Lại của Đức Chúa Jesus. Hôm nay chúng ta đi vào bài học đầu tiên qua phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 26:1-5 với tiểu đề: Các Thầy Tế Lễ Lập Mưu Giết Chúa.

Câu gốc tuần qua các con học là:

“Bấy giờ các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân nhóm lại trong tòa thầy tế lễ thượng phẩm tên là Cai-phe; và bàn với nhau dùng mưu gian trá gì để bắt Đức Chúa Jesus mà giết.” (Ma-thi-ơ 26:3-4).

Trong phân đoạn Thánh Kinh tuần này, Đức Chúa Jesus có nhắc đến Lễ Vượt Qua nên cô sẽ giải thích sơ qua cho các con hiểu, đó là lễ gì.

Lễ Vượt Qua là lễ do chính Thiên Chúa ban hành cho dân I-sơ-ra-ên khi dẫn họ ra khỏi xứ Ê-díp tô, là xứ họ làm nô lệ tại đó. Trong ngày lễ này, chiên con sẽ bị giết để dùng máu bồi trên khung cửa mỗi căn nhà, để khi Thiên Chúa hành hại xứ Ê-díp-tô, thì sẽ vượt qua mà không vào làm hại người hay súc vật của nhà nào có máu chiên con bôi trên cửa. Chiên con bị giết trong Lễ Vượt Qua là hình bóng về sự Đấng Christ sẽ chịu chết để chuộc tội cho loài người. Và Đức Chúa Jesus cũng chịu chết trong ngày Lễ Vượt Qua.

Trong đoạn Thánh Kinh này, Đức Chúa Jesus phán trước về ngày giờ Ngài sẽ chịu khổ và chịu chết. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài thật sự là Thiên Chúa vì Ngài biết trước hết mọi điều.

Ở đây cô có 1 câu hỏi dành cho các con:

1/ Con hiểu ý nghĩa của lời phán: “Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến Lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự.” là như thế nào? (Có thể chọn một hoặc nhiều đáp án).
A, Đức Chúa Jesus sẽ vâng phục trong sự chịu khổ và chịu chết.
B, Đức Chúa Jesus sẽ trốn tránh sự chịu khổ và chịu chết.
C, Đức Chúa Jesus khẳng định sự chịu khổ và chịu chết của Ngài sẽ xảy ra.
D, Cả 3 đáp án trên đều sai.

Đáp án: 1/ A và C

Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhưng Ngài luôn biết vâng theo ý muốn của Đức Chúa Cha, để chương trình cứu rỗi loài người được hoàn thành. Ngài bằng lòng chịu khổ và chịu chết chẳng những là vì Ngài muốn vâng phục Chúa Cha không thôi, mà còn bởi vì Ngài yêu thương loài người, không muốn chúng ta chết mất trong tội lỗi. Bởi vậy mà chúng ta cần có đời sống biết ơn Chúa, sống để Chúa được vui lòng về mình qua việc vâng theo Lời Chúa.

Còn các thầy tế lễ cả và các trưởng lão ở đây là những người tự xưng nhận mình là người tin vào Đức Chúa Trời, họ có chức quyền ở trong các nhà hội của người Do-thái, thông thuộc luật pháp của Thiên Chúa.

2/ Việc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão bàn với nhau dùng mưu gian trá gì để bắt Đức Chúa Jesus mà giết đã phạm vào điều răn nào trong các điều răn sau: (Có thể chọn một hoặc nhiều đáp án).
A, Ngươi sẽ không phạm tội giết người.
B, Ngươi sẽ không nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận của ngươi.
C, Vâng giữ ngày Sa-bát.
D, Cả 3 đáp án trên đều đúng.
Đáp án: 2/ A và B

3/ Tại sao các thấy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân lại muốn tìm cách lập mưu giết Đức Chúa Jesus?
A, Vì họ ghét Chúa, không thích việc Chúa rao giảng Tin Lành và chỉ ra tội lỗi của họ.
B, Vì họ ganh tị khi thấy có nhiều người tin theo Đức Chúa Jesus.
C, Vì họ không tin Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế.
D, Cả 3 đáp án trên đều đúng.
Đáp án: 3/ D

Vì những lý do trên nên họ muốn tìm cách bàn mưu gian trá để giết Chúa, nhưng họ không dám ra tay hại Đức Chúa Jesus trong ngày Lễ Vượt Qua là vì họ sợ dân chúng, tức là sợ loài người chứ không phải họ sợ Thiên Chúa là Đấng họ đang thờ phượng. Dù có biết hay không thì việc làm đó, cho thấy họ đã đặt loài người lên trên Thiên Chúa.

Ngày xưa các thầy tế lễ cả và các trưởng lão vì lòng ghen ghét, ganh tị, không tin Đấng Cứu Thế mà đã có tư tưởng và âm mưu làm chứng dối để giết người. Đó là công khai vi phạm điều răn của Thiên Chúa, là tội lỗi.

4/ Ngày nay, nếu các con có sự ghen ghét, ganh tị trong lòng với ai đó thì có thể dẫn các con đến sự vi phạm điều răn nào sau đây? (Có thể chọn một hoặc nhiều đáp án).
A, Điều răn yêu thương lẫn nhau của Đức Chúa Jesus Christ.
B,  Ngươi sẽ không phạm tội giết người.
C, Ngươi sẽ không nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận của ngươi.
D, Cả 3 đáp án trên đều đúng.

