Câu Gốc Mỗi Tuần (07/08/2021)

Lời Kêu Gọi Thứ Bảy

Hãy Trung Tín Cho Đến Chết (Phần 03)

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Cảm tạ ơn Chúa cô và các con đã cùng nhau học qua hết 6 lời kêu gọi của Chúa, và hôm nay chúng ta tiếp tục học về lời kêu gọi thứ 7 phần cuối. Trước khi chúng ta tiếp tục học phần cuối thì chúng ta cùng nhau ôn lại bài học cũ nhé. 

Trong 2 bài học trước chúng ta đã học về sự cám dỗ và thử thách. Vì sao Chúa kêu gọi chúng ta Hãy Trung Tín cho đến chết mà chúng ta lại tìm hiểu về cám dỗ và thử thách? Bởi vì nếu chúng ta không vượt qua được sự cám dỗ và thử thách thì chúng ta không thể trung tín cho đến chết được. Cũng giống như trong cuộc chạy đua, nếu chúng ta không gắng sức chạy, khi đến những vượt chướng ngại vật mà chúng ta bị ngã, hay bị nản lòng thì chúng ta không thể đích được. 

Cám dỗ là những sự mà con người và ma quỷ đem đến để quyến dụ chúng ta, khiến cho chúng ta phạm tội với Chúa.

Thử thách là đến từ Chúa để thử nghiệm đức tin và lòng yêu kính Chúa của chúng ta.

Có trường hợp vừa là cám dỗ và cũng vừa là thử thách, khi sự cám dỗ đến thì Chúa cho phép nó xảy ra để xem chúng ta có chọn phạm tội hay không, hay chúng ta vẫn 1 lòng chọn kính sợ Chúa, yêu Chúa mà không làm theo, nghe theo sự cám dỗ đó, thử thách đó, như tấm gương của ông Gióp mà chúng ta đã học qua, như tấm gương của Ông Giô sép cởi áo bỏ chạy trước sự quyến dụ của vợ chủ mình mà chúng ta đã học qua. 

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về sự trung tín. 

“Trung tín” có nghĩa là: “ngay thẳng, đáng tin cậy;” và cũng có nghĩa là: “không thay đổi quyết tâm đã có đối với một đối tượng.” Trung tín với Chúa là không thay đổi các quyết định sau đây: quyết định ăn năn tội, quyết định tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, và quyết định vâng phục Chúa.

  • Quyết định ăn năn tội có nghĩa là chúng ta nhận thấy mình là tội nhân, nhận thấy những tội lỗi mà mình đã làm ra, chúng ta không muốn phạm tội nữa, chúng ta ghét tội, hoặc trong trường hợp chúng ta lỡ phạm tội nên chúng ta quyết định ăn năn tội. Việc làm này chúng ta làm cách tự nguyện, không ai bắt chúng ta làm hay chúng ta làm vì một lợi ích nào đó khác. Ví dụ như em Trung Tín hôm nay đã không ngoan, cãi lời mẹ, làm cho mẹ buồn lòng, mẹ giận và không nói chuyện với em Trung Tín nữa, em Trung Tín không muốn mẹ giận nữa, em thấy sự mình không vâng lời là xấu, là phạm tội nên em đến xin lỗi mẹ, cầu nguyện xin Chúa tha thứ. Đó là sự quyết định ăn năn tội. 
  • Quyết định tin nhận sự cứu rỗi của Chúa có nghĩa là chúng ta tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta, đã chết thay cho chúng ta, huyết của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được cứu, được hưởng sự sống đời đời.
  • Quyết định vâng phục Chúa có nghĩa là chúng ta hết lòng làm theo mọi điều mà Chúa dạy được chép trong Thánh Kinh, hết lòng làm theo Điều Răn Luật Pháp của Chúa, mà mỗi tuần chúng ta cùng nhau ôn lại trước giờ nhóm, 

Mời các con nghe câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

Trong một đất nước nọ có một nhà vua có tiếng là yêu nước thương dân, vua hằng năm xuất cung đi xem xét tình hình đời sống của người dân, ai đói khổ thì cứu giúp, quan tướng nào tham lợi, hối lộ, độc ác thì vua tiêu trừ đi. Nên vua rất được lòng người dân và được sự quý trọng và kính mến của các quan tướng trong cung. 

Có 2 vị tướng thân cận nhất của vua, hai vị tướng này luôn xác cánh bên vua mỗi trận chiến, luôn một mực bảo vệ và hộ tống vua bất cứ vua đi nơi nào. 

