Sáng Thế Ký 29:15-20

Grace Christian Nguyen

Câu Hỏi Gợi Ý:

– Các con hiểu Lời Chúa muốn dạy các con điều gì qua phân đoạn Thánh Kinh được chép trong sách Sáng Thế Ký 29:15-20?
– Bài học thuộc linh các con rút ra cho mình là gì?
– Bài học đó có thể áp dụng vào chính đời sống của các con không? Vì sao?
– Các con hãy chia sẻ sự áp dụng Lời Chúa qua bài học vào cuộc sống một cách cụ thể.

Bài Chia Sẻ:

Sáng Thế Ký 29:15-20

15 Kế đó, La-ban đã nói với Gia-cốp: “Vì ngươi [là] anh em của ta, ngươi làm việc không công sao? Hãy nói cho ta tiền công của ngươi bao nhiêu.”
16 La-ban có hai con gái, con lớn tên là Lê-a; con nhỏ tên là Ra-chên.
17 Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi.
18 Gia-cốp yêu Ra-chên nên nói rằng: Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm.
19 La-ban trả lời rằng: Thà ta gả nó cho ngươi hơn là gả cho một người khác; hãy ở với ta.
20 Vậy, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm: Nhưng người yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa.

Cảm tạ ơn Chúa ban cho chúng ta hôm nay lại được cùng nhau học hỏi suy ngẫm Lời Chúa trong sách Sáng Thế Ký 29:15-20. Giờ cô mời các con cùng tìm hiểu ý chính và những bài học thuộc linh giúp chúng ta biết áp dụng Lời Chúa vào đời sống thực tế mỗi ngày.

Các con thương mến,

Sau khi được cậu La-ban tiếp đón và mời ở lại nhà trong một tháng. Thánh Kinh không nói rõ trong một tháng ấy Gia-cốp đã làm gì và có cách cư xử ra sao nhưng qua lời cậu La-ban nói với Gia-cốp trong câu 15 có ý giải thích rằng không phải vì cháu là bà con với cậu mà cậu để cho cháu làm việc không công cho cậu như vậy được. Vậy nên những việc cháu đã làm đó, cháu muốn tiền công bao nhiêu hãy nói cho cậu biết. Qua lời nói của cậu La-ban cho chúng ta thấy nếp sống đẹp lòng người của Gia-cốp. Bởi nếu là một người lười biếng ỷ lại không có trách nhiệm thì sau một tháng cậu La-ban sẽ không giữ Gia-cốp ở lại, sẽ không ghi nhận và đề cập đến tiền công về những việc làm của Gia-cốp. Trong câu nói La-ban hàm ý muốn Gia-cốp ở lại và đỡ đần công việc cho mình lâu dài, vì ông nhận biết Gia-cốp là một người siêng năng, có trách nhiệm và sẽ là người giúp ích cho ông nhiều.

Có lẽ sau khi được gặp Chúa trong giấc mơ, được Chúa xác chứng những lời hứa của Ngài trên ông và nhận biết rõ những việc làm sai trật của mình khi trước. Giờ đây, Gia-cốp hoàn toàn muốn thay đổi bản tính của mình, bằng lòng đặt mình dưới sự rèn tập thử luyện của Chúa, sẵn sàng bước đi theo ý muốn của Chúa, chịu trách nhiệm hậu quả về những việc mình đã làm và vui mừng nhận lãnh mọi ơn phước Chúa ban tùy vào sự đoái xem thương xót của Chúa. Chúng ta thấy Gia-cốp không một lời phàn nàn than trách hay rơi vào sự đau buồn thất vọng khi hoàn cảnh sống bị thay đổi từ địa vị một người con được yêu thương hết mực trong gia đình, nay trở thành người tha hương và phải hạ mình làm việc nặng nhọc trong nhà cậu, trái lại Gia-cốp hoàn toàn thích nghi và thỏa lòng trong thực trạng hiện tại mà Chúa đã ban cho ông.

Đây chính là bài học đầu tiên trong phân đoạn Thánh Kinh trên mà chúng ta cần rút ra cho chính mình trên linh trình theo Chúa. Từ khi được Đức Chúa Trời yêu thương tha thứ, ban ơn cứu rỗi và bằng lòng tiếp nhận chúng ta vào Nhà của Chúa, vào Hội Thánh Chân Thật của Ngài trong ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta có hết lòng quyết tâm từ bỏ cuộc đời cũ, con người cũ, từ bỏ bản tính xấu xa gian ác, bằng lòng tiếp nhận sự rèn giũa, thanh tẩy, thánh hóa từ Chúa? Chúng ta có than van lằm bằm oán trách mỗi khi Chúa cho phép điều gì đó xảy ra trong đời sống mình không như mình mong ước không? Khi gặp hoàn cảnh thay đổi chúng ta có vui mừng, bình an và thỏa lòng bước đi theo ý muốn của Chúa trong mọi sự? Chúng ta có luôn làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình khiến cho mọi người xung quanh đều nhận biết Chúa qua đời sống của chúng ta hay chúng ta lười biếng ỷ lại và biến mình thành gánh nặng cho người khác, khiến cho nhiều người khinh chê ghét bỏ, xem thường chúng ta và vì cớ nếp sống của chúng ta mà nói phạm đến danh Chúa? Ở lứa tuổi các con chính là việc các con mỗi ngày trung tín làm tròn bổn phận làm con trong gia đình, yêu thương đỡ đần cha mẹ trong công việc nhà, tự giác trong việc học tập và chăm sóc bản thân, đồng thời luôn quan tâm giúp đỡ anh chị em và những người lân cận khi có cần.

Nguyện Chúa ban ơn và giúp cho mỗi một chúng ta luôn biết tra xét đời sống và tấm lòng mình, biết noi theo tấm gương của Gia-cốp có nếp sống và cách hành xử theo Lời dạy dỗ của Chúa, hằng ngày trung tín trong từng việc nhỏ và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Bởi sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn. Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian, và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi. Như vậy, dù đang ở trong thuận cảnh hay nghịch cảnh chúng ta cũng hãy thỏa lòng, bình an vững tin vào sự quan phòng chăm sóc gìn giữ của Chúa. Sự tin cậy và thỏa lòng trong Chúa chính là hình thức tôn kính Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Chúa.

Các con thương mến,

Trong sự kiện Chúa cho Gia-cốp được gặp gỡ với Ra-chên bên giếng nước. Có lẽ chính Chúa đã tác động và ấn chứng giúp Gia-cốp nhận biết đây là người vợ mà Ngài đã chọn cho ông, nên Gia-cốp đem lòng yêu mến Ra-chên. Nay, khi cậu La-ban hỏi Gia-cốp về tiền công thì ông nhanh chóng thưa rằng: “Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm.

Không chỉ người Do-thái mà hầu hết trong mọi sắc dân trên thế giới chỉ trừ một vài nhóm dân tộc thiểu số thì người đàn ông thường phải chuẩn bị sính lễ cho nhà gái trước khi đón dâu. Sính lễ vừa mang ý nghĩa người nam bày tỏ lòng biết ơn sự sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với người con gái mà mình yêu thương, vừa nói lên sự tôn trọng phẩm giá của người nữ mà mình muốn cưới làm vợ. Giá trị quà cưới có thể sẽ tương xứng với địa vị và gia thế của nhà trai hoặc tùy theo vị thế của gia đình người nữ. Theo truyền thống Do Thái cổ đại, sính lễ cưới (hay còn gọi là mohar) là một khoản tiền hoặc của cải mà chú rể hoặc gia đình chú rể phải trả cho gia đình cô dâu trước khi hôn lễ diễn ra. Ngoài những ý nghĩa vừa nêu trên, sính lễ còn mang mục đích đảm bảo cho cô dâu có một khoản bảo vệ tài chính trong trường hợp chồng qua đời hoặc ly hôn.

