Grace Christian
Các Dòng Con của Tổ Phụ Áp-ra-ham
(Sáng Thế ký chương 25: 1-6 và câu 12- 26)
1 Áp-ra-ham cưới một người vợ khác, tên là Kê-tu-ra.
2 Người sinh cho Áp-ra-ham Xim-ram, Giốc-chan, Mê-đan, Ma-đi-an, Dích-bác và Su-ách.
3 Giốc-chan sinh Sê-ba và Đê-đan; con cháu của Đê-đan là họ A-chu-rim, họ Lê-tu-chim và họ Lê-um-mim.
4 Con trai của Ma-đi-an là Ê-pha, Ê-phe, Ha-nóc, A-bi-đa và En-đa. Các người trên đây đều là dòng dõi của Kê-tu-ra.
5 Áp-ra-ham cho I-sác hết thảy gia tài mình; còn cho các con dòng thứ những tiền của;
6 rồi, khi còn sống, người sai họ qua đông phương mà ở, cách xa con dòng chính, là I-sác.
Như vậy Thánh Kinh cho chúng ta biết sau khi Sa-ra qua đời, Áp-ra-ham cưới một người vợ khác tên là Kê-tu-ra. Người sinh cho Áp-ra-ham sáu người con lần lượt tên là : Xim-ram, Giốc-chan, Mê-đan, Ma-đi-an, Dích-bác và Su-ách.
Áp-ra-ham cho I-sác hết thảy gia tài mình; còn cho các con dòng thứ những tiền của; rồi, khi còn sống, người sai họ qua đông phương mà ở, cách xa con dòng chính, là I-sác.
Dòng Dõi của Ích-ma-ên
12 Đây là dòng dõi của Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham, do nơi nàng A-ga, người Ê-díp-tô, tớ gái của Sa-ra, đã sinh.
13 Và đây là tên các con trai của Ích-ma-ên, sắp thứ tự theo ngày ra đời: Con trưởng nam của Ích-ma-ên là Nê-ba-giốt; kế sau Kê-đa, Át-bê-ên, Mi-bô-sam,
14 Mích-ma, Đu-ma, Ma-sa,
15 Ha-đa, Thê-ma, Giê-thu, Na-phích, và Kết-ma.
16 Đó là các con trai của Ích-ma-ên và tên của họ tùy theo làng và nơi đóng trại mà đặt. Ấy là mười hai vị công hầu trong dân tộc của họ.
17 Ích-ma-ên hưởng thọ được một trăm ba mươi bảy tuổi, rồi tắt hơi mà qua đời, được quy về nơi tổ tông.
18 Dòng dõi người ở trước mặt anh em mình, từ Ha-vi-la cho đến Xu-xơ, đối ngang Ê-díp-tô, chạy qua A-si-ri.
Dòng Dõi của I-sác
19 Đây là dòng dõi của I-sác, con trai Áp-ra-ham. Áp-ra-ham sinh I-sác.
20 I-sác được bốn mươi tuổi khi ông cưới Rê-bê-ca, con gái của Bê-tu-ên, người A-ra-mai, xứ Pha-đan-a-ram, và là em gái của La-ban, người A-ra-mai, làm vợ.
21 I-sác khẩn cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho vợ mình, vì nàng son sẻ. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê-bê-ca thọ thai.
22 Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu thật vậy, cớ sao điều này xảy đến làm gì? Kế đó nàng đi hỏi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
23 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với nàng: Hai nước trong bụng của ngươi và hai dân sẽ được phân chia từ trong lòng ngươi. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.
24 Đến ngày sinh nở của nàng, này trong bụng của nàng có thai đôi.
25 Đứa ra trước đỏ hồng, lông cùng mình như một áo khoác lông. Họ đặt tên cho nó là Ê-sau. [Ê-sau nghĩa là nhiều lông.]
26 Kế đó, em trai nó ra, tay nắm lấy gót chân của Ê-sau; và tên nó được gọi là Gia-cốp. I-sác được sáu mươi tuổi khi nàng sinh ra chúng.
