Sáng Thế Ký 27:30-41

Grace Christian Nguyen

Câu gốc: Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.” (Giê-rê-mi 5:25).

Câu hỏi gợi ý:

1/ Theo sự hiểu của các con thì vì sao Ê-sau không nhận được lời chúc phước từ cha mình?

2/ Các con hãy liệt kê những sự mà Ê-sau đã làm khiến cho có sự ngăn trở Ê-sau nhận được phước từ Thiên Chúa.

3/ Theo sự hiểu của các con thì trong phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 27:30-41. Ê-sau có phạm tội giết người chưa? Các con hãy cho biết vì sao Ê-sau đã phạm tội giết người hoặc vì sao chưa?

4/ Các con hãy chia sẻ bài học các con rút ra được cho chính mình qua nếp sống và cuộc đời của Ê-sau?

5/ Để luôn nhận được mọi ơn phước thiêng liêng được ban cho từ Chúa. Các con cần phải làm gì trong lứa tuổi của mình ngay lúc này?

Bài Chia Sẻ:

Sáng thế Ký 27:30-41

30 Vừa khi I-sác chúc phước cho Gia-cốp xong, và vừa khi Gia-cốp lùi ra khỏi nơi cha mình, thì Ê-sau, anh người, đi săn trở về.
31 Người cũng dọn một món ngon, dâng lên cho cha và thưa rằng: Xin dậy, ngồi ăn thịt săn của con trai cha, để linh hồn cha chúc phước cho con.
32 I-sác, cha người, hỏi: Con là đứa nào? Thưa rằng: Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha.
33 I-sác lấy làm cảm động quá đỗi mà nói rằng: Vậy, còn đứa nào đã săn thịt rừng, và đã dâng lên cho cha đó? Trước khi con về, cha đã ăn hết rồi, và chúc phước cho nó; nó lại sẽ được ban phước vậy.
34 Vừa nghe dứt lời cha, thì Ê-sau la lên một tiếng rất lớn, và rất thảm thiết mà thưa cùng cha rằng: Cha ơi! Xin hãy chúc phước cho con luôn nữa!
35 Nhưng I-sác lại đáp: Em con đã dùng mưu kế đến cướp sự chúc phước của con rồi.
36 Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa. Tiếp rằng: Cha chẳng có dành sự chúc phước gì cho tôi sao?
37 I-sác đáp rằng: Này, cha đã lập nó lên làm chủ con, và đã cho các anh em làm tôi nó; và đã dự bị lúa mì và rượu cho nó. Vậy, cha sẽ làm gì cho con đây?
38 Ê-sau thưa rằng: Cha ơi! cha chỉ có sự chúc phước đó thôi sao? Hãy chúc phước cho con với, cha! Rồi Ê-sau cất tiếng lên khóc.
39 I-sác cha người, đáp rằng: Này, nơi con ở sẽ thiếu màu mỡ của đất, cùng sương móc trên trời sa xuống.
40 Con sẽ nhờ gươm mới được sống, và làm tôi tớ cho em con. Nhưng khi con lưu lạc nay đó mai đây, sẽ bẻ cái ách của em trên cổ con vậy.
41 Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta.

Các con thương mến,

Nào giờ chúng ta cùng nhau học hỏi Lời Chúa để tìm biết nguyên nhân vì sao có sự ngăn trở phước hạnh được ban cho từ Thiên Chúa đến trên Ê-sau, qua đó rút ra cho chính mình bài học thuộc linh trên linh trình theo Chúa nhé!

Trước khi học về lý do Chúa cho phép mọi sự xảy ra khiến Ê-sau đánh mất phần phước hạnh của mình, chúng ta hãy cùng nhớ lại sự kiện Ê-sau khinh dễ và xem thường Lời phán hứa của Chúa trên dòng dõi mình, bán quyền trưởng nam (Sáng Thế Ký 25:29-34). Sau đó lại tiếp tục thể hiện lòng bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa lần lượt cưới những người vợ thuộc các sắc dân mà Chúa cấm kết giao (Sáng Thế Ký 26:34-35).

Đời sống của Ê-sau vừa bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa, xem thường Lời Chúa, vừa làm cay đắng lòng cha mẹ, vừa làm gương xấu cho dòng dõi con cháu nối tiếp theo sau. Ôn lại câu chuyện chúng ta thấy rằng Ê-sau là người sống và hành động theo tính xác thịt, khinh thường ý Chúa và quyền tể trị của Chúa trên mình. Ê-sau xem thường những ơn phước thiêng liêng được ban cho từ Chúa là quyền trưởng nam của một dòng dõi, một dân tộc thuộc riêng về Chúa, mang danh Chúa, chỉ vì những nhu cầu vật chất cùng những ước muốn thuộc về thế gian. Ê-sau đã phạm tội cố chấp, thờ thần tôi, gian dâm thuộc linh đối với Đức Chúa Trời vì đã đặt cái bụng của mình làm thần tượng, làm chúa trong lòng mình. Như vậy, qua Lời Chúa dạy, chúng ta nhận biết nguyên do Ê-sau đánh mất phần phước hạnh của mình dẫn đến sự phạm tội ngày càng hơn, chính là bởi sự bất tuân mạng lệnh Thiên Chúa và sự phạm tội của ông. Như Lời Chúa chép:

Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.” (Giê-rê-mi 5:25).