Theo luật Do Thái cổ đại giá trị của sính lễ không cố định, nhưng mức cơ bản thường là 50 siếc-lơ bạc dựa trên Lời Chúa dạy được chép trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:29, là mức phạt dành cho người đàn ông nếu người ấy làm nhục một trinh nữ, và cũng được xem là một giá trị chuẩn cho sính lễ. Sính lễ có thể thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của chú rể và gia đình cô dâu. Trong nhiều trường hợp, giá trị của sính lễ được thỏa thuận giữa hai gia đình, và nó có thể bao gồm không chỉ tiền bạc mà còn các tài sản khác như đất đai, gia súc, hoặc các vật phẩm có giá trị khác.

Nếu dựa trên mức sính lễ cơ bản là 50 siếc-lơ bạc, ta có thể quy đổi sang đơ-ni-ê và số ngày công lao động như sau:
Một đơ-ni-ê thời La Mã tương đương với mức lương của một ngày lao động phổ thông. Nó chứa khoảng 3,9 gram bạc.
Một siếc-lơ bạc (theo tiêu chuẩn cổ đại) chứa khoảng 11-14 gram bạc.

Nếu tính theo trọng lượng bạc:
1 siếc-lơ ≈ 3-4 đơ-ni-ê.
50 siếc-lơ ≈ 150-200 đơ-ni-ê.
50 siếc-lơ sẽ tương đương với 150-200 ngày công lao động của một người lao động phổ thông.

Như vậy, sính lễ cơ bản theo truyền thống Do Thái cổ đại 50 siếc-lơ bạc có giá trị khoảng 150-200 ngày công lao động bình thường, tùy thuộc vào cách tính trọng lượng và giá trị bạc cụ thể.

Ở đây Thánh Kinh cho chúng ta biết Gia-cốp định giá trị sính lễ mà ông muốn trao cho cậu La-ban để được cưới Ra-chên là bảy năm làm việc, tương đương 2.520 ngày lao động nếu tính một năm có 360 ngày dựa theo Lời Chúa. Còn tính theo lịch của chúng ta ngày nay một năm có 365 ngày thì sẽ là 2.555 ngày công lao động.

Như đã nói ở trên, sinh lễ sẽ tùy thuộc vào gia thế của người nam hoặc địa vị của gia đình người nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Gia-cốp đã định giá trị lễ cưới quá lớn so với lẽ thông thường như vậy. Cô tin rằng chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng luôn ở cùng Gia-cốp, ban phước cho Gia-cốp và gìn giữ Gia-cốp trên mọi nẻo đường ông đi, đã cảm động lòng Gia-cốp khiến ông đưa ra một sính lễ cao gấp 1260% giá trị trung bình. Suy ngẫm về điều này cô nhận biết đây chính là điều nói lên trong mắt Đức Chúa Trời địa vị và gia thế của Gia-cốp thật cao quý, bởi ông là người kế tự Lời Hứa của Đấng Rất Cao, là người thuộc về dòng dõi mang danh Thiên Chúa đời đời. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng phẩm giá đáng tôn của Ra-chên là người nữ Chúa chọn cho Gia-cốp.

Vậy, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm: Nhưng người yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa.” (Sáng Thế Ký 29:20).

Vì tình yêu đối cùng Ra-chên, Gia-cốp không quản ngại gian nan, trái lại ông vui lòng làm việc vất vả trong bảy năm nhưng lại xem chừng như chỉ đôi ba bữa, Gia-cốp gánh lấy phần việc vất vả mà chính người mình yêu thương phải làm trước đây về hết cho phần mình, để người mình yêu thương được nghỉ ngơi, được tự do khỏi những lao nhọc đời này. Con số bảy năm vừa nói lên sự đầy trọn của tình yêu thương, của sự hy sinh, của sự nhẫn nại, của sự tôn quý và xem trọng người mình yêu thương. Ý nghĩa của sự xem bảy năm chừng bằng đôi ba bữa nói lên sự vui lòng hy sinh, vui lòng trả một giá rất cao để cho người mình yêu có đời sống hạnh phước, và để chính mình có được người mà mình xem là đáng yêu đáng quý.

