Câu Gốc Mỗi Tuần (11/09/2021)

Các con thương mến,

Trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta với nhau giữa người này với người kia, sẽ không tránh khỏi sự va chạm, khiến cho nhau bị tổn thương, có lỗi với nhau. Điều đó xảy ra bởi vì chúng ta được Chúa ban cho mỗi người một tính cách, suy nghĩ, hoàn cảnh sống khác biệt nhau; nên đôi khi chúng ta chưa có sự hiểu biết trọn vẹn, chưa đủ tình yêu thương trọn vẹn với Chúa và với anh chị em mình khi còn sống trong xác thịt này mà gây ra lỗi lầm với anh chị em mình.

Bởi vậy nên Đức Chúa Jesus đã đến thế gian này, bày tỏ cho chúng ta về tình yêu trọn vẹn của Đức Chúa Trời và dạy dỗ chúng ta sống theo tình yêu trọn vẹn đó. Trong tình yêu đó có sự hết lòng tha lỗi cho anh chị em mình.

Lời Chúa chép:

 “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em của mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 18:35).

Trong bài học qua câu gốc và qua toàn phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 18:15-35, chúng ta rút ra được 3 đặc điểm nổi bật mà Chúa muốn dạy chúng ta về sự tha thứ trong tình yêu của Chúa:

1/ Sự tha thứ trong Chúa không giới hạn về số lần.

Con số bảy mươi lần bảy mà Chúa Jesus đề cập đến trong câu trả lời cho Phi-e-rơ một con số chỉ đến sự trọn vẹn về số lượng. Bảy mươi lần bảy không có nghĩa là chỉ tha thứ 490 lần mà là tha thứ một cách vô giới hạn về số lần cho anh chị em mình.

2/ Sự tha thứ giữa anh chị em trong Chúa với nhau, quyết định đến sự tha thứ của Chúa dành cho mỗi người.

Qua câu gốc chúng ta thấy đó: Nếu chúng ta không hết lòng tha lỗi cho anh chị em, thì Cha chúng ta ở trên trời cũng sẽ xử với chúng ta như vậy

Bao nhiêu tội lỗi chúng ta đều được Chúa tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta nhận biết và xưng nhận với Chúa như Lời Chúa trong Rô-ma 5:8

“Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.”

Khi chúng ta còn lội lỗi thì Chúa Jesus đã bằng lòng chịu chết để chuộc tội cho chúng ta, có nghĩa là Đức Chúa Trời đã sẵn lòng tha thứ cho chúng ta. Vậy thì chúng ta cũng nên đối xử với anh chị em của mình như vậy. Nếu chúng ta không chịu tha thứ, thì như câu chuyện về sự tha nợ của vị vua kia dành cho các đầy tớ của mình vậy: Vua sẽ nổi giận, trao kẻ thiếu nợ cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ thế nào thì Chúa Cha trên trời cũng sẽ cầm nợ là tội lỗi của chúng ta lại và hình phạt trong hỏa ngục, nếu chúng ta không hết lòng tha thứ cho anh chị em mình.

Điều đó cũng thật đúng như tinh thần của Lời Chúa dạy trong:

“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;” (Ma-thi-ơ 6:12 – Bản Truyền Thống).

Xin tha cho chúng con các món nợ của chúng con, như chúng con tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con. (Ma-thi-ơ 6:12 – Bản Hiệu Đính).

3/ Sự tha thứ trong Chúa là trọn vẹn, hết lòng.

Qua Lời Chúa chúng ta hiểu rằng, sự tha thứ đến trước khi anh chị em xin lỗi mình. Có nghĩa là, các con cần sống trong tinh thần của sự tha thứ, chứ không phải đợi đến khi anh chị em của mình đến xin lỗi mình thì mình mới tha thứ.

Tuy nhiên, các con cần phải tùy vào thái độ của anh chị em mình sau khi họ phạm lỗi với mình mà các con cần có sự phản ứng khác nhau. Nhưng, lòng đầy dẫy sự tha thứ là cần có ở nơi con dân Chúa.

Cô có một câu hỏi thực tế như thế này dành cho các con:

Khi các con sống cùng anh, chị hay em mình, các con có bao giờ trêu chọc nhau quá trớn, hoặc không nhường nhịn nhau về một món đồ chơi nào đó mà mình làm anh, chị hoặc em của mình bực mình đến phát khóc hoặc bực mình mà nổi cáu, la lối không?

Nếu có thì các con cần ghi nhớ điều này:

Các con phải biết rằng, mình chọc cho người khác nổi giận, bực mình là mình đang làm điều có lỗi với anh chị em mình đó. Các con không nên như vậy. Chơi vui cùng nhau thì được, nhưng cần có sự yêu thương và quan tâm đến cảm xúc của người chơi cùng với mình, luôn phải biết nhường nhịn nhau và sẵn lòng tha lỗi cho anh, chị hoặc em của mình.

Sự tha thứ này không phải đợi đến khi anh, chị hoặc em mình đến xin lỗi thì mình mới chịu tha thứ, mà là mình tha thứ cho họ trước, bởi vì mình biết rằng: Chúa cũng đã rất nhiều lần tha thứ cho mình khi mình có nhỡ làm gì đó sai trái với Chúa; hoặc là lúc mình cũng nhỡ có lỗi với anh, chị hoặc em mình thì Chúa cũng đã tha thứ cho mình, anh chị em mình cũng đã tha thứ cho mình.

Đúng như Lời Chúa nói:

“Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

Tuy nhiên, sự đầy dẫy lòng tha thứ trong tình yêu của Chúa cũng có nghĩa là cần chỉ ra lỗi cho anh chị em mình, để anh chị em biết mà sửa, sau này không như thế với mình nữa. Nếu lúc nói mà anh chị em của các con không nghe, không biết nhận lỗi thì hãy đi nói cùng ba mẹ biết để ba mẹ phân xử cho các con. Nhưng thái độ tức giận, la lỗi lớn tiếng, hoặc cáu khóc không chịu nhường nhịn là điều không đúng. Các con nên tránh.
Người đầy dẫy lòng tha thứ là người biết bền lòng chịu đựng, để giúp anh chị em của mình sửa chữa những lỗi lầm.

Tha thứ anh chị em của mình bằng hết tấm lòng của mình. Từ “hết lòng” này gợi ra cho chúng ta sự gắng sức trong sự tha thứ, vì chúng ta muốn sống theo Lời của Chúa.

Cuối cùng, Lời Chúa nói về tình yêu thương trong Chúa là thế này:

I Cô-rinh-tô 13:4-7

4 Tình yêu khoan nhẫn; nhân từ. Tình yêu không ganh tị. Tình yêu không khoác lác; không kiêu ngạo; [khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại, là tha thứ và bền lòng chịu đựng;]

5 không làm điều trái phép; không tìm kiếm chính mình; không dễ nóng giận; không suy nghĩ sự dữ;

6 không vui về điều không công chính; nhưng vui {trong} lẽ thật;

7 che chở mọi sự; tin mọi sự; trông cậy mọi sự; chịu đựng mọi sự.

Nguyện bài học về sự tha thứ này luôn ở cùng các con để các con biết cách sống đẹp lòng Chúa, tỏa sáng ra tình yêu Chúa giữa anh chị em mình và thế gian.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh