Câu Gốc Mỗi Tuần (1/5/2021)

Nguyễn Thị Thu Thủy

Giải thích một số từ ngữ:

  • Kinh nguyệt là sự người nữ mỗi tháng phải trải qua sự kiện cơ thể đào thải các chất chuẩn bị cho sự nuôi dưỡng bào thai từ trong tử cung, qua âm đạo, ra khỏi cơ thể. Trung bình, tuổi có kinh bắt đầu vào khoảng từ 10 đến 14 tuổi. Bắt đầu có kinh nguyệt là dấu hiệu cơ thể của các bạn nữ đã bắt đầu sản xuất tế bào trứng trưởng thành, nghĩa là có thể mang thai. Kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 7 ngày. [1]
  • Cắt bì: bì là da, Hay còn gọi là cắt bao quy đầu. Bao quy đầu là phần hai lớp da bao chung quanh đầu của bộ phận sinh dục nam. Cắt bì chính là cắt bỏ lớp da đó. Việc cắt bì tốt cho sức khỏe, vì tránh được sự viêm nhiễm bộ phận sinh dục của nam. [2]

 

Lê-vi Ký chương 12 ghi lại luật lệ về người đàn bà sinh con trai hoặc là con gái, luật lệ này do Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán truyền với Môi-se, để ông truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên biết và vâng theo. Luật lệ này cho chúng ta biết rằng, nếu một người đàn bà sinh con trai thì phải bị ô uế trong bảy ngày, kiêng trong ba mươi ba ngày cho máu được sạch. Người con trai được sinh ra đó phải cắt bì vào ngày thứ tám. Nếu một người đàn bà sinh con gái thì phải bị ô uế trong mười bốn ngày, kiêng trong sáu mươi sáu ngày cho máu được sạch.

Như vậy, nếu sinh con trai thì trong vòng bốn mươi ngày, nếu sinh con gái thì trong vòng tám mươi ngày không nên đụng một vật thánh nào hay là đi tới nơi thánh. Nghĩa là không đi đến đền thờ để thờ phượng Chúa. Sau khi hết thời kỳ đó, người đàn bà phải dâng của lễ thiêu, của lễ chuộc tội thì mới được kể là sạch. Luật lệ này cũng giúp cho người phụ nữ được thuận tiện trong việc hoàn toàn nghỉ ngơi một thời gian sau khi sinh con vì họ bị mất sức.

Đó là thời kỳ Cựu Ước, còn thời Tân Ước thì sao, luật lệ đó có còn áp dụng cho chúng ta?

Trong thời Tân Ước, khi người phụ nữ sinh con thì vẫn nhóm hiệp thờ phượng Chúa cách bình thường. Bởi vì thân thể của chúng ta hiện nay chính là đền thờ của Thiên Chúa.

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

Nhưng vì lý do sức khỏe và vệ sinh, phụ nữ sau khi sinh con vẫn cần kiêng không quan hệ tính dục trong vòng bốn mươi ngày nếu sinh con trai, hoặc trong vòng sáu mươi ngày nếu sinh con gái. Bởi vì thời kỳ sau khi sinh con, thời kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ cần được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.

Việc làm lễ chuộc tội sau khi hết thời kỳ kiêng cữ thì chúng ta không cần làm, bởi vì Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi và sự chết của Ngài đã gánh thay mọi tội lỗi của chúng ta rồi. Nhân tiện đây, chị cũng giải thích, có bạn thắc mắc vì sao trong thời Cựu Ước sinh con lại bị coi là ô uế, phải làm lễ chuộc tội? Sự ô uế này ở đây là sự ô uế về thân thể, nghĩa là sự không sạch, sự không sạch bị định là ô uế thì cần phải có sự chuộc tội để được sạch.

Về sự cắt bì:
Sự cắt bì tiêu biểu cho sự cắt bỏ bản tính tội lỗi và là dấu hiệu cho giao ước của một người tin nhận Chúa. Trong thời Tân Ước, chính Đức Chúa Jesus Christ đã cắt bỏ bản tính tội lỗi của chúng ta qua sự chết chuộc tội của Ngài, gọi là sự cắt bì trong lòng. Vì thế, chúng ta không cần thi hành nghi thức cắt bì trên da thịt:  [3]

“Trong Ngài các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, nhưng là sự lột bỏ thân thể tội lỗi của xác thịt trong sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Nhưng sự cắt bì cũng đem lại lợi ích về mặt sức khỏe, vệ sinh thân thể, nếu ai muốn thì có thể cắt.

Qua đây chúng ta thấy được sự quan tâm cách tỉ mỉ của Chúa trên đời sống của con dân Ngài. Ngài không chỉ quan tâm đến linh hồn, mà còn quan tâm đến thân thể xác thịt của chúng ta. Ngài chỉ dạy cho chúng ta sao để giữ gìn cho thân thể cách tốt nhất. Thánh Kinh là Lời của Chúa rất là thực tế, để chúng ta áp dụng vào từng việc trên đời sống của mình. Qua đây, chúng ta thấy rằng, mỗi việc lớn nhỏ trên đời sống của chúng ta Chúa đều có sự dạy dỗ. Luôn luôn nhớ rằng, có việc gì cũng tìm kiếm đến Lời Chúa để biết cách giải quyết khôn sáng nhất, đúng nhất, và quan trọng là làm theo thì không phạm tội.

Có thể chúng ta nghĩ rằng mình còn quá nhỏ để học biết về những điều này, nhiều khi nó còn vượt quá sự hiểu biết của mình. Thế nhưng Lời Chúa không vô ích. Chúa nói hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi về già cũng không lìa khỏi (Châm Ngôn 22:6). Chúng ta cần nhớ rằng, mình phải học bài, biết, rồi mới thực hành. Chứ không chờ đến khi có sự việc xảy đến rồi mới đi học hoặc làm do thiếu hiểu biết lại thành làm sai.

Ghi Chú:

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thieunhi/04-kinh-nguyet-va-huyet-trang/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/thieunhi/05-bao-quy-dau-va-mang-trinh/
[3] https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-tinh-yeu-hon-nhan-va-tinh-duc/

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy