Điều Răn Thứ Tám của Đức Chúa Trời

Grace Christian

Điều Răn Thứ Tám của Đức Chúa Trời

Ngươi sẽ không trộm cắp.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15) và (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:19).

Các con thương mến,
Điều răn thứ tám Chúa dạy chúng ta không được trộm cắp. Trộm cắp là hành động lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, gọi là “trộm” khi hành động chiếm đoạt xảy ra lúc chủ nhân ngủ mê hoặc vắng mặt, gọi là “cắp” khi chủ nhân có mặt nhưng lơ đễnh hoặc bị làm cho mất cảnh giác. Nếu công khai dùng sức mạnh hoặc đe dọa bằng vũ khí hay quyền thế để chiếm đoạt tài sản của người khác thì gọi là “cướp”.

Điều cơ bản các con cần ghi nhớ đó là: “Lấy một vật gì không phải của mình mà không được sự đồng ý của người chủ là phạm tội trộm cắp.” Hành động trộm cắp xuất phát từ lòng tham. Lòng tham là sự ưa thích một điều gì đó quá mức như tham ăn, tham tiền, tham danh tiếng…và muốn chiếm lấy làm của riêng một điều gì đó không phải là của mình, là điều Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ mười: “Ngươi sẽ không tham muốn bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận của ngươi.”

Không một hành động trộm cắp nào mà không bị lương tâm lên tiếng cáo trách. Thánh kinh cho biết luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi vào lương tâm của nhân loại. Tuy nhiên, bản chất tội lỗi khiến cho người ta dập tắt sự lên án của lương tâm để biến ý muốn trộm cắp thành hành động. Khi tiếng cáo trách của lương tâm đã bị dập tắt thì lương tâm trở nên chai lì. Một lương tâm đã chai lì sẽ tạo ra tiêu chuẩn đạo đức riêng nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Thay vì lên án hành động trộm cắp, lương tâm chai lì sẽ lên án một người không thừa cơ trộm cắp là: ngu dại, hèn nhát, bỏ lỡ cơ hội… Khi lương tâm đã chai lì, người ta có thể phạm tội trộm cắp mỗi ngày mà không còn ý thức là mình phạm tội, lại tự cho là mình khôn ngoan, khéo léo.

Có rất nhiều hình thức trộm cắp mà đôi khi người trộm cắp không ý thức được đó là hành động trộm cắp.
Ví dụ như người làm công trộm cắp thời gian của chủ khi đọc báo, xem phim, lướt web, nói chuyện điện thoại không liên quan đến công việc trong giờ làm việc. Người mua bán cân, đong, đo, đếm gian lận. Người làm thuê, làm mướn mà không hết lòng làm việc cũng là phạm tội trộm cắp tiền bạc của chủ vì chủ đã trả tiền công đầy đủ cho mình để làm việc có chất lượng và hiệu quả cho chủ.

Lời Chúa phán truyền cho con dân Chúa: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:22, 23).

Giữa vòng con dân Chúa vẫn có thể có người phạm tội trộm cắp công sức, tiền bạc, thời gian, của cải vật chất đối cùng anh chị em cùng Cha của mình khi lười biếng, ỷ lại, ích kỷ, tham lam, lợi dụng danh nghĩa con dân Chúa để thu vén cho mình. Con cái có thể phạm tội trộm cắp đối sức khỏe, thời gian, phước hạnh của cha mẹ dưới hình thức vô tâm, thờ ơ với tình yêu, sự lo lắng, sự lao nhọc mà cha mẹ đã đổ ra cho mình. Ví dụ do mình không ngoan, phạm tội khiến cho cha mẹ đau buồn. Ví dụ do mình lười biếng, bừa bộn khiến cha mẹ dù mệt nhọc với rất nhiều công việc hằng ngày vẫn phải mất thêm thời gian công sức dọn dẹp cho sự bừa bộn của mình khiến cho sức khỏe của cha mẹ hao mòn thêm lên. Con cái không ngoan, không vâng lời, không hiếu thảo, lười biếng, ỷ lại, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người con đối với cha mẹ là ăn cắp, là lấy mất, là vô tâm cướp đi thời gian, sức khỏe và sự phước hạnh mà Chúa đã ban cho cha mẹ của mình. Ngược lại người làm cha làm mẹ trong Chúa nhưng không hết lòng dạy dỗ con cái đi trong đường lối Chúa, không sống một nếp sống làm gương cho con cái biết tôn kính Chúa là phạm tội cướp đi ơn phước của con cái trong Chúa. Hoặc người làm cha mẹ không tin kính Chúa nhưng ngăn cấm bắt bớ không cho con cái tin Chúa là phạm tội cướp mất sự tự do tôn thờ Thiên Chúa của mỗi một người được sinh ra trên đất và ngược lại.

