Sáng Thế Ký 26:6-11

Grace Christian Nguyen

Sáng Thế Ký 26:6-11

Câu gốc: “Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.” (Ê-phê-sô 4:25).

Các con hãy tiếp tục đọc sách Sáng Thế Ký 26:6-11 và viết bài chia sẻ sự hiểu của mình qua câu gốc và qua phân đoạn Thánh Kinh trên.

Câu hỏi gợi ý:

1/ Hãy nêu những ý chính mà các con hiểu được qua phân đoạn Thánh Kinh.

2/ I-sác có nghe lời và làm theo ý Chúa không? Câu Thánh Kinh nào cho các con biết điều đó?

3/ I-sác có vi phạm điều răn dạy nào của Chúa không? Các con hãy nêu sự hiểu của các con lý do vì sao I-sác đã phạm tội và ông đã phạm tội gì?

4/ Các con rút ra được bài học gì cho chính mình qua tấm gương I-sác và qua Lời Chúa phán dạy trong câu gốc?

Chia Sẻ:

Sáng Thế Ký 26:6-11
6 Vậy, I-sác ở tại Ghê-ra.
7 Bởi nàng Rê-bê-ca sắc sảo dung nhan, nên khi dân xứ đó hỏi thăm vợ người, thì người đáp rằng: “Ấy là em gái tôi”, ngại rằng nếu nói: “Ấy là vợ tôi”, thì họ sẽ giết mình chăng.
8 Người ngụ tại xứ đó cũng đã lâu; một ngày kia A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, ngó ngang qua cửa sổ, thấy I-sác đang giỡn chơi cùng Rê-bê-ca, vợ người,
9 truyền gọi I-sác mà rằng: Thật là vợ ngươi đó; sao có nói: Ấy là em gái tôi? I-sác đáp rằng: Vì tôi có thầm nói: Chớ vì nàng mà tôi phải bỏ mình.
10 A-bi-mê-léc hỏi: Ngươi làm gì cho chúng ta vậy? Chẳng lẽ có một người dân đến nằm cùng vợ ngươi, ngươi làm cho chúng ta phải phạm tội!
11 A-bi-mê-léc truyền lệnh cho cả dân chúng rằng: Kẻ nào động đến người này, hay là vợ người này, thì sẽ bị xử tử.

Các con thương mến,

1/ Bài học đầu tiên mà chúng ta học được trong phân đoạn Thánh Kinh này chính là sự vâng lời làm theo ý Chúa của I-sác.

Lời Chúa cho chúng ta biết I-sác tin cậy, vâng lời Thiên Chúa không đưa gia đình mình đi xuống xứ Ê-díp-tô mà ở lại Ghê-ra. I-sác đã nêu cho chúng ta tấm gương về lòng vâng phục và làm theo ý muốn của Chúa.

Là con dân của Chúa, bất cứ khi nào được Chúa phán bảo điều gì, hoặc Lời Chúa dạy dỗ ra sao, cho dù là hoàn toàn khác với ý định và sự mong muốn của chúng ta, nhưng chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi ý thích của lòng mình và chọn làm theo ý muốn Chúa. Vì vâng lời và luôn luôn làm y theo mọi ý muốn của Chúa là sự bày tỏ đức tin, lòng tôn kính, sự tin cậy Thiên Chúa một cách đủ đầy, trọn vẹn và cao nhất. Đây cũng là bài học quan trọng đầu tiên mỗi chúng ta cần ghi nhớ và thực hành trong suốt linh trình theo Chúa, là phẩm chất cần phải có của một con dân Chúa, là chìa khóa mở mọi nguồn phước hạnh được ban cho từ Thiên Chúa, là tiêu chuẩn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân tìm kiếm và chọn lựa cho mình một dòng dõi thánh, một dân thuộc về Ngài.

Sa-mu-ên nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ giao hòa bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22).

Dù Ngài là con, Ngài đã học tập sự vâng phục bởi những sự mà Ngài đã chịu khốn khổ. Và đã được nên trọn vẹn, Ngài đã trở nên nguồn cứu rỗi bất tận cho hết thảy những ai vâng phục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 5:8-9).

