Câu Gốc Mỗi Tuần (Ngày 09/03/2019)

                 Đức Chúa Jesus Hai Lần Dọn Sạch Đền Thờ

Các con thương mến,

Chúng ta thật vui mừng cảm tạ ơn Chúa ban cho chúng ta được cùng nhau tiếp tục học hỏi lời Chúa để chúng ta hiểu biết phần nào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta, hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa trên đời sống của mình, hầu cho chúng ta luôn biết hết lòng bước đi trên con đường công bình thánh sạch mà Ngài muốn chúng ta đi, để chúng ta ngày càng trở nên giống như hình bóng của Đức Chúa Jesus Christ càng hơn khi Ngài làm người trên đất, đi lại giữa chúng ta, yêu thương, ban ơn, dẫn dắt và để lại một tấm gương cho chúng ta noi theo dấu chân Ngài. Trong phần học lời Chúa hôm nay mời các con cùng đến với câu chuyện Thánh Kinh: Đức Chúa Jesus hai lần dọn sạch đền thờ được chép trong các sách: Ma-thi-ơ 21:12-13; Mác 11:15-18; Lu-ca 19:45-46 và Giăng 2:13-25.

Nguyện sự hiểu biết về Thiên Chúa giúp các con ngày càng kính yêu Chúa, biết ơn Chúa và có nếp sống đẹp lòng Chúa ngày càng hơn.

Câu chuyện: “Đức Chúa Jesus hai lần dọn sạch đền thờ”  được trích trong sách Giăng 2:13-25 như sau:

13 Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến. Đức Chúa Jesus đi lên thành Giê-ru-sa-lem.

14 Trong đền thờ, Ngài thấy có những người buôn bán: bò, chiên, bồ câu; và có những người đổi bạc ngồi ở đó.

15 Ngài bện một cái roi bằng dây, đuổi họ ra khỏi đền thờ cùng những chiên và bò. Ngài hất tiền của những kẻ đổi bạc và lật đổ bàn của họ.

16 Ngài phán với những kẻ bán bồ câu rằng: Hãy đem những thứ này ra khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha Ta thành ra nhà buôn bán.

17 Các môn đồ của Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: Sự sốt sắng về nhà Chúa ăn nuốt tôi.

18 Những người Do-thái lên tiếng, thưa với Ngài: Ngài làm như vậy, thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ gì?

19 Đức Chúa Jesus đáp lời và phán với họ: Hãy phá hủy đền thờ nầy đi! Trong ba ngày, Ta sẽ dựng nó lại!

20 Vậy nên, những người Do-thái nói: Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà Ngài thì sẽ dựng nó trong ba ngày?

21 Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài.

22 Sau khi Ngài được sống lại từ những kẻ chết, các môn đồ của Ngài nhớ rằng, Ngài có nói lời này với những người đó, thì họ tin Thánh Kinh và lời Đức Chúa Jesus đã phán.

23 Đang khi Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem, trong kỳ Lễ Vượt Qua, có nhiều người thấy phép lạ Ngài đã làm thì tin danh Ngài.

24 Nhưng Đức Chúa Jesus chẳng phó thác mình cho họ; vì Ngài nhận biết mọi người

25 và không cần ai làm chứng về người nào; bởi Ngài biết điều gì ở trong người ta.

Các con thương mến,

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa phán dạy chúng ta qua bài học hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu sơ lượt về đền thờ Giê-ru-sa-lem, về luật lệ các kỳ lễ hội, các của lễ dâng mà Thiên Chúa đã truyền dạy cho dân I-sơ-ra-ên.

Thứ nhất : Thánh Kinh cho biết đền thờ Giê-ru-sa-lem được vua Sa-lô-môn khởi xây dựng vào năm 480 sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là năm thứ tư của vua Sa-lô-môn trị vì trên I-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp nghĩa là tháng thứ hai và hoàn thành trong bảy năm, y theo kiểu mẫu Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu bởi Đức Thánh Linh bày tỏ cho vua Đa-vít. (I Các Vua 6:1-37; I Sử Ký 28:11-21). Đền thờ Giê-ru-sa-lem là một đền thờ uy nga tráng lệ có một không hai, là nơi Thiên Chúa đặt danh Ngài tại đó, là nơi mà sách Thi Thiên 48 có chép rằng: đó là “Kinh đô của Vua Cao Cả”“Nơi vui vẻ của cả thế gian” vì tại thành thánh ấy “Thiên Chúa đã tỏ mình ra như một nơi nương náu.” cho những ai tìm kiếm, tôn vinh, thờ phượng và trọn đời hết lòng hết ý vâng phục Ngài. Thiên Chúa phán:

“thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:7). 

