Grace Christian Nguyen
Câu gốc: “Hãy phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.” (Thi-thiên 37:5).
Câu hỏi gợi ý:
1/ Các con hãy cho biết Lời Chúa trong câu gốc áp dụng cho những ai?
2/ Trong phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 27:5-13. Theo sự hiểu của các con, nhân vật nào trong câu chuyện cần áp dụng Lời Chúa phán dạy trong câu gốc vào đời sống của mình nhất. Vì sao?
3/ Các con hãy chia sẻ kinh nghiệm của chính mình về việc các con đã phó thác đường lối của mình lên cho Chúa ra sao?
4/ Các con hãy làm chứng về sự thành tín của Chúa trong việc Ngài đã làm thành những lời cầu nguyện của các con khi các con biết nương cậy nơi Ngài.
Bài Chia Sẻ:
Sáng Thế Ký 27:5-13
5 Đang khi I-sác nói với Ê-sau con trai mình, thì Rê-bê-ca có nghe. Ê-sau ra đồng săn thịt rừng để đem về cho cha.
6 Rê-bê-ca nói với Gia-cốp, con trai mình, rằng: Này, mẹ có nghe cha nói với Ê-sau, anh con, và dặn rằng:
7 Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; để trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
8 Vậy, con ơi! Bây giờ, hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ bảo:
9 Hãy ra ngoài bầy, bắt hai dê con tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, tùy theo ý thích cha;
10 con sẽ đem cho cha ăn, để người chúc phước con trước khi qua đời.
11 Gia-cốp thưa lại cùng mẹ rằng: Thưa mẹ, Ê-sau, anh con, có lông, còn con lại không.
12 Có lẽ cha sẽ rờ mình chăng, coi con như kẻ lừa dối, thì con chắc lấy cho mình sự rủa sả, chớ chẳng phải sự chúc phước đâu.
13 Mẹ đáp rằng: Con ơi! Xin sự rủa sả đó để cho mẹ chịu; hãy cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con.
Các con thương mến,
Có ba ý chính trong câu gốc mà các con học thuộc trong tuần đó là:
– Trước nhất là con dân của Chúa chúng ta phải biết phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,
– Thứ hai là luôn đặt lòng tin tưởng và nhờ cậy nơi Ngài trong mọi sự,
– Và thứ ba là nếu mỗi một chúng ta luôn sống trong tâm tình phó thác và tin cậy nơi Chúa thì chính Chúa sẽ làm thành mọi việc theo thánh ý trọn lành của Ngài trên đời sống của chúng ta.
Các con thương mến,
Cảm tạ ơn Chúa hôm nay cho chúng ta đến với Lời Chúa qua phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 27:5-13 dựa theo các ý chính của câu gốc để tìm hiểu về cuộc đời của bà Rê-bê-ca. Qua đó rút ra cho chính mình những bài học từ thuộc thể đến thuộc linh để biết sống một đời sống đẹp lòng Chúa ngày càng hơn trên suốt linh trình theo Chúa.
Nào giờ cô mời các con cùng cô ôn lại tóm tắt sơ lược cuộc đời và tính cách của bà Rê-bê-ca. Thánh Kinh Sáng Thế Ký 22:20-23 cho chúng ta biết bà Rê-bê-ca là cháu nội của Na-cô là em ruột của Áp-ra-ham. Như vậy trong mối quan hệ gia đình bà là cháu họ và gọi I-sác là chú. Thánh Kinh cũng cho biết Rê-bê-ca là người nữ yêu kính Đức Chúa Trời, xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng, hiếu khách, tài năng đồng thời cũng là người có tính quyết đoán, mạnh mẽ. Bà chính là người nữ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chọn cho I-sác làm vợ (Sáng Thế Ký 24). I-sác và Rê-bê-ca yêu thương và sống hạnh phúc bên nhau. Trong đời sống mỗi người đều phải đối diện với những nan đề, những khăn thử thách của riêng mình, điều quan trọng là mỗi người thể hiện đức tin, lòng tin kính và sự phó thác đời sống của mình lên Chúa như thế nào. Cũng một thể ấy, I-sác và Rê-bê-ca cũng đã thể hiện đức tin và lòng yêu kính Thiên Chúa khi họ kiên trì cầu nguyện suốt hai mươi năm cho đến ngày Chúa nhậm lời ban cho họ hai con trai sinh đôi là Ê-sau và Gia-cốp với Lời phán định “Hai nước trong bụng của ngươi và hai dân sẽ được phân chia từ trong lòng ngươi. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.” (Sáng Thế Ký 25:23).
