Grace Christian Nguyen
Phạm Trịnh Minh Anh
Câu gốc: “Vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy cho họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).
Câu hỏi gợi ý:
1. Trước đây Gia-cốp đã lừa cha mình để nhận được sự chúc phước (Sáng Thế Ký 27:1-27), giờ đây Gia-cốp đã bị cậu mình La-ban lừa lại. Các con có nghĩ điều này là một sự trùng hợp không, hay là do một nguyên nhân nào đó?
2. Theo con, việc Gia-cốp bị cậu mình là La-ban lừa ông, đã gả Lê-a thay vì Ra-chên cho ông, có giúp ông ấy học được bài học gì không? Đó là bài học gì?
3. Các con hiểu Lời Chúa muốn dạy các con điều gì qua câu chuyện Gia-cốp bị La-ban lừa? Bài học thuộc linh các con rút ra cho mình là gì? Các con áp dụng những bài học đó vào đời sống của mình như thế nào? Hãy nêu ra những việc làm cụ thể.
Bài Chia Sẻ:
Các con thương mến,
Hôm nay chúng ta sẽ học tiếp bài học thuộc linh thứ hai trong câu chuyện giữa La-ban và Gia-cốp được ghi lại trong Sáng Thế Ký 29:21-30.
Luôn phải nhận lãnh hậu quả của những việc làm sai trật mà mình đã gây ra. Theo luật “gieo gì gặt nấy” của Thiên Chúa.
Sáng Thế Ký 27:1-27 ghi lại câu chuyện Gia-cốp đã lừa dối I-sác, người cha già của mình, vì mắt cha của ông mờ nên không còn thấy rõ nữa. Ông muốn cướp phước lành của anh, nên đã giả làm Ê-sau. Ông đã mặc quần áo của anh, bao hai tay và cổ bằng da dê, rồi lấy thức ăn của mẹ nấu làm của mình, đem dâng cho cha ăn. Khi cha hỏi: “Con là đứa nào đó?” thì ông đã nói dối với cha rằng mình là Ê-sau. I-sác lại hỏi: Sao con đi săn được mau thế? thì ông lại tiếp tục nói dối lần 2 rằng: “Ấy nhờ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của cha khiến cho tôi gặp mau vậy.”
Khi nhìn lại sự phạm tội của Gia-cốp, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: tội lỗi nếu không ăn năn thì sẽ luôn dẫn đến tội lỗi tiếp theo, và tội sau phạm lại càng nặng hơn tội trước. Lúc đầu Gia-cốp vì không thắng được sự cám dỗ, nên đã làm theo lời hướng dẫn sai trái của mẹ mà phạm tội. Sau đó thì chính ông tự mình phạm tội, khi ông nói dối với cha, rằng mình là Ê-sau, tiếp theo ông lại phạm tội nặng hơn, khi ông dám lấy danh Chúa làm ra vô ích. Ông đã nói dối với cha của ông lần thứ hai, rằng nhờ Chúa khiến cho ông đi săn gặp được mau vậy.
Gia-cốp đã gieo ra sự dối trá, khi ông cam tâm lừa dối người cha già yếu, mắt mờ của mình. Giờ đây, Gia-cốp bị cậu mình là La-ban lừa lại, La-ban đã đánh tráo Lê-a thay cho Ra-chên, người mà ông yêu. Ông đã đến với Lê-a nhưng vẫn nghĩ đó là Ra-chên. Các con có thấy điều này rất giống với việc ông đã làm cho cha của mình là I-sác không? Sự ông bị cậu mình là La-ban lừa khiến ông nhầm người, giống như chuyện lúc xưa ông đã lừa cha của mình, khiến I-sác chúc phước cho ông nhưng tưởng là đang chúc phước cho Ê-sau.
Sự phạm tội của ông rất nghiêm trọng, vì thế mà ông phải chịu lấy hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của ông. Sau những việc làm phạm tội để mong nhận được lời chúc phước của cha, Gia-cốp chẳng những không hưởng được phước hạnh, mà còn phải đối diện với sự sợ hãi, bất an, vì Ê-sau đã rất tức giận và muốn giết ông. Khiến ông ngay sau đó phải chạy trốn khỏi gia đình, rời xa quê hương, để đến một nơi xa lạ, tránh sự báo thù của anh trai. Từ một người con được đầy đủ, được thương yêu trong nhà, Gia-cốp giờ đây rơi vào cảnh không nhà, không người thân, phải sống xa cha, xa mẹ. Từ đó, ông không còn được gặp lại mẹ của mình nữa, bà Rê-bê-ca đã qua đời trong thời gian Gia-cốp xa nhà. Khi sống với cậu La-ban, Gia-cốp cũng gặp phải sự lừa dối tương tự như cách ông đã lừa cha mình. La-ban đã tráo chị của Ra-chên là Lê-a, đưa cho Gia-cốp sau khi ông đã vất vả làm việc bảy năm cho cậu. Vậy là ông phải làm việc thêm bảy năm nữa để cưới Ra-chên. Ông đã phải nếm trải sự bất công của việc bị người khác lừa dối.
