Sáng Thế Ký 28:16-22

Grace Christian Nguyen

Câu gốc:Người bắt sợ và nói rằng: Chốn này đáng khiếp sợ thay thật là đền Thiên Chúa, thật là cửa của trời!” (Sáng Thế Ký 28:17).

Câu hỏi gợi ý:

1/ Các con hãy cho biết nguyên nhân Gia-cốp nói câu trên, Gia-cốp bắt sợ trước điều gì?

2/ Các con hãy nêu những điều Gia-cốp đã làm để bày tỏ tấm lòng tôn kính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

3/ Các con học được điều gì từ tấm lòng kính sợ Chúa, yêu mến Chúa của Gia-cốp? Các con có muốn học theo tấm gương đó không? Vì sao?

4/ Lời Chúa chép: “Về đức tin, cũng vậy; nếu đức tin không có các việc làm, thì tự mình nó chết.” (Gia-cơ 2:17). Các con có thể hiện đức tin của mình bằng việc làm như lời Chúa trong câu Thánh Kinh trên không? Vì sao các con cần phải làm theo lời Chúa dạy? Và những việc làm đó là gì?

Bài Chia Sẻ:

Sáng Thế Ký 28:16-22
16 Gia-cốp thức giấc, nói rằng: Thật Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện có tại nơi đây mà tôi không biết!
17 Người bắt sợ và nói rằng: Chốn này đáng khiếp sợ thay thật là đền Thiên Chúa, thật là cửa của trời!
18 Người dậy sớm, lấy khối đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, đổ dầu lên trên chót trụ đó;
19 rồi đặt tên chốn này là Bê-tên; còn nguyên khi trước tên thành là Lu-xơ.
20 Gia-cốp cầu xin rằng: Nếu Thiên Chúa ở cùng tôi, giữ gìn tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc,
21 và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ là Thiên Chúa tôi.
22 Khối đá đã dùng làm trụ đây sẽ là đền Thiên Chúa, và tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười hết thảy của cải mà Ngài sẽ cho tôi.

Các con thương mến,

– Tỉnh dậy sau giấc mơ, Gia-cốp đã thảng thốt kêu lên rằng: “Thật Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện có tại nơi đây mà tôi không biết! Người bắt sợ và nói rằng: Chốn này đáng khiếp sợ thay thật là đền Thiên Chúa, thật là cửa của trời!”. Không phải từ trước đến giờ Gia-cốp không biết có một Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Vạn Quân, Oai Nghiêm, Cao Cả, Đáng Kính, Đáng Sợ, là Đấng có mặt ở khắp mọi nơi, tể trị trên muôn loài vạn vật, hoặc là ông đã từng không kính sợ Chúa. Sự toàn thân tâm kinh hãi thảng thốt mà Gia-cốp đang trải nghiệm ngay lúc này đây, là bởi vì tâm linh Gia-cốp như vừa được lay động, vừa được bừng tỉnh, vừa được đánh thức một cách toàn diện. Tiếng kêu của Gia-cốp là cách ông tự nói với linh hồn mình rằng: Hãy ghi nhớ đừng bao giờ quên, hãy khắc sâu vào thần trí sự vinh quang chói lói, sự thực hữu nhiệm mầu của Thiên Chúa, hãy trạm trổ vào tấm lòng đặc ân lớn lao lạ lùng Chúa ban cho ông là điều mà mắt ông giờ đây đã được thấy Chúa, tai ông đã thật sự nghe được nghe tiếng Chúa, toàn thân ông đã được cảm nhận sự hiện hữu vinh quang chói lói ngọt ngào đầy trọn của Chúa hầu cho trong suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời, ông sẽ không bao giờ có thể quên sự hiện diện của Chúa, quên sự có mặt của Chúa bên cạnh ông, quên rằng Chúa đã yêu ông nhiều biết dường bao.

Đây cũng chính là bài học mà mỗi một con dân của Chúa cần ghi nhớ và nhắc nhở chính mình trên suốt linh trình theo Chúa. Bởi sự thật có rất nhiều khi chúng ta không nhớ đến sự hiện diện của Chúa, không nhớ rằng mắt Chúa đang chứng kiến từng việc làm hoặc tốt hoặc xấu, hoặc yêu thương hoặc ganh ghét tị hiềm, hoặc gian ác xấu xa ô uế hoặc thánh khiết mà chúng ta đã, đang và vẫn còn tiếp tục làm ra mỗi ngày trước mắt Chúa. Có một thực tại là có rất nhiều giờ trong một ngày chúng ta không hề nhớ rằng:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ trên trời ngó xuống, nhìn thấy hết thảy con cái loài người. Ngài ngó xuống từ nơi ở của Ngài, xem xét hết thảy người ở thế gian. Ngài nắn lòng của mọi người, xem xét mọi việc của chúng nó.” (Thi Thiên 33:13-15).

Cảm tạ ơn Chúa ban cho chúng ta bài học hôm nay giúp chúng ta nhắc nhở chính mình đừng bao giờ quên rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ trên trời ngó xuống, nhìn thấy hết thảy con cái loài người, từ nơi ở của Ngài, mắt Ngài xem xét hết thảy người ở thế gian, giúp chúng ta biết lấy lòng kính sợ Chúa, biết kiểm soát canh giữ từng suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của mình nhằm kịp thời uốn nắn, sửa chữa, thay đổi, từ bỏ những sự chưa đẹp lòng Chúa. Vì:

Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.” (I Cô-rinh-tô 11: 31).

Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 1:10).

– Sau khi tự nhắc nhớ mình bằng lời nói, chúng ta thấy Gia-cốp thực hiện điều cần làm bằng hành động đó là ông ngay lập tức dậy sớm, lấy khối đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, đổ dầu lên trên chót trụ đó, rồi đặt tên chốn này là Bê-tên có nghĩa là “Đền của Đức Chúa Trời” để ghi nhớ thời khắc và nơi chốn thiêng liêng đáng kính trong sự hiện ra vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Thực tế, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn tại, cao siêu tuyệt đối và vô cùng vĩ đại, Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi, trời là ngai của Chúa, đất là bệ chân của Ngài, nên không có một công trình nào do tay loài người làm ra xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Như có chép:

Nhưng thật sự rằng Thiên Chúa ngự trên đất này chăng? Kìa, trời, dù đến nỗi trời của các tầng trời chẳng có thể chứa Ngài được, huống gì cái đền này tôi đã cất!” (I Các Vua 8:27).

Tuy nhiên, việc làm của Gia-cốp ở đây thể hiện tấm lòng kính sợ Chúa, biết ơn Chúa, tôn kính sự vinh quang cực đại đáng tôn đáng quý của Chúa. Thánh Kinh cho chúng ta biết nhiều năm sau Chúa đã gia ơn khiến con cháu của dòng dõi Gia-cốp được phép xây một cái đền thật cao lớn uy nghi lộng lẫy tại thành Je-ru-sa-lem là nơi được gọi là “Nhà của Đức Chúa Trời” là nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chọn đặt danh Ngài ngự đời đời.

Các con thương mến,

Qua sự kiện Thiên Chúa bày tỏ chính mình Ngài cho Gia-cốp trong giấc chiêm bao dạy chúng ta bài học rằng: Bất cứ nơi nào cũng có thể là “Đền của Chúa”, là “Nhà của Chúa”, là nơi “Có sự hiện diện của Chúa” nếu chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa và được gặp Chúa ở đó. Nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu luôn hiện diện trong đời sống của những ai thật sự là con dân chân thật của Ngài, có tấm lòng yêu mến Ngài, tôn kính Ngài, tìm cầu Ngài, tin cậy Ngài. Như có chép:

Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Bởi vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã tạo dựng nên loài người và khiến họ ở khắp trên mặt đất, định trước thời giờ đời người cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho loài người tìm kiếm Ngài và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.

– Sau khi dựng trụ và đặt tên cho nơi “thật sự” được gặp Chúa, Gia-cốp liền cầu nguyện trình dâng và phó thác đời sống mình lên cho Chúa, kính xin Chúa làm Chúa làm chủ cuộc đời ông, cho ông có bánh ăn, áo mặc, gìn giữ ông trong lúc đi đường và đem ông trở về nhà cha ông bình an, phần ông để bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi ơn phước lớn lao Chúa đã làm ra trên mình, ông sẽ dâng hiến một phần mười hết thảy mọi của cải mà Ngài sẽ cho ông lên cho Ngài. Ở đây, không phải đợi đến khi được Chúa ban phước và gìn giữ thì Gia-cốp mới dâng lời cảm tạ ơn Chúa, mới dâng hiến lên Chúa, hay là Gia-cốp đang đặt điều kiện với Chúa. Mà lời cầu xin và hứa nguyện của Gia-cốp chứa đựng tấm lòng tha thiết tôn kính Chúa, biết ơn sâu sắc trước đặc ân quá lớn lao Chúa đã ban cho ông. Ông không có gì để có thể đền đáp ân tình cao sâu mầu nhiệm của Chúa, ông chỉ biết lấy tấm lòng đơn sơ thưa rằng: Chúa ơi! Đây, cuộc đời con, tấm lòng con, con xin được dâng trọn cho Chúa, sự sống, sự chết, của cải vật chất Chúa ban cho con, con xin nguyện trung tín dâng lên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa của con.

Chúng ta hãy cùng nhau noi theo tấm gương của Gia-cốp trong sự tôn kính sự hiện diện của Thiên Chúa, trong sự thờ phượng Thiên Chúa, trong sự tìm kiếm Chúa và trong sự bày tỏ lòng biết ơn Chúa một cách thiết thực qua việc dâng hiến mọi năng lực, mọi ta lâng, mọi của cải vật chất Chúa ban cho mình lên Chúa để được Chúa dùng theo thánh ý Ngài. Nghĩa là chúng ta dâng trọn vẹn đời sống mình lên cho Chúa từ thuộc thể cho đến thuộc linh, từ tâm thần, linh hồn, thể xác cho đến năng lực, tài lực vì điều này chính là việc làm thể hiện đức tin bằng hành động, là bông trái của tấm lòng tôn kính, yêu thương, tin cậy và biết ơn Chúa của người xưng nhận mình là con cái của Chúa.

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Khi chúng ta sống hay chết đều thuộc về Chúa cả, điều đó có nghĩa mọi sự từ của cải vật chất cho đến trí tuệ lẫn hơi thở sự sống mà chúng ta đang có, đều là điều chính Chúa đã ban cho chúng ta, nên lẽ thật là mọi điều đó đều thuộc về Chúa cả. Sự bằng lòng dâng lên Chúa mọi điều mình có để được Chúa sử dụng, để Chúa thành toàn mọi chương trình ý định tốt lành của Ngài trên chính chúng ta và khiến chúng ta trở nên nguồn phước cho nhiều người, là điều phải lẽ đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn thấy ở tấm lòng con dân của Ngài giống như tấm gương của tổ phụ Gia-cốp mà chúng ta đang học ở đây.

Đến đây cô có các câu hỏi giúp các con hiểu rõ hơn đồng thời biết áp dụng bài học Lời Chúa vào đời sống thực tế.

Câu hỏi: Qua phân đoạn Thánh Kinh được chép trong sách Sáng Thế Ký 28:16-22:

1/ Hành động cụ thể nào của Gia-cốp giúp các con nhận biết Gia-cốp tôn kính sự hiện diện của Chúa, tôn kính nơi Chúa hiển lộ sự vinh quang của Ngài?