Năm đó cả nước rơi vào sự hạn hán nên đói kém xảy ra trong nước, dân chúng đói khổ, lầm than, đã vậy nước khác còn tấn công xâm chiếm. Biết được bên cạnh vua có 2 quan thân cận tài giỏi nên vua nước láng giềng, ngỏ ý cho nhiều của cải, châu báu nếu 2 vị quan này đồng ý về phía họ và hiệp với họ giết vua. Tuy nhiên số vàng bạc châu báu đó đã không làm lung lay được sự trung thành của 2 vị tướng quân này, nên vua nước láng giềng lấy làm giận lắm. Họ quyết định đem quân sang đánh chiếm. 

Vị vua tốt bụng không thể nào ngồi yên nhìn đất nước bị cướp đi nên đã quyết định lấy thân mình ra liều mạng mà ra trận chiến, trong cuộc chiến đầy cam go khốc liệt đó, 2 vị tướng quân đã vì bảo vệ nhà vua mà quên thân mình hy sinh nơi chiến trận. Họ đã trung thành với vị vua tốt bụng cho đến cuối cùng. 

Trong câu chuyện ngụ ngôn trên cho chúng ta thấy được hình ảnh của hai vị tướng quân đã một mục trung thành với vị vua, trung thành cho đến cuối cùng, kể cả họ có hy sinh mạng sống vì vua, dù họ bị cám dỗ về vật chất nhưng vẫn kiên quyết, không thay đổi.

Câu chuyện ngụ ngôn trên 2 vị tướng quân là hình ảnh của chúng ta, vị vua là Thiên Chúa, khi chúng ta tin Chúa, chúng ta cũng sẽ đối diện với nhiều cám dỗ lần thử thách. Nhưng chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi thứ 7 này của Chúa, đó là: Hãy trung tín cho đến chết. 

Câu gốc mà chúng ta đã được liên tục học trong mấy tuần qua trong: 

 Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.( Khải Huyền 2:10).

Con dân của Chúa được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa (I Phi-e-rơ 2:21). Nghĩa là, vì sống theo Lời Chúa để giúp ích cho người khác, mà họ phải hy sinh nhiều sở thích cá nhân; vì sống theo Lời Chúa để tôn cao danh Chúa, mà họ bị thế gian ghét và bách hại.

Ví dụ như khi các con đi học các con bị bạn bè xa lánh, không ai thích mình bởi vì mình tin Chúa, mình không cùng các bạn chơi những trò chơi xấu, không nói dối, không nói tục chửi thề, không chơi đồ chơi hình tượng, thì các bạn sẽ không thích mình, nhưng mình vẫn chấp nhận thà là bị như vậy chứ không muốn phạm tội, không muốn Chúa của mình buồn lòng.

Hoặc khi chúng ta là con dân Chúa thì chúng ta nghĩ ngày Sabat để thờ phượng Chúa, cho dù phải bị nghỉ việc, và cũng có trường hợp vì tin Chúa mà phải từ bỏ gia đình, con cái, cha mẹ, anh em vì bị bách hại đức tin. 

Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù: Từ ngữ Ma Quỷ được dùng trong câu này là chỉ về Sa-tan. Ý nghĩa của danh từ “ma quỷ” là “kẻ vu khống!” được dành để gọi chung các thiên sứ chống nghịch Thiên Chúa. Sa-tan sẽ dấy động lòng các nhà cầm quyền khắp nơi trên thế gian để họ ra các sắc luật cấm người ta tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa. Sa-tan sẽ mượn tay các nhà cầm quyền để bỏ tù các con dân Chúa.

Như chúng ta thấy ở những nước như Trung Quốc, Bắc Hàn họ bắt bớ những ai tin Chúa, họ sẽ bỏ tù hoặc giết chết. 

Để các ngươi chịu thử thách: Mục đích của Sa-tan khi bách hại, cầm tù con dân Chúa là để làm khổ họ, khiến họ chối bỏ đức tin nơi Chúa. Tuy nhiên, Chúa dùng chính những sự bách hại của Sa-tan để thử thách đức tin và tình yêu của con dân Chúa. Mục đích của sự thử thách không phải để Chúa biết được sự trung tín của con dân Chúa, vì Ngài là Đấng biết tất cả mọi sự. Nhưng để cho chính mỗi con dân Chúa nhận thức được mình yêu Chúa, tin Chúa, và vâng phục Chúa đến mức độ nào. Sự thể hiện tình yêu, đức tin, và sự vâng phục của con dân Chúa trong mọi cảnh ngộ khiến cho các thiên sứ, ma quỷ, và loài người thấy được năng lực của Chúa giúp cho những ai tin, yêu, và vâng phục Ngài sẽ đắc thắng trong mọi sự.

Mười ngày hoạn nạn: Từ ngữ “mười ngày” tiêu biểu cho một khoảng thời gian ngắn. Nhưng số mười cũng tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng. Vì thế, “mười ngày hoạn nạn” có thể được hiểu là một khoảng thời gian ngắn, không nhất thiết phải đúng mười ngày theo nghĩa đen, nhưng sự hoạn nạn sẽ đến một cách đầy trọn trong khoảng thời gian ấy.