Thứ Hai : Thiên Chúa phán truyền dân I-sơ-ra-ên khi đã vào xứ Ca-na-an rồi thì hằng năm phải giữ những ngày lễ của Chúa như Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều Tạm tại thành thánh Giê-ru-sa-lem là nơi mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chọn để đặt danh Ngài, họ cũng phải dâng các con sinh tế là chiên, bò, thuế một phần mười, các của lễ hứa nguyện và các lễ vật khác tại Đền Thánh để nhắc nhở dân sự luôn biết đặt đời sống của mình dưới sự quan phòng, ban phước của Thiên Chúa và dạy cho con cháu đời sau luôn biết kính sợ, nhớ ơn và thờ phượng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu-Thiên Chúa mình.

“… nơi nào trong những chi phái các ngươi, mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi sẽ chọn, để đặt danh Ngài, tức là nơi ngự của Ngài, thì các ngươi phải tìm đi đến đó, 6 đem dâng tại đó những của lễ thiêu, các hy sinh, thuế một phần mười, lễ vật dâng giơ lên, của lễ hoàn nguyện, của lễ vui lòng và các con đầu lòng của bầy bò và chiên; 7 rồi các ngươi sẽ ăn tại đó, trước mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, vui vẻ cùng gia quyến mình, vì mọi việc tay mình làm đã được Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi ban phước cho.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:5-7).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:20-25

20 Về ngày sau, khi con của ngươi hỏi ngươi rằng: Các chứng cớ, luật lệ, và mệnh lệnh này là gì, mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng ta đã truyền cho cha?  

21 Thì hãy đáp rằng: Chúng ta đã bị làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn tại xứ Ê-díp-tô, và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có dùng tay mạnh đem chúng ta ra khỏi xứ ấy.

22 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có làm trước mặt chúng ta những dấu kỳ và phép lạ rất lớn lao đáng sợ, mà hại xứ Ê-díp-tô, Pha-ra-ôn, và cả nhà người;

23 Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta.

24 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có phán với chúng ta hãy làm theo các luật lệ này, kính sợ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng ta, để cho chúng ta được phước luôn luôn, và được Ngài bảo tồn sự sống cho chúng ta y như Ngài đã làm đến ngày nay.

25 Chúng ta sẽ được xưng là công bình nếu chúng ta cẩn thận làm theo các điều răn này trước mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng ta, y như Ngài đã phán dặn vậy.

Thứ ba: Thánh Kinh Cựu Ước sách Xuất Ê-díp-tô ký 12:5 ghi rõ luật lệ về các con vật dùng để làm của lễ kính dâng lên Thiên Chúa phải là những con vật không tì vết hay bị khuyết tật. Thầy tế lễ có trách nhiệm xem xét và khước từ những con vật nào bị thương tích, có tì vết hoặc có khuyết tật. Đây là điều khó khăn cho những người ở phương xa khi về dự lễ tại Giê-ru-sa-lem bởi vì trong lúc vượt qua những chặng đường dài xa xôi cách trở các con sinh như chiên, bò rất dễ bị thương tích hoặc trở nên ốm yếu nếu như dân sự dắt theo các con vật ấy từ quê nhà lên đến thành Giê-ru-sa-len để làm của lễ kính dâng lên Thiên Chúa. Thiên Chúa hiểu rõ những điều đó nên Ngài có phán rằng:

“ …nếu đường đi lấy làm xa quá cho ngươi, đến nỗi không thể đem nộp của thuế một phần mười ấy được, vì chỗ mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chọn để đặt danh Ngài cách xa ngươi,25 thì bấy giờ, ngươi hãy đổi thuế một phần mười đó ra bạc, cầm bạc này trong tay, đi đến nơi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã chọn,26 rồi đưa bạc ấy đổi lấy mọi thức chi mình ước ao, hoặc bò hay chiên, hoặc rượu hay là đồ uống say, tức là mọi món gì mình muốn. Ngươi phải ăn nó tại đó, trước mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, và vui vẻ với gia quyến mình.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:24-26).

