Ghét Sự Quở Trách Là Kẻ Ngu Dại
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thương mến,
Tuần này chúng ta sẽ cùng nhau học Lời Chúa trong Châm Ngôn 12:1:
“Ai yêu sự răn dạy {là} yêu sự tri thức; nhưng kẻ ghét sự quở trách {là kẻ} ngu dại.;”
Những câu hỏi trên đây là để cô giúp cho các con hiểu được câu gốc hôm nay mà chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi, suy ngẫm về lời phán dạy của Chúa.
“Ai yêu sự răn dạy {là} yêu sự tri thức”
Răn dạy là gì? Răn dạy là sự dạy dỗ, khuyên bảo để giúp cho chúng hiểu biết nhiều hơn về điều hay lẽ phải, giúp chúng ta trưởng thành hơn, có kinh nghiệm hơn, để đời sống chúng ta được tốt hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày mỗi chúng ta đều chịu sự răn dạy của những bật cao hơn mình như ba mẹ, thầy cô…Những người lớn hơn mình, có kinh nghiệm hơn mình. Ở trường thầy cô dạy các con về kiến thức học tập, đạo đức xã hội, con người. Ở nhà ba mẹ dạy dỗ các con về cách sống, về những việc nhỏ trong nhà phụ giúp ba mẹ, nhắc nhở các con những việc cần phải làm…
Về phần thuộc linh thì Thiên Chúa đã ban phát Điều Răn để chúng ta làm theo và còn rất nhiều những điều khác nữa đã có chép đầy đủ trong quyển Thánh Kinh. Để chúng ta lấy làm tiêu chuẩn sống theo những gì Chúa phán dạy.
Tri thức là gì? Bác Tim giải thích cho chúng ta về ý nghĩa của tri thức như sau. Tri thức: Còn gọi là lương tri, là sự hiểu biết tự nhiên do Thiên Chúa đặt để và khai sáng trong chúng ta. Sự hiểu do suy ngẫm khi đọc Thánh Kinh cũng là trí thức, nhưng nếu chúng ta đọc một câu hay một đoạn Thánh Kinh mà bỗng nhiên nhận được sự hiểu biết, không cần phải suy nghĩ, lý luận, thì đó là tri thức. Cô ví dụ
Khi các con nhìn những những án mây trôi trên bầu trời, trăng, sao, mặt trời… thì các con thấy thật là đẹp rồi trong tâm trí các con nhận biết được Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tất cả những vật đó, rồi hiểu được rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, là Thiên Chúa đầy dẫy sự tốt lành, là thiện, nên những vật Ngài tạo nên điều tốt lành và đẹp đẽ. Đó là sự hiểu biết tự nhiên mà Thiên Chúa đặt để trong chúng ta để chúng ta hiểu biết về Ngài. Ngoài ra trong cuộc sống của chúng ta khi các con đến tuổi hiểu biết thì các con tự nhiên phân biệt được xấu và tốt, rồi dần dần nhận biết được đúng và sai.
Rồi bây giờ chúng ta trở lại với câu: Ai yêu sự răn dạy {là} yêu sự tri thức. Câu này có nghĩa là khi chúng ta yêu thích sự khuyên dạy, chỉ dẫn, dạy dỗ của người lớn hơn mình, chúng ta ham học hỏi, tìm tòi, lắng nghe và tiếp thu những sự khuyên dạy đúng đắn, tốt đẹp thì chúng ta càng ngày càng tích lũy được cho mình những kiến thức trong cuộc sống. Còn trong thuộc linh, khi chúng ta yêu sự dạy dỗ của Chúa qua Thánh Kinh, yêu thích Điều Răn Luật Pháp của Thiên Chúa, Tìm hiểu về Chúa qua những bài giảng của người chăn… thì càng ngày chúng ta càng hiểu biết về Thiên Chúa nhiều hơn, rồi áp dụng vào trong đời sống của mình. Đó là một người khôn ngoan. Thánh Kinh cho chúng ta biết như sau:
“Bất cứ kẻ nào khôn ngoan sẽ chú ý về điều này, và suy ngẫm sự nhân từ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi Thiên 107:43).
Chúng ta tiếp tục phân tích câu: nhưng kẻ ghét sự quở trách {là kẻ} ngu dại.
Quở trách là gì? là khi bị phê bình cách nghiêm khắc khi chúng ta phạm lỗi, phạm tội, khi chúng ta làm sai. Được chỉ ra những sai phạm của mình, thiếu sót của mình. Mục đích giúp chúng ta hiểu đúng lại, làm đúng lại.
Ví dụ như thường ngày các con có thói quen hay chơi game, không lo học bài, sau nhiều lần nhắc nhở các con không nghe thì ba mẹ sẽ quở trách thậm chí phạt các con.
Khi các con gặp người lớn không chào hỏi, nói năng không lễ phép thì người lớn cũng sẽ quở trách các con.
Khi trong giờ nhóm thờ phượng Chúa các con không kỉnh kiềng, tập trung mà lo ra, làm việc khác hoặc làm ồn thì người lớn cũng sẽ quở trách các con…
Tất cả những sự quở trách đó là để giúp cho các con nhìn nhận cái sai của mình để sửa đổi ngày một tốt hơn, trưởng thành hơn, là điều tốt nhất cho mình. Nhưng nếu chúng ta ghét sự quở trách đó thì sao nào? Thì chúng ta là một kẻ ngu dại. Vì chúng ta không nhận thấy được sự tốt đẹp sau những sự quở trách đó. Không thấy được lợi ích của những sự quở trách xuất phát từ sự yêu thương, quan tâm của người quở trách mình.
“Kìa, phước cho người mà Thiên Chúa quở trách! Vậy, chớ khinh sự răn dạy của Đấng Toàn Năng”. (Gióp 5:17).
“Hỡi con của ta, chớ khinh sự răn dạy của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, chớ buồn bực về sự quở trách của Ngài”. (Châm Ngôn 3:11).
“Ai từ chối sự răn dạy khinh bỉ linh hồn mình. Nhưng ai nghe lời quở trách được sự thông sáng.” (Châm Ngôn 15:32).
Nếu chúng ta thấy khó chịu, buồn giận khi bị quở trách đúng đắn thì các chúng ta cũng phạm vào tội tự ái không đúng. Như trường hợp mỗi tuần cô Trinh có những góp ý cho những bài chia sẻ của các bạn, những lời góp ý thậm chí quở trách khi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không sửa lỗi, thì đó chính là cô Trinh đang giúp các con hoàn thiện hơn mỗi ngày dù là những lỗi nhỏ nhất, rèn tập các con, và cũng giúp các con hiểu đúng Lời Chúa để áp dụng vào đời sống của mình. Tất cả là vì tình yêu thương và có lợi ích cho các con. Nhưng nếu ai trong chúng ta có sự không vui, khó chịu thì hãy nhớ lấy bài học ngày hôm nay mà thay đổi. Cô đề nghị là sau khi cô Trinh chỉ ra lỗi và hướng dẫn các con thì sau khi cô Trinh đã góp ý xong thì các con nên có lời cám ơn cô Trinh đã góp ý và chỉ lỗi cho mình, như vậy là thể hiện sự tôn trọng và thái độ tiếp nhận khi mình được chỉ ra điều sai. Và trên hết là phải sửa lỗi sau khi được chỉ ra, chứ không chỉ cám ơn rồi cho qua.
Nguyện qua bài học ngày hôm nay giúp chúng ta biết hạ mình, lắng nghe sự dạy dỗ của người lớn, xin Chúa giúp cho các con biết vâng lời cha mẹ, kính sợ Chúa, xin Chúa nuôi lớn các con bằng Lời của Ngài. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh