Cách học Thánh Kinh qua câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá”

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng:

Bác Tim mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay, bác chia sẻ với các cháu một cách học Thánh Kinh, qua cách thức tìm hiểu một câu chuyện trong Thánh Kinh.

Bác đặt tựa đề cho câu chuyện mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu hôm nay là: “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá”. Đây là câu chuyện có thật, được ghi chép trong Ma-thi-ơ 14:13-21; Mác 6:30-44; Lu-ca 9:10-17; và Giăng 6:1-13.

Vì thế, để có thể hiểu rõ câu chuyện, chúng ta phải đọc tất cả các câu Thánh Kinh có liên quan đến câu chuyện, rồi liệt kê các chi tiết theo thứ tự. Đó là bước thứ nhất. Lý do chúng ta cần đọc tất cả các câu Thánh Kinh có liên quan đến câu chuyện là vì, có nhiều câu chuyện được ghi chép trong Thánh Kinh do nhiều môn đồ cùng ghi chép; mà các môn đồ ghi chép theo sự cảm nhận riêng của mỗi người. Giả sử, có bốn người cùng chứng kiến một tai nạn giao thông xảy ra, nhưng khi được cảnh sát mời đưa ra lời chứng, thì các lời chứng sẽ có chỗ giống nhau và có chỗ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của người chứng khi nhìn thấy tai nạn, và tùy thuộc họ chú ý đến chi tiết nào hơn trong tai nạn mà họ nhìn thấy. Cảnh sát làm công việc tổng hợp các lời chứng để có sự hiểu biết đầy đủ về tai nạn.

Dưới đây là các chi tiết được bác tổng hợp từ bốn sách Tin Lành:

    1. Sau khi nghe tin Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt giết chết, Đức Chúa Jesus xuống thuyền, đi đến một nơi hoang vắng, nhưng dân chúng từ các thành gần đó, hay tin, đã đi bộ dọc theo bờ mà tìm đến Chúa.
    2. Từ thuyền bước lên bờ, Chúa nhìn thấy đoàn dân đông đang chờ Ngài, như chiên không có người chăn, thì Ngài động lòng thương xót, giảng dạy nhiều điều về Vương Quốc Trời cho họ, và chữa nhiều tật bệnh cho họ.
    3. Đến chiều tối thì mười hai sứ đồ đến, thưa với Chúa, xin Chúa bảo đoàn dân ra về, để họ có thể vào các làng chung quanh ở trọ và mua thức ăn.
    4. Chúa phán với các môn đồ: “Không cần họ phải đi. Chính các ngươi hãy cho họ ăn.” Chúa trực tiếp hỏi Phi-líp: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân này có mà ăn?”
    5. Phi-líp thưa với Chúa: “Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít!”
    6. Chúa phán bảo các môn đồ hãy tìm xem có bao nhiêu bánh.
    7. Anh-rê, em của Phi-e-rơ, thưa rằng: “Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá, nhưng đông người dường này, thì bấy nhiêu đó có thấm vào đâu?”
    8. Chúa truyền cho các môn đồ bảo đoàn dân đông ngồi xuống trên thảm cỏ. Họ ngồi xuống thành từng hàng, có hàng 100 người, có hàng 50 người. Rồi Ngài cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước lên trời, tạ ơn, bẻ bánh và cá ra, trao cho các môn đồ đem phát cho đoàn dân.
    9. Đoàn dân đông khoảng năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ em, được ăn no.
    10. Chúa sai các môn đồ đi thu lại thức ăn còn dư thì được 12 giỏ đầy.

Sau khi đã có các chi tiết của câu chuyện hay sự việc được ghi lại trong Thánh Kinh, thì bước kế tiếp là chúng ta tìm kiếm các từ ngữ khó. Trong câu chuyện này, bác thấy có hai từ cần được giải thích. Đó là từ ngữ “bánh mạch nha” và “đơ-ni-ê.” Các cháu thấy còn có từ ngữ nào khó hiểu nữa không? Để giải thích các từ ngữ khó thì các cháu có thể tra tìm trong các bộ từ điển Thánh Kinh, hỏi các người lớn trong gia đình, trong Hội Thánh, hoặc tra tìm trên mạng.

  • Bánh mạch nha: là loại bánh làm bằng bột của lúa mạch. Các cháu có thể tra tìm hình ảnh và công dụng của lúa mạch trên mạng. Bánh mạch nha không thơm và không ngon bằng bánh mì, là loại bánh làm bằng bột của lúa mì.
  • Đơ-ni-ê: là một đồng tiền được đúc bằng bạc của đế quốc La-mã. Một đơ-ni-ê thời bấy giờ là tiền công lao động một ngày (Ma-thi-ơ 20:2).

Sau khi đã giải thích các từ khó hiểu thì chúng ta đọc lại toàn bộ các chi tiết của câu chuyện, để hiểu rõ nội dung của câu chuyện. Kế tiếp, chúng ta dựa vào từng chi tiết trong câu chuyện để rút ra cho mình các bài học. Để làm điều này, chúng ta đặt ra các câu hỏi liên quan đến từng chi tiết trong câu chuyện, rồi tự trả lời. Bác đưa ra vài câu hỏi làm mẫu dưới đây:

    1. Tại sao Đức Chúa Jesus muốn đi đến một nơi hoang vắng? Câu trả lời ở trong Mác 6:31.
    2. Tại sao có đoàn dân đông chạy dọc trên bờ hồ để tìm đến với Chúa? Câu trả lời ở trong Giăng 6:2.
    3. Tại sao Chúa động lòng thương xót khi nhìn thấy đoàn dân đông như chiên không có người chăn? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi cháu.
    4. Việc các môn đồ muốn Chúa cho đoàn dân đông ra về để tìm nơi ở trọ và mua thức ăn có hợp lý hay không?
    5. Hai trăm đơ-ni-ê tương đương với bao nhiêu tiền Việt Nam ngày nay?

