Câu Gốc Mỗi Tuần (03/07/2021)

Lời Kêu Gọi Thứ Bảy

Hãy Trung Tín Cho Đến Chết (Phần 02)

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Tuần này chúng ta tiếp tục học về lời kêu gọi thứ bảy của Chúa với chủ đề: Hãy Trung Tín Cho Đến Chết (Phần 02)

Trong phần 01 chúng ta đã cùng nhau học về trung tín là gì và cám dỗ là gì, thử thách là gì. 

Hôm nay  chúng ta cùng nhau ôn lại một chút bài cũ trước khi chúng ta học tiếp các con nhé. 

Trung Tín là gì? 

Trong tiếng Hán Việt, hai từ ngữ “trung tín” và “thành tín” mang nghĩa gần giống nhau:

  • Trung tín: Ngay thẳng, đáng tin.
  • Thành tín: Chân thật, đáng tin.

Chữ “thành tín” được dùng để nói về Thiên Chúa, còn chữ “trung tín” được dùng để nói về loài người. Thiên Chúa là Đấng chân thật và đáng cho chúng ta tin cậy, còn loài người chúng ta thì thường khi là không chân thật, không đáng tin, kể cả những người đã tin Chúa mà chưa chịu sống đời sống thánh khiết. Nhưng nếu chúng ta ngay thẳng nhìn nhận rằng mình là không chân thật, thì chúng ta đáng được tin.  Trung tín còn là người đáng tin cậy, vì người ấy hết lòng, hết sức để làm tròn mọi bổn phận, mọi nghĩa vụ, hoặc mọi lời hứa của mình.

Trên bước đường theo Chúa, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, bao gồm mọi hình thức cám dỗ và thử thách.

Cám dỗ là những gì mà loài người và ma quỷ làm ra để xúi giục chúng ta phạm tội. Mà trong bài học trước chúng ta cùng học qua ví dụ một con khủng long bằng nhựa nằm bên đường khi các con đi học về. 

Thử thách là những gì Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để rèn luyện chúng ta; và để chúng ta có cơ hội thể hiện đức tin của mình nơi Chúa, bày tỏ lòng trung tín của chúng ta đối với Ngài. Như trong câu chuyện Chúa thử ông Áp-ra-ham dâng con một của mình là I-sác. 

 Cùng một sự kiện có thể vừa là cám dỗ, vừa là thử thách. Như câu chuyện ông Giô-sép cởi áo bỏ chạy khi bị bà chủ cám dỗ, như tấm gương của ông Gióp  mà chúng ta đã được học qua.

Hôm nay chúng ta tiếp tục học về sự cám dỗ xảy ra trong đời sống của chúng ta, cám dỗ nó luôn ở xung quanh chúng ta, cám dỗ không phân biệt một ai, già hay trẻ, lớn hay nhỏ, người miền nam hay miền bắc. Cám dỗ xúi giục, gài bẫy chúng ta để chúng ta phạm tội. Cám dỗ đến từ ma quỷ và loài người. Thiên Chúa không cám dỗ chúng ta Thiên Chúa cho phép sự cám dỗ xảy đến với chúng ta để thử nghiệm đức tin của chúng ta, khi chúng ta phạm tội là do chúng ta muốn phạm tội và chìu theo sự ham muốn bất chính của mình. Thánh Kinh cho chúng ta biết điều đó

13. Chớ có ai bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào tác động đến Ngài, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.

14. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình”. (Gia-cơ 1:13-14).

Trên bước đường đi theo Chúa chúng ta mỗi ngày đối diện với cám dỗ xung quanh chúng ta, cám dỗ có rất nhiều hình thức, ma quỷ biết điểm yếu của chúng ta nên sẽ luôn dùng những điểm yếu đó mà cám dỗ chúng ta, điểm yếu có nghĩa là những điều mà chúng ta không thể thắng được, không vượt qua được. 

