Câu Gốc Mỗi Tuần (18/01/2020)

Lời Của Vua Đa-vít Dạy Con Trai Mình

“Còn ngươi, là Sa-lô-môn, con trai ta, hãy nhận biết Thiên Chúa của cha,
hết lòng vui ý mà phụng sự Ngài;
vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng.
Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp;
nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời.”
( I Sử Ký 28:9)

Trong lời khuyên dạy của vua Đa-vít dành cho con trai mình được chép trong sách I Sử Ký 28:9 chúng ta nhận thấy có ba điều quan trọng đó là:

1.      Hãy nhận biết Thiên Chúa.

2.      Hết lòng vui ý phụng sự Chúa.

3.      Tìm kiếm Chúa

Các con thương mến,

Đời sống của chúng ta chỉ thật sự trở nên ý nghĩa và có mục đích khi chúng ta nhận biết Chúa, thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa và được có Chúa làm Thiên Chúa mình. Vì Ngài là Đấng dựng nên trời, đất, biển và muôn loài vạn vật mà nó chứa, Ngài ban cho chúng nó thức ăn tùy theo thì. Ngài làm cho mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, Ngài cho cây trái đơm hoa kết hạt trong kỳ của nó. Ngài khiến cho toàn thể vũ trụ vận hành theo một trật tự nhất định nhờ đó mà muôn loài vạn vật sinh sôi nẩy nở, phát triển và duy trì sự sống. Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân là Đấng cai quản và tể trị trên muôn loài và trên muôn sự, vậy nên muôn loài vạn vật có bổn phận phải kính sợ, tôn vinh, thờ phượng và nhìn biết Thiên Chúa. Các con biết không. Giá trị lớn nhất của sự tri thức mà loài người có được chính là sự nhận biết Thiên Chúa. Lời Chúa có chép: 

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng. Sự tri thức về Đấng Thánh là sự thông sáng.” (Châm Ngôn 9:10).

“Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.”  (Giăng 17:3).

1. Hãy nhận biết Thiên Chúa. 

Nhận biết Chúa là nhận biết bản thể và thuộc tính của Ngài. Nhận biết Chúa là nhận biết thánh ý của Ngài trên chúng ta, và qua đó, chúng ta biết được mục đích, ý nghĩa đời sống của mình. Đây là điều hiểu biết quan trọng nhất của một con người được sinh ra trên đất, bởi vì nếu một người biết đủ mọi thứ, dù đúng,dù sai thì điều đó cũng chẳng có giá trị gì nếu không nhận biết Chúa là Thiên Chúa mình và không biết bước đi trong đường lối của Ngài. Như có chép: 

“Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.”  (Châm Ngôn 14:12).

Vậy nên,
“Trong mọi đường lối của con, hãy nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”
(Châm Ngôn 16:25 và 3:6).

Nhận biết Thiên Chúa nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa có một, ngoài Ngài không có Thiên Chúa nào khác, nhận biết Chúa là nhận biết rằng Ngài là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Sống chính Ngài đã ban sự sống cùng mọi điều phước hạnh trên muôn loài vạn vật và chúng thuộc về Ngài, 

Kìa, trời và các tầng trời cao hơn trời, đất và mọi vật ở nơi đất đều thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.”  (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:14).

– Nhận biết Chúa là nhận biết sự cao trọng, vinh quang và quyền năng tể trị của Ngài trên muôn loài.

“Chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã làm nên đất bởi quyền năng Ngài, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Ngài, đã giương các tầng trời ra bởi sự thông sáng Ngài.”  (Giê-rê-mi 10: 12).

Nhận biết Chúa là nhận biết rằng Ngài là Đấng Công Bình, Thánh Khiết, Yêu Thương, Chậm Giận, Giàu Ơn nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, Ngài làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài và phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư cho những kẻ ghét Ngài.

Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ, những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian {là} những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.”  (Rô-ma 1:19-20).

– Nhận biết Chúa là nhận biết mình sinh ra là để thờ phượng tôn vinh và hầu việc một mình Ngài vì chúng ta là công việc Ngài làm ra, chúng ta là cơ nghiệp của Ngài là một dân tộc thánh được biệt riêng ra cho Ngài. 

Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất; và đã xác định thời gian được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ;{để cho} họ tìm kiếm Chúa. Nếu họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm {Ngài}, dù Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.”  (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:26-27).

 -Nhận biết Chúa là nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời của mình để luôn biết cậy trông và nương náu mình dưới bóng cánh toàn năng yêu thương của Ngài. Vì, 

Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Nhận biết Chúa là nhận biết tình yêu vô lượng vô biên của Chúa trên sự sống mình để biết hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn mà thờ phượng và tôn kính Ngài:

Hỡi linh hồn ta, hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài. Hỡi linh hồn ta, hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Chớ quên các ân huệ của Ngài!”  (Thi Thiên 103:1-2).