Thiên Chúa đã để cho ông rơi vào hoàn cảnh ấy, để ông thấm thía sự bị lừa gạt là như thế nào. Sự không trung thực, tham lam, tính toán của La-ban, cũng chính là những tội lỗi mà ngày xưa Gia-cốp đã làm ra với cha và anh của mình. Trong khi cha ông là I-sác già cả, mắt đã không còn nhìn thấy rõ, thì Gia-cốp còn trẻ khỏe, mắt lại sáng. Thánh Kinh cũng không ghi Lê-a nói dối với ông, rằng bà là Ra-chên, như cách ông đã hai lần nói dối với cha của mình. Qua đó chúng ta có thể thấy, tội lỗi mà La-ban phạm với ông, còn nhẹ hơn tội lỗi ông đã phạm với cha ông là I-sác. La-ban không nể tình cốt nhục mà gạt cháu ruột của mình, thì Gia-cốp khi xưa còn tệ hơn, khi nỡ lòng lừa gạt người cha già, đã sinh ra ông, chăm sóc và nuôi dưỡng ông.
Những việc Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của Gia-cốp trong suốt thời gian ông ở nhà cậu La-ban, chính một phần hậu quả mà Gia-cốp phải gánh chịu và trả giá vì tội đã phạm. Dù rằng, một người sau khi phạm tội mà biết ăn năn, hối cải thì Thiên Chúa là Đấng Thành Tín và giàu lòng thương xót tha thứ cho người những tội mà người đã phạm, và làm cho người sạch mọi điều không công chính, nhưng về hậu quả của tội lỗi thì người vẫn phải gánh chịu y theo quy luật gieo và gặt mà Chúa đã phán dạy.
“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.” (Ga-la-ti 6:7-8).
Câu chuyện của Gia-cốp dối gạt I-sác, và câu chuyện La-ban lừa gạt Gia-cốp, nhắc nhở chúng ta bài học về sự trung thực và cách đối đãi với người khác, mọi việc làm của chúng ta với người khác là sự “gieo ra”, và chúng ta sẽ “gặt lấy” những gì chúng ta đã gieo. Các con muốn trồng cây nho, thì các con sẽ phải gieo hạt nho, muốn được cây táo thì phải gieo hạt táo. Khi các con gieo ra tình yêu, thì các con sẽ nhận lại tình yêu thương. Nếu các con gieo sự dối trá, thù ghét, thì các con sẽ nhận lại sự gian dối và thù ghét. Vậy các con hãy làm cho người khác những gì các con muốn họ làm cho mình, như Lời Chúa dạy trong câu gốc mà các con đã học:
“Vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy cho họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).
Các con thương mến,
Luật pháp của Chúa dạy chúng ta hãy đối xử với mọi người bằng lòng nhân từ tử tế, tôn trọng yêu thương người khác như chính mình, biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, biết hạ mình xin lỗi khi mình làm sai, biết quan tâm nhường nhịn và nghĩ đến lợi ích của người khác, chứ đừng sống ích kỷ, chỉ biết chăm về lợi riêng cho chính mình. Như Phi-líp 2:3-4 chép:
“Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình. Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng chăm về những sự của những người khác nữa.” (Phi-líp 2:3-4).
Lu-ca 6:38, là lời của Đức Chúa Jesus Christ dạy cho chúng ta nguyên tắc của sự “cho và nhận”. Cho đi là sự được “gieo ra”, và khi chúng ta nhận lại là chúng ta “gặt hái”, thu hoạch thành quả từ những gì đã gieo trước đó.
“Các ngươi hãy cho! Thì sẽ được ban cho các ngươi. Với đấu chân thật, được đè xuống, được lắc cho đầy tràn, họ sẽ nộp vào trong lòng các ngươi. Vì cùng sự lường mà các ngươi lường sẽ được lường lại cho các ngươi.” (Lu-ca 6:38).
“Các ngươi hãy cho! Thì sẽ được ban cho các ngươi.”
Đây là lời Chúa hứa sẽ ban phước lại cho chúng ta, khi chúng ta biết cho đi với tấm lòng chân thật, sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không mưu lợi điều gì. Sự cho đi ở đây không chỉ nói về vật chất, mà còn về sự yêu thương, tha thứ, lòng thương xót, và sự sẵn lòng giúp đỡ người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Với đấu chân thật, được đè xuống, được lắc cho đầy tràn, họ sẽ nộp vào trong lòng các ngươi.”
