Cách học Thánh Kinh qua câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá” (3)

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng:

Bác Tim mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục bài học về phương cách học Thánh Kinh, qua cách thức tìm hiểu một câu chuyện trong Thánh Kinh.

Câu chuyện chúng ta đang cùng nhau học là “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá.” Hai tuần trước chúng ta đã đi qua phần giới thiệu phương pháp học và đã thực hiện các bước nhất, nhì, ba tư. Tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau đi qua các bước còn lại là năm, sáu, và bảy.

Bác nhắc lại dưới đây bảy bước căn bản cần thực hiện để chúng ta có thể hiểu và học một câu chuyện trong Thánh Kinh:

  1. Bước thứ nhất: Đọc tất cả các câu Thánh Kinh có liên quan đến câu chuyện, rồi liệt kê các chi tiết theo thứ tự.
  2. Bước thứ nhì: Tìm nghĩa các từ ngữ khó hiểu. Có thể tra xem các bộ từ điển Thánh Kinh, hỏi người lớn trong gia đình và trong Hội Thánh, hoặc tra tìm trên mạng.
  3. Bước thứ ba: Đọc lại toàn bộ các chi tiết của câu chuyện để có thể hiểu rõ nội dung của câu chuyện. Nếu cần thì đọc vài lần.
  4. Bước thứ tư: Dựa vào các chi tiết của câu chuyện để rút ra cho mình các bài học, bằng cách đặt các câu hỏi và tự trả lời.
  5. Bước thứ năm: Ghi lại nhận định, cảm xúc của mình theo từng chi tiết của câu chuyện.
  6. Bước thứ sáu: Tổng kết những điều mình học được qua câu chuyện.
  7. Bước thứ bảy: Áp dụng những điều học được vào trong cuộc sống.

Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi vào các bước còn lại. Bác sẽ nêu lên bài làm của bác để làm mẫu cho các cháu. Lời của Chúa rất là mầu nhiệm, nên những gì bác ghi ra không phải là đã đủ hết. Trong cùng một câu chuyện Chúa có thể ban cho mỗi người sự hiểu biết khác nhau, nên nhận định và cảm xúc của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Cùng một câu chuyện, cách ít lâu sau chúng ta học lại, chúng ta sẽ có những nhận định và cảm xúc mới.

Bước thứ năm: Ghi lại nhận định, cảm xúc của mình theo từng chi tiết của câu chuyện.

Nhận định tức là sau khi xem xét một điều gì thì nhận biết được các lẽ thật về điều ấy. Cảm xúc tức là lòng chúng ta cảm thấy thế nào sau khi nhận biết các lẽ thật.

Nhận định:

    1. Đoàn dân đông không ngại khó khăn, mệt nhọc mà đi dọc bờ hồ Ga-li-lê để theo Chúa. Trong đó, có những phụ nữ và trẻ em. Vì thế, họ đã được Chúa tiếp đón, giảng dạy về Vương Quốc Trời, chữa lành các thứ tật bệnh, lại còn làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để họ được ăn no.
    2. Chúa là tình yêu nên Ngài luôn yêu thương chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tìm kiếm Ngài, đến với Ngài, thì Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta và chăm sóc chúng ta. Ngài luôn biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta và Ngài luôn có chương trình đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Nhu cầu là tất cả những gì không thể thiếu trong cuộc sống, như: thức ăn, quần áo mặc, chỗ ở… Khi các nhu cầu của chúng ta không thể đáp ứng bằng cách thông thường, thì Chúa sẽ đáp ứng bằng phép lạ.
    3. Chúa là Đấng toàn năng, nghĩa là không có gì giới hạn khả năng của Ngài. Ngài dễ dàng làm ra các phép lạ để cứu giúp chúng ta, nhưng Ngài cũng luôn ban cho chúng ta cơ hội được tham dự vào sự Ngài làm phép lạ. Trong phép lạ Chúa hóa nước thành rượu ngon trong một tiệc cưới tại thành Ca-na (Giăng 2), Chúa đã ban cho những người hầu bàn tiệc được cùng tham dự vào sự Chúa làm phép lạ, bằng cách khiến họ múc nước đổ đầy sáu cái lu đựng nước. Trong câu chuyện chúng ta đang học, Chúa đã ban cho một bé trai được cùng tham dự vào sự Chúa làm phép lạ, bằng cách Chúa dùng năm cái bánh và hai con cá do em dâng lên.
    4. Khi đối diện với nan đề, là những khó khăn trong cuộc sống, loài người chúng ta thường suy nghĩ để giải quyết theo cách thức thông thường. Điều đó không có gì sai. Nhưng khi không thể giải quyết nan đề theo cách thông thường, thì chúng ta phải có đức tin vào sự chăm sóc và bảo vệ của Chúa trên đời sống của con dân Chúa, và hết lòng trông chờ sự giải cứu từ nơi Ngài.
    5. Chúa sẽ dùng đức tin, sự vâng lời, và sự dâng hiến của chúng ta để làm ra phép lạ và đem lại sự cứu giúp cho nhiều người khác.