Đáp án: Gia-cốp dậy sớm dựng trụ, sức dầu trên chót trụ đặt tên là Bê-tên. Nghĩa là “Đền của Đức Chúa Trời” để ghi dấu thời gian nơi chốn ông đã thật sự được gặp Chúa, kế tiếp là ông thờ phượng Chúa, dâng trình phó thác đời sống mình cho Chúa, kêu cầu và ngưỡng trông lên sự quan phòng ban ơn của Chúa. Khi con dân Chúa bày tỏ đức tin, tình yêu, sự phó thác, ngưỡng trông và kêu cầu Chúa cũng chính là hành động thờ phượng và tôn vinh sự vinh quang của Chúa, là dâng vinh hiển, sự cao quý và lời chúc tụng lên cho Chúa.

2/ Các con hãy cho biết qua lời khấn nguyện trong câu Thánh Kinh 20 và 21, Gia-cốp đã thể hiện điều gì trong tấm lòng của ông đối với Thiên Chúa? Những điều đó có đẹp lòng Chúa không? Vì sao?

Đáp án: Qua lời khấn nguyện trong câu Thánh Kinh 20 và 21, Gia-cốp đã thể hiện đức tin, sự cậy trông và phó thác, đời sống ông một cách đầy trọn vào sự quan phòng gìn giữ của Chúa. Điều này nói lên Gia-cốp ý thức được mọi sự ông có, từ cơm ăn, áo mặc, sự bình an, sự sống, sự chết, nơi chốn ông đến và đi, khi nào ông được trở về nhà cha… đều là những sự được ban cho từ Đức Chúa Trời.
Sự ghi nhớ công ơn Chúa, biết ơn Chúa, đặt mình dưới quyền tể trị của Chúa trong sự tôn kính Ngài, chính là điều đẹp lòng Chúa, là điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tìm kiếm và muốn thấy ở trong tấm lòng của mỗi một người sinh ra trên đất, nhất là trên những ai xưng nhận mình là con cái của Ngài. Chúng ta hãy học sự khiêm cung hạ mình trước Thiên Chúa đầy oai nghi đáng tôn đáng kính, học tập và noi theo đức tin vững chắc, sự biết ơn, sự bền lòng tin cậy Chúa của Gia-cốp đối với Chúa, hầu cho mỗi một chúng ta cũng được Chúa thành toàn mọi ý định tốt lành của Ngài trên chúng ta và khiến cho chúng ta trở nên một nguồn phước cho nhiều người nhé các con.

3/ Gia-cốp thể hiện đức tin bằng hành động qua việc gì? Và các con có cần phải học và làm theo như Gia-cốp đã làm không? Vì sao?

Đáp án: Gia-cốp thể hiện đức tin bằng hành động qua việc phó dâng đời sống mình trong sự quan phòng tể trị của Chúa và ông bày tỏ đức tin bằng hành động cụ thể đó là dâng một phần mười hết thảy mọi của cải mà Chúa ban cho ông. Chúng ta cần phải học tập tấm gương Gia-cốp trong sự thể hiện đức tin bằng việc làm cụ thể, bởi đức tin không có việc làm là đức tin chết. Như Lời Chúa có chép:

Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.” (Gia-cơ 2:26).

Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, nếu ai nói mình có đức tin, nhưng không có các việc làm, thì có ích lợi gì chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng?” (Gia-cơ 2:14).

Nguyện kính xin Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dẫn dắt các con vào mọi lẽ thật của Lời Ngài giúp các con không chỉ học hiểu mà còn biết áp dụng Lời Chúa một cách đúng đắn vào đời sống của các con nữa. Nguyện Chúa giúp các con biết từ bỏ những gì chưa đẹp lòng Chúa và biết hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết năng lực, hết trí không mà yêu kính Chúa là Thiên Chúa của mọi tầng trời và luôn phụng sự Ngài trong sự thành tâm và trung tín.

Nguyện vinh quang quyền phép sự cao quý cùng hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen

One Reply to “Sáng Thế Ký 28:16-22”

Để lại một bình luận