Hình ảnh “đấu chân thật, đè xuống, lắc cho đầy tràn” miêu tả một cái đấu (một dụng cụ đo lường) được nén chặt, rung lắc cho không còn chỗ trống và được đổ đầy đến mức tràn ra, cho thấy sự dư dật, phong phú. Khi chúng ta với lòng thật thà, rộng rãi mà cho đi, Chúa sẽ đổ đầy lại cho chúng ta cách dư dật và tràn đầy hơn nhiều lần những gì chúng ta đã làm.
“Vì cùng sự lường mà các ngươi lường sẽ được lường lại cho các ngươi.”
Cách chúng ta đối xử với người khác sẽ là cách Chúa đối xử với chúng ta. Nếu chúng ta hào phóng, đối xử với người khác bằng sự trung thực, yêu thương, Chúa sẽ ban cho chúng ta cách dư dật vì Ngài là Đấng yêu thương, thành tín và giàu có. Ngược lại, nếu chúng ta keo kiệt và ích kỷ, chúng ta cũng sẽ nhận lại như vậy. Đó chính là luật “gieo gì gặt nấy” của Thiên Chúa mà chúng ta học hôm nay.
Câu hỏi kiểm tra lại bài học:
Các con hãy cho biết ông Gia-cốp ngày xưa đã “gieo” điều gì, và ngày nay ông đã phải “gặt” lại điều gì? Sự việc đó dạy cho chúng ta bài học nào?
Câu hỏi tình huống:
Anh A là anh trai của bé B. Mỗi khi A mượn đồ chơi của B, B không cho, lại còn hay giận dữ, la hét, cãi vã với anh trai. Tuy nhiên, sau đó B lại muốn chơi đồ chơi của A.
Câu hỏi: Các con nghĩ B sẽ “gặt” được điều gì sau khi đã “gieo” ra sự ích kỷ không cho anh trai mượn đồ chơi của mình chơi? Các con sẽ làm gì nếu là B? Nếu là A, các con cảm thấy như thế nào, nếu có em như B, các con sẽ làm gì khi em muốn chơi đồ chơi của mình?
Trả lời:
- B đã gieo ra sự ích kỷ, nên gặt lấy sự khó chịu cho mình, khiến B hay giận dữ, la hét, cãi vã với anh. Những điều ấy khiến B trở thành một bé gái chẳng dễ thương chút nào. Nếu B không ăn năn thay đổi, thì B sẽ bị những người chung quanh xa lánh, vì tính xấu của mình.
- Nếu là A, em vẫn yêu thương B vì B là em gái của mình, tha thứ cho em, vẫn cho em mượn đồ chơi của mình. Như lời Chúa dạy, muốn người ta làm gì cho mình thì mình hãy làm điều ấy cho họ.
- Thiên Chúa là Đấng Công Chính sẽ ban thưởng, và bù đắp lại sự bất công mà A đã chịu.
Câu hỏi tra xét:
Các con có từng nói dối để lừa ai đó chưa? Nếu có, hậu quả mà các con nhận sau đó là gì? Các con đã rút được kinh nghiệm gì qua sự việc đó?
Bài học “gieo gì gặt nấy” nhắc nhở chúng ta rằng mọi hành động, lời nói, và thái độ của chúng ta đều sẽ có kết quả hoặc hậu quả. Khi chúng ta gieo điều tốt lành, như sự thật thà, lòng yêu thương, và sự công chính, chúng ta sẽ gặt những kết quả tốt đẹp, được mọi người yêu mến và kính trọng. Ngược lại, nếu gieo sự gian dối, bất công, hay ích kỷ, chúng ta sẽ phải đối diện với hậu quả không mong muốn, vì Chúa là Đấng Công Chính và Thành Tín, Ngài sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm (Rô-ma 2:6).
“Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặt điều tai họa; và cây roi thịnh nộ nó sẽ bị gãy đi. Người nào có mắt từ thiện sẽ được phước; vì người ban bánh mình cho kẻ nghèo khó.” (Châm Ngôn 22:8-9).
“Và này, người gieo ít thì sẽ gặt ít, còn người gieo trong sự phước hạnh thì sẽ gặt trong sự phước hạnh.” (II Cô-rinh-tô 9:6).
Nguyện xin Lời Chúa khắc sâu vào tâm trí và lòng của các con, thánh hóa các con, ban cho các con sự thông sáng trong các hành động của mình khi biết áp dụng Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Nguyện các con luôn nhận được thật nhiều ơn phước từ Chúa.
Nguyện mọi sự vinh quang, tôn quý, quyền thế đều thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của chúng con từ nay cho đến đời đời. A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Phạm Trịnh Minh Anh
One Reply to “Sáng Thế Ký 29:21-30 – Phần 2”