Sáng Thế Ký 3:20-24

Sáng Thế Ký 3:20-24

Grace Nguyen

Các con thương mến,

Trước khi bước vào bài học hôm nay chúng ta sẽ cùng ôn lại hai phần mà chúng ta đã cùng nhau học kỳ trước trong sách Sáng Thế Ký 3:1-19 qua các câu hỏi sau đây để giúp các con nhớ lại những gì mình đã học cũng như giúp các con hiểu hơn Lời Chúa phán dạy chúng ta trong bài học hôm nay.

 Nào, mời các con cùng lắng nghe và tìm cho mình đáp án đúng cho các câu hỏi sau:

1/ Bà Ê-va nghe lời con rắn ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, rồi trao cho chồng và chồng cũng ăn vì:

A, Bà thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn.

B, Bà muốn có sự hiểu biết điều thiện và điều ác cho bằng Đức Chúa Trời. 

C, Bà không hoàn toàn tin vào Lời của Đức Chúa Trời.

D, Cả ba đều đúng.

Đáp án: D. 

2/ Sau khi loài người phạm tội đối với Chúa thì:

A, Loài người bị mất đi sự vinh quang của Chúa nên họ thấy mình trần truồng và loã lồ.

B, Loài người hạnh phúc vì mình đã biết phân biệt được điều thiện và điều ác bằng Đức Chúa Trời.

C, Loài người đau buồn, sợ hãi phải chạy trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Đáp án: đúng cho câu hỏi này chính là đáp án A và C.

3/ Làm con dân của Chúa chúng ta phải tin cậy, yêu kính và vâng phục Chúa một cách hoàn toàn. Điều này đúng hay sai và vì sao đúng hoặc vì sao sai? 

Câu trả lời chắc chắn là đúng rồi phải không các con? Là con dân của Chúa chúng ta phải có bổn phận yêu kính, tin cậy, nghe và vâng phục làm y theo mọi Lời phán dạy của Thiên Chúa vì điều đó sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui và sự phước hạnh vô biên trong ơn quan phòng chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa. Và vì Lời Chúa là giáp trụ và vũ khí giúp con dân Chúa chống cự lại ma quỷ, chống cự lại các kẻ thù nghịch và vượt thắng cám dỗ thử thách.

Cảm tạ ơn Chúa, cám ơn các con đã có những câu trả lời đúng cho các câu hỏi, cô rất vui vì điều này nói lên các con có hiểu bài, có ghi nhớ những gì mình đã học. 

Nguyện Chúa giúp các con không chỉ học hiểu, nhớ mà còn phải biết áp dụng Lời Chúa vào nếp sống của mình mỗi ngày nữa. Bởi nếu chỉ nghe, học, hiểu mà không làm theo thì các con cũng sẽ không được làm người nhà của Đức Chúa Trời, sẽ không được ở trong tình yêu của Chúa, sẽ không được gặp Chúa trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại đón ai tin và làm theo Lời Ngài vào nước thiên đàng.

Nào giờ mời các con chúng ta cùng học cách suy ngẫm Lời Chúa trong sách (Sáng Thế Ký 3:20-24). Cô xin đọc lại một lượt từ câu 20-24.

20 Loài người gọi tên vợ là Ê-va, vì nàng là mẹ của mọi sự sống. [Ê-va có nghĩa là người ban sự sống. Sự sống ở đây là chỉ về sự sống của dòng dõi loài người.] 

21 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lấy da thú, kết thành áo cho loài người và vợ, rồi mặc cho họ.

22 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta; vậy bây giờ, hãy coi chừng, kẻo nó giơ tay hái trái Cây Sự Sống mà ăn, và được sống đời đời chăng. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]

23 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đuổi {loài người} ra khỏi khu vườn của Ê-đen, để cày cấy đất, là nơi người được lấy ra.

24 Vậy, Ngài đuổi loài người ra, rồi đặt tại phía đông vườn của Ê-đen các chê-ru-bim với gươm lửa xoay mọi bề, để giữ con đường dẫn đến Cây Sự Sống.

Mời các con cùng suy ngẫm Lời Chúa trong câu 20:

Loài người gọi tên vợ là Ê-va, vì nàng là mẹ của mọi sự sống. [Ê-va có nghĩa là người ban sự sống. Sự sống ở đây là chỉ về sự sống của dòng dõi loài người.] 

