Sáng Thế Ký 28:10-15

Grace Christian Nguyen

Câu gốc:Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18).

Câu hỏi gợi ý:

1/ Qua phân đoạn Thánh Kinh sách Sáng Thế Ký 28:10-15. Lời Chúa bày tỏ mỹ đức gì của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu?

2/ Các con hãy chia sẻ sự hiểu của các con về sự Thiên Chúa luôn chăm sóc những người kính sợ Chúa.

3/ Các con hãy cho biết vì sao Chúa luôn ban phước trên những ai biết trông cậy nơi Ngài.

4/ Các con hãy cho biết các con cần có đời sống như thế nào để Lời phán: “Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18) hoàn toàn ứng nghiệm trên các con?

Bài Chia Sẻ

Sáng Thế Ký 28:10-15
10 Gia-cốp từ Bê-e-sê-ba đi về hướng Cha-ran.
11 Ông tới một chỗ kia, thì dừng lại nghỉ, vì mặt trời đã khuất. Ông lấy đá tại nơi đó làm gối đầu, và nằm ngủ tại nơi đó.
12 Ông nằm mơ, và kìa, một cái thang bắc trên đất, đầu của nó chạm đến các tầng trời; và kìa, các thiên sứ của Thiên Chúa lên xuống trên nó.
13 Kìa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng phía trên nó và phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ của ngươi, và Thiên Chúa của I-sác. Đất mà ngươi nằm trên đó, Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi.
14 Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất, tràn ra đến đông tây nam bắc. Trong ngươi và trong dòng dõi ngươi hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được phước.
15 Này, Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó, và đem ngươi về xứ này; vì Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi.

Các con thương mến,
Qua 5 câu Thánh Kinh ghi chép sự kiện xảy ra đối với Gia-cốp trong ngày đầu tiên rời xa mái ấm gia đình người thân trên hành trình từ Bê-e-sê-ba hướng về Cha-ran theo sự dạy dỗ của cha mẹ. Tuy Lời Chúa thật ngắn gọn xúc tích nhưng hàm chứa thật nhiều sự dạy dỗ từ Chúa dành cho mỗi chúng ta. Khi để lòng suy ngẫm chúng ta sẽ nhận biết đây là một hành trình với những bước chân thật nặng trĩu nỗi cô đơn, lẻ loi, sợ hãi và đầy đau buồn mà Gia-cốp đang trải qua. Bởi vì Thánh Kinh cho chúng ta biết Gia-cốp là người hiền lành nhu mì quấn quýt bên mẹ từ nhỏ. Nay, bất ngờ phải lìa xa cha mẹ, rời bỏ gia đình, đi trở về vùng đất mà năm xưa ông nội của ông đã từ đó ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời để trốn chạy sự truy sát của anh trai mình, Gia-cốp giờ đây phải một mình đối diện với con đường hoang vắng xa xăm đầy sỏi đá trước mặt. Đặt mình vào hoàn cảnh của Gia-cốp chúng ta mới có thể hiểu được phần nào tâm trạng của ông lúc này. Tuy nhiên, điều chúng ta chú ý ở đây chính là dù phải rơi vào trong hoàn cảnh đầy khó khăn nhưng chúng ta chưa từng một lần nghe bất cứ lời than van, oán trách hay đổ lỗi nào phát ra từ miệng của Gia-cốp. Ông không giận cha, không đổ lỗi cho mẹ, không oán ghét anh trai mình. Ông cứ hiền lành, nhẫn nhịn, vâng phục và làm y theo sự dạy dỗ của cha mẹ, vẫn giữ lòng hiếu kính đối với cha mẹ, nhu mì tiếp nhận mọi điều Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của mình. Có lẽ bởi bản tính hiền lành và hiếu kính đối với cha mẹ, bởi tấm lòng luôn tìm cầu mọi phước hạnh được ban cho từ Thiên Chúa, bởi sự bền lòng trông đợi những sự thiêng liêng thuộc về trời, bởi đức tin vào trong sự tể trị của Chúa, là những điều đẹp lòng Đức Chúa Trời và là điều mà Ngài tìm kiếm và muốn thấy ở mỗi một người thuộc về Ngài, nên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không chậm trễ trong việc bày tỏ cho Gia-cốp biết rằng Ngài vẫn hằng đoái xem thương xót và làm ơn trên ông. Như Lời Chúa phán:

Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18).

Sau một ngày dài trên đường trốn chạy mệt nhọc, khi mặt trời khuất bóng Gia-cốp tới một chỗ kia, thì dừng lại nghỉ. Ông lấy một hòn đá gối đầu và nằm ngủ tại nơi đó. Trong giấc ngủ Gia-cốp chiêm bao thấy một cái thang bắc trên đất, đầu của nó chạm đến các tầng trời và các thiên sứ của Thiên Chúa lên xuống trên nó.
Gia-cốp nhìn thấy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngự phía trên đầu thang và phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ của ngươi, và Thiên Chúa của I-sác. Đất mà ngươi nằm trên đó, Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất, tràn ra đến đông tây nam bắc. Trong ngươi và trong dòng dõi ngươi hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được phước. Này, Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó, và đem ngươi về xứ này; vì Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi.
Suốt mấy mươi năm tìm cầu Chúa, tìm kiếm phước thiêng liêng từ trời, thậm chí có lúc yếu đuối hành xử theo sự khôn ngoan xác thịt để đạt được địa vị và những lời chúc phước tốt lành trong giao ước Đức Chúa Trời phán hứa cùng tổ phụ mình, Gia-cốp chưa từng nhận được sự phán dạy trực tiếp từ nơi Chúa. Nhưng nay, trong thời khắc cô đơn lẻ loi nhất, trong sự sợ hãi tột cùng khi phải trốn chạy để bảo toàn mạng sống, Thiên Chúa lại hiện ra với Gia-cốp, phán dạy ông, an ủi ông, nâng đỡ đức tin cho ông, xác lập lại giao ước của Ngài đối cùng tổ phụ ông và Ngài hứa sẽ làm thành giao ước ấy trên chính ông. Sự được nhìn thấy Chúa, được nghe những lời phán hứa trực tiếp từ Chúa lúc này đây tiếp thêm sức mạnh giúp Gia-cốp vững lòng vượt qua những gian nan thử thách phía trước.
Đặc ân được gặp Chúa và được nghe những lời phán dạy của Chúa cũng sẽ ứng nghiệm trên tất cả ai biết hết lòng yêu mến Chúa, tìm kiếm Chúa, Như có chép:

Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Qua sự kiện Thiên Chúa đến với Gia-cốp trong thời khắc ông cần Chúa nhất cùng ban cho ông các lời hứa sau đây:

1/ Ta sẽ ban cho ngươi đất này,
2/ Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất,
3/ Trong ngươi và trong dòng dõi ngươi hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được phước.
4/ Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó,
5/ Và đem ngươi về xứ này,
6/ Ta không bao giờ bỏ ngươi,
7/ Cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi. Nghĩa là Chúa sẽ thành toàn mọi lời phán hứa mà Ngài đang xác lập lại cùng ông ngay lúc này.

Chúng ta rút ra được những bài học thuộc linh quý báu trên linh trình theo Chúa như sau:

1/ Chúa biết rõ chúng ta là ai, những điều chúng ta đã làm, những yếu đuối chúng ta đã vấp phạm, những nỗi niềm lo lắng, băn khoăn, sợ hãi, đau buồn chúng ta đang phải đối diện. Như có chép:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết. Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi. Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi. Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy!” (Thi Thiên 139:2-3).

Ngài đếm sự tha hương của tôi! Xin Ngài để nước mắt của tôi trong bình của Ngài. Chúng không được ghi trong sổ của Ngài sao?” (Thi Thiên 56:8).

Điều quan trọng là mỗi một chúng ta có nhận biết “Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18) mà hết lòng kính sợ biết ơn Chúa, hết lòng trông cậy và phó thác đường lối mình lên Chúa hay không?

2/ Chúa luôn ở cùng, ban ơn thêm sức và gìn giữ chúng ta trong mọi nẻo đường chúng ta đi, giúp chúng ta bình an vững vàng vượt qua mọi nghịch cảnh trong sự thử thách tập rèn của Chúa trên chúng ta. Như có chép:

Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.” (Gióp 23:10).

Vậy, chúng ta có tiếp nhận ý muốn của Chúa trên chúng ta và bằng lòng để được Chúa tập rèn thử luyện? Có bằng lòng từ bỏ những thói hư tật xấu trong con người xưa cũ, lánh xa mọi thói tục, mọi sự ham mến bất chính của xác thịt là những sự thuộc thế gian đời này để được Chúa thánh hóa, biến đổi khiến cho chúng ta trở nên như vàng, trở nên giống Chúa ngày càng hơn trong sự công chính thánh khiết và yêu thương không? Như có chép:

Chân tôi bén theo bước Chúa; tôi giữ đi theo đường Ngài, chẳng hề sai lệch. Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.” (Gióp 23:11-12).

3/ Trong sự dạy dỗ, dẫn dắt, thử rèn của Chúa, nếu chúng ta hết lòng trung tín bước đi theo Ngài, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu luôn thành tín làm thành mọi lời hứa phước hạnh mà Ngài đã định sẵn trên chúng ta từ buổi sáng thế tùy vào sự khôn ngoan, thông sáng, yêu thương, giàu có vô lượng vô biên của Ngài. Như có chép:

Nếu ngươi nghe các luật lệ này, và giữ gìn làm theo, thì đối cùng ngươi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi sẽ giữ lời giao ước và sự thương xót mà Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi. Ngài sẽ yêu mến ngươi, ban phước cho ngươi, gia tăng ngươi, ban phước cho con cái ngươi, cho thổ sản ngươi, cho ngũ cốc, rượu, và dầu của ngươi, cho lứa đẻ của bò cái, chiên cái ngươi thêm nhiều trên đất mà Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi, để ban cho ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:12-13).

Các con thương mến,

Sự bày tỏ chính mình Ngài cùng chương trình ý định của Ngài đối cùng Gia-cốp trong năm câu Thánh Kinh được chép trong sách Sáng Thế Ký 28:10-15 mà chúng ta đang học ở đây cho chúng ta thấy sự vinh quang vĩ đại của Thiên Chúa, thấy sự thành tín, thấu hiểu, ứng cứu kịp thời, kịp lúc, đúng thời điểm trong sự toàn tri của Thiên Chúa, thấy sự chăm lo chu toàn trong từng chi tiết bởi tình yêu thương vô lượng vô biên không sao tả xiết và đầy dẫy ân huệ của Thiên Chúa trên con dân của Ngài. Như có chép:

Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử Ký 16:9a).

Điều còn lại chính là Gia-cốp và mỗi một chúng ta có nhận biết con đường mà Chúa muốn chúng ta đi, hành trình tập rèn thử luyện mà Chúa muốn chúng ta phải trải qua nhằm giúp chúng ta ngày càng trở nên trọn vẹn trước mặt Chúa, được Chúa đẹp lòng để nhận lãnh được mọi phước lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta hay không? Thái độ Gia-cốp và chúng ta đáp ứng với ý muốn của Chúa trên mình như thế nào là quyền tự do lựa chọn của mỗi người. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thái độ, quyết định và sự chọn lựa của Gia-cốp ra sao vào bài học kế tiếp.

Giờ thì cô dừng lại và gửi đến các con câu hỏi giúp các con hiểu rõ và ghi nhớ những gì đã học cũng như biết cách áp dụng Lời Chúa vào đời sống như sau:

1/ Các con có nhận biết ý muốn của Chúa trên các con ngay trong lứa tuổi của các con là gì không? Và đó là những điều gì?

