Grace Christian Nguyen
Sáng Thế Ký 29:1-14:
1 Kế đó, Gia-cốp lên đường, đi đến xứ của dân Đông phương.
2 Người nhìn xem, thấy một cái giếng trong đồng ruộng, gần đó có ba bầy chiên nằm nghỉ, vì nơi này là chốn người ta cho các bầy chiên uống nước. Khối đá đậy trên miệng giếng rất lớn.
3 Các bầy chiên đều hiệp lại đó, rồi họ lăn khối đá trên miệng giếng ra, cho các bầy uống nước; rồi thì, lăn đá lại chỗ cũ, đậy trên miệng giếng.
4 Gia-cốp hỏi mấy người chăn chiên rằng: Hỡi các anh! Các anh ở đâu đây? Bọn đó đáp rằng: Chúng tôi ở Cha-ran đến.
5 Người hỏi: Các anh có biết La-ban, con trai Na-cô, chăng? Đáp rằng: Chúng tôi biết.
6 Lại hỏi: Người ấy được mạnh giỏi chăng? Đáp rằng: Người vẫn được mạnh giỏi, và này, Ra-chên, con gái người, đang đi đến với bầy chiên kia.
7 Người nói: Này, trời hãy còn sớm, chưa phải là giờ nhóm hiệp các súc vật; vậy, các anh hãy cho bầy chiên uống nước, rồi thả đi ăn lại đi.
8 Đáp rằng: Chúng tôi làm như vậy chẳng được; phải đợi các bầy hiệp lại đủ hết rồi, bấy giờ mới lăn khối đá trên miệng giếng ra, cho bầy uống nước được.
9 Đang lúc người còn nói chuyện cùng bọn đó, thì Ra-chên dắt bầy chiên của cha nàng đến, vì nàng vốn là người chăn chiên.
10 Khi vừa thấy Ra-chên, con gái La-ban, cậu mình, thì người liền lại gần lăn khối đá ra khỏi miệng giếng, cho bầy chiên của La-ban, cậu mình, uống nước.
11 Gia-cốp hôn Ra-chên, cất tiếng lên khóc;
12 rồi nói cho nàng biết rằng mình là anh em với cha nàng, tức con trai của Rê-bê-ca. Nàng chạy về thuật lại cho cha hay.
13 Vừa khi nghe nói Gia-cốp, con trai của em gái mình, thì La-ban chạy đến trước mặt người, ôm choàng lấy mà hôn, rồi mời vào nhà. Gia-cốp thuật lại cho La-ban nghe các việc đã xảy qua.
14 La-ban đáp rằng: Thật vậy, ngươi là cốt nhục của ta; rồi Gia-cốp ở một tháng cùng người.
Các con thương mến,
Nước tượng trưng cho sự thanh sạch, cho sự chữa lành, cho sự thanh tẩy, cho sự ban ơn trợ giúp của Chúa và là nguồn của sự sống. Lời Chúa trong Thánh Kinh cho chúng ta biết nước được dùng để thanh tẩy và làm cho mới lại trong nghi thức báp-tem bằng nước, trong sự các thầy tế lễ rửa mình cho thanh sạch trước khi bước vào nơi thánh để thờ phượng Thiên Chúa… Nước chữa lành bệnh phung cho Na-a-man, quan tổng binh của vua Si-ri. (II Các Vua 5). Chữa lành mọi bệnh tật cho bất cứ ai không kể là bệnh gì tại ao Bê-tết-đa khi nước được Thiên sứ khuấy động (Giăng 5:1-4), Thiên Chúa cũng đã dùng nước như là phương tiện Chúa sửa phạt loài người khi họ từ bỏ Chúa, sống một đời sống băng hoại trong thời Nô-ê, đồng thời Thánh Kinh nhiều lần cho chúng ta biết giếng nước cũng là nơi khởi đầu cho một sức sống mới, một cuộc đời mới phước hạnh trong Chúa, như câu chuyện người đàn bà Sa-ma-ri được gặp Đức Chúa Jesus bên giếng nước, như những cuộc hôn nhân hạnh phước theo ý Chúa trong câu chuyện người đầy tớ của Áp-ra-ham đã được Chúa ấn chứng người vợ Chúa đã chọn cho I-sác là Rê-bê-ca bên giếng nước (Sáng Thế Ký 24), Môi-se đã gặp vợ ông là Sê-phô-ra bên giếng nước (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-21), và ở đây một lần nữa câu chuyện Thánh Kinh hôm nay Chúa cho Gia-cốp và Ra-chên được gặp nhau bên giếng nước…
Trong sự sáng tạo, duy trì, phát triển và tể trị của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, từ sự bày tỏ quyền năng phép lạ và sự vinh quang của Ngài để dạy dỗ loài người bước đi trong sự tin cậy, vâng lời trong sự kiện rẽ nước nơi biển đỏ cho đến sự sửa phạt khi loài người bội nghịch trong cơn nước lụt, từ lời hứa ban phước lành cho đến lời cảnh báo án phạt, từ thuộc thể đến thuộc linh, từ buổi đầu sáng tạo cho đến nơi ngự vinh quang đời đời của Thiên Chúa đều có liên quan đến nước, mạch nước, giếng nước, nguồn nước, sông nước…
Như có chép:
“Thiên sứ chỉ cho tôi sông tinh khiết của nước sự sống, trong như thủy tinh, từ nơi ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra.” (Khải Huyền 22:1).
Đức Chúa Jesus phán:
“Nhưng bất cứ ai uống từ nước mà Ta sẽ ban cho người ấy thì sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nhưng nước mà Ta sẽ ban cho người ấy sẽ thành một nguồn nước trong người ấy, tuôn trào vào trong sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 4:14).
“Đấng Thần Linh và vợ mới cưới nói: Hãy đến! Người nào đã nghe, cũng hãy nói: Hãy đến! Ai khát hãy đến! Bất cứ ai muốn, hãy tự do nhận nước sự sống.” (Khải Huyền 22:17).
Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1;12
1 Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi sẽ ban cho ngươi sự trội hơn mọi dân trên đất.
12 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ vì ngươi mở trời ra, là kho báu của Ngài, để cho mưa đúng mùa giáng xuống đất, và ban phước cho mọi công việc của tay ngươi. Ngươi sẽ cho nhiều nước vay, còn ngươi không vay ai.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:15;23;24
15 Nhưng nếu ngươi không nghe theo tiếng phán của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, không cẩn thận làm theo các điều răn và luật pháp của Ngài mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì này là mọi sự rủa sả sẽ giáng xuống trên mình ngươi và theo kịp ngươi.
23 Các tầng trời ở trên đầu ngươi sẽ như đồng, và đất dưới chân ngươi sẽ như sắt.
24 Thay vì mưa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ khiến cát và bụi từ trời sa xuống trên đất ngươi, cho đến chừng nào ngươi bị hủy diệt.
Các con thương mến,
Lời Chúa thật vô cùng cao sâu nhiệm màu và là nguồn của sự sống, là linh lương, là khí dụng, là giáp là thuẫn che chở, bảo vệ, dẫn dắt và nuôi dưỡng giúp con dân Chúa ngày càng trưởng thành trong Chúa từ thuộc thể đến thuộc linh hầu cho ai nấy đều kết quả nhiều cho Nhà Chúa. Như có chép:
“Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi và ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).
Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng: Loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mọi Lời phán phát xuất từ miệng của Thiên Chúa. Để lòng suy ngẫm phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 29:1-14, Lời Chúa dạy rất nhiều bài học quý báu và ban năng lực cho chúng ta trong đời sống theo Chúa. Hôm nay trong khuôn khổ của bài học đối với lứa tuổi của các con cô xin tóm lược ba điều căn bản cần ghi nhớ như sau:
1/ Sự đáp ứng về nhu cầu thuộc thể cho đến sự ban ơn dạy dỗ về thuộc linh của Chúa bên giếng nước.