Cảm xúc:

    1. Tình yêu của Chúa thật là lớn lao. Bản thân Ngài mệt mỏi và đói, nhưng Ngài vẫn không từ chối đoàn dân đông và Ngài đã chăm sóc cho họ chu đáo từ thuộc linh đến thuộc thể. Thuộc linh là những điều thiêng liêng có quan hệ đến tinh thần và linh hồn. Thuộc thể là những điều vật chất có quan hệ đến thân thể xác thịt.
    2. Tấm gương dâng hiến của bé trai đáng cho chúng ta học và làm theo. Khi dâng hiến, chúng ta chấp nhận hy sinh, chịu khổ, vì chúng ta yêu Chúa hơn chính bản thân mình. Ước mong rằng, một ngày kia, trong Vương Quốc Trời, chúng ta sẽ được làm quen và nghe chính bé trai ấy thuật lại cách chi tiết câu chuyện Chúa làm phép lạ trong buổi chiều hôm ấy cho chúng ta nghe.
    3. Câu chuyện xảy ra vào một buổi chiều, là lúc mọi người đã mỏi mệt, và đói, sau khi đi dọc theo bờ hồ để gặp được Chúa và nghe Chúa giảng dạy. Đứa bé trai không biết là bao nhiêu tuổi, đã có lòng đi theo đoàn dân đông để được nghe Chúa giảng dạy, chắc chắn cũng mệt và đói như bao nhiêu người; nhưng khi em nghe các môn đồ đi tìm xem ai có thức ăn, thì em đã sẵn lòng đưa ra thức ăn của mình. Em không hề biết trước Chúa sẽ làm phép lạ. Có lẽ, em nghĩ là các môn đồ tìm thức ăn cho Chúa, và em đã nhịn ăn để nhường cho Chúa. Tấm lòng của bé trai ấy thật là đáng quý.
    4. Không biết là mẹ của em bé đã chuẩn bị thức ăn cho em hay là em tự chuẩn bị lấy. Nếu là mẹ của em chuẩn bị cho em, thì vì bà yêu thương chăm sóc cho con cách chu đáo mà bà đã tạo ra cơ hội để con mình có thể dâng hiến lên Chúa và được dự phần trong sự Chúa làm phép lạ. Nếu là do em bé tự chuẩn bị lấy, thì chính sự biết tự chăm sóc bản thân của em đã khiến cho em có cơ hội được hầu việc Chúa.
    5. Trong số hơn năm ngàn người theo Chúa, chỉ có một bé trai biết dâng hiến thức ăn của mình lên Chúa. Đó là một điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Hãy làm người biết ban cho hơn là làm người chỉ biết nhận lãnh. Chúa dạy: “Ban cho thì có phước hơn nhận” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35b). Vì khi chúng ta ban cho trong Chúa, và qua Chúa thì sẽ có nhiều người được nhận lãnh. Ban cho trong Chúa là sự ban cho của chúng ta không sai nghịch các điều răn của Chúa. Ban cho qua Chúa là sự ban cho của chúng ta trước hết được cầu nguyện dâng lên Chúa, rồi mới đến tay người nhận.

Bước thứ sáu: Tổng kết những điều học được.

Tức là qua các chi tiết của câu chuyện chúng ta học được điều hay nào nên làm, điều xấu nào nên tránh, lẽ thật nào nên tin.