Các con thương mến,
Chúng ta vừa học sơ lược về ba dòng con của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta nhận thấy Thánh Kinh không mô tả nhiều chi tiết về các con của Áp-ra-ham do Kê-tu-ra sinh ra, cũng như Ích-ma-ên do A-ga người Ê-díp-tô, nàng hầu của Sa-ra sinh ra, ngoài tên họ, dòng tộc và vùng đất mà họ sinh sống. Nhưng Thánh Kinh lại giải bày cho chúng ta hiểu rõ hơn về dòng dõi của I-sác, đứa con mà Chúa đã hứa ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra. Qua đó chúng ta rút ra được ý nghĩa và những bài học sau đây:
1/ Sự thành tín và công chính của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời giữ sự thành tín, công chính và lòng yêu thương của Ngài đối cùng Áp-ra-ham là người tin kính Chúa. Ngài làm thành những điều Ngài đã phán với Áp-ra-ham ban cho Ích-ma-ên mười hai người con và làm cho họ trở thành một dân lớn. Như Lời Ngài đã phán:
“Nhưng Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham rằng: Ngươi chớ buồn bực vì con trai và tớ gái ngươi. Sa-ra nói thế nào, hãy nghe theo tiếng người nói; vì do nơi I-sác sẽ sinh ra dòng dõi lưu danh ngươi. Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của tớ gái trở nên một dân, vì nó cũng do một nơi ngươi mà ra.” (Sáng Thế Ký 21:12-13).
“Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông đối mặt cùng hết thảy anh em mình.” (Sáng Thế Ký 16:12).
Bài học rút ra:
Thứ nhất Đức Chúa Trời giữ sự giao ước đời đời và làm thành mọi điều Ngài phán hứa. Như có chép: “Ngài đời đời nhớ đến sự giao ước của Ngài, Ngài hồi tưởng lời phán dặn của Ngài cho đến ngàn đời, tức là giao ước Ngài đã lập với Áp-ra-ham, đã thề cùng I-sác.” (Thi-thiên 105:8-9).
Thứ hai chính Chúa là Đấng đoán định thời gian nơi chốn đời người, để loài người nhận biết quyền tể trị của Đấng Tạo Hóa mình mà có lòng kính sợ Ngài và bước đi trong đường lối Ngài, để họ được hưởng mọi phước hạnh trong đời sống, là điều mà Ngài đã dành ban cho họ từ buổi đầu sáng thế.
Như có chép: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong nó “Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ; để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa khỏi mỗi một người trong chúng ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:26-27).
2/ I-sác khẩn cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Thánh Kinh Sáng thế ký 25:20 cho biết I-sác cưới nàng Rê-bê-ca là người vợ mà Đức Chúa Trời đã chọn cho ông. Nhưng sau gần hai mươi năm Rê-bê-ca vẫn chưa sinh con. Theo niềm tin của dân Do Thái ngày xưa, không có con là điều đau buồn, hổ thẹn và là sự không được phước từ Thiên Chúa. Như có chép: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà ra. Bông trái của tử cung là phần thưởng từ Ngài” (Thi-thiên 12:3). Tuy nhiên trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta không thấy I-sác lẫn Rê-bê-ca có lời oán trách Thiên Chúa, có sự tỏ lòng so sánh tị hiềm hoặc mất đức tin nơi Thiên Chúa. Trái lại I-sác bình an phó dâng đời sống mình trong sự tể trị của Thiên Chúa y như cái cách mà ông đã bằng lòng để cha mình là Áp-ra-ham trói và dâng ông làm của lễ thiêu lên Thiên Chúa vậy.
Lời Chúa chép: “I-sác khẩn cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho vợ mình, vì nàng son sẻ.”
Mặc dù chỉ qua một câu Thánh Kinh ngắn gọn đơn giản, nhưng cho chúng ta thấy I-sác đã noi theo tấm gương cha mình là Áp-ra-ham trong sự tin kính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trong sự đặt đức tin trọn vẹn và hết lòng nương cậy Thiên Chúa qua thái độ kiên trì bền bỉ cầu nguyện Chúa suốt hai mươi năm cho nan đề mà vợ chồng ông gặp phải.
Chính qua đời sống cầu nguyện đó nói lên hai điều có ở I-sác:
-Thứ nhất là I-sác biết rõ ý muốn của Đức Chúa Trời. Ông biết rõ Lời hứa của Đức Chúa Trời đối với cha ông là Áp-ra-ham. Ông biết rằng ông chính là đứa con kế tự của Lời hứa đó.
