Grace Christian Nguyen
Tự Mình Gây Vấp Phạm cho Chính Mình
và Gây Cớ Vấp Phạm Cho Nhiều Người
Câu gốc: “Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!” (Ma-thi-ơ 11:6).
Câu hỏi gợi ý:
1/ Lời Đức Chúa Jesus Christ phán: “Bất cứ ai” trong câu Thánh Kinh (Ma-thi-ơ 11:6). Bao gồm tất cả những ai?
2/ Theo sự hiểu của các con. Con dân Chúa có tự gây vấp phạm cho mình vì cớ Chúa không? Các con hãy dẫn chứng cụ thể cho câu trả lời “có” hoặc “không” của mình.
3/ Các con hãy liệt kê những hình thức con dân Chúa tự gây vấp phạm cho mình. (Nghĩa là tự khiến cho mình phạm tội và gây cho người khác cùng phạm tội với mình).
4/ Các con hãy tra xét thời gian qua các con đã từng “tự mình gây vấp phạm cho chính mình” không? Nếu có, các con cần phải làm gì?
Chia Sẻ:
Những nguyên nhân khiến một người tự gây cho chính mình vấp phạm và làm cớ vấp phạm cho nhiều người:
1/ Sự vấp phạm vì không tiếp nhận Lẽ Thật.
– Vào thế kỷ thứ nhất nhiều người bị vấp phạm vì cớ Đức Chúa Jesus Christ. Điển hình người Pha-ri-si, những thầy thông giáo, và phần nhiều người trong dân I-sơ-ra-ên. Nghĩa là họ tự gây cho mình sự vấp phạm vì cớ Đức Chúa Jesus. Lý do họ vấp phạm là vì họ đã lấy sự khôn ngoan xác thịt mà xét đoán các công việc tay Chúa làm, họ hiểu Lời phán dạy của Chúa theo thuộc thể nên không thể nhận biết sự sâu nhiệm trong chương trình, ý định và mọi việc làm của Chúa theo nghĩa thuộc linh thiêng liêng; họ dùng kiến thức hạn hẹp của loài người để đo lường các công việc lớn lao tay Đức Chúa Jesus Christ làm ra trước mắt họ như trừ quỷ, gọi người chết sống lại, chữa lành kẻ đau, làm cho người mù được sáng, kẻ què được đi, kẻ câm nói được…
Mặc dù Đức Chúa Jesus Christ phán trực tiếp với họ rằng: “…Để các ngươi biết rằng, Con Người có quyền trên đất, tha thứ những tội lỗi…” (Ma-thi-ơ 9:6a), nhưng họ vẫn cố chấp bịt mắt, bịt tai không chấp nhận những phép lạ Chúa đã làm ra trước mắt họ là đến từ Đức Chúa Trời, họ không chấp nhận Lẽ Thật Lời Chúa, trái lại họ đã nghi ngờ Chúa, phỉ báng Chúa, lộng ngôn, gài bẫy, tìm cớ giết Ngài.
– Khi những Lời dạy dỗ của Đức Chúa Jesus Christ bày tỏ sự xấu xa, giả hình, tham lam, gian ác sâu kín của họ, khiến những ảo tưởng về sự uy quyền của họ bị đánh đổ, thì với bản chất cố chấp, kiêu ngạo, họ đã ngoan cố, ngỗ ngược, thù ghét lẽ thật, không vâng phục lẽ thật.
– Khi những việc làm của Đức Chúa Jesus Christ không giống như những gì họ hiểu, họ tin, họ chờ đợi… nên họ đã cùng nhau chống đối Chúa, vô cớ vu oan Chúa, kết tội Chúa, sỉ nhục Chúa, đánh đập Chúa và đóng đinh Ngài trên cây thập tự.
“Ngài sẽ là Nơi Thánh, nhưng cũng là Vầng Đá vấp ngã, vầng đó vướng mắc cho cả hai nhà I-sơ-ra-ên, và là bẫy cùng lưới cho dân cư thành Giê-ru-sa-lem vậy. Nhiều người trong nhóm họ sẽ vấp chân; sẽ té và giập nát; sẽ rơi vào lưới và bị bắt.” (Ê-sai 8:14-15).