Chúng ta thấy trên hành trình đến xứ của dân Đông phương, đang khi mỏi mệt thì Gia-cốp được Chúa dẫn đưa đến bên một cái giếng nước trong đồng ruộng, là nơi người ta cho bầy chiên nằm nghỉ và uống nước. Không có sự đáp ứng nào thiết thực và thỏa vui hơn là khi một người vừa trải qua một chặng đường dài lại gặp được nguồn nước, giúp cho người ấy được thỏa cơn khát, được cất đi mọi sự mệt mỏi sau chặng đường gian nan, lại được gặp gỡ và nhận được sự giúp đỡ từ những người Chúa muốn chúng ta gặp khiến chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng chăm sóc ban ơn của Chúa, nhận ra phép lạ, sự dẫn dắt và sự ấn chứng từ nơi Chúa trên linh trình bước đi theo Chúa.
Hình ảnh khối đá đậy miệng giếng rất lớn. Điều này cho thấy đây là một cái giếng lớn và có mạch nước thật dồi dào. Chi tiết dân làng cùng đưa bầy chiên về nằm nghỉ chờ cho hết thảy mọi bầy đều có mặt và hiệp lại đó, rồi họ mới lăn khối đá trên miệng giếng ra, cho các bầy uống nước; rồi thì, lăn đá lại chỗ cũ, đậy trên miệng giếng, dạy chúng ta bài học về tình yêu thương, sự đùm bọc, sự biết nghĩ đến nhau, biết cùng chia nhau chung một lợi ích, một nguồn phước hạnh Chúa ban và biết cùng nhau bảo vệ giữ gìn cẩn thận nguồn ơn phước đó.
Các con hãy hình dung nếu mọi người dân trong làng đều làm theo ý riêng của mình, đều chỉ nghĩ đến lợi ích cho chính mình, mạnh ai đến trước thì cho bầy mình uống trước rồi ra về, ai đến sau thì tự lo liệu. Vậy, điều gì sẽ xảy ra?
– Thứ nhất, chắc chắn giữa họ sẽ mất đi cơ hội vui vẻ chào nhau, thăm hỏi và thông công với nhau.
– Thứ hai, có thể sẽ có bầy chiên không được uống nước hoặc có thể là không một bầy nào được uống. Bởi vì Lời Chúa khẳng định khối đá đậy trên miệng giếng là rất lớn, điều này có nghĩa là đối với những người yếu sức thì họ sẽ phải rất khó nhọc lăn được khối đá rất lớn ra khỏi miệng giếng để lấy nước và đậy giếng lại sau khi đã cho bầy chiên uống xong, và nếu những người chăn bầy là phụ nữ như Ra-chên thì thậm chí không thể tự mình lăn khối đá ra để có thể lấy được nước cho bầy chiên uống được đúng không nào?
– Thứ ba, nếu họ không chờ nhau và không cùng chung tay lăn khối đá trên miệng giếng, đồng nghĩa tất cả họ, sau một ngày lao động mệt nhọc dẫn bầy chiên cho ăn trên các đồng cỏ xa xôi, thì giờ đây mỗi người đều phải bỏ rất nhiều công sức để tự mình mở nắp giếng ra thì mới có thể có nước cho bầy chiên uống. Và như thế họ cũng khó có thể cẩn thận đậy nắp giếng lại để bảo vệ giữ gìn nguồn nước, là nguồn phước hạnh, là nguồn sự sống mà Chúa ban cho họ được.
Bài học thuộc linh chúng ta rút ra và áp dụng trong nếp sống theo Chúa cho chính mình qua sự việc trên chính là sự yêu thương hiệp một, là sự biết nghĩ đến nhau, biết chia sẻ gánh nặng cho nhau, biết cùng chia nhau mọi phước hạnh Chúa ban cho chúng ta để tình yêu thương ngày càng đong đầy và gắn bó càng hơn giữa vòng con dân Chúa và trên hết là cùng chung nhau gìn giữ mọi nguồn phước hạnh mà Chúa đã ban cho mỗi người cũng như cho Hội Thánh chung của Ngài.
2/ Thiên Chúa của sự thành tín và bình an luôn làm thành những lời Ngài phán hứa.
Qua sự kiện Gia-cốp đi đến đúng nơi, đúng thời điểm và nhanh chóng được gặp người mà ông muốn tìm cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đang bày tỏ sự thành tín của Ngài trong lời phán hứa đối cùng Gia-cốp: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó”. Chính Ngài đã gìn giữ Gia-cốp đi đường được bình an và đưa chân Gia-cốp đến bên giếng nước, khiến cho ông gặp được những người mà Chúa muốn ông gặp, vì thế không có sự tình cờ trong thời điểm Gia-cốp đến bên giếng nước, và trong khi đang còn nói chuyện với những người chăn chiên thì Ra-chên cũng đưa bầy mình đến. Vì vậy chúng ta nhận biết con đường Gia-cốp đang đi nằm trong sự cho phép và dẫn dắt của Chúa, là môi trường rèn tập thử luyện mà Chúa muốn Gia-cốp trải qua, mục đích rèn dũa huấn luyện ông trở thành người mà Chúa không hổ thẹn xưng Ngài là Đức Chúa Trời của ông và qua ông Ngài làm thành chương trình trọn vẹn tốt lành của Ngài trên toàn thể nhân loại.
Một người luôn có Chúa ở cùng, có Chúa luôn theo giữ gìn, thì không có bất cứ sự chi xảy ra cho người đó là một sự ngẫu nhiên tình cờ.
Cũng một thể ấy, ngày nay là con dân của Chúa, thân thể chúng ta có Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự, thì mỗi hành trình chúng ta chọn lựa bước đi theo ý Chúa đều được chính Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở cùng, soi dẫn, gìn giữ và đưa chúng ta đến nơi Ngài muốn chúng ta đến. Như có chép:
“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết! Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi. Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.” (Thi Thiên 139:1-3).
Điều quan trọng là chúng ta có chọn làm theo ý Chúa hơn là những ước muốn của lòng mình không? Có khao khát muốn được bước đi trên con đường công chính, thánh sạch, tốt lành mà Chúa muốn chúng ta đi như Lời Chúa trong sách Thi Thiên 143:10: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn của Ngài. Vì Ngài là Thiên Chúa của tôi. Xin thần trí tốt lành của Ngài dẫn tôi vào đất công chính.” hay chúng ta cứ ghì mài trong con đường lầm lạc tối tăm tội lỗi là những con đường rộng rãi khoảng khoát theo mắt loài người nhưng lại dẫn đến sự hư mất đời đời? Như có chép:
“Có một con đường dường như chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 14:12).
3/ Thiên Chúa luôn tha thứ, phục hồi và ban phước trên những người có lòng ăn năn thống hối.
Lời Chúa trong Sáng thế Ký 29:10-14 cho chúng ta thấy sau khi Gia-cốp và Ra-chên được Chúa cho gặp nhau bên giếng, Gia-cốp giúp Ra-chên cho bầy chiên uống nước và nhận nhau là họ hàng, và khi gặp La-ban, được La-ban vui mừng ôm choàng lấy mà hôn rồi mời vào nhà, Gia-cốp thuật lại cho La-ban nghe các việc đã xảy qua.
Sự kiện Gia-cốp thành thật thuật lại chi tiết mọi chuyện đã xảy ra cho cậu mình là La-ban, cho chúng ta hiểu rằng Gia-cốp có sự ngay thẳng hạ mình tra xét những điều mình đã làm, giờ đây ông hiểu rõ tác hại và hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra. Tuy Thánh Kinh không nói chi tiết về việc Gia-cốp đã ăn năn xưng tội đối với Chúa ra sao. Nhưng qua việc Chúa yêu ông, ở cùng ông, ban phước cho ông và khiến cho ông trở thành nguồn phước cho nhiều người, giúp chúng ta hiểu rằng Gia-cốp đã được Chúa tha thứ hoàn toàn mọi lỗi lầm và phục hồi ông vào trong địa vị là con yêu dấu của Ngài, là người thuộc về Ngài, được Ngài xưng là Thiên Chúa của ông.
Thi Thiên 103:8-11:
8 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thương xót và đầy ơn, chậm nóng giận, và đầy sự từ ái.
9 Ngài không quở trách luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận tới đời đời.
10 Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.
11 Vì như các tầng trời cao trên đất thì sự từ ái của Ngài cũng lớn cho những ai kính sợ Ngài.
Cảm tạ ơn Chúa, qua Lời Ngài chúng ta được an ủi khích lệ và hiểu rằng tình yêu thương của Chúa thật bao la vô bờ bến trên loài người bé nhỏ mọn hèn được làm từ bụi đất như chúng ta, khiến chúng ta một lòng tôn kính, biết ơn và hết lòng trung tín bước đi theo ý Chúa, vâng theo sự kêu gọi của Chúa.
Bài học áp dụng chúng ta rút ra cho chính mình là phải ngay lập tức ăn năn từ bỏ những suy nghĩ, lời nói, việc làm nào không làm đẹp lòng Chúa, không làm sáng danh Chúa, phải biết nuôi mình bằng Lời của Chúa. Vì chỉ có hết lòng tìm kiếm Chúa, tìm kiếm ý Chúa trong tâm tình kính sợ Chúa và luôn muốn làm cho Chúa đẹp lòng, thì chúng ta mới được bao phủ trong sự từ ái rất lớn của Ngài, được Ngài làm ơn trên chúng ta đồng thời khiến cho chúng ta cũng được ơn trước mặt mọi người.
Đến đây cô có câu chuyện tình huống dành cho các con như sau:
Ở trường A rất thân với bạn B và A cũng thường xuyên đến chơi nhà bạn B. Vì nhà bạn B rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có nhiều thức ăn ngon, cha mẹ bạn B cởi mở vui tính và tiếp đón A rất nhiệt tình. Mặc dù gia đình B là người không tin Chúa, thờ tà thần và trong nhà có nhiều hình tượng. Những khi có sự cáo trách trong lòng thì A lại lý luận rằng B là người tốt, nên việc chơi thân với B và thường xuyên đến nhà bạn B chơi là Chúa đã dùng bạn B và điều kiện giàu có của gia đình bạn B để ban phước cho mình, là Chúa ban cho mình được có nơi vui chơi thoải mái và biết đâu Chúa lại dùng mình để làm chứng về Chúa cho bạn B và gia đình bạn.
Câu hỏi:
1/ Các con hãy cho biết việc A kết thân với bạn B ở trường là đúng hay sai? Vì sao?
Đáp án: Có hai trường hợp đặt ra về sự A kết bạn với B ở trường để xem xét quyết định và hành động của A sai hay đúng dựa theo những Lời phán dạy của Chúa.
Trường hợp 1. Nếu A chọn chơi với B vì B có tính tình hiền hòa thân thiện, và A muốn qua tình bạn với B có thể giúp đỡ B trong học tập đồng thời có cơ hội làm chứng về Chúa cho bạn B biết. Thì sự A kết bạn với B ở trường là đúng. Tuy nhiên, Nếu sau một thời gian kết bạn, giúp đỡ và làm chứng về Chúa cho bạn B nhưng bạn B vẫn không tiếp nhận lẽ thật, thì A nên dừng lại ở tình bạn bình thường như đối với các bạn khác cùng lớp cùng trường. Không chọn làm người bạn thân nhất của mình và điều A có thể làm cho người bạn mà mình quý mến đó là dâng lời cầu thay cho bạn xin Chúa giúp bạn nhận biết Chúa và thờ phượng Chúa như mình.
Trường hợp 2. Nếu A kết thân với B ở trường vì B xinh đẹp, nhà B giàu có, vì B đối xử tốt với A và thường rủ A về nhà mình chơi. Mặc dù sau khi được làm chứng về Chúa nhưng B vẫn không tin Chúa mà A vẫn quyết định chơi thân với B là sai. Vì như Lời Chúa dạy: “Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?” (II Cô-rinh-tô 6:14).
2/ Việc A quyết định chọn thường xuyên đến chơi nhà bạn B để được ăn ngon và thoải mái vui chơi có phải nằm trong thánh ý Chúa, có phải là con đường mà Chúa muốn bạn A đi không? Vì sao?
Đáp án: Trong bất cứ trường hợp nào khi biết gia đình bạn B không tin Chúa, thờ thần tượng và nhà có trưng bày nhiều hình tượng thì A phải dứt khoát không ghé thăm, không cùng vui chơi ăn uống trong nhà của bạn B. Vì ngôi nhà của bạn B cũng chính là nơi thờ tà thần, là điều nghịch lại điều răn luật pháp của Chúa, là điều Chúa gớm ghét.
Sự A chọn thường xuyên lui tới nhà của bạn B để chơi với lý do nhà bạn B rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có nhiều thức ăn ngon, cha mẹ bạn B cởi mở vui tính và tiếp đón A rất nhiệt tình mặc dù gia đình B đang thờ tà thần và trong nhà có nhiều hình tượng là A làm theo ý riêng, đi theo con đường riêng mà lòng mình ưa thích do ham mến những sự thuộc thế gian đời này, là việc làm không vì sự vinh quang của Chúa mà làm, là sự chọn đi nghịch lại con đường mà Chúa muốn A đi, và càng không phải do Chúa đưa dẫn A đến nơi đó. Chúa phán dạy con dân Chúa không được đi trong mưu kế của những kẻ ác, không đứng trong đường lối của những tội nhân, không ngồi trong chỗ của những kẻ nhạo báng. “Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).
3/ Sự A lý luận: Chúa dùng sự giàu có của gia đình B để ban phước cho mình và biết đâu có thể Chúa dùng mình trong khi đến chơi nhà của B là để làm chứng về Chúa là đúng hay sai? Vì sao?
Đáp án: Mặc dù đã có sự cáo trách của Đức Thánh Linh nhưng A vẫn cố tình lý luận như trên là hình thức A cố tình bẻ cong Lời Chúa để phục vụ cho tư dục tình dục mình, xem thường sự cáo trách của Đức Thánh Linh, cố chấp trong việc làm không đẹp lòng Chúa nhằm thỏa mãn cho sự ham mến của xác thịt, là A tự đưa mình vào sự cám dỗ thử thách, làm gương xấu và làm cớ vấp phạm cho người yếu đuối. Là hình thức lấy danh Chúa mà làm ra vô ích, làm cớ cho người ngoại nói phạm đến danh Chúa, nghĩ xấu về Chúa. Vì trong câu chuyện tình huống trên đã nêu rất rõ lý do A chọn thường xuyên đến chơi nhà bạn B mục đích là để được ăn ngon, được vui chơi thoải mái do nhà bạn B rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có nhiều thức ăn ngon, cha mẹ bạn B cởi mở vui tính và tiếp đón A rất nhiệt tình.
Nguyện rằng qua bài học hôm nay và qua câu chuyện tình huống giả định giúp các con hiểu rõ Lời Chúa và biết phân biệt hành động, suy nghĩ, lời nói, việc làm nào là đúng theo ý Chúa, làm đẹp lòng Chúa, việc làm nào là theo ý riêng, theo sự ưa muốn của xác thịt để biết cách áp dụng đúng đắn Lời Chúa vào đời sống thực tế mỗi ngày ngày càng hơn.
Nguyện Lời Chúa là “Nguồn Của Sự Sống”, là “Sông Nước Hằng Sống” tuôn chảy trong tấm lòng của các con, thánh hóa và làm cho các con ngày càng trưởng thành trong nếp sống thánh sạch và tin kính Thiên Chúa.
Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý cùng hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen
One Reply to “Sáng Thế Ký 29:1-14”