Qua sự kiện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chọn vợ cho I-sác, ban cho I-sác hai con và luôn làm thành thánh ý của Ngài trên dòng dõi Áp-ra-ham, I-sác và Gia-cốp. Chúng ta học biết bàn tay tể trị của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trên đời sống của I-sác và Rê-bê-ca cũng như trên đời sống của mỗi một chúng ta.
Lời Chúa cũng cho chúng ta biết Ê-sau là người con không tin kính Thiên Chúa khi Ê-sau xem thường quyền trưởng nam, không vâng lời và hiếu thảo đối với bậc sinh thành, cưới những người vợ thuộc dân mà Chúa cấm kết giao, đem lại đau buồn và cay đắng lòng cho cha mẹ mình (Sáng Thế Ký 26:34-35).
Tuy nhiên sách Sáng Thế Ký 25:27-28 cũng có chép: “Khi hai đứa trai này lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường rong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại. I-sác yêu Ê-sau, vì người có tính ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp.” Đây chính là nguyên nhân hình thành nên cách ứng xử và quyết định của mỗi thành viên trong gia đình I-sác, Rê-bê-ca, Ê-sau và Gia-cốp đối với lẫn nhau.
Chúng ta đã học về việc làm của I-sác trong bài học trước và nhận thấy nếu I-sác ghi nhớ Lời Chúa phán và nhạy bén trong sự nhận biết ý Chúa, có lẽ Y-sác đã có thái độ quyết đoán hơn trong việc làm chủ và cai trị nhà mình, có lẽ ông sẽ chuẩn bị Gia-cốp cho vai trò là người thừa kế y theo ý định của Chúa như Lời Ngài phán. Nhưng vì yêu Ê-sau, I-sác tập trung sự chú ý của mình vào Ê-sau hơn, điều này thể hiện qua việc ông muốn chúc phước cho Ê-sau khi nghĩ mình sắp qua đời.
Mặc dù, Thánh Kinh không nói rõ những suy nghĩ trong tấm lòng của bà Rê-bê-ca như thế nào đối với Lời phán của Chúa trên hai con, bà có nhận ra chồng mình trong lúc tuổi già đã yếu đuối vô tình hoặc cố tình theo tình cảm và ý riêng nghịch lại ý Chúa hay không? Nhưng như đã biết, bà yêu Gia-cốp và chính bà cũng muốn phước lành về Lời giao ước của Chúa trên Áp-ra-ham và I-sác sẽ được truyền lại cho Gia-cốp. Nên khi nghe những lời chồng mình gọi Ê-sau mà rằng: “Này, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.” (Sáng Thế Ký 27:2-4). Thì bà đã lên kế hoạch đánh lừa I-sác, hoán đổi Gia-cốp giả làm Ê-sau để nhận lời chúc phước từ I-sác. Thánh Kinh không cho chúng ta biết vì sao bà Rê-bê-ca quyết định hành động như vậy và Lời Chúa cũng không lên án hay kết tội bà, có lẽ do bà Rê-bê-ca nhớ rõ Lời Chúa đã báo trước về tương lai của hai con mình, nên theo sự khôn ngoan của mình bà đã hành động để ngăn chặn việc làm theo ý riêng của chồng vì bà biết rõ ý muốn của Chúa định trên Gia-cốp là người được hưởng phước của Chúa theo giao ước.
“Vì, khi hai con chưa được sinh ra, cũng chưa làm điều gì lành hay dữ, thì để cho mục đích của Đức Chúa Trời theo sự lựa chọn của Ngài được đứng vững, chẳng bởi những việc làm, nhưng bởi Đấng kêu gọi, đã có lời phán cho nàng: Đứa lớn sẽ làm tôi cho đứa nhỏ. Như có chép: Ta yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau.” (Rô-ma 9:11-13).
Thêm một chi tiết Thánh Kinh cho chúng ta biết là I-sác sau khi biết được việc làm của vợ mình và Gia-cốp, ông cũng không lên án. Trái lại ông còn chúc phước thêm cho Gia-cốp trước khi Gia-cốp lìa xa gia đình đi lánh nạn để tránh bị Ê-sau, anh mình giết chết.
Sáng Thế Ký 28:1-4
1 I-sác gọi Gia-cốp, chúc phước cho và dặn rằng: Con chớ chọn một người vợ nào hết trong nhóm con gái Ca-na-an.
2 Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-a-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con.