Bất cứ ai không phân biệt những điều thiêng liêng bằng cách thiêng liêng, sẽ không nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời trong xác thịt loài người, Đấng Sáng Tạo đã dựng nên trời đất biển và muôn loài vạn vật mà nó chứa. Ngày nay, dân I-sơ-ra-ên và nhiều dân, nhiều nước, nhiều thứ tiếng trên thế gian vẫn từ chối, không tin ngay cả sau khi Đức Chúa Jesus Christ đã phục sinh vinh quang, ban ơn cứu rỗi trong ân điển diệu kỳ của Ngài cho toàn thể nhân loại.
“Con người thuộc thể không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại. Người ấy cũng không thể hiểu được chúng, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.” ( I Cô-rinh-tô 2:13-14).
2/ Vấp phạm vì cớ Đức Chúa Jesus Christ bởi cậy sự khôn ngoan hiểu biết của chính mình.
Câu chuyện được chép trong sách Ma-thi-ơ 13:53-58, khi Đức Chúa Jesus về đến quê hương rồi dạy dỗ trong nhà hội, đến nỗi ai nghe cũng lấy làm lạ, mà nói rằng: Bởi đâu mà người này được khôn sáng và những phép lạ này? Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và các em trai người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, và Giu-đe chăng? Các em gái người đều ở giữa chúng ta chăng? Từ khi nào mà người được mọi điều như vậy?
Mặc dù đã chứng kiến Đức Chúa Jesus làm phép lạ và rao giảng Lời của Đức Chúa Trời một cách đầy ơn, khôn ngoan và quyền phép, nhưng vì họ biết Chúa là con của người thợ mộc ở làng Na-xa-rét, nên họ không thể tin Chúa là Đấng Mê-si mà họ đang chờ đợi trong Thánh Kinh, họ nghĩ Con của Đức Chúa Trời khi đến với họ phải là một vị vua cao sang uy quyền chứ không thể là một người bình thường, con của người thợ mộc nghèo khó không có chỗ gối đầu. Họ cậy sự “biết rõ” của mình nên đã vấp phạm vì cớ Ngài. Vì vậy mà Đức Chúa Jesus đã phán rằng: “Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dễ mà thôi.”
3/ Vấp phạm vì không tin cậy vào Lời của Chúa và quyền năng của Chúa.
Đây là sự tự gây vấp phạm cho chính mình của mười người trong số mười hai người quan trưởng của dân I-sơ-ra-ên được Môi-se cử đi do thám xứ, đến nỗi chính họ đã bị một tại vạ hành chết trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đồng thời làm cớ vấp phạm khiến hết thảy những người trong dân I-sơ-ra-ên đã được nhập sổ tùy theo tông tộc mình, từ hai mươi tuổi trở lên, tức là mọi người trong I-sơ-ra-ên đi ra trận được, số là sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi người không kể đàn bà, con trẻ và người Lê-vi bị ngã chết trong đồng vắng. Mặc dù họ là những quan trưởng của mười hai chi phái I-sơ-ra-ên, nhưng do không tin cậy vào Chúa và quyền năng của Chúa (trừ Giô-suê và Ca-lép). Khi đi do thám nhìn thấy sự thịnh vượng của xứ đượm sữa và mật, nhìn thấy sự cao lớn của dân trong xứ mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán sẽ ban cho, họ tự khiến mình vấp phạm khi quên Đức Chúa Trời mình, họ tự xem mình như những con cào cào, như một miếng mồi trước dân trong xứ.
“Trước mặt dân I-sơ-ra-ên, các người đó phao phản xứ mình đã do thám mà rằng: Xứ mà chúng tôi đã đi khắp để do thám, là một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ hình vóc cao lớn. Chúng tôi có thấy kẻ cao lớn, tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống cao lớn; chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy.” (Dân Số Ký 13: 32-33).
Vì thế họ đã trở về phao phản khiến cả dân sự bị vấp phạm cùng nhau lớn tiếng lầm bầm, oán trách, vô ơn, vu khống ý định và những việc làm tốt lành của Thiên Chúa trên họ, họ cho rằng Chúa dùng Môi-se dẫn họ đến xứ này để giết họ, nên đồng lòng cùng nhau dấy nghịch lại Thiên Chúa, ném đá Môi-se và quyết định lập người dẫn họ trở về lại xứ Ê-díp-tô, khiến Chúa nổi giận mà diệt hết thảy họ ngã chết trong đồng vắng.
“Hãy nói với chúng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Ta hằng sống! Theo như các ngươi đã nói trong tai Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy. Những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng này. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi trở lên, là những kẻ đã than trách cùng Ta, thì chẳng hề được vào xứ mà Ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun.” (Dân-số Ký 14:28-30).