Đây là 7 trong vô số những nguyên do mà một người có hơi thở sự sống trong mình cần phải suy gẫm, phải nhận biết để qua đó: Nhận biết Thiên Chúa.

2. Hết lòng vui ý phụng sự Chúa.

Trong thế gian luật pháp tốt nhất của loài người và của những người không biết Chúa là ra sức dạy cho con trẻ lớn lên trở thành người thành công và hữu dụng biết phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước cùng phục vụ người khác. Nghĩa là trở thành một người có những phẩm hạnh biết hy sinh và biết nghĩ đến người khác hơn là chỉ chăm lo những lợi ích cho chính mình.Tuy nhiên tất cả những điều đó chỉ nhằm mục đích làm vui lòng người và phục vụ lẫn nhau. Nhưng sự thật là nếu không có Thiên Chúa làm Đức Chúa Trời mình thì không một ai có đủ năng lực để thực hiện được điều đó một cách trọn vẹn.

Bởi vì chỉ từ sự tha thứ tội, giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi, được tái sinh và được dựng nên thành một người mới trong Đấng Christ Jesus mà một người mới có năng lực để làm trọn những việc lành, mới biết hy sinh vì người khác một cách hoàn toàn và biết vui lòng phục vụ người khác như một sự thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa mình. Bởi từ lòng kính sợ Thiên Chúa và từ năng lực ban cho từ Thiên Chúa mà một người biết sống vị tha và yêu thương người khác hơn chính mình. Chỉ bởi sự hiểu biết về Chúa, hiểu biết về những điều răn luật pháp của Chúa mới có thể gìn giữ lòng và ý một người trên con đường ngay lành, tránh khỏi sự tham lam tà vại gian ác. 

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Hãy làm điều gì thật công bình, và ai nấy hãy tỏ sự thương xót và lòng thương cảm đối với anh em mình; chớ ức hiếp đàn bà góa, hoặc kẻ mồ côi, hoặc người trú ngụ, hay là kẻ nghèo khó, và ai nấy chớ mưu một sự dữ nào trong lòng nghịch lại anh em mình.” (Xa-cha-ri 7:9-10).

 Lời Chúa phán: 

Vậy, hỡi I-sơ-ra-ên, bây giờ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi muốn nơi ngươi điều gì? Ngài muốn ngươi kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa ngươi, đi theo mọi đường lối của Ngài, hết lòng hết ý yêu kính và phụng sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi,” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12).

Yêu kính Thiên Chúa, thờ phượng và hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà phụng sự Chúa, yêu thương phục vụ người khác không chỉ là trách nhiệm và bổn phận mà còn là niềm vui thỏa và sự phước hạnh của một người theo Chúa bởi vì họ biết rằng mình đang được phụng sự Một Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân.

3. Tìm kiếm Chúa: Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp.

Từ xưa cho đến nay người người trong thế gian ngày ngày miệt mài tìm kiếm công danh sự nghiệp, tiền tài, vật chất là những điều mắt thấy, tai nghe, thân thể sờ chạm và cảm thụ được, nhưng lại là những sự mau tàn chóng qua như một áng mây thoáng bay qua và tan mất.

Riêng lòng của một người cha biết kính sợ Thiên Chúa thì vua Đa-vít lại dạy con mình từ buổi còn thơ con đường phải đi là Hãy nhận biết Chúa và hết lòng tìm kiếm Chúa” để nếu con trẻ ấy biết hết lòng vâng theo và gìn giữ lấy thì đời đời được ở trong tình yêu, trong sự phước hạnh, trong sự quan phòng và gìn giữ của Thiên Chúa.

Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối của mình, đi trong luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Phước cho những người giữ gìn các chứng cớ của Ngài, hết lòng tìm kiếm Ngài.” (Thi Thiên 119:1-2).

Chúng ta tìm kiếm Chúa như thế nào?

Cầu nguyện, tương giao với Chúa.

– Lắng nghe tiếng Chúa. (Chúng ta thường phạm sai lầm khi nghĩ cầu nguyện tương giao với Chúa nghĩa là dâng lời cầu nguyện, dâng trình những nan đề những lời cầu xin của mình lên cho Chúa, nhưng không phải chỉ có như vậy vì ý nghĩa của sự tương giao là trao đổi qua lại hai chiều trong mối quan hệ, vì vậy chúng ta đừng quên dành thời gian im lặng lắng nghe tiếng Chúa phán với chúng ta.

– Học hỏi, suy gẫm tra xem Lời Chúa một cách thường xuyên liên tục không ngưng nghỉ trong suốt đời sống của mình.

– Giữ Lời Chúa, Làm y theo Lời Chúa phán, Giữ mình khỏi tội bởi quyền năng của Lời Chúa. Vì Lời Chúa có quyền năng biến đổi, thánh hóa, cáo trách, sửa trị và dạy người trong sự công bình.