Những người có thẩm quyền tại Đền Thờ nắm bắt được nhu cầu của dân sự và lợi dụng vấn đề này. Nên họ đã mở dịch vụ buôn bán những con sinh dùng dâng vào các dịp lễ với giá cao kèm sự bảo đảm rằng những con sinh họ bán sẽ không bị các thầy tế lễ từ chối. Trước đó, chiên, bò và chim bồ câu để dâng tại Đền Thờ được bán tại chợ bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Thánh Kinh không có nói rõ chi tiết vì lý do gì mà đến thời điểm Đức Chúa Jesus đến đền thờ Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua vào năm đó sự mua bán đã được những người có thẩm quyền, đứng đầu là thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe cho phép xảy ra ngay trong sân của Đền Thờ. Là nơi cao quý, tôn nghiêm, thánh sạch, đáng tôn, đáng trọng.

Thứ tư: Ngoài ra, việc tiền dâng hiến cho công việc đền thờ không được chấp nhận bằng đồng tiền La-mã nên bên cạnh sự ồn ào, huyên náo, dơ bẩn, mất trật tự của một cái chợ chuyên bán chiên, bò, bồ câu thì những bàn đổi tiền đã được bày ra. Điều đặc biệt đáng nói ở đây là những người có thẩm quyền vì lợi bất nghĩa đã chấp nhận hoặc làm ngơ để cho những người buôn bán và đổi bạc chèn ép dân sự với giá cắt cổ. Những người có trách nhiệm giữ gìn, làm gương trước dân sự trong sự tin kính và làm cho danh thánh của Thiên Chúa được tôn cao thì lại là những người lợi dụng chức quyền Thiên Chúa ban cho mình để ra sức trục lợi cho bản thân trong sự thờ phượng Thiên Chúa của dân sự.

Nào, giờ mời các con cùng tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa phán dạy chúng ta qua từng câu Thánh Kinh trích trong sách Giăng 2:13-25.

13 Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến. Đức Chúa Jesus đi lên thành Giê-ru-sa-lem. 

14 Trong đền thờ, Ngài thấy có những người buôn bán: bò, chiên, bồ câu; và có những người đổi bạc ngồi ở đó.

Chúng ta biết rằng đền thờ là nơi thánh sạch và vô cùng nguy nga tráng lệ đã được vua Sa-lô-môn xây dựng y theo thiết kế của chính Thiên Chúa, là nơi Chúa chọn để đặt danh Ngài ở tại đó và là nơi Ngài ngự xuống giữa vòng dân sự để ban ơn, ban phước, phán truyền các mệnh lệnh, điều răn, luật pháp của Ngài mục đích dẫn dắt, dạy bảo dân sự con đường phải đi và bao phủ họ bằng sự vinh quang vĩ đại của Ngài hầu cho chính họ, con cháu của con cháu họ và muôn dân trên đất nhận biết Ngài là Thiên Chúa quyền năng, uy nghi cả thể, có thật, duy nhất và hằng sống mà hằng có sự khôn ngoan thông sáng biết luôn ghi nhớ công ơn Ngài, biết kính sợ, tôn vinh, và hết lòng thờ phượng Ngài. Như Lời Chúa phán:

“Từ ngày Ta đem dân Ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Ta chưa chọn một thành nào trong các chi phái I-sơ-ra-ên để cất một cái đền, để đặt danh Ta tại đó, và Ta cũng chẳng chọn người nào làm vua chúa trên dân I-sơ-ra-ên Ta; nhưng Ta đã chọn Giê-ru-sa-lem, để đặt danh Ta tại đó, và chọn Đa-vít để cai trị dân I-sơ-ra-ên Ta.” (II Sử-ký 6:5-6).

Nhưng ở đây, khi đến đền thờ để dự lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus đã kinh ngạc, tức giận và phẫn nộ trước những gì đang diễn ra ngay trong sân đền thờ. Là nơi đã từng là chốn tôn nghiêm cao quý để hằng ngày dân I-sơ-ra-ên hướng về dâng lời cầu nguyện, cảm tạ, tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa. Giờ đây ngay trong sân đền thờ là chốn tôn nghiêm đã trở thành một cái chợ với đủ tiếng kêu la, tiếng rống của bò, chiên, tiếng gầm gừ của chim bồ câu, tiếng huyên náo của người mua kẻ bán, cùng tiếng leng keng của hàng đổi bạc…

15 Ngài bện một cái roi bằng dây, đuổi họ ra khỏi đền thờ cùng những chiên và bò. Ngài hất tiền của những kẻ đổi bạc và lật đổ bàn của họ.

16 Ngài phán với những kẻ bán bồ câu rằng: Hãy đem những thứ này ra khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha Ta thành ra nhà buôn bán.

Đức Chúa Jesus không thể chấp nhận được những cảnh tượng đang diễn ra trước mắt nên Ngài đã đuổi những người mua bán cùng những chiên, bò trong sân đền thờ ra ngoài. Ngài lật đổ bàn của những người đổi bạc và của những người bán bồ câu. Ngài lớn tiếng phán rằng:

“Hãy đem những thứ này ra khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha Ta thành ra nhà buôn bán.” “Chẳng phải đã có lời chép: Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp.” (Mác 11:17).

Đức Chúa Jesus kiên quyết dõng dạc quở trách những sai phạm của họ và phán bảo họ hãy nhớ lại rằng: Đây là đền thờ của Thiên Chúa là “Kinh đô của vị Vua Cao Cả” “Nơi vui vẻ của cả thế gian” là nơi “Thiên Chúa đã tỏ mình ra như một nơi nương náu”cho muôn dân.

Lòng tham lam đã khiến cho họ thản nhiên sử dụng Nhà Chúa như “hang trộm cướp”. Như có chép:

“Vậy thì các ngươi xem nhà này, là nơi được xưng bằng danh Ta, như hang trộm cướp sao? Này, Ta, chính Ta xem thấy mọi điều đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Giê-rê-mi 7:11).

Những người hiểu biết Thánh Kinh Cựu Ước có mặt tại đó biết rõ Đức Chúa Jesus giảng dạy điều gì khi họ nghe những lời phán của Ngài.  Đám đông kinh ngạc về những lời dạy dỗ của Ngài. Họ kinh ngạc có lẽ họ nhận biết những điều sai trái đã lâu, nhưng không dám nói ra hoặc không thấy ai có trách nhiệm quở trách sửa chữa, thì nay bổng có một người dám đứng lên chỉ tội, dám phơi bày những sai trái ra ánh sáng và dám chống nghịch lại với các thế lực đen tối đang lộng quyền nơi thành thánh.

Tuy các thầy tế lễ, các thầy thông giáo là những người dạy dỗ kinh luật và hiểu biết hơn ai hết về sự tôn nghiêm nơi đền thánh. Nhưng thay vì ăn năn và lấy làm xấu hổ khi đã để cho những điều đáng ra không được phép xảy ra nơi thánh như lời Đức Chúa Jesus quở trách ngày nay, thì trái lại họ chỉ cảm biết được một điều duy nhất lúc nầy là việc Đức Chúa Jesus dọn sạch đền thờ đã chỉ ra những sai trái của họ, đã làm mất mặt họ trước dân chúng và trên hết là đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi, đến thẩm quyền và uy tín của họ. Nên Thánh Kinh cho biết rằng:  

“Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo nghe mấy lời, kiếm cách diệt Ngài; vì họ sợ Ngài, vì cả đoàn dân ngạc nhiên về lời giảng dạy của Ngài.”(Mác 11:18).

Sự tham lam vật chất theo thế gian đời nầy đã che mờ mắt và làm cho lòng những người có thẩm quyền lãnh đạo tôn giáo u mê, tăm tối nên họ đã thỏa hiệp và lợi dụng sự thờ phượng Thiên Chúa để trục lợi cho bản thân làm ô uế thành thánh tôn nghiêm của Thiên Chúa.

Thế nhưng, vì tình yêu và lòng nhân từ thương xót lớn, hai lần Đức Chúa Jesus quở trách cảnh tỉnh kêu gọi những người có thẩm quyền và dân sự ăn năn, dốc lòng khôi phục lại sự tôn nghiêm và thánh khiết đền thờ là nơi Chúa ngự giữa họ để ban phước và dẫn dắt họ. Đức Chúa Jesus đau lòng trước sự tham lam ngu dại và lòng cứng cỏi u ê của họ, Ngài đã khóc vì Ngài biết trước những hậu quả họ sẽ phải nhận lãnh vì sự vô ơn, bội tính, lầm lạc và gian ác của chính họ. Lời Thánh Kinh có chép rằng:

“Khi Đức Chúa Jesus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít ra ngày nay, ngươi đã hiểu biết sự làm cho ngươi được bình an! Nhưng hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt ngươi.”

17 Các môn đồ của Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: Sự sốt sắng về nhà Chúa ăn nuốt tôi.

18 Những người Do-thái lên tiếng, thưa với Ngài: Ngài làm như vậy, thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ gì?

19 Đức Chúa Jesus đáp lời và phán với họ: Hãy phá hủy đền thờ nầy đi! Trong ba ngày, Ta sẽ dựng nó lại!

20 Vậy nên, những người Do-thái nói: Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà Ngài thì sẽ dựng nó trong ba ngày?  

21 Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài.

Chứng kiến sự phẫn nộ và hành động của Đức Chúa Jesus về việc đền thờ bị làm cho ô uế, các môn đồ nhớ lại lời tiên tri nói về Ngài được chép trong sách Thi Thiên 69:9 rằng:

“Vì sự sốt sắng về nhà của Ngài đã ăn nuốt tôi; sự sỉ nhục của kẻ sỉ nhục Ngài đã đổ trên tôi.” 

Nhưng người Do-thái thì lại hỏi Ngài: “Ngài làm như vậy, thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ gì?” Ý của những người Do-thái là muốn bắt bẻ Đức Chúa Jesus và ngầm hỏi rằng: Ngài là ai? Ngài lấy quyền gì để nói về chúng tôi như vậy và do đâu Ngài lại có những hành động đó? Nếu thật Ngài có quyền phép thì hãy cho chúng tôi xem những phép lạ đi để chúng tôi tin. 

Đức Chúa Jesus đáp:

“Hãy phá hủy đền thờ nầy đi! Trong ba ngày, Ta sẽ dựng nó lại!20 Vậy nên, những người Do-thái nói: Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà Ngài thì sẽ dựng nó trong ba ngày? 21 Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài.” (Giăng 2: 19-21).

Do bị vây phủ bởi những quyền lợi vật chất, những hư vinh theo thế gian đời nầy nên tâm trí những người Do-Thái đang đặt câu hỏi với Đức Chúa Jesus hướng đến vấn đề thuộc thể vì vậy họ tưởng Đức Chúa Jesus nói về đền thờ theo nghĩa đen.Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài.” (Giăng 2: 21).

Một khi không còn có lòng hướng lên Chúa và làm việc gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm thì chúng ta sẽ không còn hiểu và nghe được lời phán dạy hay cáo trách của Chúa, giống như những thầy tế lễ và những thầy thông giáo năm xưa đã không thể nào hiểu được ý nghĩa thông điệp mà Chúa muốn phán dạy họ qua việc hai lần Đức Chúa Jesus dọn sạch đền thờ. Vì vậy họ đã không nhận biết rằng đó là những lần Ngài ban cho họ cơ hội ăn năn để xây bỏ khỏi những việc làm tội lỗi và con đường gian ác của mình, nên họ càng không thể hiểu được đền thờ thuộc linh mà Đức Chúa Jesus muốn nói đến chính là thân thể của Ngài.

Chúa của lòng họ và chúa của đời nầy đã khiến cho họ không biết ăn năn thống hối những sự sai phạm, những gian ác của mình và đã ngăn trở họ hiểu biết lẽ thật trong lời phán dạy của Đức Chúa Jesus, tội lỗi tinh vi đã biến họ trở thành công cụ chống nghịch Thiên Chúa, trở thành những người xem thường uy quyền của Thiên Chúa, phỉ báng đền thờ, làm ô uế ý nghĩa của các kỳ lễ hội và các của dâng lên Thiên Chúa. Họ không còn nhớ đến Lời Chúa đã phán rằng:

“Vậy, Ta sẽ có tại đó cùng dân I-sơ-ra-ên; chỗ này sẽ vì sự vinh quang Ta mà được biệt riêng ra thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:43).

Các con thương mến,

Làm cho ô uế đền thờ Thiên Chúa là hành động tội lỗi, là xem thường Thiên Chúa, là chống nghịch lại ý muốn Chúa, chống nghịch sự hiện diện thánh của Chúa trên đời sống mình và của cả dân sự và là một hành động gian ác sẽ phải chịu sự đoán phạt từ Thiên Chúa. Vì Lời Chúa có phán rằng:“Nếu có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” I Cô-rinh-tô 3:17 cho chúng ta biết như vậy. 

22 Sau khi Ngài được sống lại từ những kẻ chết, các môn đồ của Ngài nhớ rằng, Ngài có nói lời này với những người đó, thì họ tin Thánh Kinh và lời Đức Chúa Jesus đã phán. 