Các con thương mến, 

Trong một bài giảng của người chăn có giải thích như sau: 

Từ ngữ “mọi sự sống” được dùng trong câu này phải được hiểu theo nghĩa hẹp là mọi sự sống trong hình thể của loài người. Các loài thực vật có sự sống; các loài côn trùng, chim, cá, gia súc, và thú đồng cũng có sự sống; nhưng chắc chắn là sự sống của chúng không ra từ bà Ê-va. “Mẹ của mọi sự sống” trong câu Thánh Kinh này có nghĩa là: Từ Ê-va mà dòng dõi loài người được sinh ra. (Hết trích.)

Lời Thánh Kinh trên muốn nói đến, đó là sự sống động, sự sinh sôi, nảy nở từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác cho đến chúng ta ngày nay và tương lai của con cháu nối theo sau của dòng dõi loài người chúng ta sẽ ra từ người phụ nữ mà khởi đầu là từ bà Ê-va. 

Như mệnh lệnh Chúa phán trong Sáng Thế Ký 1:28 “Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!”

Loài người là một tạo vật còn gọi là linh hồn, có một thân thể vật chất là xác thịt và có một thân thể thiêng liêng là tâm thần. Chính vì loài người có thân thể thiêng liêng là tâm thần để tương giao với Thiên Chúa nên danh từ sự sống đối với loài người còn có một ý nghĩa thuộc linh. Đó là: được ở trong sự tương giao với Thiên Chúa.

Như vậy chúng ta có thể hiểu loài người có hai sự sống: Sự sống thuộc thể và sự sống thuộc linh:

Sự sống mà Thánh Kinh nói ở đây là sự sống của thân thể vật chất do sự kết hiệp của linh hồn và tâm thần với thân thể xác thịt. Linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần. Linh hồn và tâm thần ở trong thân thể vật chất là xác thịt, khiến cho thân thể xác thịt có sự sống.

Và sự sống thứ hai là: Sự sống thuộc linh, nghĩa là tâm thần được ở trong sự tương giao với Thiên Chúa, khiến cho toàn thể con người chúng ta từ linh hồn, tâm thần và xác thịt đều được ở trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa.

Ở giới hạn trong sự tập rèn cách suy ngẫm Lời Chúa của bài học hôm nay các con có thể hiểu ngắn gọn như sau: Sự sống được nói đến trong câu Thánh Kinh chép trong sách Sáng Thế Ký 3:20 có nghĩa là sự tất cả các em bé đều được sinh ra bởi người mẹ, và người mẹ đầu tiên là bà Ê-va. Vậy nên bà Ê-va được gọi là mẹ của mọi sự sống. 

Câu 21

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lấy da thú, kết thành áo cho loài người và vợ, rồi mặc cho họ.

Khi suy ngẫm câu Thánh Kinh này lòng chúng ta thật rúng động vì cảm nhận được sâu sắc tình yêu, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho loài người qua hành động Ngài lấy da thú kết áo và mặc cho họ sau khi họ đã phạm tội đối với Ngài, đã làm ra hành động chống nghịch Ngài.

Đây cũng chính là hình ảnh của sự cứu chuộc tội lỗi mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho loài người. Thiên Chúa là tình yêu nhưng Ngài cũng là Đấng thánh khiết. Và Tội lỗi phải được che đậy, được bao phủ, được tha thứ qua cái chết vô tội của một con vật như sự một con vật không tì vít được dâng lên làm của lễ chuộc tội trong thời cựu ước, và trong thời Tân Ước thì chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng vô tội đã hy sinh chịu chết thay cho tội lỗi của toàn nhân loại. Nhờ đó chúng ta ngày nay được mặc lấy Đấng Christ, được bao phủ bởi ân điển của Đấng Christ, được phục hồi vào trong địa vị làm con cái vinh hiển của Thiên Chúa, được dạn dĩ ra mắt, thờ phượng, tôn vinh và dâng lời cầu thay lên Chúa.

Hành động giết một con vật vô tội rồi lấy da kết thành áo mặc cho ông A-đam và bà Ê-va còn nói lên sự Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, che chở, lo liệu và chu cấp mọi sự cho chúng ta trong cuộc sống từ buổi đầu sáng thế và Ngài là Thiên Chúa không hề thay đổi, Ngài vẫn hằng ngày quan phòng chăm sóc trên đời sống của những ai tôn kính Ngài. Không những Thiên Chúa là Đấng chu cấp mọi nhu cầu trong đời sống vật chất mà Chúa còn ban Lời của Ngài để nuôi dưỡng thuộc linh giúp chúng ta có sự khôn ngoan hiểu biết về Thiên Chúa, giúp chúng ta có sự an ủi và niềm cậy trông vào nơi Chúa, giúp chúng ta có năng lực sống đẹp ý Chúa để ngày càng lớn lên trong đức tin trong sự tin kính Thiên Chúa.

Người chăn có giảng rằng:

Sau khi loài người phạm tội, bị Thiên Chúa quở trách và giáng hình phạt, chắc chắn là loài người có ăn năn thống hối. Bởi vì loài người đã nhìn thấy hậu quả của sự không tin cậy, không vâng lời Thiên Chúa xảy ra trong linh hồn của mình và ngay trên chính thân thể xác thịt của mình. Loài người cũng đã xưng tội với Thiên Chúa, dầu rằng lời xưng tội không được trọn vẹn, vì loài người đã không hoàn toàn nhận trách nhiệm mà đổ thừa cho nhau, cho con rắn, và thậm chí, gián tiếp đổ thừa cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, bởi sự nhân từ và thương xót rất lớn mà Thiên Chúa đã tiếp nhận sự ăn năn của loài người. Nhưng loài người vẫn phải gánh chịu hậu quả đương nhiên ra từ hành động của mình. Họ không còn được ở lại trong khu vườn phước hạnh. Họ phải bị chết đi phần thân thể xác thịt, nhưng họ vẫn còn ở trong sự yêu thương của Thiên Chúa, vì họ đã ăn năn tội và trở lại tin cậy Ngài. Và Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài, bằng cách lấy da thú kết thành áo mà mặc cho họ. 

Câu 22 

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta; vậy bây giờ, hãy coi chừng, kẻo nó giơ tay hái trái Cây Sự Sống mà ăn, và được sống đời đời chăng. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]

Các con thương mến,

Thiên Chúa là thiện nên mọi việc Ngài làm, mọi ý muốn của Ngài đều là thiện. Ngài dựng nên loài người trong sự thiện lành trọn vẹn theo hình và tượng của Ngài. Khi loài người phạm tội chống nghịch với Đấng Thiện thì loài người biết điều ác và trở nên một với điều ác, trở nên nô lệ cho điều ác và tiếp tục làm ra các sự ác. Vì loài người không có đủ năng lực để có thể làm thiện và tránh mọi sự ác giống như Thiên Chúa. 

Trong câu phán: Loài người đã trở nên một như Chúng Ta. Đại danh từ “Chúng Ta” được viết hoa trong câu Thánh Kinh trên là chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.

Câu 23 và 24:

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đuổi {loài người} ra khỏi khu vườn của Ê-đen, để cày cấy đất, là nơi người được lấy ra.

Vậy, Ngài đuổi loài người ra, rồi đặt tại phía đông vườn của Ê-đen các chê-ru-bim với gươm lửa xoay mọi bề, để giữ con đường dẫn đến Cây Sự Sống.

Loài người sau khi phạm tội, biết về điều ác và đã trở nên một với điều ác thì loài người không còn được sống đời sống phước hạnh trọn vẹn trong Chúa nữa, họ phải lao động vất vả, phải nếm trải sự đau đớn, cô đơn, buồn khổ, già ốm, bệnh tật…Vậy nên nếu họ tiếp tục hái trái của Cây Sự Sống và ăn thì họ sẽ phải sống lê thê tháng ngày dài trong sự mang lấy gánh nặng tội lỗi của mình, trong sự lao nhọc và buồn thảm không dứt. Đây sẽ là một gánh nặng, một hình phạt quá lớn đối với loài người. Và Thiên Chúa không muốn điều đó.

Cảm tạ ơn Chúa, vì Ngài là thiện, sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời. Ngài cũng là Thiên Chúa của yêu thương và Ngài yêu loài người là loài thọ tạo được Ngài dựng nên theo hình và tượng của Ngài nên ý tưởng và đường lối của Chúa đối cùng loài người luôn bày tỏ tình yêu. Như có chép: (Giê-rê-mi 27:11).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai hoạ, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.”

Lời Chúa giúp chúng ta hiểu việc Thiên Chúa đuổi loài người ra khỏi khu vườn Ê-đen và sai Thiên Sứ với gươm lưỡi sáng loà mọi bề ngăn giữ không cho loài người đến gần hái và ăn trái của Cây Sự Sống thể hiện tình yêu, sự biết trước và sự làm ơn của Thiên Chúa trên loài người, để qua đó, một ngày loài người sẽ được làm mới lại, được tái sinh, được ban cho sự sống đời đời phước hạnh trong chương trình của Thiên Chúa qua Đức Chúa Jesus Christ khi Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh ban ơn cứu chuộc cho những ai ăn năn và tin nhận Tin Lành như chúng ta biết ngày nay.

Các con thương mến,  

Khi suy ngẫm nhóm từ: “Là nơi người được lấy ra.” Chúng ta sẽ nhận ra một thực tế hiển nhiên rằng chúng ta được tạo ra từ bụi đất, được Chúa thương yêu thổi hơi linh sự sống khiến cho chúng ta trở nên một linh hồn sống và trở nên có một thân thể thiêng liêng để tương giao thờ phượng Chúa và được ở trong ơn yêu thương dẫy đầy của Chúa. Nếu chúng ta không biết thờ kính Thiên Chúa, nếu chúng ta chống lại sự thiện, nếu chúng ta ghì mài trong tội lỗi và làm ra những sự ác thì Thiên Chúa của tình yêu và sự thiện sẽ xa cách chúng ta.

Nghĩa là chúng ta sẽ mất đi mối tương giao trong ân điển của Thiên Chúa và khi đó chúng ta phải đứng trước một thực tế phũ phàng là phải trở về bụi tro khi chúng ta qua đời, vì tâm thần sẽ trở về Thiên Chúa là Đấng đã ban nó và linh hồn bị giam trong âm phủ chờ ngày phán xét. Đây là một bài học suy ngẫm để hiểu được giá trị thực của bản thân mình chỉ là bụi tro nếu không ở trong tình yêu của Chúa, giúp chúng ta biết quý trọng địa vị cao quý mà Chúa đã ban cho. Bởi vì, nếu ngày nay sau bao nhiêu hy sinh và ơn phước Chúa ban trên đời sống của chúng ta mà chúng ta không biết tôn quý tình yêu và ân điển của Chúa, nếu chúng ta vẫn chú về tư dục tình dục mình mà làm ra tội lỗi, là chúng ta thản nhiên dày đạp máu thánh của Con Đức Chúa Trời thì không còn có của tế lễ nào để chuộc tội cho chúng ta nữa, không còn có cơ hội để chúng ta được Chúa tha thứ, phục hồi.

Cô xin tóm tắt ba nội dung chính của bài học Lời Chúa hôm nay trong sách Sáng Thế Ký 3:20-24 như sau:

1/ Tình yêu, lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

2/ Thiên Chúa là Đấng yêu thương, quan phòng, chăm sóc và chu cấp mọi nhu cầu từ thuộc thể đến thuộc linh trên đời sống của chúng ta từ buổi sáng thế.

3/ Sự sâu nhiệm trong chương trình đời đời của Thiên Chúa trong việc Ngài ngăn không cho loài người hái và ăn trái của Cây Sự Sống.

Nguyện Lời Chúa qua bài học hôm nay giúp các con hiểu biết càng hơn về tình yêu sâu nhiệm của Thiên Chúa trên chúng ta để các con luôn biết hết lòng tôn kính, thờ phượng và vâng phục Chúa, và hết lòng sống đẹp lòng Chúa.

Nguyện mọi vinh quang, vinh hiển, quyền phép sự tôn quý cùng hết thảy mọi lời cảm tạ duy thuộc về Thiên Chúa kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Trong ân điển yêu thương của Đấng Christ Jesus! A-men!