    1. Chúa yêu chúng ta và quan tâm đến chúng ta. Khi chúng ta hết lòng đến với Chúa, Ngài sẽ tiếp nhận chúng ta và chăm sóc chúng ta về thuộc thể lẫn thuộc linh. Những điều chúng ta cần, Ngài biết hết và Ngài sẽ ban cho chúng ta (Ma-thi-ơ 6:31-34). Vậy, chúng ta hãy hết lòng tin cậy Chúa và dâng trình các nhu cầu, các khó khăn của mình lên Chúa.
    2. Là con dân Chúa, chúng ta cần ghi nhớ rằng, chẳng có điều gì mà Chúa không làm được, chẳng có khó khăn gì mà Chúa không thể giúp chúng ta giải quyết (Ma-thi-ơ 19:26).
    3. Đàn ông, đàn bà, và trẻ em đều có thể theo Chúa và đều được Chúa tiếp đón, giảng dạy, chăm sóc.
    4. Để có thể theo Chúa, chúng ta cần hết lòng và không ngại khó, ngại khổ.
    5. Chúa là Đấng làm được mọi sự nhưng Ngài muốn chúng ta cùng làm việc với Ngài. Ngài muốn chúng ta dâng lên Ngài những điều thuộc về chúng ta, để Ngài biến những điều ấy thành phước hạnh cho nhiều người.
    6. Các thiếu nhi vẫn có thể dâng hiến lên Chúa, vẫn có thể tham dự vào các việc Chúa làm.
    7. Khi chúng ta nghe biết Chúa cần dùng điều gì mà chúng ta đang có, thì chúng ta hãy dâng điều ấy lên Ngài.
    8. Ngày nay, chúng ta có thể dâng hiến những gì mình có để đáp ứng các nhu cầu trong Hội Thánh, các nhu cầu của những người chung quanh chúng ta.
    9. Khi chúng ta dâng hiến bất cứ một điều gì của chúng ta lên Chúa, thì chúng ta đã được tham dự vào các việc làm của Chúa, vì Chúa sẽ dùng sự dâng hiến của chúng ta để làm ra các phép lạ.
    10. Mỗi việc làm, dù là nhỏ của chúng ta, nếu làm vì Chúa, làm trong danh Chúa, thì sẽ được Chúa ban ơn và đem lại phước hạnh cho nhiều người.

Bước thứ bảy: Áp dụng những điều học được vào trong cuộc sống.

Tức là dựa theo những gì đã học được từ câu chuyện mà đặt ra cho mình các phương cách hành động trong những hoàn cảnh của đời sống.

    1. Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn hay có nhu cầu, thì chúng ta đến với Chúa và trình dâng lên Ngài. Chúng ta thưa chuyện với Ngài như thưa chuyện với cha mình, vì Ngài là Cha ở trên trời của chúng ta.
    2. Luôn nhớ đến câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá” để biết rằng Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và Ngài là Đấng làm phép lạ để chăm sóc chúng ta.
    3. Tuy nhiên, chúng ta phải hết lòng theo Chúa, không sợ khó, không sợ khổ, và sẵn lòng dâng lên Chúa mọi điều mình có, để Chúa dùng đó làm ra phép lạ, mang phước đến cho nhiều người.
    4. Chúng ta phải biết tiết kiệm, tránh lãng phí, luôn tận dụng tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta.
    5. Trong mọi việc làm phải có thứ tự, trong mọi sinh hoạt phải có trật tự.

Câu gốc của tuần này là: “Ban cho thì có phước hơn nhận” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35b).

Bác mong rằng, qua ba bài học về câu chuyện “Năm Cái Bánh và Hai Con Cá” các cháu đã có kiểu mẫu để dựa vào đó mà học các câu chuyện trong Thánh Kinh. Bác đề nghị các cháu hãy chọn ra một câu chuyện trong Thánh Kinh mà các cháu thích nhất, dùng bảy bước bác đã hướng dẫn để soạn ra một bài học hỏi về câu chuyện ấy; rồi email cho bác. Hạn chót nộp bài là ngày 31/05/2014. Bài xuất sắc nhất sẽ được 100 điểm. Các cháu nhớ cầu nguyện xin Đức Thánh Linh ban cho các cháu sự khôn ngoan hiểu biết, trước khi làm bài. Bác mong chờ bài làm của các cháu.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
03/05/2014


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2014 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.