3 Cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phước cho con, làm con sinh sản, thêm nhiều và trở nên một đám dân đông.
4 Cầu xin Ngài ban cho con và dòng dõi con phước lành của Áp-ra-ham, để cho xứ con đã kiều ngụ sẽ làm sản nghiệp cho con, tức xứ Ngài đã ban cho Áp-ra-ham!
Bài học rút ra ở đây là bà Rê-bê-ca không có đủ mạnh dạn trực tiếp bàn luận nhắc nhở chồng mình về lời phán định của Chúa, bà cũng không có đủ đức tin vào Chúa để khi đối diện nan đề bà biết dâng trình, kêu cầu và phó dâng lên Chúa để chính Chúa hành động và thành toàn chương trình ý định của Ngài trên đời sống của bà. Bà đã theo sự khôn ngoan xác thịt lôi kéo thúc giục Gia-cốp làm ra sự lừa dối, bà đã dùng sức riêng để dành lấy ơn phước cho Gia-cốp là người con mà bà yêu thương nhất. Mà thực ra bà Rê-bê-ca và Gia-cốp không cần làm gì khác hơn là hết lòng tin kính Chúa, ra sức sống đẹp lòng Chúa, biết phó dâng đường lối mình cho Chúa và nhờ cậy nơi Ngài, thì chính Chúa trong thẩm quyền tuyệt đối của Ngài, Ngài sẽ thành toàn kế hoạch của Ngài, Ngài sẽ làm thành điều lòng bà ao ước đẹp ý Ngài. Vì Ngài là Đấng gìn giữ phần phước đã định trên họ và ban cho họ khi thời điểm của Ngài đến.
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài giữ gìn phần đã định cho tôi.” (Thi-thiên 16:5).
“Ai Ta muốn thương xót Ta sẽ thương xót. Ai Ta muốn làm ra sự thương xót Ta sẽ làm ra sự thương xót. Như vậy, chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, mà là bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 9:15b-16).
Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết bất cứ việc làm nào theo sức riêng trong sự phạm tội đều để lại hậu quả rất nặng nề. Thực tế qua việc bà Rê-bê-ca theo ý riêng và sức riêng phạm tội lừa gạt chồng đã khiến cho gia đình tan vỡ ly tán, con cái thù ghét lẫn nhau, bà Rê-bê-ca còn làm cớ vấp phạm khiến cho Ê-sau vì căm giận mà nuôi ý định giết chết em mình và gây cớ làm cho Gia-cốp đồng phạm tội nói dối và lường gạt I-sác.
Có thể do thấu hiểu sự yếu đuối của loài người và do lòng nhân từ thương xót rất lớn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã tha thứ tội lỗi cho bà Rê-bê-ca và Gia-cốp. Ngài đã không trách phạt họ khi họ dùng ý riêng và sức riêng để “giúp Chúa” hoàn thành kế hoạch của Ngài. Nhưng Lời Chúa cho chúng ta biết bất cứ hành động việc làm nào vi phạm vào điều răn luật pháp của Chúa đều mang đến hậu quả nhất định. Thực tế là sau ngày đó bà Rê-bê-ca không còn được sống gần gũi với người con mà bà yêu quý, và cũng không còn gặp lại Gia-cốp cho đến khi bà qua đời.
Là con dân của Chúa, chúng ta hãy ghi nhớ Lời Chúa và luôn áp dụng Lời Chúa phán dạy chúng ta trong câu gốc mà chúng ta học hôm nay: “Hãy phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.” (Thi-thiên 37:5).
Chúng ta không nên dùng sức riêng, không nên dùng sự khôn ngoan theo tính xác thịt, không dùng sự hiểu biết giới hạn của loài người mà làm bất cứ sự chi không bởi sự dẫn dắt của Chúa, nhất là không hành xử một cách thiên vị không công bằng đối với người khác, không vì tình yêu thương xác thịt mà làm ra những điều vi phạm điều răn luật pháp của Chúa gây cớ vấp phạm cho nhiều người khác. Như tấm gương của bà Rê-bê-ca, bà đã thành công trong kế hoạch của mình nhưng hậu quả của việc làm không theo sự phán dạy và dẫn dắt của Chúa, vi phạm điều răn luật pháp của Chúa đã đem lại hậu quả đau buồn, bất hạnh cho hết thảy mỗi thành viên trong gia đình, nhất là cho chính bà và Gia-cốp là người con mà bà hết mực yêu thương, đồng thời bà đã gây cớ vấp phạm cho chính hai con trai mình, một người thì giận dữ nuôi ý định giết em mình, một người thì phạm tội nói dối và lường gạt chính cha mình.
