Ê-sau Khinh Quyền Trưởng Nam

Grace Christian


Ê-sau Khinh Quyền Trưởng Nam

Sáng Thế Ký chương 25: 27-34

Câu gốc: “Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời!… hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình.” (Hê-bơ-rơ 12:15a và 16b).

Các con thương mến,
Qua phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế ký chương 25: 27-34 cô mời các con cùng tìm hiểu các ý sau đây:

1/ Quyền trưởng nam là gì? Lời Chúa dạy như thế nào về quyền lợi và bổn phận của người trưởng nam trong gia đình?

Về thuộc thể: Thánh Kinh cho chúng ta biết địa vị của một người trưởng nam trong gia đình người Do Thái khi xưa rất là cao trọng, ngay cả người làm cha cũng không được phép trao quyền trưởng nam cho con trai của người vợ được thương thế cho con trai của người vợ bị ghét nếu nó vốn là trưởng nam, và phải chia gấp đôi mọi vật thuộc về mình cho con ấy, vì con ấy vốn là sự đầu tiên của sức mạnh của người cha. Lời Chúa phán như sau:

Khi một người nam nào có hai vợ, vợ này được thương, vợ kia bị ghét, nhưng cả hai đều có sinh con cho ngươi, và con trưởng nam thuộc về vợ bị ghét, khi ngươi chia sản nghiệp cho các con mình, thì chẳng được phép trao quyền trưởng nam cho con trai của vợ được thương thế cho con trai của vợ bị ghét, bởi nó vốn là trưởng nam. Nhưng ngươi phải nhận con trai của vợ bị ghét làm con đầu lòng, chia phần gấp đôi về mọi vật thuộc về mình; vì nó vốn là sự đầu tiên của sức mạnh ngươi; quyền trưởng nam thuộc về nó vậy.” (Phục-truyền-luật-lệ Ký 21:15-17).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Trong vòng dân I-sơ-ra-ên bất luận người hay vật, hãy vì Ta biệt riêng ra thánh mọi con đầu lòng; bởi con đầu lòng thuộc về Ta.” (Xuất-ê-díp-tô Ký 13:1-2).

Khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã đưa ngươi vào bờ cõi xứ Ca-na-an, như Ngài đã thề cùng ngươi, và tổ phụ ngươi, khi Ngài đã ban xứ đó cho rồi, thì hãy đem dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu những con trưởng nam cùng cả con đầu lòng đực của súc vật ngươi, vì chúng nó đều sẽ thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Xuất-ê-díp-tô Ký 13:11-12).

Đây là luật về mọi con đầu lòng từ người cho đến súc vật do chính Đức Chúa Trời phán dặn Môi-se truyền dạy dân I-sơ-ra-ên phải vâng theo khi vào đất hứa, mang ý nghĩa thuộc linh thiêng liêng như sau:

1/ Nhắc dân I-sơ-ra-ên ghi nhớ sự kiện máu của chiên con vô tội không tì vít đã đổ ra để cứu mọi con đầu lòng của họ trong Lễ Vượt Qua khi các Thiên Sứ hành hại mọi con đầu lòng trong xứ Ê-díp-tô,
2/ Nhắc nhở dân I-sơ-ra-ên ghi nhớ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dùng tay quyền năng cứu chuộc họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ra khỏi nhà nô lệ,
3/ Dạy dân sự hình bóng về sự hy sinh chuộc tội cho toàn thể nhân loại của Đức Chúa Jesus Christ.

Như vậy một người trưởng nam trong gia đình phải biết trân trọng địa vị cao quý Thiên Chúa ban cho mình, phải có bổn phận lưu danh cho gia đình dòng tộc, phải biết biệt đời sống mình ra thánh cho Đức Chúa Trời, phải có nếp sống làm sáng danh Chúa vì họ thuộc về Chúa. Phải có bổn phận truyền dạy cho con cháu những việc lớn lao lạ lùng tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã làm ra trên dân tộc mình. Phải có bổn phận dạy dỗ con cháu mình sự kính sợ Chúa, đi trong đường lối Chúa và biết ơn Chúa. Như Lời Chúa phán:

Trong ngày đó hãy giải nghĩa cho con trai ngươi rằng: Ấy vì việc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho ta, khi ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Điều đó sẽ làm một dấu hiệu nơi tay ngươi, làm một kỷ niệm ghi nơi trán ở giữa cặp mắt ngươi, để cho luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở nơi miệng ngươi, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dùng tay quyền năng rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:8-9).

Bài học áp dụng:
Ngày nay, bởi đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, mỗi một con dân của Chúa đều được Chúa ban cho địa vị làm con Thiên Chúa, làm những vua những thầy tế lễ cho Ngài, làm người kế tự của dòng dõi Áp-ra-ham theo lời hứa không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, giàu hay nghèo, con trưởng hay con thứ như Lời Chúa chép:

Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus. Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ. Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus. Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3: 26-29).

Vì vậy, mỗi một con dân Chúa chúng ta cần dành thời gian siêng năng chuyên cần đọc, học và suy ngẫm Lời Chúa để hiểu biết rõ địa vị, quyền lợi và bổn phận của mình đối với gia đình, đối cùng dòng dõi nối theo sau, đối với Hội Thánh và đối với Thiên Chúa là như thế nào. Vì chỉ khi con dân Chúa hiểu biết rõ địa vị, trách nhiệm, bổn phận của mình thì mới có thể có những suy nghĩ, hành động, việc làm đúng mực, đúng tiêu chuẩn Lời Chúa, mới có một đời sống hoàn toàn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa, làm tôn vinh danh Chúa và làm đẹp lòng Chúa.

2/ Lý do Ê-sau khinh quyền trưởng nam.

Qua câu nói của Ê-sau được chép trong sách Sáng Thế Ký 25:32: “Ê-sau đáp rằng: Này, anh gần chết, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm gì?

Để lòng suy ngẫm dựa theo sự dạy dỗ của Lời Chúa chúng ta hiểu các nguyên nhân khiến cho Ê-sau khinh quyền trưởng nam như sau:

– Thứ nhất: Ê-sau không đánh giá cao giá trị quyền làm trưởng nam mà mình đang có.

– Thứ hai: Ê-sau không xem trọng trách nhiệm của mình đối với gia đình và dòng dõi mình. Đồng nghĩa ông đã không làm tròn nghĩa vụ và bổn phận làm người đại diện cho sức mạnh đầu tiên của cha mình, của dòng dõi mình.

– Thứ ba: Ê-sau xem thường mệnh lệnh và quy định của Chúa đối với những người làm con đầu lòng trong dân I-sơ-ra-ên. Cũng là mệnh lệnh trên chính mình ông.

– Thứ tư: Ê-sau không để tâm, không hướng lòng về Chúa và Lời của Chúa. Nên ông đã không nhớ, không hiểu hết, không biết đúng giá trị thuộc linh cao quý đời đời quyền được nhận Lời hứa phước hạnh Thiên Chúa phán truyền trong giao ước của Chúa đối cùng tổ phụ Áp-ra-ham.

– Thứ năm: Ê-sau không tin Chúa sẽ thực hiện Lời giao ước của Ngài trên dòng dõi ông được truyền từ tổ phụ Áp-ra-ham xuống cho I-sác, cha của ông và sẽ truyền xuống cho ông là con trưởng nam của dòng tộc.

– Thứ sáu: Ê-sau không có lòng tôn kính, yêu mến Thiên Chúa qua đó ông cũng đã không thể có tình yêu thật đối với cha mẹ mình và đối với gia đình mình. Điều này thể hiện rất rõ qua nếp sống và những hành động làm cay đắng lòng cha mẹ của ông sau này là những điều mà nếu Chúa muốn chúng ta sẽ cùng trở lại tìm hiểu trong các bài học sau.

– Thứ bảy: Ê-sau không vượt qua được sự cám dỗ, không cai trị được bản ngã xác thịt. Khi mệt và đói, ông thèm ăn, và thế là bất chấp tất cả, không chút đắn đo suy nghĩ, chỉ muốn ngay lập tức được đáp ứng và làm cho thỏa mãn sự đòi hỏi của xác thịt, đến nỗi dễ dàng đánh đổi địa vị trưởng nam cao quý của một dòng dõi được Thiên Chúa lựa chọn và hứa ban phước, để đổi lấy một vật vật chất có giá trị thật nhỏ bé. Chính cách chọn lựa và hành động xem những ơn phước thiêng liêng của Chúa hứa ban trên dòng dõi ông không bằng một bát canh đậu Ê-sau đã bị Chúa xem là phạm thượng. Phạm thượng có nghĩa là đã nói hoặc làm ra hành động bất kính đối cùng Thiên Chúa.

“Lời Chúa phán đừng có ai như Ê-sau.” Nghĩa là qua tấm gương của Ê-sau mỗi một người theo Chúa cần biết rút ra cho mình những bài học để không phạm lỗi lầm như người đi trước.
Qua việc Ê-sau là người được Chúa ban cho có bề ngoài mạnh mẽ nhưng do không có lòng kính sợ Chúa, không xem trọng những lời phán hứa và những lời dạy dỗ của Chúa nên không có năng lực chiến thắng sự đòi hỏi của xác thịt, không vượt qua được sự cám dỗ thử thách, trở thành người phạm thượng.

Bài học mà chúng ta cần ghi nhớ là: Cho dù sự phước hạnh vô lượng vô biên trong hiện tại lẫn trong cõi đời đời mà Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi một chúng ta trong ân điển của Đấng Christ Jesus. Nhưng nếu chúng ta không có tấm lòng tôn kính Chúa, tin cậy Chúa, không biết trân quý những ơn phước Chúa ban trên mình. Nếu chúng ta thiếu hiểu biết về Lời Chúa và ý muốn của Chúa. Nếu chúng ta không hết lòng vâng giữ điều răn luật pháp và mọi mệnh lệnh của Chúa, trái lại chỉ biết nhìn vào những cái lợi trước mắt và sẵn sàng làm thỏa mãn những đòi hỏi của xác thịt nghịch lại ý muốn Chúa thì chúng ta cũng sẽ trở nên một Ê-sau khác, trở thành người khinh lờn phạm thượng và dày đạp tình yêu ân điển của Thiên Chúa, là ân điển mà nhờ đó chúng ta được cứu từ trong nơi tối tăm của sự chết đến nơi sáng láng lạ lùng của Con Một rất yêu dấu của Ngài, khiến cho trật mất phần ân điển, đánh mất địa vị làm con Thiên Chúa, đi vào chỗ hư mất đời đời. Bởi vì:

Chẳng phải ai nói với Ta: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì người ấy sẽ vào trong Vương Quốc Trời. Nhưng người làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

3/ Ê-sau đại diện cho những ai?

Qua sự lựa chọn và cách hành xử của Ê-sau cho chúng ta thấy Ê-sau chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chỉ muốn được đáp ứng nhu cầu về thân thể xác thịt bất chấp mọi hậu quả đến nỗi khinh thường quyền và địa vị cao quý làm con trưởng nam của một dòng tộc được Chúa chọn nên ông đã bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cốp để đổi lấy một bát canh. Như Lời Chúa chép trong Sáng Thế Ký 25:34: “Rồi, Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh đậu lăng; ăn uống xong, người đứng dậy đi. Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế”. Hành động ăn uống xong, rồi đứng dậy đi của Ê-sau cho chúng ta thấy thái độ xem thường, không để tâm, không ý thức đến hậu quả về việc làm và quyết định của mình, nói lên một đời sống Ê-sau không có Chúa và đặt Chúa làm Chủ. Vậy nên, đến khi nhận ra thái độ khinh thường và từ bỏ quyền trưởng nam đồng nghĩa không còn có phần gì trong giao ước phước hạnh của Chúa, Ê-sau đã khóc lóc cầu xin và muốn được cha mình chúc phước cho nhưng cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi.