Bên cạnh những câu hỏi và những câu trả lời, chúng ta cũng nên ghi lại những sự nhận định của mình và những cảm xúc của mình khi chúng ta đọc từng chi tiết trong câu chuyện. Dưới đây là một nhận định và cảm xúc của bác, để làm mẫu cho các cháu:

Nhận định: Đoàn dân đông không ngại khó khăn, mệt nhọc mà đi dọc bờ hồ Ga-li-lê để theo Chúa. Trong đó, có những phụ nữ và trẻ em. Vì thế, họ đã được Chúa tiếp đón, giảng dạy về Vương Quốc Trời, chữa lành các thứ tật bệnh, lại còn làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để họ được ăn no.

Cảm xúc:Tình yêu của Chúa thật là lớn lao. Bản thân Ngài mệt mỏi và đói, nhưng  Ngài vẫn không từ chối đoàn dân đông và Ngài đã chăm sóc cho họ chu đáo từ thuộc linh đến thuộc thể. Thuộc linh là những điều thiêng liêng có quan hệ đến tinh thần và linh hồn. Thuộc thể là những điều vật chất có quan hệ đến thân thể xác thịt.

Bước kế tiếp là chúng ta tổng kết những gì đã học được qua câu chuyện trong Thánh Kinh. Lời tổng kết chính là các điểm quan trọng mà chúng ta học được qua nội dung của câu chuyện. Dưới đây là ba điểm trong phần tổng kết của bác, để làm mẫu cho các cháu:

Tổng kết: (1) Chúa yêu chúng ta và quan tâm đến chúng ta. Khi chúng ta hết lòng đến với Chúa, Ngài sẽ tiếp nhận chúng ta và chăm sóc chúng ta về thuộc thể lẫn thuộc linh. Những điều chúng ta cần, Ngài biết hết và Ngài sẽ ban cho chúng ta. (2) Để có thể theo Chúa, chúng ta cần hết lòng và không ngại khó, ngại khổ. (3) Đàn ông, đàn bà, và trẻ em đều có thể theo Chúa và đều được Chúa tiếp đón, giảng dạy, chăm sóc.

Sau cùng là chúng ta áp dụng những điều học được vào trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Thí dụ: Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn hay có nhu cầu, thì chúng ta đến với Chúa và trình dâng lên Ngài. Luôn nhớ đến câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá” để biết rằng Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và Ngài là Đấng làm phép lạ để chăm sóc chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải hết lòng theo Chúa, không sợ khó, không sợ khổ, và sẵn lòng dâng lên Chúa mọi điều mình có, để Chúa dùng đó làm ra phép lạ, mang phước đến cho nhiều người.

Bác Tim mời các cháu trong tuần này, thực hiện các bước từ thứ ba đến thứ sáu trong việc học Lời Chúa qua câu chuyện “Năm cái Bánh và Hai Con Cá,” rồi email cho bác: tim@timhieutinlanh.net. Các cháu ghi họ tên, năm sinh của mình kèm theo bài viết. Bác sẽ chấm điểm bài viết của các cháu tùy theo hạng tuổi và sẽ có điểm thưởng cho các bài xuất sắc. Câu gốc của tuần này là:

“Tôi đã giấu Lời Ngài trong lòng tôi, để tôi không phạm tội.” (Thi Thiên 119:11)

Chúng ta giấu Lời Chúa trong lòng chúng ta bằng cách chúng ta đọc, suy ngẫm Lời Chúa, học thuộc và làm theo Lời Chúa. Bác chúc các cháu được lớn lên trong sự hiểu biết và làm theo Lời Chúa, để các cháu được vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus Christ phán:

“Chẳng phải những kẻ nói với Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào Vương Quốc Trời đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21)

Bác hẹn gặp lại các cháu vào buổi nhóm tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục tìm hiểu câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá.”

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
19/04/2014


Tóm Lược

  1. Bước thứ nhất: Đọc tất cả các câu Thánh Kinh có liên quan đến câu chuyện, rồi liệt kê các chi tiết theo thứ tự.
  2. Bước thứ nhì: Tìm nghĩa các từ ngữ khó hiểu. Có thể tra xem các bộ từ điển Thánh Kinh, hỏi người lớn trong gia đình và trong Hội Thánh, hoặc tra tìm trên mạng.
  3. Bước thứ ba: Đọc lại toàn bộ các câu chi tiết của câu chuyện để có thể hiểu rõ nội dung của câu chuyện. Nếu cần thì đọc vài lần.
  4. Bước thứ tư: Dựa vào các chi tiết của câu chuyện để rút ra cho mình các bài học, bằng cách đặt các câu hỏi và tự trả lời.
  5. Bước thứ năm: Ghi lại nhận định, cảm xúc của mình theo từng chi tiết của câu chuyện.
  6. Bước thứ sáu: Tổng kết những điều mình học được qua câu chuyện.
  7. Bước thứ bảy: Áp dụng những điều học được vào trong cuộc sống.

Copyright Notice:All Rights Reserved © 2014 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.