Đến đây cô có câu hỏi dành cho các con như sau:
1/ Sự lập kế hoạch lừa dối I-sác của bà Rê-bê-ca mục đích giành lấy phần phước về cho Gia-cốp, nói lên điều gì ở bà Rê-bê-ca? Và việc làm của bà có sai Lời Chúa không?
Đáp án:
Thứ nhất: Việc bà Rê-bê-ca lập kế hoạch lừa dối I-sác mục đích giành lấy phần phước về cho Gia-cốp, nói lên bà Rê-bê-ca đã thiên vị, đã đối xử không công bằng đối với hai con trai của mình. Nhưng điều quan trọng hơn hết là trong lúc này đây bà đã thiếu đức tin nơi Thiên Chúa, bà đã không biết phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và hoàn toàn nhờ cậy nơi Ngài, để Ngài sẽ làm thành điều lòng bà ao ước đẹp ý Ngài.
Sự cư xử không công bình giữa hai người con của bà Rê-bê-ca, và kế hoạch lừa dối chồng là cách hành xử sai nghịch lại sự dạy dỗ của Chúa đối với dân sự của Ngài.
“Tư vị người lấy làm chẳng tốt; dù vì một miếng bánh, người cũng phạm tội.” (Châm-ngôn 28:21).
“Hãy cẩn thận việc các người làm; vì chẳng phải vì loài người mà các ngươi phán xét đâu, mà là vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Ngài sẽ ở cùng các ngươi trong việc phán xét. Vậy bây giờ, phải kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy cẩn thận mà làm; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của chúng ta chẳng trái phép công chính, chẳng thiên vị người, chẳng nhận của hối lộ.”( II Sử Ký 19:6-7).
Mặc dù lòng mong ước và ý muốn của bà Rê-bê-ca hợp với ý muốn và Lời phán định của Chúa, nhưng phương cách và hành động của bà Rê-bê-ca là hoàn toàn sai theo tiêu chuẩn công chính, thánh khiết, yêu thương của Thiên Chúa.
Vì sự thiên vị gieo mầm hạt giống ghen tị, ganh ghét, bất hòa giữa các mối quan hệ, nhất là trong gia đình. Là con dân của Chúa chúng ta cần học cách không cư xử bất công đối với tất cả mọi người, từ trong gia đình riêng, trong mối quan hệ giữa vòng anh chị em cùng Cha trong Hội Thánh, lẫn đối với các mối quan hệ xã hội. Vậy nên qua tấm gương của bà Rê-bê-ca trong bài học hôm nay chúng ta cần ghi nhớ và thực hành Lời Chúa phán dạy chúng ta như sau:
“Nếu các anh chị em thật sự vâng giữ toàn vẹn vương pháp, theo như Thánh Kinh: Hãy yêu người lân cận như mình! Thì các anh chị em ăn ở tốt lắm. Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật.” (Gia-cơ 2:8-9).
Đến đây cô mời các con cùng đến với câu chuyện tình huống như sau:
Bạn A không dành thời gian ôn tập và xem lại các bài giảng của thầy cô, không chuẩn bị tốt sức khỏe thân thể và tinh thần như: không ăn uống đều độ, không đi ngủ đúng giờ… trước kỳ thi cuối lớp. Vì bạn ỷ rằng trước kỳ thi mình chỉ cần cầu nguyện, thì Chúa sẽ giúp mình làm bài tốt và vượt qua được kỳ thi với điểm cao. Hậu quả là bạn đã bị điểm số rất thấp trong kỳ thi.
Câu hỏi:
2a) Các con hãy cho biết bạn A có hiểu đúng và biết áp dụng đúng Lời Chúa trong câu gốc mà các con học hôm nay không?
Đáp án: Bạn A đã hiểu sai và đã áp dụng sai Lời Chúa phán dạy trong câu gốc.
2b) Các con hãy cho biết vì sao Thiên Chúa không đáp lời và làm thành những sự bạn A cầu xin?
