Câu Gốc Mỗi Tuần (22/02/2020)

Bảy Lời Kêu Gọi  của Chúa
Lời Kêu Gọi Thứ Nhất
Thay đổi mục đích sống. (Phần 04)

Các con thương mến!

Tuần này chúng ta học bài cuối cùng trong loạt bài lời kêu gọi thứ nhất của Chúa. Tuần trước chúng ta đã học về chủ đề Thay Đổi với Tội Lỗi. Chúng ta đã cùng nhau học về sự thay đổi tâm trí và thay đổi thái độ với tội lỗi. Nghĩa là chúng ta phải không còn ưa thích tội, không còn suy nghĩ những thú vui, không còn suy nghĩ đến những phương cách phạm tội để thỏa mãn những nhu cầu trong đời sống hay những ham muốn bất chính của xác thịt. 

Thay đổi thái độ là luôn cảnh giác, tránh xa những gì có thể khiến cho mình nghĩ đến tội hoặc phạm tội. Sẵn sàng trả mọi giá để thoát ra khỏi môi trường có thể khiến cho mình nghĩ đến tội hoặc phạm tội. Không tìm cách lý luận, bào chữa để có thể ở lại trong môi trường của sự cám dỗ. Không tò mò, muốn biết xem sự cám dỗ sẽ đến như thế nào. Tuần này chúng ta sẽ học bài học  với chủ đề: Thay đổi mục đích sống.

 Tôi đã nói với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Ngài là Chúa tôi. Ngoài Ngài tôi không có sự thỏa lòng. (Thi Thiên 16:2)

Mục đích là gì? Mục đích có nghĩa là chúng ta đặt ra một mục tiêu, mong muốn một điều gì đó và cố gắng theo đuổi nó, tìm tòi nó làm mọi cách để đạt được nó. Ví dụ như các con muốn trở thành một bác sĩ thì các con sẽ chăm chỉ học hành, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi về một người bác sĩ, rồi khi tra trường thì các con thi vào ngành bác sĩ và theo học suốt cho đến khi mình được làm một bác sĩ chính thức chữa bệnh cho người khác. 

Thay đổi có nghĩa là chúng ta không tiếp tục nữa theo đuổi nữa mà ngưng lại, xoay lại, nhìn về hướng khác, làm cho nó khác đi. 

Con người từ khi sinh ra đã nhiễm tội, sống trong tội, làm ra tội. Nên họ thích sống theo những thú vui của đời này, họ tham mê tiền bạc, danh vọng, tình cảm mà họ ngày đêm cố gắng hết sức để theo đuổi nó. Đó là mục đích sống của nhiều người.

Nhưng khi một người đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người đó phải thay đổi mục đích sống của mình. Mục đích sống của một người thật lòng ăn năn tội là: Hết lòng vâng phục Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa, và yêu thương, giúp đỡ người khác như chính bản thân mình.

Có nghĩa là ngày trước chúng ta không vâng phục Chúa, làm ra những điều tội lỗi xấu xa, ô uế thì ngày nay chúng ta từ bỏ những điều đó bắt đầu sống vâng phục Thiên Chúa, ngày xưa chúng ta mê tín, thờ tà thần, thần tượng… Thì ngày nay chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, ngày xưa chúng ta ganh tị, ghen ghét, thù hận, cay đắng thì ngày nay chúng ta yêu thương, giúp đỡ người khác. Đó là sự thay đổi mục đích sống của chúng ta khi đã tin nhận Chúa. 

Thay đổi mục đích sống còn là sự chúng ta bắt chước Chúa, học theo Chúa thay vì học theo những người không tin Chúa ở đời này. 

Ví dụ như các con  thần tượng một ca sĩ, diễn viên nào đó, suốt ngày các con tìm kiếm, tìm hiểu xem người ca sĩ đó thích mặc đồ gì, thích ăn gì, đi đến đâu…rồi các con học theo làm theo những người ca sĩ đó, từ cách ăn mặc, giọng nói, tướng đi, đến cả khi dán hình những ca sĩ đó khắp trong phòng mình…

Nhưng nay khi các con thật lòng ăn năn tội thì lập tức phải dẹp bỏ ngay những điều đó trong tâm trí mình và trong đời sống mình. Thay vì tìm kiếm những sự đó thì các con đọc Thánh Kinh, nghe giảng, suy ngẫm Lời Chúa xem Thiên Chúa của mình là Đấng như thế nào, Ngài dựng nên trời đất ra sao, con người ra sao, Ngài yêu thương chúng ta như thế nào và Ngài muốn chúng ta làm gì cho Ngài, điều gì Ngài ghét và điều gì Ngài ưa thích…Rồi sau đó chúng ta bắt chước Chúa mà làm như vậy. Như trong câu gốc tuần này chúng ta được học trong:

Tôi đã nói với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Ngài là Chúa tôi. Ngoài Ngài tôi không có sự thỏa lòng. (Thi Thiên 16:2)

Thỏa lòng có nghĩa là vui vẻ, bình an với những sự gì mình đang có, không mong muốn gì thêm nữa. Câu Thánh Kinh trên có nghĩa là chúng ta tin Chúa, chúng ta có Chúa, chỉ duy nhất một mình Chúa, có Chúa là có tất cả, Chúa là niềm vui, hạnh phúc và bình an. Còn ngoài Chúa chúng ta không tìm được ai giống như Chúa. Câu Thánh Kinh trên còn dạy chúng ta phải đặt Chúa lên hết mọi sự. Không tìm kiếm bất cứ điều gì ngoài Chúa. 

Nhưng để làm được điều đó các con cần phải có một tấm lòng yêu Chúa thì các con mới có thể làm được, vậy làm sao để có thể yêu Chúa? Các con hãy cầu nguyện xin Chúa giúp các con và ban năng lực cho các con, các con phải thật sự mong muốn mình được yêu Chúa như Chúa muốn. Thì Chúa mới giúp chúng ta được. Vì Chúa không ép buộc chúng ta phải yêu Ngài, nhưng Chúa cho chúng ta có sự lựa chọn yêu kính Chúa hay không yêu kính Chúa.

Sự ăn năn tội không phải là điều chỉ làm một lần đủ cả. Sự ăn năn tội là sinh hoạt thường ngày trong nếp sống của con dân Chúa. Sau khi nhận thức mình là tội nhân, ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được tái sinh, được ban cho năng lực của Thiên Chúa để có thể sống một đời sống trọn vẹn đẹp lòng Chúa, con dân Chúa vẫn có thể phạm tội trở lại. Sự phạm tội đó có thể vì thiếu hiểu biết Lời Chúa, không biết nghĩ, nói, làm như vậy là tội. Lời cầu nguyện của Vua Đa-vít được ghi lại trong Thi Thiên 19:12-13, như sau:

“Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Ngài tha thứ các tội kín giấu của tôi. Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Ngài khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị tôi; Thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng”

Điều quan trọng là chúng ta đừng cố ý phạm tội! 

Sự ăn năn tội được thể hiện bằng hành động xưng tội. Xưng tội tức là thưa với Chúa mình đã vi phạm điều răn của Chúa như thế nào. Xin Chúa thương xót tha thứ cho mình. Lời Chúa hứa với chúng ta, được chép trong I Giăng 1:9, như sau:

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”

Nhưng nếu chúng ta cứ tái diễn cùng một sự phạm tội, thì đó là dấu hiệu chúng ta không thật lòng ăn năn.

Vậy để đáp lại tiếng gọi của Chúa thì chúng ta phải làm những điều như sau: Thật lòng

  1. Ăn năn tội
  2. Thay đổi tâm trí với tội lỗi
  3. Thay đổi thái độ với tội lỗi
  4. Thay đổi mục đích sống.

Có như vậy chúng ta mới được Chúa tha thứ tội cho chúng ta, tái sinh chúng ta thành người mới và ban cho chúng ta địa vị làm con của Đức Chúa Trời. 

Có bạn nào muốn mình được làm con của Đức Chúa Trời không nào? 

Vậy thì chúng ta hãy ghi nhớ bài học ngày hôm nay và xin Chúa ban năng lực cho chúng ta để chúng có thể thực hiện được các con nhé. 

Nguyện xin Chúa dẫn dắt, dạy dỗ các con, bảo vệ các con, và nuôi lớn các con trong tình yêu, ân điển của Ngài. Chúc các con luôn là những đứa con ngoan của Thiên Chúa. 

Câu hỏi:

Sau bài học này thì các con có dự định gì cho những ngày tháng sắp tới của mình? 

 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Thùy Linh