2/ Bài học thứ hai mà chúng ta học được trong Lời Chúa hôm nay là: Sự phạm tội và Chúa dùng một người ngoại cáo trách sự phạm tội của con dân Chúa.

“…một ngày kia A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, ngó ngang qua cửa sổ, thấy I-sác đang giỡn chơi cùng Rê-bê-ca, vợ người, truyền gọi I-sác mà rằng: Thật là vợ ngươi đó; sao có nói: Ấy là em gái tôi?” (Sáng Thế Ký 26:8-9)

Mặc dù Thiên Chúa đã phán với I-sác rằng: “Hãy ngụ trong xứ này, Ta sẽ ở cùng ngươi và ban phước cho ngươi.”. Nhưng trong sự yếu đuối của mình, I-sác đã không nhớ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân quyền uy vô đối đang ở cùng ông, ban phước cho ông và gìn giữ ông. Nên I-sác đã phạm tội nói dối vì lo sợ dân xứ Ghê-ra có thể sẽ vì sắc đẹp của vợ ông mà giết ông.

Ngày nay mỗi con dân Chúa cũng học biết rằng Đức Chúa Jesus Christ luôn ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Học biết Đức Thánh Linh ngự trong mỗi một người cùng đồng hành ban ơn, xuống phước, dạy dỗ và gìn giữ trên mọi linh trình theo Chúa. Nhưng rất nhiều người nhiều lần không nhớ đến sự hiện diện của Chúa ở trên, ở bên cạnh và ở trong mình. Nên làm ra nhiều điều không đẹp lòng Chúa như phạm tội tham lam, ích kỷ, cẩu thả, lười biếng, nói dối … hoặc khi đối diện với những khó khăn hoạn nạn bắt bớ thì hoang mang lo sợ, chối bỏ đức tin, lui đi trên con đường tin kính.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ghi nhớ sự hiện diện, đoái xem, quan phòng, gìn giữ của Chúa trên đời sống của mình để dù trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng không vì sự sợ hãi hoang mang mà phạm tội đối với Chúa. Vì “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngự trong Đền Thánh Ngài; ngai của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên trời; mắt Ngài nhìn xem, mí mắt Ngài xem xét con cái của loài người.” (Thi-thiên 11:4).

Và Lời Chúa có phán: “Đừng sợ! Vì Ta ở với ngươi. Chớ nhìn quanh! Vì Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta sẽ bổ sức cho ngươi. Phải! Ta sẽ giúp đỡ ngươi. Phải! Ta sẽ nâng đỡ ngươi với tay phải công chính của Ta.” (Ê-sai 41:10).

3/ Bài học thứ ba mà chúng ta học là: Sự phạm tội của con dân Chúa có thể trở thành nguyên nhân khiến người khác phạm tội.

Thánh Kinh chép: “A-bi-mê-léc hỏi: Ngươi làm gì cho chúng ta vậy? Chẳng lẽ có một người dân đến nằm cùng vợ ngươi, ngươi làm cho chúng ta phải phạm tội!” (Sáng Thế Ký 2:10).

Lời Chúa phán dạy trong sách Ma-thi-ơ 18:7 “Khốn thay cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; nhưng khốn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội!” cho chúng ta biết sự nghiêm trọng của sự gây cớ vấp phạm, nó rất nguy hiểm vì có thể khiến cho người yếu đuối sa ngã thậm chí là lui đi trong đức tin, từ bỏ Chúa và đánh mất linh hồn. Sự gây vấp phạm cho người khác rất dễ xảy ra nhưng có đôi khi chính người làm những việc sai trái ấy không nhận biết.

Vì vậy mà Chúa đã dạy rằng:

Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.” ( I Cô-rinh-tô 10:31-32).

Nhưng hãy coi chừng, kẻo sự tự do này của các anh chị em trở thành sự vấp phạm cho những người yếu đuối.” (ICô-rinh-tô 8:9).

Có rất nhiều hình thức vì sự phạm tội của một người mà gây cớ cho nhiều người phạm tội.