Có thể trong chúng ta, ai cũng nghĩ rằng ngày nay mình đã theo Chúa và không còn thờ thần tượng. Nhưng chúng ta cần cẩn thận tra xét bởi vì rất có thể chúng ta vẫn còn thờ nhiều thần, nhiều chúa mà không nhận biết. Khi một người chạy theo những đối tượng khác ngoài Chúa, đặt bất cứ ai hay sự chi làm điều quan trọng nhất của lòng chính là đã thờ thần tượng, đã phạm tội tà dâm thuộc linh đối cùng Chúa.

Ví dụ một người quá yêu thương gia đình, cha mẹ, con cái người thân hơn yêu Chúa, sẵn sàng vì họ làm mọi việc ngay cả vi phạm điều răn luật pháp của Chúa.

Ví dụ như một người để sự học hành, sự được tiếng khen, sự ham muốn những điều thuộc về thế gian đời này làm điều quan trọng hàng đầu và dành toàn bộ tâm trí, sức lực, thời gian cho những sự ấy chính là đang thờ thần tượng.

Ví dụ như một người luôn cho mình hay, mình giỏi, mình đúng hoặc dù biết mình sai nhưng vẫn cố chấp làm theo ý mình, bất chấp mọi lời răn dạy của Chúa chính là người đang thờ thần tôi, là người đang thờ thần khác ngoài Thiên Chúa vậy.

Những người có tấm lòng và nếp sống như vậy là đang phạm tội ác trước mắt Chúa vì đã vi phạm điều răn thứ nhất quan trọng đầu tiên trong các điều răn luật pháp của Thiên Chúa.

Và trong lúc này đây có thể đối với Ê-sau, lời chúc phước của cha là sự được thịnh vượng, sự giàu có về của cải vật chất trong thế gian đời này. Vì vậy mà sau khi biết cha đã chúc phước cho Gia-cốp ông liền khóc lóc, nài xin cha cũng chúc phước cho mình nữa. Khi không đổi được ý cha, không được thỏa đáp điều ông muốn, Ê-sau liền trở nên giận dữ, oán ghét và nuôi ý định giết em mình.

Trong suốt Thánh Kinh chúng ta không thấy có lần nào Ê-sau đặt giá trị thiêng liêng làm điều quan trọng, không thấy ông kêu cầu Chúa và tìm kiếm thánh ý Chúa, không thấy ông có sự ăn năn thống hối vì những sai phạm của mình trước Chúa, không thấy ông nhận biết nếp sống của mình đã vi phạm điều răn, luật pháp, mệnh lệnh và ý chỉ của Chúa. Có thể vì Ê-sau không để lòng hạ mình tra xét nên không nhận biết sự việc đang xảy ra chính là hậu quả của đời sống chống nghịch ý Chúa và khinh thường Chúa của mình là nguyên nhân khiến cho ông bị xa cách mặt Chúa, xa cách sự vinh quang và phước hạnh của Chúa, như có chép:

Sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt.” (Hê-bơ-rơ 12:17b).

Lời Chúa trong câu 41:

Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta.” (Sáng Thế Ký 27:41).

Ê-sau tiếp tục phạm tội vu khống, ganh ghét, giết người. Bởi vì không thể nói người khác chiếm đoạt điều gì của mình trong khi chính mình đã bán điều đó, vật đó, địa vị đó cho người. Như có chép:

Ê-sau đáp rằng: Này, anh gần chết, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm gì?” (Sáng Thế Ký 25:32).

Vậy nên lời Ê-sau nói trong câu 36 “Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa.” là không đúng sự thật. Ê-sau không thể nói Gia-cốp đã chiếm quyền trưởng nam của ông được. Vì Lời Chúa có phán dạy rằng:

Đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng. Thật vậy, anh em biết rằng đến sau, người muốn cha mình chúc phước cho, thì lại bị bỏ; vì dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi.” (Hê-bơ-rơ 12:16).

Chúng ta biết chính Ê-sau đã khinh thường và bằng lòng bán quyền trưởng nam cho em để đổi lấy một bát canh, như vậy chính Ê-sau đã chối bỏ quyền trưởng nam trước mặt Đức Chúa Trời. Mặc dầu về thuộc thể Ê-sau vẫn là trưởng nam vì ông chào đời trước Gia-cốp y theo luật định của Thiên Chúa, là luật định không một ai hay thế lực nào có thể thay đổi được. Tuy nhiên, về thuộc linh ông đã đánh mất địa vị cao quý trở thành người lưu truyền và nhận lãnh ơn phước từ Thiên Chúa trong giao ước của Ngài đối với dòng dõi con cháu Áp-ra-ham, nên giờ đây ông phải nhận lãnh bông trái của chính môi miệng mình. Như Lời Chúa có chép:

Hãy nói với chúng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Ta hằng sống! Theo như các ngươi đã nói trong tai Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi như vậy.” (Dân-số-ký 14:28).