23 Đang khi Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem, trong kỳ Lễ Vượt Qua, có nhiều người thấy phép lạ Ngài đã làm thì tin danh Ngài. 

24 Nhưng Đức Chúa Jesus chẳng phó thác mình cho họ; vì Ngài nhận biết mọi người, 

25 và không cần ai làm chứng về người nào; bởi Ngài biết điều gì ở trong người ta.”

Luôn yêu kính và hết lòng hướng lên Chúa nên các môn đồ nhanh chóng nhớ đến từng lời phán dạy của Đức Chúa Jesus. Năm tháng đi theo Đức Chúa Jesus, sự tôn kính nuôi dưỡng và làm cho tình yêu thêm lớn mạnh, sự tin cậy càng thêm tin cậy, kết quả là các môn đồ ngày càng yêu kính Đức Chúa Jesus càng hơn, và qua đời sống của Đức Chúa Jesus khi Ngài bước đi sống động giữa họ, họ nhận biết rằng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, giúp cho họ ngày càng trưởng thành và vững vàng hơn trong đức tin của mình đối với Thiên Chúa.

Đức Chúa Jesus cũng đã làm rất nhiều phép lạ đang khi Ngài ở tại thành Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, điều đó giúp cho những người có tấm lòng đơn sơ nhìn, nhận biết, tin kính và tin cậy Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus bày tỏ sự vinh quang của Ngài qua các phép lạ để nhiều người nhận biết Ngài là Con Một đến trong lòng Cha khiến họ biết kính sợ và trở về thờ phượng Thiên Chúa. Như có chép:

“Đức Chúa Jesus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách này. Nhưng các việc này đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (Giăng 20:30-31).

Tuy nhiên, trong câu 24 và 25 cho biết rằng:Nhưng Đức Chúa Jesus chẳng phó thác mình cho họ; vì Ngài nhận biết mọi người và không cần ai làm chứng về người nào; bởi Ngài biết điều gì ở trong người ta.”.

Đức Chúa Jesuslàm phép lạ mục đích không phải tìm kiếm sự vinh quang riêng hay vì những lời tung hô, chúc tụng của thế gian mà mục đích của Ngài là tìm cứu những người có tấm lòng ăn năn và nhận biết sự hư mất của mình. Thiên Chúa là Đấng biết rõ tư tưởng và ý định trong lòng người. Thánh Kinh ghi rõ Đức Chúa Jesus biết điều gì ở trong lòng người ta và không cần ai làm chứng về người nào cho Ngài. Vì vậy, đối với một số người khác mà câu Thánh Kinh trên dùng đại từ danh xưng là họ để chỉ đến thì Ngài không tỏ mình ra. Đó là lý do Ngài không phó thác mình cho họ, nghĩa là Ngài không đáp ứng lời yêu cầu của họ khi họ đòi xem những phép lạ. Ngài biết rõ những người đi tìm phép lạ chỉ nhìn biết mọi sự theo cái nhìn vật chất hời hợt bên ngoài và không bao giờ thỏa mãn với những điều họ đã được xem thấy. Có phép lạ nầy họ sẽ đòi xem thêm phép lạ khác. Như lời Ngài phán trong câu chuyện người giàu xấu nết và La-xa-rơ: “… Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng chịu thuyết phục vậy.”“Phước cho những ai chưa thấy mà đã tin!” (Lu-ca 16:31b; Giăng 20:29b).

Qua bài học Đức Chúa Jesus hai lần dọn sạch đền thờ, lần thứ nhất vào những ngày đầu khi Ngài thi hành chức vụ trên đất và lần thứ hai là trước khi Ngài chịu thương khó, chúng ta rút ra được bài học về ý nghĩa thuộc linh như sau:

Ý nghĩa thuộc linh:

– Tình yêu vô bờ của Thiên Chúa bày tỏ qua hai lần Đức Chúa Jesus dọn sạch đền thờ. Mặc dù biết rõ tấm lòng cứng cỏi của họ nhưng Đức Chúa Jesus vẫn nhẫn nại cáo trách, phán dạy. Mục đích muốn cất đi điều làm ngăn trở sự tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa và dân sự. Ngài nhân từ ban cơ hội cho những ai lầm lạc biết ăn năn sửa chữa sai lầm để Ngài luôn ngự giữa họ, làm Thiên Chúa của họ, đời đời yêu thương, tha thứ, dẫn dắt và tuôn đổ phước hạnh thiêng liêng dư dật trên đời sống của họ.