-Thứ hai là I-sác tin vào sự toàn năng và thành tín của Đức Chúa Trời. Ông tin Ngài sẽ làm thành lời hứa của Ngài trên ông và trên dòng dõi ông y như những gì Ngài phán hứa cùng cha ông là Áp-ra-ham. Ông tin Ngài sẽ làm cho dòng dõi ông trở nên đông như sao trên trời như các bờ biển.
Bài học rút ra:
Không phải lúc nào Chúa cũng ban cho đời sống của những người tin kính Chúa mọi điều như lòng mong muốn, trái lại có đôi khi Ngài cho phép những đau buồn, hoạn nạn, khó khăn xảy đến nhằm thử thách đức tin của họ, để khi họ vượt qua được cơn thử rèn thì Ngài làm thành thánh ý của Ngài trên họ. Nếu nhìn bằng con mắt xác thịt theo thế gian đời này chúng ta sẽ thấy dường như Đức Chúa Trời không ban phước về con cái cho I-sác nhiều bằng Ích-ma-ên. Tuy nhiên, I-sác đã cho chúng ta tấm gương về sự yêu mến, kính sợ và bền lòng tin cậy nơi Chúa. Ông cầu khẩn, dâng trình, phó thác lên Chúa mọi sự trong sự bình an và chờ đợi Chúa hành động theo thánh ý Ngài. Qua đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm thành chương trình và ý định của Ngài trên ông, từ trong dòng dõi I-sác Chúa đã chọn ra một dân thánh, một nước thầy tế lễ cho Ngài . Như có chép: “Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ là cơ nghiệp quý báu của Ta, vì cả trái đất thuộc về Ta. Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân thánh cho Ta. Đó là những lời mà ngươi sẽ nói cho con cháu của I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6).
Cũng một thể ấy, ngày nay những người thật lòng tin cậy nơi Chúa, ăn năn từ bỏ tội, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng vâng phục và luôn bước đi trong đường lối Ngài với sự thành tâm, trung tín, tin cậy thì cũng được Ngài chọn lựa và ban cho địa vị làm những vua, những thầy tế lễ cho Ngài, làm một dân thánh thuộc về Ngài. Như có chép: “Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).
3/ Sự lắng nghe, đoái xem và nhậm lời của Chúa trên những ai biết cầu khẩn danh Ngài
Thánh Kinh chép: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê-bê-ca thọ thai.”. Điều này dạy cho chúng ta hiểu rằng sự tha thiết bền lòng cầu khẩn Đức Chúa Trời trong suốt gần 20 năm của I-sác cho sự son sẻ của vợ mình đến nỗi đã cảm động Chúa và Ngài đã cho Rê-bê-ca thọ thai. Không những vậy, Chúa còn làm cho dòng dõi ông trở thành một dân lớn và là nguồn phước cho toàn thể nhân loại như chúng ta biết ngày nay.
Bài học rút ra:
Chúa luôn lắng nghe, đoái xem và nhậm lời cầu khẩn của những người trông cậy Ngài. Vì như lời Chúa phán: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng làm nên sự này, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng tạo và lập sự này, danh Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, phán như vầy: Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho; Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” (Giê-rê-mi 33:2-3).
Tuy nhiên có ba nguyên tắc cần chú ý để những lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa nhậm lời:
-Thứ nhất phải có lòng tin.
“Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động. Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.” (Gia-cơ 1:6-7).
-Thứ hai phải thuộc về Ngài để biết dâng trình những lời cầu xin phải lẽ và đẹp ý Chúa.
“Nếu các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời của Ta vẫn ở trong các ngươi; nếu các ngươi cầu xin điều các ngươi muốn thì điều ấy sẽ xảy ra cho các ngươi.” (Giăng 15:7).
“Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.” (I Giăng 5:14).
-Thứ ba là phải bền lòng vì sự nài sinh tha thiết trong sự bền lòng bày tỏ tấm lòng trọn thành và đức tin trọn vẹn vào sự toàn năng của Thiên Chúa, là điều làm tôn vinh danh Chúa và đẹp lòng Chúa. Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho những kẻ có lòng thành ngày đêm kêu xin Ngài.
“Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử Ký 16:9a).
4/ Sự toàn tri của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Chúa nhậm lời cầu khẩn của I-sác cho nàng Rê-bê-ca thọ thai. Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, nên nàng đi đến Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và cầu hỏi Ngài: “cớ sao điều này xảy đến làm gì?”
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với nàng: Hai nước trong bụng của ngươi và hai dân sẽ được phân chia từ trong lòng ngươi. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.” (Sáng Thế Ký 25:22-23).
Qua sự kiện trên Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta lẽ thật: Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri và toàn tại. Ngài biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai mai sau, Ngài biết rõ hết thảy mọi sự đã đang và sẽ xảy ra như thế nào trong toàn cõi vũ trụ. Bởi Ngài là Đấng cầm quyền và tể trị trên muôn loài vạn vật do tay Ngài tạo ra. Ngài biết rõ từng chi tiết về tâm tánh của chúng ta ngay từ khi chúng ta được hoài thai trong lòng mẹ. Không những vậy, Ngài còn biết rõ tương lai ngày sau của chúng ta sẽ ra sao. Tuy nhiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do lựa chọn, nếu chúng ta chọn hết lòng tôn kính, thờ phượng và vâng phục Ngài thì Ngài sẽ chọn chúng ta, cho chúng ta được thuộc về Ngài và được Ngài dùng như công cụ công bình trong tay Ngài.
Như có chép:
“Trước khi Ta tạo nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi.Trước khi ngươi ra khỏi tử cung, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã lập ngươi làm tiên tri cho các nước.” (Giê-rê-mi 1:5).
“Vì Ngài đã sở hữu tâm thần của tôi. Ngài đã dệt nên tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi sẽ tôn vinh Ngài, vì tôi đã được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc của Ngài là siêu việt, linh hồn tôi biết rõ lắm. Thể chất của tôi đã không giấu khỏi Ngài khi tôi được tạo ra trong nơi kín nhiệm, được dệt nên trong nơi thấp của đất. Mắt của Ngài đã thấy thể chất chưa thành hình của tôi. Trong sách của Ngài, đã ghi khắc tất cả các ngày được hình thành của tôi, khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy.” (Thi-thiên 139:13-16).
Bài học rút ra:
-Trước sự uy nghiêm cả thể, toàn năng, toàn tri, toàn tại một cách đáng kính sợ của Thiên Chúa.
-Trước sự Thiên Chúa nhìn biết và thấu tỏ mọi sự kính giấu trong tấm lòng loài người.
-Trước sự thành tín, yêu thương, đoái xem và nhậm lời trên những ai biết cầu khẩn danh Ngài.
-Trước sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu luôn làm thành mọi ý muốn cùng sự đoán định của Ngài trên loài người trong sự ban ơn hoặc giáng phạt một cách công chính và nghiêm khắc.
Chúng ta cần phải biết lấy lòng kính sợ run rẩy mà làm nên sự cứu chuộc của mình, cần phải bước đi với Chúa cách thành tâm và trung tín, cần phải biết kêu cầu Chúa, dâng trình lên Chúa mọi sự trong sự cậy trông và phó thác, trong sự vững tin vào sự quan phòng, tể trị, ban ơn xuống phước của Chúa trên đời sống của chúng ta. Vì:
“Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi-thiên 33:18).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài.” (Thi Thiên 145:18).
Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho cô được học hỏi Lời Chúa cùng các con hôm nay.
Nguyện Chúa yêu thương, thánh hóa, nuôi dưỡng và gìn giữ các con cùng cô luôn bước đi trong đường lối của Chúa, luôn biết kính sợ Chúa và luôn biết hết lòng tin cậy phó thác đời sống mình trong cánh tay toàn năng yêu thương của Chúa.
Nguyện tình yêu bao la của Đức Chúa Cha, ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Jesus Christ và sự thông công hành động nhiệm mầu của Đức Thánh Linh luôn bao phủ mỗi một chúng con từ nay cho đến mãi mãi.
Nguyện vinh quang,vinh hiển, quyền phép, sự cao quý cùng hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian
Sa-bát Thứ Bảy, ngày 06/04/2024.