Lời Chúa dạy cho chúng ta biết rằng khi nghi ngờ Chúa, không tin vào Lời Chúa và không tin vào những việc làm của Chúa, thì những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của người ấy không chỉ làm vấp phạm cho chính bản thân mà còn có thể làm cớ vấp phạm cho nhiều người khác, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đây là điều có thể xảy ra đối với tất cả mọi người đã xưng nhận Chúa là Thiên Chúa của mình.
4/ Vấp phạm khi sự hiểu biết, điều ước muốn, mong chờ, cầu xin không xảy ra như lòng mình nghĩ.
Ngay cả người yêu kính Chúa, hết lòng hầu việc Chúa, rao giảng về Chúa, dọn đường cho Chúa như Giăng Báp-tít, vẫn tự gây vấp phạm cho chính mình vì cớ Chúa, khi ông bị giam trong ngục tù nhưng không thấy Chúa đến giải cứu ông như lòng ông nghĩ, ông sinh lòng nghi ngờ Chúa, không biết Chúa thật có phải là Đấng Mê-si hay ông còn phải đợi một Đấng khác.
Ma-thi-ơ 11:2-6
2 Giăng đã nghe ở trong nhà tù về các việc làm của Đấng Christ. Người đã sai hai môn đồ của mình,
3 hỏi Ngài: Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi phải trông chờ Đấng khác?
4 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, phán với họ: Hãy đi! Nói cho Giăng những điều các ngươi nghe và thấy.
5 Những người mù nhìn thấy, những người què bước đi, những người phong hủi được sạch, những người điếc nghe, những người chết được sống lại, những người khó nghèo được nghe giảng Tin Lành.
6 Phước cho bất cứ ai chẳng bị vấp phạm trong Ta!
Thánh Kinh dạy chúng ta học biết rằng mỗi một người theo Chúa nếu không hoàn toàn lấy tấm lòng đơn sơ tiếp nhận, nghe và làm theo Lời Chúa như những con trẻ thì sẽ dễ dàng vấp phạm vào sự cải lẽ, chất vấn, nghi ngờ và phản đối Chúa. Hãy ghi nhớ rằng chúng ta chỉ là loài thọ tạo trong tay Chúa, chúng ta là ai mà tra vấn, cãi lẽ, nghi ngờ Chúa, nghi ngờ những Lời phán dạy của Chúa?
“Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 55:8-9).
Vì vậy, chúng ta hãy tiếp nhận mọi lời dạy dỗ của Chúa một cách thuần khiết, Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy sao làm vậy, điều gì không hiểu thì cầu xin Chúa giải thích và giảng dạy giúp chúng ta hiểu đúng để biết áp dụng đúng đắn Lời Chúa vào cuộc sống trong từng việc làm nhỏ nhất.
5/ Vấp phạm bởi lòng ganh ghét đố kỵ của chính mình.
Lời Chúa cũng dạy cho chúng ta biết lòng ganh ghét đố kỵ của một người cũng chính là nguyên nhân gây vấp phạm cho chính người ấy khiến cho người phạm tội. Như Ca-in đã giết em vì lòng ganh ghét đố kỵ, các anh thấy cha thương yêu Giô-sép sinh lòng ganh ghét lập mưu giết Giô-sép, Sau-lơ khi nghe những người hát múa đối đáp nhau rằng: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!” thì giận lắm và sinh lòng ganh ghét nhiều lần tìm thế giết Đa-vít…
Lòng ganh ghét đố kỵ chính là hình thức của sự kiêu ngạo, là cội rễ dẫn loài người đến sự hủy diệt và là một trong những điều Thiên Chúa gớm ghét và chống cự. Nếu chúng ta không kiểm soát và chế ngự được lòng ganh ghét đố kỵ, nó sẽ phát triển như cỏ dại, như những bụi gai sẽ lấn át và làm nghẹt ngòi tất cả mọi hạt giống tốt lành đã được gieo trồng trong trong linh hồn của chúng ta. Lời Chúa phán:
“Hãy vui với những ai vui và khóc với những ai khóc!” (Rô-ma 12:15).
Nếu chúng ta không có Lời Chúa, không sống theo Lời Chúa, không cậy nhờ ơn Chúa thì theo khuynh hướng tội lỗi trong con người xác thịt, chúng ta thường dễ đồng cảm để cùng khóc với những đau thương của người khác, nhưng ít khi thật lòng vui với những ai vui vì sự so bì, tự ái, đố kỵ, ganh tỵ với người được ơn hơn mình, được Chúa ban phước hơn mình.