Ngoài việc trộm cắp lẫn nhau, điều đáng buồn và đáng lo hơn hết là con dân Chúa phạm tội trộm cắp đối với chính Thiên Chúa. Điển hình như trong thời kỳ tiên tri Nê-hê-mi dân I-sơ-ra-ên bỏ qua sự dâng phần mười, gian dối trong việc dâng sinh tế, mua bán với dân ngoại trong ngày Sa-bát và kết hôn với dân ngoại. Các thầy tế lễ thì tham nhũng, hối lộ, thất trách, dùng những sinh tế kém phẩm chất dâng lên cho Chúa. Đến nỗi Thiên Chúa đã phán hỏi rằng: “Người ta có thể trộm cướp Thiên Chúa sao? Mà các ngươi trộm cướp Ta. Các ngươi nói rằng: Chúng tôi trộm cướp Chúa ở đâu? Các ngươi đã trộm cướp trong các phần mười và trong các của dâng. Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi, cả nước, đều trộm cướp của Ta.” (Ma-la-chi 3:8-9).

Từ ngữ “trộm cướp” được dùng trong Ma-la-chi vừa có nghĩa là lường gạt để chiếm đoạt của cải vừa có nghĩa là ngang nhiên cướp đoạt. Trong nghĩa lường gạt thì dân I-sơ-ra-ên đã dâng lên Chúa những con vật mù, què, tật bệnh thay vì dâng lên Chúa những con vật khỏe mạnh không tì vít, để khỏi phải tốn nhiều tiền; và như thế, họ đã lường gạt để trộm cướp Chúa. Các thầy tế lễ nhận của hối lộ từ dân chúng để tiếp nhận những con vật kém phẩm chất dâng làm làm của lễ, cho nên, họ cũng dự phần trong việc lường gạt, trộm cướp Chúa. Dân chúng không dâng phần mười và các của lễ vào đền thờ theo lệnh truyền của Chúa tức là đã ngang nhiên cướp đoạt tài sản thuộc về nhà Chúa. Các thầy tế lễ ăn hối lộ để bỏ qua việc sai phạm đó, cho nên, họ cũng dự phần trong việc ngang nhiên cướp đoạt tài sản trong nhà Chúa.

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và biết hết mọi sự, thế mà con dân của Thiên Chúa dám lường gạt Ngài và ngang nhiên cướp đoạt các tài sản thuộc về đền thờ của Ngài.

Ngày nay con dân Chúa vẫn có thể sẽ phạm tội trộm cắp đối với Chúa như sau:

1: Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp thời gian của Chúa khi bỏ qua sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát, để đi đường riêng, làm theo ý riêng. Trong khi Chúa ban cho thời gian, sức khỏe, điều kiện và phán truyền cho con dân Chúa nhóm họp thờ phượng Ngài trong ngày Sa-bát.

2. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp thời gian của Chúa khi dùng thời gian Chúa ban cho mình vào những việc Chúa không bảo chúng ta làm hoặc những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống nào không đem lại ích lợi, không làm gương tốt, và không làm vinh hiển danh Chúa. Ví dụ như giao lưu ăn chơi với người ngoại, phục vụ người ngoại, dự phần cùng người ngoại làm ra những sự chống nghịch ý muốn của Thiên Chúa.

3. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp thời gian và tiền bạc của Chúa khi đóng góp thời gian và tiền bạc vào những tổ chức tôn giáo rao giảng và thực hành những điều không đúng với Thánh Kinh. Dự phần đồng công vào các tổ chức từ thiện mà người ta dùng tiền đóng góp để xây chùa cất miếu hoặc làm ra những sự trái nghịch điều răn mạng lệnh của Chúa như ủng hộ và tiếp trợ cho những tổ chức cổ vũ đồng tình luyến ái, phá thai…

4. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi không “lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo” (Ga-la-ti 6:6). Người dạy Đạo là người giảng dạy Lời Chúa cho mình khiến cho mình hiểu biết Lời Chúa và lớn lên trong đức tin. “Chia cho người dạy đạo” có nghĩa là đáp ứng nhu cầu của người dạy Đạo. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu ăn uống thì mình chia xẻ thức ăn, thức uống của mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu di chuyển thì mình chia sẻ phương tiện di chuyển của mình hoặc chia sẻ tiền bạc dùng thuê mướn phương tiện cho người đó. Nếu người dạy Đạo cần chỗ trú ngụ thì mình chia sẻ nhà cửa mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo cần tiền bạc cho các chi phí trong cuộc sống thì mình chia sẻ tiền bạc của mình cho người ấy. “Lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo” không hề có nghĩa là phân chia tài sản của mình cho người dạy Đạo và cũng không cần thiết thi hành nếu người dạy Đạo đã đủ ăn, đủ mặc và có phương tiện hầu việc Chúa.

5. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi không cứu giúp anh chị em trong Chúa lúc họ ở trong hoạn nạn hoặc nghèo thiếu, không đủ ăn, không đủ mặc. Trừ trường hợp người đó do lười biếng không chịu khó tự tay mình lao động kiếm sống lại tiêu xài hoang phí và lợi dụng danh Chúa để trục lợi từ con dân Chúa. Như Lời Chúa phán: “Kẻ trộm cắp chớ trộm cắp nữa, nhưng thà khó nhọc, làm việc lương thiện với đôi tay, để có mà giúp cho người thiếu thốn.” (Ê-phê-sô 4:28).

6. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi sống xa hoa phung phí chỉ biết hưởng thụ riêng cho chính mình và gia đình mình. Chúa ban cho chúng ta được giàu có về của cải vật chất là để chúng ta phân phát cho những người nghèo thiếu. Lời Chúa chép: “Hãy truyền cho những người giàu trong thế gian này: Họ đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi sự giàu có không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Họ hãy làm điều lành. Họ hãy giàu có trong những việc lành, sẵn sàng chia sẻ. Họ hãy dồn chứa cho họ một cái nền tốt cho thời sẽ tới, để họ được nắm lấy sự sống vĩnh cửu.” (I Ti-mô-thê 6:17-19).

Không riêng về tiền bạc của cải mà tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời này, là Chúa giao quyền quản lý cho chúng ta để chúng ta phân phát lẫn nhau theo thánh ý Chúa, nhờ đó, chúng ta mới thể hiện được tình yêu thương và mối thông công hiệp một giữa vòng anh chị em cùng Cha trong Chúa trong Hội Thánh: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).

7. Con dân Chúa sẽ phạm tội trộm cướp sự vinh quang của Chúa khi cho rằng nhờ mình hay, mình giỏi, mình siêng năng, mình khôn ngoan, mình hy sinh, mình đạo đức, mình nhân từ … nên những việc mình làm có thành quả tốt đẹp.
Nếu không phải bởi ơn Chúa ban cho một người có sức khỏe, trí khôn và điều kiện thuận lợi thì người đó sẽ không thể làm được bất cứ điều gì cả. Vì vậy mà Lời Chúa dạy con dân Chúa phải biết nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm” (Lu-ca 17:10).

Tóm lại:
Hành động trộm cắp hay trộm cướp là do phát xuất từ lòng tham. Tham lam là một trong những đặc tính của tội lỗi, của bản ngã cũ mà Thánh Kinh ví sánh với tội thờ lạy thần tượng (Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5). Con dân Chúa đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, đã trở nên giống như Chúa trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24) thì có đầy dẫy Thánh Linh, tức là năng lực của Thiên Chúa, để không tham lam. Không tham lam thì không thể cố ý vi phạm điều răn thứ tám. Tuy nhiên, nếu chúng ta không khôn ngoan, thông sáng trong Chúa thì vẫn có thể sẽ vô tình phạm tội trộm cướp lẫn nhau và trộm cướp chính Chúa như các dẫn chứng nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là khi chúng ta không biết đó là tội nên mới phạm phải. Vậy chúng ta có bị Chúa sửa phạt không? Lời Chúa trong Thánh Kinh cho chúng ta lời giải đáp như sau: “Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Vậy nên mỗi ngày chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta những tội chúng ta đã phạm mà không biết đó là tội. Không có nghĩa là chúng ta hồn nhiên vịn vào sự không biết để miệt mài trong sự phạm tội. Trái lại chúng ta cần cầu xin Chúa chỉ dạy và bày tỏ điều gì chưa đẹp ý Chúa trong chúng ta để chúng ta hết lòng cậy nhờ ơn Chúa từ bỏ. Vì “Ai ở trong Ngài thì không sống trong tội; còn ai sống trong tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.” (I Giăng 3:6).