Ví dụ:

  1. Cha mẹ không tin Chúa, có nếp sống tham lam ích kỷ, ham mê tiền bạc danh vọng, yêu thích tiệc tùng ăn uống, khinh dể và xem thường người khác, nói dối và thản nhiên dạy con cái nói dối vì cho như vậy mới là khôn hơn người khác… những cha mẹ như vậy đã làm gương xấu cho con cái noi theo nếp sống giả dối, không chuẩn mực, không tiết độ, mà Thánh Kinh gọi họ là những người có lương tâm đã lì, vì họ không còn biết kính sợ Đấng Tạo Hóa. Tội lỗi có tính lây lan và di truyền, bởi vì con cái thường học theo và bị ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ, đây cũng là lý do vì sao tội lỗi thường lan truyền từ cha mẹ sang con cái.
  2. Cha mẹ là người tin Chúa, nhưng không sống theo Lời Chúa; ham mê những sự thuộc về thế gian, lời nói không đi đôi với việc làm; hay nóng giận, hay than van, oán trách, gièm chê; không biết ơn và không có sự thỏa lòng trong Chúa…họ là những người cha mẹ ảnh hưởng rất xấu đến con cái, làm gương cho con cái noi theo nếp sống gian dối giả hình trong Hội Thánh. Những người làm cha làm mẹ như này phạm tội đối với Chúa còn nặng hơn những người làm cha làm mẹ chưa tin Chúa.
  3. Người chăn, người dạy đạo, thầy tế lễ có nếp sống xa hoa, hưởng thụ, tìm kiếm danh tiếng và lợi vật chất đời này, rao giảng Lời Chúa nhưng không sống theo Lời Chúa, không có bông trái thuộc linh khiến cho con dân Chúa hoang mang, mất đức tin thậm chí không tin Thiên Chúa là Đấng có thật hoặc học theo nếp sống xem thường Chúa, khinh dể Lời Chúa.
  4. Người làm anh chị lớn trong gia đình nhưng không vâng lời cha mẹ, không yêu thương hiếu kính cha mẹ, ham chơi, lười biếng, không sạch sẽ ngăn nắp… làm gương xấu khiến cho các em học theo nếp sống vô ơn bất hiếu đối với bậc sinh thành.

Không chỉ anh chị em trong Chúa, người thân trong gia đình mà người ngoại cũng có thể bị vấp phạm khi chúng ta phạm tội.

Ví dụ như:

  1. sự phạm tội nói dối của I-sác có thể khiến cho người khác tưởng bà Rê-bê-ca là người nữ chưa chồng sẽ tìm cách đến cùng bà. Nếu điều đó xảy ra sẽ khiến cho bà Rê-bê-ca và người đó phạm tội tà dâm ngoại tình mà chúng ta đang học ở đây.
  2. Khi chúng ta có nếp sống làm ô danh Chúa như tham lam, trộm cắp, đối xử bất công với người lân cận, khiến cho người ngoại phỉ báng Chúa, nói phạm đến danh Chúa là chúng ta làm cớ cho người ngoại phạm tội nặng càng hơn trong sự xúc phạm phỉ báng Chúa.
  3. Chúng ta nói mình là con cái Chúa, đi đến đâu cũng làm chứng về Chúa trên môi miệng, nhưng có nếp sống tư lợi, lười biếng, ỷ lại, làm gánh nặng cho những người nhà không tin Chúa, khiến cho người thân không thấy sự tốt lành của Chúa, không thấy quyền năng biến đổi của Chúa trên mình nên họ không muốn tin nhận Chúa, thậm chí ghét Chúa, ghét nghe chúng ta nói đến danh Chúa. Đây là hình thức phạm tội rất trọng vì chúng ta đã cướp mất cơ hội đưa dẫn người thân của mình đến với Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa. Đồng một hình thức phạm tội của những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si xưa đã vì nếp sống không thực hành Lời Chúa khiến cho chính họ không nhận được sự cứu rỗi còn làm cớ ngăn trở khiến nhiều người không được vào nước thiên đàng.

Như Lời Chúa phán:

Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi đóng Vương Quốc Trời trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở.” (Ma-thi-ơ 23:13).