Lời Chúa trong Thi-thiên 73:2-3 cho chúng ta biết một người có tấm lòng tin kính Chúa nhưng cũng đã từng suýt vấp phạm: “Còn về phần tôi, chân tôi đã gần vấp, suýt chút bước tôi phải trượt. Vì khi tôi thấy sự hưng thịnh của kẻ ác, thì có lòng ganh ghét kẻ kiêu ngạo.” (Thi-thiên 73:2-3).
Chính vì lẽ đó mà Chúa đã phán dạy rằng:
“Hãy nhắc họ vâng phục những người đứng đầu và những thẩm quyền, vâng lời cấp trên, sẵn sàng cho mỗi việc lành, chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dịu dàng, tỏ ra hết sức nhu mì đối với mọi người. Vì chúng ta cũng từng ngu dại, bội nghịch, bị lừa dối, phục vụ cho đủ thứ tham muốn và khoái lạc, sống trong sự độc ác, ganh tị, căm ghét, thù ghét lẫn nhau.” (Tít 3:1-3).
6/ Sự tự mình vấp phạm và gây vấp phạm cho người khác khi yêu thương không đúng tiêu chuẩn Lời Chúa.
– Điển hình Phi-e-rơ vì quá yêu Chúa của mình, nên khi nghe Đức Chúa Jesus tỏ cho môn đồ biết rằng Ngài phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Nguyện sự đó tránh xa Ngài! Hỡi Chúa, sự đó sẽ không xảy đến cho Ngài đâu! Nhưng Ngài xoay mặt lại mà phán với Phi-e-rơ rằng: Hỡi sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Ngươi làm gương xấu cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến việc người ta. (Câu chuyện được chép trong sách Ma-thi-ơ 16:21-23).
– Như Môi-se là người được Chúa chọn để dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và được Chúa gọi ông là người khiêm hòa hơn hết trong thế gian, Thánh Kinh không nói rõ lý do vì sao Môi-se không vâng lời Chúa làm phép cắt bì cho con trai, nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng do ông vì thương con theo tính xác thịt, sợ con mình bị đau nên đã không làm phép cắt bì cho con theo Lời Chúa phán dạy trong giao ước của Ngài đối với mọi người nam trong dân I-sơ-ra-ên được chép trong sách (Sáng Thế Ký 17:12-14) khiến Chúa nổi giận sai thiên sứ giết ông. Tức thì vợ Môi-se là bà Sê-phô-ra vội cắt bì cho con trai. Nhờ đó Chúa tha thứ cho Môi-se. (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:24).
– Như tiên tri Hê-li yêu thương con cái theo tính xác thịt, không nghiêm khắc dạy dỗ kỷ luật con cái theo Lời Chúa khiến chính mình phạm tội. Hậu quả là hai con trai bị Chúa giết vì tội bất kính đối với Chúa và cả nhà cha ông bị Chúa từ bỏ.
Có rất nhiều tấm gương cha mẹ yêu con không đúng theo tiêu chuẩn Lời Chúa, hoặc con cái ngỗ nghịch không hiếu kính cha mẹ của mình trong Chúa như lời Chúa dạy, tự gây cho chính mình vấp phạm và khiến cho người nhà mình đồng can phạm làm ra những điều tội lỗi bị Thiên Chúa định tội và đoán phạt thật nặng nề.
7/ Sự vấp phạm khi lên mình kiêu ngạo tự đặt mình vào môi trường cám dỗ phạm lỗi, phạm tội.