Đáp án: Ý muốn của Chúa trên các con chính là: Học biết về Thiên Chúa, học biết về tình yêu và những việc làm lớn lao mà Chúa đã làm ra và ban xuống cho các con. Học biết sự kính sợ Chúa và biết ơn Chúa. Học biết bổn phận làm con, làm anh, làm chị, làm em trong gia đình mang danh là con cái của Chúa và trách nhiệm là thành viên trong Hội Thánh của Chúa. Học biết bổn phận chiếu sáng danh Chúa bằng nếp sống của các con cho những người xung quanh nhận biết sự tốt lành trọn vẹn của Chúa, khiến họ cất tiếng tôn vinh ca ngợi Cha của chúng ta, Đấng ở trên trời.

2/ Để làm tròn những bổn phận mà Chúa muốn các con thực hiện như vừa nêu: Các con hãy cho biết hiện nay những việc làm cần thiết không thể thiếu của các con mỗi ngày là gì?

Đáp án: Học Lời Chúa, suy ngẫm rồi cẩn thận hết lòng,hết sức, hết ý, hết năng lực làm theo. Thực hành nếp sống hiếu kính đối với cha mẹ và yêu thương anh chị em bằng cách giúp đỡ cha mẹ những việc vừa sức mình, tự giác học lời Chúa, chép câu gốc, học câu gốc, làm bài chia sẻ, làm bài tập ở trường, tự giác chăm sóc bản thân như giữ gìn thân thể sạch sẽ, yêu thương bảo bọc chăm sóc và nhường nhịn anh chị em của mình…

3/ Theo sự hiểu của mình, các con hãy cho biết lời Chúa phán cùng Gia-cốp: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó” có áp dụng trên các con không? Có phải chỉ những khi gặp gian nan khổ nạn Chúa mới ở cùng với chúng ta không? Vì sao?

Đáp án:

Thứ nhất: Lời Chúa là Lời Hằng Sống, hằng còn đời đời và không bao giờ thay đổi, cũng không bao giờ qua đi. Vậy nên, câu Chúa phán với Gia-cốp: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó” cũng có giá trị áp dụng trên hết thảy mọi con dân chân thật của Chúa qua mọi thời đại.

Thứ hai: Như chúng ta học biết thân thể chúng ta hiện là đền thờ của Chúa, nghĩa là luôn có Thiên Chúa Đấng Thần Linh ngự ở trong chúng ta, đồng hành cùng chúng ta trong mọi lúc, ở mọi nơi.

Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (ICô-rinh-tô 6:19).

Thứ ba: Vì đây chính là Lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa. Như có chép:

Ta ở với các ngươi luôn cho tới tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20 b).

Cách sống của các anh chị em chớ tham lam. Hãy biết đủ với những gì các anh chị em có. Vì Ngài đã phán: Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, cũng chẳng bỏ ngươi.” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để ở với các ngươi cho đến vĩnh cửu, tức là Thần Lẽ Thật, mà thế gian không thể nhận được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các ngươi.” (Giăng 14:16-18).

Qua bài học hôm nay các con hãy dành thời gian tra xét và viết ra những điều gì cần từ bỏ, cần thay đổi, cần sửa chữa ngay lập tức để đời sống của các con xứng đáng ở trong sự hiện diện của Chúa trên mình, trong mình và bên cạnh mình. Như có chép:

Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em là thánh, thì các anh chị em cũng phải nên thánh trong mọi cách ăn ở; bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh!” (I Phi-e-rơ 1: 15-16).

Nguyện kính xin Chúa dùng Lời của Ngài nâng đỡ, thêm sức, thêm sự khôn ngoan thông sáng và thêm năng lực trên các con, giúp các con biết lấy lòng kính sợ Chúa mà làm nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình, hầu cho các con luôn có Chúa ở cùng, được mắt Chúa đoái xem, chăm gìn, ban ơn, xuống phước trên các con từ nay cho đến vĩnh cửu.

Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý cùng muôn vàn lời tôn vinh chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen.

One Reply to “Sáng Thế Ký 28:10-15”

Để lại một bình luận