Xét theo giá trị thuộc linh thì chính Ê-sau đã đánh đổi địa vị cao quý trong Chúa của mình cho sự thỏa mãn cảm xúc xác thịt. Nhưng bởi sự thương xót nhân từ vô lượng vô biên và vô điều kiện của Chúa và trong sự công chính, thánh khiết, yêu thương đời đời không thay đổi, Thiên Chúa vẫn ban phước cho Ê-sau, vẫn cho ông và con cháu ông trở thành một dân mạnh mẽ, giàu có, vẫn cho ông trở thành tổ phụ của dân Ê-đôm hùng mạnh. Thiên Chúa yêu Gia-cốp nhưng Ngài không thiên vị. Nhưng trong sự toàn tri, Ngài biết trước cách ứng xử, lựa chọn và tấm lòng của Ê-sau đối cùng Ngài, Ngài biết trước Ê-sau sẽ xem thường giá trị địa vị thuộc linh của mình trong Chúa, Ngài biết trước Ê-sau sẽ khinh dễ Chúa và Lời của Chúa ra sao. Minh chứng rất rõ trong việc Ê-sau sau khi xem thường Chúa bán quyền trưởng nam, lại tiếp tục phớt lờ mệnh lệnh của Chúa cưới những người vợ thuộc các sắc dân mà Chúa cấm dân I-sơ-ra-ên kết giao, dẫn đến dòng dõi ông là dân Ê-đôm độc ác, ganh ghét, ức hiếp nhiều lần vô cớ tấn công dân I-sơ-ra-ên khiến Thiên Chúa nổi giận gọi họ là cõi độc ác và nghịch lại họ đời đời.(Sáng Thế Ký 25–36; 25:29–34; 26:34–35; 28:6–9. Sách Áp-đia và sách Ma-la-chi 1 dạy cho chúng ta biết về các điều này).

Bài học rút ra:
Là con dân của Chúa chúng ta đừng bao giờ ngông cuồng xem thường Chúa, khinh dễ Lời của Chúa, xem thường những ơn phước lớn lao Chúa đã ban cho chúng ta, đừng bao giờ lên mình kiêu ngạo mà đánh giá thấp hậu quả của tội lỗi, nhất là khinh thường sự sửa phạt của Chúa. Cũng đừng bao giờ cho phép ai hay bất cứ sự chi chiếm chỗ của Chúa trong lòng chúng ta. Bởi vì như vậy là chúng ta đã phạm tội tà dâm đối cùng Thiên Chúa, đã trở thành ô uế trước mặt Chúa.

Trái lại chúng ta phải luôn biết quý trọng giá trị thiêng liêng trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, biết tôn quý địa vị được làm con Thiên Chúa, luôn hết lòng vâng giữ mọi điều răn, luật pháp, mệnh lệnh của Chúa để không tự mình đánh mất phần phước hạnh mà Chúa đã định sẵn phần cho chúng ta trong Ngài.

Như vậy, điểm mấu chốt quan trọng giúp một người luôn nhận được phần phước hạnh được ban cho từ Chúa một cách dư dật hoặc bị ngăn trở. Chính là nếp sống và tấm lòng của người đó đối cùng Thiên Chúa mình, chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào việc làm đúng hay sai của người khác. Có hiểu như vậy chúng ta mới không sanh lòng kiêu ngạo, đố kỵ, ganh ghét người khác hay xem thường người khác, cũng không tranh giành phần ơn phước của người hoặc có suy nghĩ rằng ai đó đã cướp mất phần phước của mình mà phạm tội như tấm gương của Ê-sau mà chúng ta học được trong bài học hôm nay.

Thi Thiên 37:1; 37:3-7

1 Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng ganh tị kẻ tập tành sự gian ác.
3 Hãy tin cậy nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và hãy làm điều lành! Hãy ở trong xứ, và nuôi mình bởi sự thành tín của Ngài.
4 Cũng hãy vui thỏa nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài sẽ ban cho ngươi những điều ao ước của lòng ngươi.
5 Hãy phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.
6 Ngài sẽ khiến công chính ngươi lộ ra như ánh sáng, và sự phán xét ngươi như giữa trưa.
7 Hãy yên tịnh trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được thịnh vượng trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.

Nguyện Lời Chúa qua bài học hôm nay giúp các con biết học theo những tấm gương tin kính cũng như tránh không phạm phải những lỗi lầm mà người xưa đã phạm, hầu cho các con ngày càng có nếp sống đẹp lòng Chúa càng hơn, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta.

Nguyện vinh quang, quyền phép, sự tôn quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!

Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen

One Reply to “Sáng Thế Ký 27:30-41”

Để lại một bình luận