Vua Sa-lô-môn, một vị vua được Chúa ban cho sự khôn ngoan giàu có bậc nhất, trước ông không có ai bằng và sau ông không một ai sánh ngang. Nhưng lòng vua Sa-lô-môn chẳng trọn lành đối cùng Thiên Chúa mình như Đa-vít cha người. Vừa khi lên ngôi, lòng vua không làm theo điều răn và mệnh lệnh của Chúa. Tự đặt mình vào môi trường cám dỗ thờ tà thần khi vua Sa-lô-môn kết thân với Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, cưới con gái người làm vợ. Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương mến nhiều người nữ của dân ngoại; tức là người nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít thuộc về các dân tộc mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có phán với dân I-sơ-ra-ên rằng: “Các ngươi và chúng nó chớ đi lại giao thông với nhau; vì chúng nó hẳn sẽ quyến dụ lòng các ngươi hướng theo các thần chúng nó.”. Nhưng vua Sa-lô-môn xem thường những lời cảnh báo của Chúa. Ông đem lòng yêu mến những người nữ ấy, lập cho mình bảy trăm hoàng hậu và ba trăm cung nữ. Trong buổi già yếu, các vợ của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác. Thánh Kinh cho biết Sa-lô-môn cúng thờ Át-tạt-tê, nữ thần của dân Si-đôn, và thần Minh-côm, là thần đáng gớm ghiếc của dân Am-môn. Như vậy, Sa-lô-môn làm điều ác trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Ma quỷ là kẻ chống nghịch Chúa đang ngày đêm giăng bẫy, xúi giục loài người phạm tội để loài người bị xa cách sức mạnh và sự vinh quang của Chúa. Vì vậy, là con dân Chúa, chúng ta cần phải tỉnh thức, không lơ là hoặc xem thường những lời dạy dỗ của Chúa, không lên mình kiêu ngạo tự đặt mình vào môi trường cám dỗ khiến sập bẫy ma quỷ. Vua Sa-lô-môn là một người đầy đủ uy quyền, tài năng, sự khôn ngoan thông sáng và giàu có đến nỗi tất cả các nước xung quanh đều phải quy phục, nhưng vẫn không thể thoát khỏi bẫy rập của ma quỷ khi ông không vâng lời Chúa, tự đặt mình vào môi trường cám dỗ.
Các con thương mến,
Thiên Chúa là Đấng chậm giận, giàu ơn, đầy dẫy ân huệ, sẵn tha thứ cho, “để người ta kính sợ Chúa”. Nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời của sự công chính thánh khiết. Ngài không vị nể ai và cũng không kể kẻ có tội là vô tội. Thiên Chúa nhẫn nại nhân từ thương xót tha thứ để loài người học sự kính sợ Thiên Chúa chứ không phải để cho những người xưng nhận mình là con cái của Ngài xem thường tình yêu của Ngài, khinh dễ sự thương xót nhẫn nại của Ngài. Khi một người cố tình sống trong tội, ghì mài trong sự vấp phạm là người không có sự kính sợ Chúa. Người như vậy trở nên đáng ghét và không xứng đáng cho Chúa.
“Họ xưng họ biết Thiên Chúa nhưng trong những việc làm thì họ chối bỏ Ngài, trở nên đáng ghét, không vâng phục, và không xứng đáng cho bất cứ việc lành nào.” (Tít 1:16).
Lời Chúa qua bài học hôm nay cảnh tỉnh và kêu gọi mỗi một chúng ta hãy luôn luôn hết lòng yêu kính, tin cậy Thiên Chúa; hết lòng yêu mến Lời của Chúa và có tấm lòng khao khát sống gìn giữ mọi điều răn, luật pháp, mệnh lệnh của Chúa, để qua đó chúng ta ngày càng có sự tri thức về Thiên Chúa ngày càng hơn; ngày càng lớn lên trong đức tin, lòng tin kính và sự tin cậy Thiên Chúa ngày càng hơn; được Đức Thánh Linh đổ đầy năng lực giúp chúng ta luôn sống trong sự thỏa lòng và biết ơn Chúa trong mọi sự, giúp chúng ta trị phục được lòng kiêu ngạo, sự ganh ghét đố kỵ, sự nghi ngờ vô tín, sự tự mình gây vấp phạm cho chính mình và làm cớ vấp ngã cho người khác.
“Những ai yêu luật pháp của Ngài được sự bình an lớn. Chẳng sự gì sẽ làm vấp ngã họ.” (Thi-thiên 119:165).
Nguyện các con biết ghi khắc những lời phán dạy của Chúa vào lòng và biết hết sức, hết năng lực, hết linh hồn, hết trí khôn vâng phục và làm y theo thánh ý Chúa trong mọi đường.
Nguyện Đức Thánh Linh đổ đầy năng lực, dạy dỗ, dẫn dắt và gìn giữ các con trên con đường đời đời phước hạnh mà Chúa muốn các con đi.
Nguyện các con luôn thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu và sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta.
Nguyện vinh quang vinh hiển, quyền phép, sự cao quý duy thuộc về Thiên Chúa kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng.
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian
Sa-bát, Thứ Bảy ngày 22/06/2024.
One Reply to “Tự Mình Gây Vấp Phạm cho Chính Mình và Gây Cớ Vấp Phạm Cho Nhiều Người”