Chúa kêu gọi con dân của Ngài: “Hãy trung tín cho đến chết!” Lời kêu gọi đó có nghĩa là con dân Chúa hãy trung tín với Chúa cho đến khi được Ngài đem ra khỏi cuộc đời này; mà cũng có nghĩa là hãy sẵn sàng chịu chết để giữ lòng trung tín với Chúa.

Phần thưởng của người trung tín cho đến chết sẽ là được Chúa ban cho “mão sự sống!” Mão là biểu tượng cho sự vinh quang, cho quyền lực, mà cũng thể hiện giai cấp của người đội mão. Mão sự sống biểu tượng cho sự sống của chính Thiên Chúa được ban cho người đội mão. Thánh Kinh gọi đó là sự sống đời đời. 

Đó là phần thưởng cho những ai trung tín cho đến chết. 

Ở độ tuổi các con thì phải trung tín như thế nào?

Cụ thể nhất là mỗi tuần chúng ta học thuộc lòng các câu gốc và chép câu gốc, nếu mỗi ngày các con đều làm đều đặn như vậy là các con đang có sự trung tín. Còn nếu bạn nào chép nhưng nữa chừng lại lười, ham chơi, chép nhiều quá thấy nản rồi bỏ qua thì đó là các con không có trung tín. 

Các con tuổi còn nhỏ thì làm những việc nhỏ, Thánh Kinh Chúa dạy chúng ta trong: 

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc rất lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc rất lớn”. (Lu-ca 16:10).

Việc nhỏ là những việc hằng ngày như khi ba mẹ giao cho việc gì thì phải vui vẻ, hết lòng mà làm như làm cho Chúa, vâng lời ba mẹ, vâng lời người lớn, và trên hết là vâng lời Chúa. Vâng lời Chúa là làm theo những gì Chúa dạy trong Thánh Kinh. Chăm chỉ học câu gốc, chăm chỉ chép câu gốc, các bạn lớn biết đọc biết viết thì đọc Thánh Kinh, viết bài chia sẻ Lời Chúa…Rồi khi chúng ta lỡ phạm lỗi phạm tội thì lập tức ăn năn ngay, xin Chúa tha thứ và ban năng lực cho chúng ta, bởi vì khi chúng ta phạm tội dù chỉ là trong suy nghĩ thôi là chúng ta đã không trung tín rồi. 

Chúng ta ghét những gì Chúa ghét và yêu những gì Chúa yêu. Muốn biết Chúa ghét điều gì chúng ta phải làm sao? Phải đọc Thánh Kinh. Muốn biết Chúa yêu điều gì chúng ta phải làm sao? Phải đọc Thánh Kinh. 

Khi chúng ta hết lòng đáp lại lời kêu gọi Hãy Trung Tín Cho Đến chết thì chúng ta được gì các con? Được mão sự sống. 

Đây là một lời kêu gọi của Chúa và cũng là mệnh lệnh mà Chúa truyền cho chúng ta. Không phải chúng thích thì làm, không thích thì không làm cũng không sao, mà là nếu chúng ta không đáp lại  thì chúng ta bị hư mất đời đời. 

Giống như các con chạy xe trên đường, có một cái bản chỉ đường phải rẽ sang đây, sau đó rẽ trái rồi đi thẳng 100m nữa thì mới ra đúng đường đi, bản chỉ đường giúp ta đi đúng đường và để tránh cái hố nước sâu phía trước, chúng ta sẽ chết nếu lao thẳng vào cái hố đó. Vậy chúng ta muốn sống thì chỉ có cách là chúng ta cẩn thận đi theo bản hướng dẫn chỉ đường. 

Bản thân cô cũng nhận được sự dạy dỗ rất nhiều trong khi soạn bài giảng của bác Tim chia sẻ lại cho các con, bảy lời kêu gọi này dành cho tất cả chúng ta, cả nhỏ lẫn lớn chứ không phải chỉ dành riêng cho ai, và lời kêu gọi thứ 7 này là một lời kêu gọi rất quan trọng, nó quyết định sự sống và sự chết đời đời của chúng ta. Đây cũng là một mạng lệnh của Chúa cho chúng ta. 

Chúng ta kết thúc bài học tại đây, tuần sau chúng ta sẽ có bài kiểm tra tất cả 7 lời kêu gọi mà chúng ta đã học qua, để chúng ta cùng nhau ôn lại, nhớ lại các lời kêu gọi của Chúa. Cám ơn các con đã cùng với cô học Lời Chúa, xin Chúa giúp cho các con hiểu được bài và ban năng lực, soi dẫn các con trong sự hiểu biết Lời Chúa và trong sự áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