– Hành động, quyết định và việc làm của Gia-cốp trong câu chuyện hôm nay, khiến chúng ta nhớ lại tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến mà Đấng Christ đã làm vì mỗi một chúng ta. Bởi vì chính Đức Chúa Jesus Christ, Con Một rất yêu dấu của Đức Chúa Trời, vì yêu thương chúng ta cũng đã bằng lòng hy sinh một cách đầy trọn nơi thập tự giá để mua chuộc chúng ta về làm con của Đấng Rất Cao. Ngài đã trả một giá không chi sánh nổi bằng chính máu thánh khiết vô tội của Ngài để những người Ngài yêu và được chính Cha Ngài chọn lựa được trở nên một với thân thể quý báu của Ngài, trở nên “Nàng dâu” của Ngài.

– Vì yêu loài người Ngài đã không màng đến những đau thương, nhọc nhằn, sỉ nhục. Ngài đã gánh thay mọi án phạt của tội lỗi để giải cứu chúng ta ra khỏi sức nặng và quyền lực của tội lỗi và sự chết, cho chúng ta được vui thỏa, bình an và có một đời sống dẫy đầy phước hạnh ở trong Ngài và ở bên cạnh Ngài đời đời.

Đáng tôn vinh Chúa thay, là Đấng mỗi ngày gánh gánh nặng của chúng tôi, tức là Thiên Chúa, sự cứu rỗi của chúng tôi. Thiên Chúa là Thiên Chúa giải cứu chúng tôi; ấy là nhờ Chúa Tự Hữu Hằng Hữu mà loài người được tránh khỏi sự chết.” (Thi Thiên 68:19-20).

– Đấng Christ đã bằng trọn trái tim, tấm lòng và năng lực khiến cho chúng ta trở nên công chính thánh sạch đáng tôn đáng trọng trước mặt Cha Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng ta trở nên vinh hiển trong nước Ngài trong ngày Ngài trở lại đón Hội Thánh là “Nàng dâu” của Ngài vào Vương Quốc Trời.

Cảm tạ Đức Thánh Linh đã dạy dỗ soi sáng tâm linh giúp thần trí chúng ta được mở ra, được học hiểu và chiêm ngưỡng sự nhiệm mầu của Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 29:15-20. Trong khuôn khổ của bài học hôm nay cô xin tóm lược ba bài học quan trọng cần ghi nhớ như sau:

1/ Sự tin kính cùng sự thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ Chúa cho phép xảy ra trên đời sống mình.

2/ Là con dân của Chúa chúng ta cần phải có thái độ và cách hành xử xứng đáng với địa vị và phẩm hạnh của một người thuộc về Thiên Chúa.

3/ Chúng ta cần trung tín trong từng việc nhỏ để làm sáng danh Chúa và qua đó được Chúa khiến chúng ta trở nên nguồn phước cho nhiều người.

Cảm tạ ơn Chúa qua bài học hôm nay, Lời Chúa dạy dỗ và nhắc nhớ chúng ta về tình yêu bao la của Đức Chúa Cha, về sự hy sinh vô bờ bến của Đức Chúa Con và sự hành động nhiệm mầu của Đức Thánh Linh, giúp mỗi một chúng ta luôn ghi nhớ công ơn và sự hy sinh trời biển của Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm ra và ban xuống cho chúng ta trong ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đã gọi chúng ta từ trong nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài, hầu cho ai nấy trong chúng ta luôn biết trân quý địa vị cao quý được làm con Thiên Chúa, luôn biết sống xứng đáng với ân tình cao sâu vô bờ bến của Đấng Christ, sống xứng đáng với phẩm giá cao quý được làm con Thiên Chúa, được làm người thuộc về Thiên Chúa, thuộc về người nhà của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ nay cho đến mãi mãi muôn đời.

Nguyện quyền năng của Lời Chúa biến đổi, thánh hóa và nuôi dưỡng các con ngày càng trở nên tầm thước vóc giạc trong Chúa, trở nên những con trai con gái rất yêu dấu của Chúa, được Chúa thành toàn mọi lời hứa phước hạnh trên các con và khiến cho các con trở nên một nguồn phước cho nhiều người.

Nguyện vinh quang, vinh hiển, sự tôn quý duy thuộc về Thiên Chúa tự Hữu Hằng Hữu kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Grace Christian Nguyen

One Reply to “Sáng Thế Ký 29:15-20”

Để lại một bình luận