Đáp án: 4/ D

Khi các con có lòng ghen ghét, ganh tị với người khác và cứ giữ điều đó trong lòng của mình lâu ngày thì rất dễ khiến các con không còn cư xử yêu thương với người đó được nữa. Rồi dần dần muốn tìm cách làm sao để hạ thấp người đó xuống. Thậm chí là muốn người đó biến mất đi để bản thân mình được nổi trội hơn, đó là tư tưởng muốn giết người xuất hiện, là bản chất tội từ trong tư tưởng, lâu ngày sẽ biến thành hành động, trong cách các con cư xử với người khác.

Lời Chúa khẳng định cho chúng ta rằng:

“Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng, chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống vĩnh cửu ở trong mình.” (I Giăng 3:15).

5/ Con đã từng ghen ghét, ganh tị với ai đó chưa?
A, Đã từng.
B, Chưa bao giờ.

Cô nhận thấy rằng, tư tưởng ghen ghét, ganh tị với người khác này rất dễ xuất hiện trong tư tưởng của mỗi chúng ta, mình dễ bị vấp phạm ở điều này. Vậy, hôm nay học được bài học này, các con càng nên chú ý, để lòng suy xét lại và gìn giữ chính mình. Mỗi khi có tư tưởng ghen ghét hay ganh tị với một ai đó, hãy nhớ đến bài học này mà biết run sợ, lập tức ăn năn, xin Chúa cất khỏi các con tư tưởng ghen ghét, ganh tị đó. Chớ coi thường mà nghĩ rằng chỉ là một chút ghét, một chút ganh tị thôi không sao đâu. Mà hãy ghi nhớ thật kĩ bài học là xưa kia các thấy tế lễ cả và các trưởng lão cũng vì lòng ghen ghét, ganh tị đó mà dẫn đến tội giết chết Chúa Cứu Thế của cả nhân loại, thật là một tội lỗi nghiêm trọng.

Cô lấy một ví dụ thế này:

A và B đều là những người tin Chúa. Dù nhà B nghèo khó nhưng lại học giỏi hơn A nên A ghen tị trong lòng, không thích chơi với B. A thường tìm những lỗi sai của B để méc cô giáo. Đôi khi A mong muốn là B không có mặt ở trong lớp này nữa, để người khác có thể thấy được sự giỏi giang của A. Có lần có bạn trong lớp bị rơi mất tiền, dù A không biết là tiền đó sao lại mất, nhưng trong lòng A cứ nghi ngờ là do B lấy trộm tiền của bạn đó. Rồi A nói khéo để các bạn khác cũng nghi ngờ B.

Vậy, A vì lòng ganh tị, không thích của mình mà tìm cách bắt lỗi, làm tổn hại đến B. A đã cư xử không yêu thương với B. A có tư tưởng muốn B đừng có mặt ở trong lớp cũng chính là muốn B biến mất, là tư tưởng của sự giết người. A dù nói là mình tin Chúa nhưng việc làm thì lại không suy xét dựa trên Lời Chúa để làm thì A chưa thật sự thuộc về Chúa.

Như các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong câu chuyện cũng vậy, họ thông thuộc luật pháp, nhưng vì lòng ghen ghét, ganh tị che mờ con mắt thuộc linh, nên họ không còn để tâm đến luật pháp của Thiên Chúa, để rồi làm ra những việc vi phạm luật pháp Chúa.

Ngày nay các con cần luôn xem xét mọi việc làm của mình xem, mình làm như vậy có đẹp lòng Chúa không, có vi phạm điều răn luật pháp nào của Chúa không rồi hãy làm. Hãy để Lời Chúa luôn là ánh sáng, soi rọi trên mỗi việc làm của các con, để các con đi được đúng con đường mà Chúa muốn các con đi. Khi xét thấy việc làm nào vi phạm Lời Chúa thì mình không làm, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không làm. Đừng như những thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong câu chuyện, họ tự xưng mình có Chúa nhưng việc làm của họ rõ ràng là đang vi phạm luật pháp của Chúa. Như vậy là họ không thuộc về Chúa. Các con thuộc về Chúa là vì các con biết vâng giữ Lời Chúa, như lời Đức Chúa Jesus đã khẳng định:

“Con đã tỏ danh Ngài ra cho những người mà Ngài đã giao cho con từ thế gian. Họ vẫn thuộc về Ngài và Ngài đã giao họ cho con. Họ đã giữ Lời của Ngài.”  (Giăng 17:6).

Tóm lại, có 2 bài học chính mà cô muốn gửi đến các con trong tuần này để ghi nhớ:

– Không được có lòng ghen ghét, ganh tị với người khác. Nếu trong tư tưởng xuất hiện sự ganh ghét, ganh tị thì cần ngay lập tức nhân danh Đức Chúa Jesus Christ xua đuổi nó ra khỏi mình, xin Chúa từ nay đem xa khỏi mình những ý tưởng đó.

– Luôn xét xem mỗi việc mình làm có đẹp lòng Chúa không, có vi phạm Lời Chúa không rồi hãy làm.

Nguyện Lời Chúa tuần này dạy dỗ, nhắc nhở các con để các con luôn được sống nếp sống đẹp lòng Chúa, được ở trong Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh