Điều Răn Thứ Mười của Đức Chúa Trời

Grace Christian

Điều Răn Thứ Mười của Đức Chúa Trời

Ngươi sẽ không tham muốn nhà kẻ lân cận của ngươi. Ngươi sẽ không tham muốn vợ kẻ lân cận của ngươi, hoặc tôi trai, hoặc tớ gái, hoặc bò, hoặc lừa, hoặc bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17). (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21).

Điều răn thứ mười dạy chúng ta không được tham muốn những gì không thuộc về chúng ta.

Từ ngữ “tham muốn” theo từ điển tiếng Việt có nghĩa “ưa thích”, “ham muốn” hoặc “khao khát”. Và khi dùng để nói lên sự ham muốn không chính đáng thì gọi là “tham muốn”.

Sự ham muốn hoặc khao khát tự mình nó không sai, vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta với bản tính biết ham muốn. Lời Chúa trong sách Thi Thiên 19:9-10 ghi rằng: “Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là trong sạch, còn mãi; các sự phán xét của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là chân thật, hết thảy đều công chính cả. Các điều ấy đáng chuộng hơn vàng, thật hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.

Từ ngữ “đáng chuộng” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có thể dịch là: “đáng ưa chuộng,” “đáng ham muốn,” “đáng khao khát.” Nếu chúng ta không có bản tính ham muốn thì chúng ta sẽ không biết ham muốn Chúa và Lời Chúa, không biết ham muốn những sự công bình và thánh sạch, không biết ham muốn nếp sống phước hạnh và đẹp lòng Thiên Chúa.
Như vậy, điều răn thứ mười không cấm chúng ta ham muốn nhưng Chúa cấm chúng ta ham muốn những gì thuộc về người khác.

Hậu Quả của Sự Ham Muốn Sai Trái.

Sự ham muốn không đặt dưới sự soi sáng của Lời Chúa, không xuất phát từ tấm lòng kính sợ Chúa, không dựa theo tiêu chuẩn công chính, thánh khiết, yêu thương của Chúa sẽ biến thành lòng tham muốn sai trái dẫn đến các hành động vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Câu chuyện về sự ham muốn sai trái của bà Ê-va. (Sáng Thế Ký 2:15-17 ; Thế Ký 3:1-8):

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người rằng: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.

Nhưng Sa-tan trong hình dáng con rắn đã nói dối với bà Ê-va rằng: “Ngươi sẽ chẳng chết đâu; nhưng Thiên Chúa biết rằng, trong ngày các ngươi ăn, mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.

Tin lời con rắn. Bà Ê-va thấy cây ấy trái ăn ngon, lại đẹp mắt, là cây đáng chuộng vì để mở trí khôn, thì hái trái, ăn, rồi cũng trao cho chồng ở gần mình, chồng cũng ăn.

Hành động hái và ăn trái của cây mà Thiên Chúa không cho phép ăn. Bà Ê-va đã phạm các tội như sau:

1/ Không vâng lời Thiên Chúa, làm điều Chúa cấm làm.

2/ Ham muốn một điều không thuộc về mình. (Chính là vi phạm điều răn thứ mười mà chúng ta đang học hôm nay.).

3/ Thờ lạy thần tượng (vi phạm điều răn thứ nhì) vì Thánh Kinh (Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5) gọi những sự ham muốn sai trái là tham lam và gọi tham lam tức là thờ thần tượng .

4/ Không tôn kính cha mẹ (vi phạm điều răn thứ năm). Lu-ca 3:38 cho chúng ta biết “A-đam con Đức Chúa Trời,” cho nên, bà Ê-va vừa phạm tội không tôn kính Thiên Chúa vừa phạm tội không tôn kính cha mẹ.

5/ Khi bà Ê-va không vâng lời Chúa khiến cho bà có hành động “trộm cắp” (là vi phạm điều răn thứ tám) bởi bà đã hái ăn trái của cây thuộc về Thiên Chúa và Chúa đã có cấm bà ăn đến.

6/ Khi ăn bà cũng trao cho chồng cùng ăn nên bà phạm tội “giết người, giết chính bà và giết chồng bà là A-đam (vi phạm điều răn thứ sáu).

7/ Đồng thời bà Ê-va cũng đã phạm tội “cám dỗ và khiến cho người khác phạm tội.” (Lu-ca 17:1).

Ngoài ra, lòng ham muốn sai trái của bà Ê-va đã dẫn đến hậu quả là sự đau khổ và sự chết cho toàn thể loài người.

Ý Nghĩa của Điều Răn Thứ Mười.

Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta biết nguồn gốc của mọi tội lỗi phát sinh từ những sự ham muốn bất chính trong lòng của chúng ta.

Khoảng 4,300 năm trước, Thiên Chúa đã phán về tấm lòng của loài người như sau: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thấy sự gian ác của loài người rất nhiều trên đất, tất cả những ý tưởng của lòng họ chỉ là gian ác luôn” (Sáng Thế Ký 6:5).

Khoảng 2,600 năm trước, Thiên Chúa lại phán: “Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa; ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9).

Khoảng 2,000 năm trước, Đức Chúa Jesus Christ phán: “Vì thật là từ bên trong, từ lòng người mà ra những ác tưởng, ngoại tình, tà dâm, giết người, trộm cắp, tham lam, ý xấu, gian trá, phóng đãng, con mắt độc ác, phạm thượng, kiêu ngạo, ngu dại. Hết thảy những điều độc ác ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.” (Mác 7:21-23).

Từ ngữ “những ác tưởng,” tức là những tư tưởng ác, những ý nghĩ tội lỗi đứng đầu các hành vi tội lỗi, bởi vì, từ các ác tưởng mà sinh ra các việc ác. Gia-cơ 1:14-15 giải thích tiến trình dẫn đến sự phạm tội và hậu quả của sự phạm tội như sau:
“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.”.

Điều răn thứ mười nêu lên sáu phương diện mà chúng ta có thể ham muốn bất chính dẫn đến sự phạm tội.

1. Phương diện thứ nhất: Ham muốn chồng hoặc vợ của người khác.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng các điều răn và mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa là dành chung cho tất cả mọi người. Nên điều răn thứ mười khi áp dụng cho một người đàn ông thì là: “Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình,” còn khi áp dụng cho một người đàn bà thì là: “Ngươi chớ ham muốn chồng của kẻ lân cận mình.”
Ý nghĩa của điều răn thứ mười là Thiên Chúa nghiêm cấm chúng ta có lòng ham muốn sai trái bất cứ những gì không thuộc về chúng ta, và Ngài nêu lên một số chi tiết điển hình, như ham muốn: vợ, nhà, ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa… của người lân cận.
Từ ngữ “điều chi” bao gồm tất cả những gì đã được liệt kê trước đó và tất cả những gì không được liệt kê; nghĩa là: hễ người nào, vật nào, việc nào, sự nào thuộc về của người khác thì chúng ta không được ham muốn.

2. Phương diện thứ nhì: Ham muốn gia đình của người khác. Từ ngữ “nhà” được dùng trong điều răn thứ mười có nghĩa hẹp là nơi cư trú nhưng có nghĩa rộng là gia đình. Vì thế, chẳng những chúng ta không được ham muốn nhà ở của người khác mà chúng ta cũng không được ham muốn những gì thuộc về gia đình của người khác. Những gì thuộc về một gia đình bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, nhà ở và mọi vật dụng trong gia đình.

3. Phương diện thứ ba: Ham muốn phương tiện sinh sống của người khác. Bao gồm tất cả những gì liên quan đến nghề nghiệp và phương tiện sinh sống. Như ruộng đất, nhà xưởng, xe cộ, danh tiếng, trí tuệ.

4. Phương diện thứ tư: Ham muốn nhân lực của người khác. Danh từ “tôi trai tớ gái” có thể dùng để chỉ những nô lệ được chủ bỏ tiền ra mua về mà cũng có thể dùng để chỉ những người được thuê mướn làm việc. Vì thế, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn nhân lực của người khác.

5. Phương diện thứ năm: Ham muốn tài sản của người khác. Bò và lừa tiêu biểu cho tài sản, vật lực, cho nên, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn tài sản, vật lực của người khác chứ không chỉ riêng bò và lừa.

6. Phương diện thứ sáu: Ham muốn bất cứ điều chi thuộc về người khác. Năm phương diện được liệt kê trên đây là những điều cụ thể mà chúng ta đối diện thường ngày trong cuộc sống, được Thiên Chúa nêu ra để làm thí dụ. Vì vậy các con cần hiểu rằng điều răn thứ mười hàm ý Chúa cấm chúng ta không được ham muốn bất chính những sự thuộc về người khác bao gồm tất cả những gì không có liệt kê trong điều răn thứ mười. Nói cách khác, điều răn thứ mười có thể được rút gọn như sau: “Ngươi sẽ không tham muốn bất cứ điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.”

Phương Cách Đắc Thắng Lòng Ham Muốn Bất Chính.

Chúng ta không thể dùng sức riêng để chiến thắng lòng ham muốn bất chính. Thánh Kinh dạy rằng chúng ta phải nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời để đánh đổ mọi lý luận, mọi sự tự cao nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa và nhờ đó mà khiến cho các ý tưởng của mình vâng phục Đấng Christ như những kẻ nô lệ vâng phục chủ.

Chỉ khi nào trong chúng ta không còn những lý luận nghịch lại Lời Chúa, không còn dựa vào sự khôn ngoan tri thức của thế gian, và hoàn toàn để cho Đấng Christ làm chủ mọi suy tưởng của chúng ta thì chúng ta mới có thể thực hành được lời Chúa dạy trong điều răn thứ mười:

Ngươi sẽ không tham muốn nhà kẻ lân cận của ngươi. Ngươi sẽ không tham muốn vợ kẻ lân cận của ngươi, hoặc tôi trai, hoặc tớ gái, hoặc bò, hoặc lừa, hoặc bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17). (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21)

Kết Luận
Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng trong cuộc sống, nó khiến cho chúng ta không biết tiếp nhận và thỏa vui với những gì Chúa đã ban cho chúng ta mà cứ hướng lòng theo đuổi những gì thuộc về người khác. Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng về người khác, nó khiến cho chúng ta đầy lòng ganh tỵ với những người chung quanh khi họ sở hữu những điều mà chúng ta ham muốn. Trên hết, lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng với Chúa, nó khiến cho chúng ta không biết cảm tạ những điều Chúa đã ban cho chúng ta và oán trách Chúa những gì chúng ta ham muốn mà không có được.

Câu chuyện về Ca-in và A-bên. (Sáng Thế Ký 4:2-26).

Vì sao Ca-in giận Chúa và gằm nét mặt xuống? Vì sao Ca-in giết em mình?

– Thứ nhất là vì Ca-in đã không có tấm lòng kính sợ Thiên Chúa, không tôn kính Thiên Chúa, không hoàn toàn vâng phục và làm theo thánh ý Thiên Chúa.

– Thứ nhì là bởi vì lòng kiêu ngạo, tự cho mình là anh, là người con lớn trong gia đình, là một trưởng nam, mình phải là người giỏi nhất, được yêu quý nhất. Nhưng giờ đây Ca-in đã mất vị trí đó trước mặt Thiên Chúa, khiến ông oán giận Chúa và gằm nét mặt xuống.

– Thứ ba do lòng ganh ghét đố kỵ với vị thế và sự đẹp lòng Đức Chúa Trời của A-bên trong Ca-in lớn đến nỗi Ca-in đã ra tay giết chết em mình.

– Thứ tư là vì Ca-in tham muốn điều đẹp lòng Thiên Chúa của A-bên là điều ông không có được. Bởi vì nguyên nhân gốc rễ của sự ganh ghét đố kỵ đối với người khác chính là lòng tham muốn điều thuộc về người mà mình không có được.

Lời Chúa chép: “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15).

Vì vậy, con dân Chúa cần phải luôn luôn nuôi dưỡng tấm lòng tôn kính Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa và thỏa lòng trong Thiên Chúa. Nếu các con không tôn kính và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, không thỏa lòng với những ơn phước Chúa ban cho mình thì chắc chắn tấm lòng các con sẽ sinh ra sự kiêu ngạo, tham lam, ganh ghét đố kỵ, ham muốn bất chính và cuối cùng dẫn đến hành động trộm cướp, giết người cùng phạm mọi điều gian ác khác.

Vậy làm cách nào để chúng ta thắng được lòng ham muốn sai trái?
Trước nhất như đã nói: Các con phải có lòng kính sợ Thiên Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa. Sau đến là sự vững tin vào Lời Chúa, nương cậy nơi sức toàn năng của Ngài, và thỏa lòng trong sự Chúa ban cho các con hoặc Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của các con. Kế đến là lòng yêu thương người khác như chính mình, không nhìn vào đời sống của người khác và sinh lòng so sánh. Và biết cậy nhờ ơn Chúa giúp mình không ganh ghét đố kỵ và không tham muốn bất cứ điều chi thuộc về người khác.

Lời Chúa phán: “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn, Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi. Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.” (I Ti-mô-thê 6:6-10).

Những sự ham muốn đẹp lòng Đức Chúa Trời.

1/ Ham thích Lời Chúa, vì Lời Chúa là thiêng liêng quý hơn vàng ròng, ngọt hơn mật ong, bổ linh hồn lại, ban sự khôn sáng, khiến lòng vui mừng, làm cho mắt sáng sủa.
Như Lời Chúa có chép: “Hãy thèm muốn sữa thật của Lời, để cho các anh chị em nhờ đó lớn lên!” (I Phi-e-rơ 2:2b).

2/ Ham muốn yêu kính Chúa ngày càng hơn, gần gũi Chúa ngày càng hơn.
Và tôi cứ ở cùng Ngài luôn. Ngài đã nắm lấy tay phải của tôi. Ngài sẽ dẫn dắt tôi với sự khuyên dạy của Ngài; rồi sau đó, tiếp đón tôi trong sự vinh quang. Ở trên các tầng trời tôi có ai ngoài Ngài? Còn ở dưới đất, ngoài Ngài tôi chẳng ước ao chi.” (Thi-thiên 73:23-25).

3/ Ham muốn tri thức về Thiên Chúa. “Để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu; được cùng với các thánh đồ học biết bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao là thế nào; và được biết tình yêu của Đấng Christ vượt hơn trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 3:17-19).

4/ Ham muốn sự khôn sáng ban cho từ Chúa để nhận biết ý muốn Chúa và lắng nghe được tiếng Chúa.

5/ Ham muốn năng lực ban cho từ Chúa để luôn vừa muốn vừa làm theo ý Chúa trong mọi sự.

6/ Ham muốn luật pháp Chúa và hết lòng giữ gìn chứng cớ Chúa.

7/ Ham muốn mọi thứ phước thiêng liêng từ trời là những sự không hư đi, không ô uế, không suy tàn và được để dành trong các tầng trời cho hết thảy những ai yêu kính Chúa.

Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.” (Cô-lô-se 3:1-2).

Nguyện qua bài học Lời Chúa hôm nay giúp các con biết ham muốn những sự đẹp lòng Chúa.
Nguyện Lời Chúa nuôi dưỡng các con ngày càng trưởng thành trong sự tri thức về Chúa, có năng lực sống theo Lời Chúa để đời sống của các con luôn như một của lễ có thức hương thơm kính dâng lên Chúa làm tôn vinh danh Chúa và làm đẹp lòng Chúa.

Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng.

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi.
Cô, Grace Christian.
Ngày 27/01/2024.

(Bài chia sẻ dựa trên sự giảng dạy của người chăn Huỳnh Christian Timothy.)

One Reply to “Điều Răn Thứ Mười của Đức Chúa Trời”

Để lại một bình luận