Còn có một hình thức vấp phạm rất nguy hiểm mà hầu hết tất cả mỗi người sống trên đất đã từng vấp phạm kể cả con cái của Chúa khi chưa tin Chúa lẫn sau khi đã tin Chúa rồi. Là điều mà nếu người phạm phải không nhận thức được, không kịp thời ăn năn thì người đó sẽ tự đánh mất cái chén phước hạnh mà Chúa đã trao ban khiến người ấy sẽ trật mất phần ân điển trong Đấng Christ Jesus. Đó là sự tự mình gây vấp phạm cho chính mình. Ban Chăm Sóc sẽ gửi đến các con câu Thánh Kinh để các con cùng suy ngẫm. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu Lời Chúa phán dạy con dân Chúa về hình thức phạm tội rất nghiêm trọng này vào buổi học tuần tới.

4/ Chúa bảo vệ I-sác.

Chúa biết bản tính I-sác là người tôn kính Đức Chúa Trời, hiếu kính cha mẹ, biết vâng lời và làm theo sự dạy dỗ của cha mẹ, lòng ông không có sự toan tính gian ác, tư lợi, dối trá… Nhưng trong sự yếu đuối ông lỡ lầm vấp phạm tội nói dối nên Chúa đã dùng vua A-bi-mê-léc là một người ngoại có tấm lòng biết kính sợ Chúa, biết sử dụng quyền hạn của mình ngăn không cho người khác phạm tội để bảo vệ I-sác và Rê-bê-ca. Khi vua A-bi-mê-léc tình cờ phát hiện ra Rê-bê-ca là vợ của Y-sác, vua đã truyền lệnh cho dân chúng không được xâm phạm đến I-sác và vợ người. Thánh Kinh chép: “A-bi-mê-léc truyền lệnh cho cả dân chúng rằng: Kẻ nào động đến người này, hay là vợ người này, thì sẽ bị xử tử.” (câu 11).

Suy ngẫm những ý chính Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh sách Sáng Thế Ký 26:6-11 chúng ta rút ra được những bài học áp dụng trong đời sống như sau:

1/ Sự yếu đuối và xu hướng rất dễ phạm tội trong bản ngã con người xác thịt của mình.

Lời Chúa cho chúng ta biết mọi quyền lực của tội lỗi, hậu quả của tội lỗi, sự rủa sả và sự lặp lại tội lỗi đã được Đức Chúa Jesus Christ cắt đứt hoàn toàn, đồng thời Ngài cũng ban cho con dân Chúa năng quyền trong danh của Ngài, ban khí dụng là Lời của Ngài giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi và cai trị được bản ngã xấu xa gian ác của mình khi chúng ta còn sống trong xác thịt hay chết này.

Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm và dời chuyển chúng ta vào trong vương quốc của Con yêu dấu của Ngài. Trong Đấng ấy chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Ngài, là sự tha thứ những tội lỗi.” (Cô-lô-se 1:13-14).

Tuy nhiên ngày nào chúng ta còn mặc lấy thân thể xác thịt và đi lại giữa thế gian đầy tội lỗi dưới sự cầm quyền của các thế lực đen tối. Chúng ta sẽ vẫn còn lâm vấp, phạm lỗi, phạm tội, làm ra những điều không đẹp ý Chúa vì thiếu đức tin, vì khờ dại, vì chưa hoàn toàn cai trị được bản ngã xác thịt của mình, vì thiếu cảnh giác trước các bẫy sập của ma quỷ và các thế lực của chúng…

Đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta phải biết luôn nương tựa vào Chúa, cậy nhờ ơn Chúa, phải biết phó thác và cậy trông vào sự tể trị dẫn dắt của Chúa trên đường lối mình, phải hết lòng tìm kiếm Chúa để được Chúa chăn dắt, dạy dỗ, quan phòng, bảo vệ, gìn giữ, phải suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và hết lòng làm theo từng Lời dạy khuyên của Chúa bằng hành động, để được Chúa ban ơn, thêm sức, thêm năng lực, thêm sự khôn ngoan tỉnh thức trong mọi đường, giúp chúng ta chiến cự và chiến thắng mọi âm mưu của kẻ dữ.

Chúng ta cũng cần phải biết ăn năn gớm ghét tội, phải quyết tâm từ bỏ tội, phải sẵn sàng hạ mình tiếp nhận sửa dạy của Chúa những khi lầm lỡ, bằng lòng để Chúa biến đổi, thánh hóa con người cũ của mình. Phải biết mặc lấy áo giáp sáng láng của Chúa, sống và bước đi trong con người mới đã được dựng nên mới trong Đấng Christ.