Đối với người lớn thì cám dỗ khác, đối với trẻ con thì cám dỗ khác, với người lớn thì cám dỗ cao hơn một chút như muốn được giàu có, thật nhiều tiền, muốn được hơn người khác, rồi người lớn cũng  bị cám dỗ về tình dục, tà dâm, về sự nói dối, sự tham lam…

Còn về trẻ nhỏ thì cám dỗ nhiều nhất về tội nói dối, nói dối do sợ ba mẹ đánh đòn, nói dối để được đi chơi, nói dối để được quà, nói dối để mình được khen..Trẻ nhỏ cũng bị cám dỗ về tội tham lam, như ham thích món đồ chơi không phải là của mình, muốn ăn cắp đồ của người khác, lấy trộm tiền của người khác, muốn mình có được nhiều đồ chơi hơn, muốn mình có được nhiều đồ ăn ngon mà không biết chia sẻ. Cám dỗ về sự ham mê, ghiền nghiện một thứ gì đó, như chơi game, nghiện xem tivi, máy tính, những chương trình vô bổ trên tivi, vô bổ là không có ích lợi. Hay là ham mê những ca sĩ, diễn viên…Còn một tội mà cám dỗ những bạn ở độ tuổi dậy thì rất nhiều đó là tội tà dâm, những hình thức phạm tội như là: Xem các phim, truyện, hình ảnh có tính khiêu gợi, khiêu dâm, thủ dâm…

Đó là tất cả những tội mà ở độ tuổi nào cũng bị cám dỗ, nếu chúng ta không có Lời Chúa, không có năng lực Chúa ban cho thì chúng ta không thể nào thắng được. Chúa cho phép những sự cám dỗ đó xảy ra trong đời sống chúng ta để chúng ta có cơ hội thể hiện đức tin, lòng yêu kính Chúa của mình đối với Chúa, và Chúa muốn nhìn xem sự lựa chọn của chúng ta, chọn phạm tội hay chọn không phạm tội. 

Vậy thì trong đời sống của chúng ta mặc dù chúng ta đã hết lòng, hết sức gìn giữ điều răn luật pháp của Chúa rồi, nhưng liệu rằng chúng ta có thể vô ý phạm tội hay không? Vô ý có nghĩa là lỡ phạm tội, phạm tội không có chủ ý, không cố ý. 

Câu trả lời là có. 

Ví dụ:

Mẹ đi chợ, dặn bạn Anh Duy ở nhà con rửa bát (trong nam gọi là rửa chén) cho thật sạch sẽ, gọn gàng, rửa nhẹ nhàng thôi, không được làm bể chén bát nhé. Khi mẹ đi rồi thì bạn Anh Duy cẩn thận rửa từng cái một, từng cái một, úp gọn vào trong rổ, trong khi úp bạn Anh Duy trượt tay rơi cái bát xuống nền nhà, bể tung tóe, bạn Anh Duy sợ mẹ về đánh đòn vừa dọn cái bát bị rơi vừa khóc. 

Vậy trong tình huống này bạn Anh Duy có phải cố tình để làm bể cái bát không? 

Câu trả lời là không. 

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta lỡ một lời nói dối khi có ai bất chợt hỏi chúng ta, chúng ta lỡ lấy đồ nào đó mà không biết là đồ đó không được đụng đến, chúng ta lỡ mua một món đồ mà trên đó có hình tượng mà chúng ta không thấy…Những tội, những lỗi chúng ta hoàn toàn không cố ý. Vậy thì sau khi chúng ta nhận ra chúng ta đã lỡ phạm những tội đó thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải ăn năn tội của mình đã phạm đó, chúng ta ăn năn xin Chúa tha thứ và nêu đúng tên cái tội mà chúng ta đã lỡ phạm đó. Như là tội nói dối, tội ăn cắp, tội mua đồ dùng có hình tượng ô uế…rồi xin Chúa ban năng lực cho chúng ta, giữ gìn chúng ta không phạm tội và xin Chúa ban cho chúng ta có sự khôn sáng, sự cẩn thận trong mọi việc làm lời nói của mình để chúng ta không phạm tội nữa. 