Ê-sau là hình ảnh tượng trưng cho những người theo Chúa nhưng chú trọng sự được đáp ứng những nhu cầu vật chất, môi miệng họ nói tin Chúa nhưng không phải do lòng thật yêu mến và kính sợ Thiên Chúa, họ đến với Chúa chỉ vì tìm kiếm quyền lợi vật chất, khi không được đáp ứng theo ý mình thì “đứng dậy đi, khinh quyền làm con Thiên Chúa là thế.”

Chúng ta có quyền đáp ứng những nhu cầu thực tế cần thiết cho đời sống thuộc thể như cơm ăn áo mặc, được học hành, được bảo vệ thân thể bằng những phương pháp hợp pháp và đúng với Lời Chúa. Tuy nhiên, bài học rút ra là chúng ta phải biết nuôi dưỡng, bảo vệ, gìn giữ thân thể thiêng liêng là điều quan trọng hơn sự đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu thuộc thể vì như Lời Chúa phán: Người nào nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?

Và trong câu gốc mà các con học hôm nay Lời Chúa phán hãy tìm những sự ở trên trời. “Tìm những sự ở trên trời” là tìm kiếm chính Chúa và Lời của Chúa, tìm kiếm tình yêu, ân điển và lòng thương xót của Chúa, tìm kiếm ý muốn của Chúa cùng những sự đẹp lòng Chúa. “Vậy, nếu các anh chị em đã được sống lại với Đấng Christ” hàm ý là nếu chúng ta thật sự là người yêu mến Chúa, tin kính Chúa và thuộc về Chúa, đã được tái sinh và đã được dựng nên mới trong Đấng Christ Jesus, thì chúng ta phải biết yêu quý và tìm kiếm những điều thiêng liêng dẫn đến sự sống đời đời phước hạnh bên cạnh Chúa, là những sự ở trên trời nơi Đấng Christ đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời.
Đừng như Ê-sau đánh đổi những ơn phước đời đời cho những điều không có giá trị trong hiện tại. Vì bất cứ ai chọn sống theo tính xác thịt sẽ không có phần trong Vương Quốc Trời.

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố rằng, thịt và máu không thể thừa hưởng vương quyền của Thiên Chúa, và sự có tính hư nát không thể thừa hưởng sự không có tính hư nát.” (I Cô-rinh-tô 15:50).

4/ Gia-cốp tin Lời Chúa và hết lòng quý trọng sản nghiệp đời đời nên được kể là người có đức tin vào trong Thiên Chúa.

Lời Chúa trong Thánh Kinh (Sáng-thế-ký chương 25 và 28) cho chúng ta biết Gia-cốp là người có tánh nhu mì, hiền lành và biết vâng lời. Gia-cốp đã làm theo lời cha mẹ trong việc chọn vợ cho mình. Về sau trên đường tha hương Gia-cốp luôn biết cầu khẩn danh Chúa, lập bàn thờ cho Chúa, nguyện xin Chúa giữ gìn cho ông được bình an và đem ông trở về nhà cha mình… Điều này thể hiện đức tin của Gia-cốp đối cùng Thiên Chúa, ông tin Chúa sẽ làm thành những Lời Ngài phán hứa đối cùng tổ phụ Áp-ra-ham, nên ông biết ham mến và quý trọng sản nghiệp đời đời mà Chúa hứa ban cho dòng dõi ông. Sách Hê-bơ-rơ 11 Lời Chúa cho biết Áp-ra-ham, I-sác và Gia-cốp là những người bởi đức tin nên họ yêu mến và khao khát sự tốt hơn là những sự ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ.
Gia-cốp chính là hình ảnh đại diện cho những người có nếp sống yêu mến, kính sợ và tin cậy Thiên Chúa. Biết chọn những sự thiêng liêng theo ý muốn Chúa, là những sự ở trên trời nơi Đấng Christ đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời nên được Thiên Chúa yêu và chọn dòng dõi Gia-cốp làm cơ nghiệp riêng của Ngài.
Như có chép: “Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn Gia-cốp cho mình, lấy I-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp riêng của Ngài.” (Thi-thiên 135:4).