Như Lời Chúa phán:

Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.” (Rô-ma 13:12).

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

2/ Nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, yêu thương, đầy dẫy ân huệ, sẵn tha thứ những lỡ lầm vấp phạm của người kính sợ Chúa. Chúa không đãi chúng ta theo tội lỗi của chúng ta nhưng Ngài lấy lòng nhân từ thương xót rất lớn của Ngài mà đối cùng chúng ta.

– Qua sự bảo vệ giải cứu và làm ơn của Chúa trên đời sống của Áp-ra-ham và Y-sác khi họ phạm tội. Chúng ta nhận biết trong mọi chặng đường theo Chúa, chúng ta luôn có Chúa hiện diện, đồng hành, thương xót, thấu hiểu, bao dung, tha thứ, chăm gìn chúng ta và nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã nếu lòng chúng ta không chú về tội ác, không cố ý sống trong tội, không cố tình làm ra tội.

– Chúa không ngay lập tức sửa phạt chúng ta tùy theo sự gian ác của chúng ta mà Ngài lấy lòng nhân từ vô lượng vô biên của Ngài mà đối cùng chúng ta. Chúa thấu hiểu sự yếu đuối của chúng ta, vì tình yêu, vì lòng nhân từ thương xót và vì sự vinh quang của Chúa, Ngài bảo vệ giữ gìn và ngăn sự tác hại của tội lỗi, giúp chúng ta tránh khỏi những hậu quả khủng khiếp của tội lỗi, và ban cho chúng ta cơ hội ăn năn khi chúng ta lỡ lầm lâm vấp phạm lỗi phạm tội khiến cho chúng ta vô cùng biết ơn Chúa, vô cùng ăn năn hối tiếc mỗi khi lỡ lầm làm cho Thiên Chúa kính yêu của chúng ta đau buồn.

Thi-thiên 103:8-11
8 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thương xót và đầy ơn, chậm nóng giận, và đầy sự từ ái.
9 Ngài không quở trách luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận tới đời đời.
10 Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.
11 Vì như các tầng trời cao trên đất thì sự từ ái của Ngài cũng lớn cho những ai kính sợ Ngài.

Cảm tạ ơn Chúa! Chúng ta thật vô cùng biết ơn Ngài vì điều đó!

3/ Ghi nhớ bài học giữ mình không làm cớ gây vấp phạm cho người khác vì đó là một việc làm không đẹp ý Chúa.
Mỗi hành động việc làm của chúng ta hoặc tốt, hoặc xấu đều có ảnh hưởng đến người khác. Nhìn vào chính nếp sống của chúng ta mà anh chị em trong Chúa, người thân trong gia đình và người ngoài được gây dựng hoặc bị vấp phạm. Vì vậy, là con dân Chúa chúng ta phải cẩn thận gìn giữ từng hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm của mình sao cho luôn tiết độ, chuẩn mực trong đường lối Chúa để mang lại ích lợi và làm gương tốt cho nhiều người.

Như Lời Chúa dạy:

Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Hãy như tôi! Gắng sức làm đẹp lòng mọi người trong mọi sự. Chẳng tìm ích lợi riêng của mình, nhưng của nhiều người, để họ được cứu.” (I Cô-rinh-tô 10:31-33).

Vì mắt Chúa đoái xem những người công chính và tai Ngài lắng nghe những lời khẩn xin của họ. Nhưng mặt Chúa nghịch lại những kẻ làm ác.” (I Phi-e-rơ 3:12).

Nguyện qua bài học hôm nay giúp chúng ta không quên sự hiện diện của Chúa, không quên những Lời phán hứa của Chúa để khi đối diện với nguy nan thử thách hoạn nạn chúng ta không vì sợ hãi mà phạm tội đối cùng Chúa và gây vấp phạm cho người khác. Trái lại trong danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân và trong mọi khí dụng mà Ngài ban cho, chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù nghịch và chiếu sáng danh Ngài qua từng cách ăn nếp ở của chúng ta.

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian.
Sa-bát, Thứ Bảy ngày 15/0/2024.

One Reply to “Sáng Thế Ký 26:6-11”

Để lại một bình luận