Đáp án:
Thứ nhất vì Thiên Chúa là Đấng công chính, thánh khiết. Ngài yêu thương nhưng Ngài không bất công và thiên vị. Sự Thiên Chúa đã không ban cho bạn A đạt được điểm cao như lời bạn cầu nguyện còn nói lên lòng thương xót rất lớn của Chúa. Ngài muốn qua sự việc thất bại trong kỳ thi giúp bạn A nhận biết sự sai trái của mình, giúp bạn A không phạm tội lợi dụng Chúa và danh Chúa, không phạm vào tội xem Thiên Chúa như một vị thần có bổn phận ban cho bạn bất cứ điều gì bạn cầu xin.
Thứ hai là vì lời cầu xin của bạn A không phải lẽ. Bởi theo nguyên tắc một người không làm, không gieo thì cũng sẽ không có gì để gặt hái hoặc có thể hưởng thụ được thành quả.
Nếu bạn A không nhận biết sự hiểu sai và áp dụng sai trật Lời Chúa của mình mà vẫn cứ tiếp tục cầu xin theo cách ấy, lâu dần sẽ dẫn đến việc bạn A lằm bằm oán trách Chúa, nói phạm đến danh Chúa, đánh mất đức tin vào Chúa khi những lời cầu xin của A không được Chúa nhậm lời. Một mặt khác đây là hình thức bẻ cong Lời Chúa để phục vụ cho sự lười biếng, tham lam, ích kỷ của người không thật sự có lòng kính sợ Chúa, không tìm cầu ý Chúa và cũng đã không sống theo Lời Chúa.
2c) Các con có biết nguyên nhân nào khiến cho một người học Lời Chúa nhưng vẫn có thể hiểu sai và áp dụng sai không?
Đáp án: Có các nguyên nhân có thể khiến một người học biết Lời Chúa nhưng hiểu không đúng nhất là không biết cách áp dụng đúng đắn Lời Chúa vào trong cuộc sống như sau:
-Thứ nhất có lẽ người đó chưa thật hết lòng yêu kính Chúa, không để lòng tìm kiếm ý muốn Chúa và lẽ thật Lời Chúa, không có tấm lòng muốn làm theo ý Chúa, không có sự khao khát làm cho Chúa đẹp lòng.
-Thứ hai có thể người đó đã không thật sự dành thời gian đọc, học, suy ngẫm ngày đêm và cẩn thận làm y theo mọi lời Chúa phán dạy được chép trong Thánh Kinh.
-Thứ ba có thể do người đó chỉ theo Chúa theo lý trí, theo Chúa vì lòng mưu cầu ích lợi vật chất, do vậy họ xem Chúa như một vị thần ban phước, ban cho họ những sự có cần trong đời sống thuộc thể giống như người thế gian nhờ cậy vào các thần của họ vậy.
Kết lại: Qua phân đoạn Thánh Kinh 27:5-13 các con cần ghi nhớ ba bài học quan trọng sau đây:
Thứ nhất: Luôn biết dâng trình, phó thác đường lối mình lên cho Chúa và hết lòng cậy trông nơi Chúa thì chính Chúa sẽ làm thành mọi điều lòng chúng ta ước ao phải lẽ đẹp lòng Chúa.
Thứ hai, luôn ghi nhớ bất cứ hành động nào không theo sự dẫn dắt của Chúa, những việc làm theo ý riêng, theo sức riêng hoặc vi phạm điều răn luật pháp của Chúa đều để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Cho dù sau khi ăn năn xưng tội thì được Chúa tha thứ và không định hình phạt trên chúng ta, nhưng hậu quả của việc làm sai Lời Chúa thì chúng ta vẫn phải gánh chịu.
Thứ ba, sự phạm tội của chúng ta có thể làm cớ vấp phạm khiến cho người khác phạm tội, nhất là những người chúng ta gần gũi và thương yêu nhiều nhất.
Nguyện chính Chúa ban ơn, dạy dỗ, dẫn dắt và gìn giữ hết thảy các con trong đường lối của Chúa.
Nguyện các con luôn biết hết lòng, hết ý, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngày đêm học hỏi, suy ngẫm một cách thật cẩn thận mọi Lời phán dạy của Chúa và ra sức làm y theo hết thảy mọi điều như đã chép ở trong Thánh Kinh vì lòng kính sợ, biết ơn và yêu mến Chúa.
Nguyện Chúa làm thành mọi chương trình ý định trọn lành của Ngài trên mỗi một các con và sắm sẵn các con cho ngày đến của Đấng Christ, Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta.
Nguyện vinh quang quyền phép, sự tôn quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen
One Reply to “Sáng Thế Ký 27:5-13”