– Thiên Chúa yêu thương, chậm giận giàu ơn tha thứ nhưng Ngài là thành tín, công bình và thánh khiết. Ngài không kể kẻ có tội là vô tội. Và tất cả những sự phước lành và sự đoán phạt rao ra từ miệng Ngài không có điều chi là không thành toàn trong kỳ của nó. Vì vậy chúng ta không được xem thường sự sửa phạt của Ngài.

– Thiên Chúa là Đấng biết rõ mọi sự. Ngài không cần ai làm chứng về người nào bởi Ngài biết rõ tư tưởng ý định trong tấm lòng sâu kín của con người. Cho nên không có tội lỗi nào là giấu kín trước mặt Thiên Chúa.

Áp dụng vào cuộc sống:

– Chúng ta phải luôn tỉnh thức dọn sạch ra khỏi đời sống của chúng ta từ tâm thần, linh hồn đến thể xác tất cả những điều ô uế, những điều không đẹp lòng Chúa và không làm tôn vinh danh Chúa, để thân thể chúng ta luôn thánh sạch xứng đáng là nơi Thiên Chúa tôn nghiêm ngự.

– Chúng ta phải hằng tra xét xem mình có để cho chúa của lòng và chúa của thế gian làm cho u mê, mù mắt và làm cho lòng chúng ta ra cứng cỏi? Khi được Chúa dùng anh chị em nhắc nhở cáo trách tội lỗi của mình thì chúng ta có từng lên mình kiêu ngạo hỏi bởi quyền phép nào mà anh chị làm điều đó hoặc là chúng ta đòi phải chính Chúa ấn chứng thì mới tin và chịu phục chăng?

 – Chúng ta có luôn kính sợ Thiên Chúa và ý thức được rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa. Chúng ta có để cho những lời nói dối, những lời bông lơn diễu cợt tầm phào không xứng đáng ra khỏi môi miệng mình, những ý nghĩ tà dâm, tham lam, độc ác, những hành động gây hao tổn đến sức khỏe và làm cho ô uế thân thể là đền thờ nơi Chúa ngự như tập tành hút thuốc, uống rượu.. và những điều gì giống như vậy. Thì qua ý nghĩa lời Chúa phán dạy trong bài học Đức Chúa Jesus hai lần dọn sạch đền thờ hôm nay, hãy tỉnh thức ăn năn và sửa chữa sai lầm ngay lập tức. Bởi vì hễ ai phá hủy đền thờ của Thiên Chúa thì Ngài sẽ phá hủy họ như Lời Chúa phán được chép trong sách I Cô-rinh-tô 3:16-17cũng là ý chính trong câu gốc mà các con học thuộc hôm nay: 

“Các anh chị em chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao? Nếu có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.”.

Nguyện Lời Chúa giúp các con có tấm lòng nhu mì, khiêm nhường, tỉnh thức biết lắng nghe, ghi nhớ và áp dụng lời Chúa phán dạy vào cuộc sống để các con luôn dọn mình là nơi Chúa ngự ra thánh sạch, sẵn sàng chờ đợi ngày Cứu Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta trở lại đón chúng ta vào nơi vinh quang phước hạnh bên cạnh Ngài đời đời. Và nguyện cho dân tộc I-sơ-ra-ên, đất nước I-sơ-ra-ên mà Chúa đã chọn giữa muôn dân trong thế gian làm một dân tộc thánh biệt riêng cho ngài cùng hết thảy mỗi một chúng con đây là con dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, là con cháu trong đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham, của Y-sác, của Gia-cốp, và là con dân của Chúa, vì chúng con là ruộng Thiên Chúa cày và là nhà Thiên Chúa xây được ứng nghiệm như lời Chúa phán rằng: 

“Ta sẽ ngự giữa dân I-sơ-ra-ên, chẳng hề bỏ I-sơ-ra-ên, là dân Ta. Nguyện mắt của Chúa ngày và đêm đoái xem nhà này, là chỗ mà Chúa đã phán rằng: Danh Ta sẽ ngự tại đó, để nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa…” (I Các Vua 6:13 và 8:29a).

Nguyện mọi vinh quang, vinh hiển, quyền phép, sự cao quý và hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng.

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
GraceNguyen

09/03/2019