Bài học rút ra qua tấm gương của Ê-sau và Gia-cốp:

Một người cho dù đã được sinh ra trong dòng dõi đức tin, đã được Chúa ban cho địa vị làm con Thiên Chúa trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, được làm thành viên trong gia đình Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, nhưng nếu không thật sự kính sợ Thiên Chúa, khinh thường những ơn phước Chúa ban cho mình, có đời sống bất kính, phạm thượng, phản nghịch, vô ơn thì chắc chắn sẽ bị Chúa khinh bỉ và từ bỏ họ.

Vì bất cứ ai tôn kính Ta, Ta sẽ làm cho được tôn trọng, còn ai khinh bỉ Ta, tất sẽ bị khinh bỉ lại.” (I Sa-mu-ên 2:30).

Ngược lại, người nào biết tôn kính, tin cậy và vâng lời Chúa, biết quý trọng địa vị cao quý làm con Thiên Chúa, biết khao khát Chúa, khao khát tri thức về Chúa và khao khát được phụng sự Chúa, biết tìm kiếm những ơn phước thiêng liêng, biết ham mến những sự thuộc về trời hơn mọi sự trong thế gian và cả sự sống của mình, thì dù còn có nhiều yếu đuối, vấp phạm, sai lầm nhưng Chúa sẽ rèn tập, sửa đổi, thánh hóa làm cho trở nên ngày càng trọn vẹn như hình bóng của Con Ngài trong sự công chính, thánh sạch, yêu thương, và được Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương, đến ở cùng người, xem người là cơ nghiệp quý báu cho Ngài và dành sẵn cho người một chỗ trong chốn vinh quang trời cao.

Vậy, nếu các anh chị em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm những sự ở trên {trời}, là nơi Đấng Christ đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ đến những sự ở trên {trời}, thay vì những sự ở trên đất; vì các anh chị em đã chết, sự sống của các anh chị em đã được giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, {là} sự sống của chúng ta, sẽ hiện ra, thì các anh chị em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh quang.” (Cô-lô-se 3:1-4).

Nguyện qua bài học về Ê-sau và Gia-cốp, một người được Chúa yêu, một người bị Chúa bỏ. Các con hãy hết lòng yêu kính Chúa, tìm kiếm Chúa, tìm kiếm nếp sống đẹp lòng Chúa, xem những điều Chúa hứa ban cho các con trong cõi đời đời, là những sự thiêng liêng thuộc về trời là quý báu hơn những sự thuộc về thế gian đời này.
Cô xin trích Lời Chúa gửi đến các con như lời kết cho bài học hôm nay như sau:

Hỡi những người yêu dấu! Các anh chị em như những khách ở trọ, những người đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt tham muốn, là những điều gây chiến nghịch với linh hồn.” (I Phi-e-rơ 2:11).

Nguyện Lời Chúa giúp các con cùng chính mình cô tỉnh thức trước mọi âm mưu của ma quỷ để không vì những lợi vật chất thuộc về thế gian đời này mà đánh mất địa vị làm con Thiên Chúa.

Nguyện kính xin Chúa luôn ở cùng ban ơn và gìn giữ hết thảy chúng ta trong cánh tay toàn năng yêu thương của Chúa.

Nguyện vinh quang, quyền phép, sự tôn quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian

Sa-bát 13/04/2024.

2 Replies to “Ê-sau Khinh Quyền Trưởng Nam”

Để lại một bình luận