Cám dỗ thì luôn luôn lúc nào cũng chực sẵn chờ chúng ta sập bẫy hết, còn chúng ta thì sao? có biết tỉnh thức mà chiến cự lại, tránh xa hay lại tự đặt mình vào môi trường cám dỗ đó?

Tự đặt mình vào môi trường cám dỗ là như thế nào? 

Chúng ta cùng đến với tình huống dưới đây. 

Tình huống 1:

Bạn A hôm nay ở nhà không đi học, ở nhà buồn muốn lấy điện thoại chơi game, nhưng bởi tính nghiện game và hay xem những thứ linh tinh nên bạn A rất muốn chơi điện thoại, nhưng một hồi suy nghĩ bạn ấy đi ra ngoài chơi đá bóng với bạn hàng xóm, lát chiều về tắm rửa, ăn cơm rồi học câu gốc. 

Tình huống 2:

 Bạn B hôm nay ở nhà không đi học, ở nhà buồn muốn lấy điện thoại chơi game, nhưng bởi tính nghiện game và hay xem những thứ linh tinh nên bạn B rất muốn chơi điện thoại, thấy mẹ ở sau bếp nên bạn B Lén lấy điện thoại chơi game, chát với bạn và xem những thứ linh tinh. 

Có một ví dụ rất hay mà cô nhớ hoài khi nghe bài giảng của bác Tim về sự tự đặt mình vào môi trường cám dỗ, ví dụ đó như thế này. 

Thí dụ 1: Một thanh niên bước vào thang máy, trong thang máy đã có sẵn một cô gái ăn mặc khêu gợi. Khi nhìn thấy ngoài mình và cô gái ấy ra không có ai khác, thì chàng thanh niên lập tức lui ra khỏi thang máy, chờ đi chuyến sau. Đó là người biết tự giữ mình khỏi môi trường bị cám dỗ. Đó là móc và chặt mà quăng cho xa tất cả những gì có thể khiến cho mình phạm tội (Ma-thi-ơ 5:29-30).

Thí dụ 2: Cũng cùng hoàn cảnh như thí dụ 1, nhưng chàng thanh niên cố ý bước vào thang máy để được nhìn ngắm sự khêu gợi của cô gái và có những tư tưởng tà dâm, thậm chí còn mở lời làm quen, tán tỉnh. Đó là người sống theo bản tính xác thịt, chỉ muốn làm theo sự ưa thích bất chính của xác thịt. Người như vậy chắc chắn sẽ rơi vào sự phạm tội, vì trong lòng đã hướng về tội lỗi.

Tự đặt mình vào môi trường cám dỗ cũng giống như vậy nhà nước khuyến cáo các con tránh đi vào những nơi công cộng, công viên vui chơi, khu đông người rất dễ bị nhiễm bệnh covid-19, nên nếu chúng ta biết sợ bệnh thì ở nhà, không đi đến những nơi đông người, còn nếu chúng ta không nghe theo mà cứ tự đi đến chỗ đó thì vừa bị lây bệnh mà vừa bị phạt.

Các con thấy đó, mỗi ngày cám dỗ nó đầy dẫy xung quanh chúng ta như vậy, nếu chúng ta không thật hết lòng kính sợ Chúa, hết lòng muốn sống theo Lời Chúa thì chúng ta sẽ rất dễ sa vào cám dỗ, nếu vậy thì chúng ta đã không trung tín với Chúa và chúng ta sẽ bị hư mất đời đời nếu chúng ta không thật lòng ăn năn. 

Kết luận bài chúng ta học hôm nay là có 3 hình thức mà chúng ta dễ phạm tội là:

1/Cám dỗ  phạm tội vì yếu đuối

2/ Cám dỗ phạm tội vì thiếu hiểu biết

3/ Cám dỗ phạm tội vì tự mình đặt mình vào môi trường cám dỗ. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