Bốn bước cơ bản giúp con dân Chúa cai trị bản tính tham lam và tránh xa sự phạm tội trộm cắp:

1. Luôn biết thỏa lòng trong mọi sự Chúa ban cho mình. Bởi vì khi thỏa lòng trong mọi sự người đó sẽ không sanh lòng so sánh hơn thua, không nuôi lòng ganh ghét đố kỵ, không sinh lòng tham lam ham muốn những điều người khác có mà mình không có.

2. Luôn sống trong tâm tình biết ơn Chúa trong mọi sự. Khi luôn biết ơn Chúa người đó sẽ biết yêu mến và quý trọng mọi ơn phước Chúa ban cho mình, dẫn đến nếp sống muốn làm đẹp lòng Chúa, muốn làm theo mọi Lời phán dạy của Chúa, luôn làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho mình như sẵn sàng chia sẻ cho người khác những gì mình có, như chia áo mặc, chia phần ăn…. Nhất là chia sẻ và làm chứng về ơn cứu rỗi của Chúa để người khác cũng nhận được ơn thương xót của Chúa như mình.

3. Luôn yêu thương và xem người khác là tôn trọng hơn mình. Khi biết yêu thương và xem người khác là tôn trọng hơn mình thì người đó sẽ nghĩ đến lợi ích cho người khác, sẽ sẵn sàng hy sinh lợi ích của chính mình vì người khác, sẽ không làm tổn hại đến người khác ngay cả trong tư tưởng.

4. Luôn siêng năng, chớ làm biếng, phải có lòng sốt sắng, phải hầu việc Đức Chúa Trời.
Và như vậy, vì yêu kính Chúa, yêu người lân cận. Vì vâng phục Chúa muốn làm cho Chúa đẹp lòng, con dân Chúa sẽ ra sức làm lành, luôn hy sinh san sẻ, không tư kỷ, không thờ ơ vô cảm, không lên mình kiêu ngạo, không tham lam. Trái lại luôn san sẻ những gì mình có, nhờ đó con dân Chúa sẽ không phạm tội trộm cắp vì hành động trộm cắp hay trộm cướp phát xuất từ lòng tham lam, tính ích kỷ, sự lười biếng nhưng lại muốn vun vén cho mình, muốn chiếm đoạt những điều không thuộc về mình.

Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng.” (Ma-thi-ơ 15:19).

Vì thật là từ bên trong, từ lòng người mà ra những ác tưởng, ngoại tình, tà dâm, giết người, trộm cắp, tham lam, ý xấu, gian trá, phóng đãng, con mắt độc ác, phạm thượng, kiêu ngạo, ngu dại.” (Mac 7:21-22).

Qua hai câu Thánh Kinh trên Lời Chúa khẳng định kẻ trộm cướp là những kẻ có ác tưởng trong lòng.

Nguyện các con luôn biết kính yêu Chúa, luôn sống đẹp lòng Chúa, luôn chiếu ra sự vinh quang của Chúa qua nếp sống mỗi ngày bằng cách ghi nhớ và thực hành Lời Chúa trong từng cách ăn nếp ở của mình.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa giúp các con luôn biết thỏa lòng trong mọi ơn phước Chúa ban để không tham lam, ích kỷ mà phạm tội trộm cắp lẫn nhau và trộm cắp chính Chúa.

Nguyện đời đời trời, đất, biển và muôn loài vạn vật mà nó chứa đều tôn vinh, ca ngợi và chúc tụng danh cao quý của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, là Thiên Chúa kính yêu của chúng con ở trên các tầng trời rất cao!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian.
Ngày 13/01/2024.
(Bài chia sẻ dựa trên sự giảng dạy của người chăn Huỳnh Christian Timothy)

One Reply to “Điều Răn Thứ Tám của Đức Chúa Trời”

Để lại một bình luận