Nếu chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa bằng cách thực hành chuyên cần những điều vừa nêu trên chắc chắn sẽ được gặp Ngài. Như Lời Chúa phán: 

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Bằng cách nào chúng ta nhận biết mình đã được gặp Chúa?

Khi chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa bằng cả trái tim thì chắc chắn Chúa sẽ bày tỏ chính mình Ngài và ban cho chúng ta trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời khi được đắm chìm trong sự hiện diện nhiệm mầu của Ngài mà lời lẽ không thể tả hết được và người nghe cũng không có cách gì hiểu thấu.

Tuy nhiên có thể tạm diễn tả dưới các hình thức như sau:

– Cảm nhận được sự hiện diện, sự bao phủ nhiệm mầu ngọt ngào của Chúa.

– Nghe được tiếng Chúa phán.

– Hiểu được một cách rõ ràng và sáng tỏ thánh ý Chúa muốn trên cuộc sống mình trong từng thời điểm và trong từng sự việc.

– Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng những phép lạ. 

Như có chép:

…Ô-xia rắp lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời; và người tìm kiếm bao lâu; thì Đức Chúa Trời khiến cho người được thịnh vượng bấy lâu.” (II Sử Ký 26:5b).

“Sư tử con bị thiếu kém, và đói; nhưng người nào tìm cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” (Thi Thiên 34:10).

Vua Đa-vít đã yêu thương con trai mình hết mực bằng tình yêu chân chính khi dạy dỗ con mình đi trong đường lối Chúa. Vua cũng không quên cảnh tỉnh nhắc nhở con mình rằng: Thiên Chúa là Đấng dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng của loài người. Nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời. Vì Lời Chúa có phán: 

“Ta sẽ đãi chúng nó theo cách chúng nó ăn ở; chúng nó đáng thế nào thì ta phán xét cho thể ấy, chúng nó sẽ biết Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 7:27b).

“…Bởi ngươi bỏ sự tri thức {thì} Ta cũng sẽ bỏ ngươi để {ngươi} không làm thầy tế lễ {cho Ta nữa}; {bởi} ngươi đã quên luật pháp {của} Thiên Chúa mình {thì} Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6b).

Và vua Đa-vít cũng không quên khích lệ động viên chỉ dạy để con trẻ biết rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Thiên Chúa của mình sẽ luôn ở cùng quan phòng ban phước và giữ gìn cho những ai hết lòng tìm kiếm, vâng phục và phụng sự Ngài.

“Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời… Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ sệt, chớ kinh hãi chi, vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, tức là Thiên Chúa của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con cho đến chừng các công việc cất đền của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được xong.” (I Sử Ký 28:9 và câu 20). 

“Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử ký 16:9a).

Lời Chúa có chép:

“Tay của Thiên Chúa chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài; nhưng quyền năng và thịnh nộ Ngài kháng cự những kẻ nào lìa bỏ Ngài.” (Ê-xơ-ra 8:22b).

Tuổi trẻ ngày nay do tiếp xúc với nền khoa học tiên tiến nên các con rất thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giang, đầy nhiệt huyết… Tuy nhiên lại là những người thiếu kiên nhẫn, dễ nản lòng bỏ cuộc, dễ lên mình kiêu ngạo, thiếu kinh nghiệm và thiếu lòng thông cảm yêu thương nên nếu không biết nuôi mình bằng Lời Hằng Sống của Chúa, và không biết ngừa giữ đường lối mình sẽ rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho ma quỷ tấn công vì những người trẻ tuổi thường có xu hướng làm theo ý mình cho là phải. Như có chép: 

“Hỡi người trẻ! Hãy vui mừng trong tuổi trẻ của ngươi! Hãy hớn hở trong những ngày thanh xuân của ngươi! Hãy bước đi theo những đường lối lòng của lòng ngươi và theo sự thấy của mắt ngươi. Nhưng hãy biết rằng, vì hết thảy những việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đem ngươi vào trong sự phán xét.”  (Truyền Đạo 11:9).

Nguyện bài học Lời Chúa qua những điều vua Đa-vít dạy con trai mình giúp cho các con ngày càng biết yêu kính Chúa, biết hết lòng tìm kiếm Chúa bằng cả tấm lòng, linh hồn, trí khôn và sức lực của mình, không mệt mỏi trong việc hầu việc phụng sự Thiên Chúa và luôn vững lòng bền chí vượt qua mọi khó khăn cám dỗ thử thách vì biết có Chúa luôn ở cùng.

Nguyện lòng của những ai tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được vui mừng! (Thi Thiên 105:3b).

Nguyện mọi vinh quang quyền phép sự cao quý và hết thảy mọi lời suy tôn duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu kính yêu đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
GraceNguyen

Ngày 08/11/2019

Tham khảo bài giảng của người chăn:

https://timhieutinlanh.com/kinh-so-va-nhin-biet-dang-thanh/