Grace Nguyễn
Priscilla Trần
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDQwOTUwOTVf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA
“Các ngươi hãy ăn năn, vì Vương Quốc Trời đã đến gần!”
(Ma-thi-ơ 3: 2)
PHẦN I: CÂU CHUYỆN CHỨC VỤ GIẢNG ĐẠO CỦA GIĂNG BÁP-TÍT (MA-THI-Ơ 3:1-12, MÁC 1:1-8, LU-CA 3:1-18, GIĂNG 1:19-28).
Lu-ca 3:1-20
1 Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm thống đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em ruột của ông làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len,
2 An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm, thì có Lời của Thiên Chúa truyền cho Giăng, con của Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng.
3 Ông đi qua tất cả các miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội,
4 như lời đã chép trong sách đấng tiên tri Ê-sai rằng: Có tiếng kêu la trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài.
5 Mọi nơi sũng thấp sẽ lấp cho đầy, Các núi các gò thì bị hạ xuống; Đường quanh co thì làm cho ngay, Đường gập ghềnh thì làm cho bằng;
6 Và mọi xác thịt sẽ thấy sự cứu của Đức Chúa Trời.
7 Vậy, Giăng nói với đoàn dân đến để chịu mình làm phép báp-tem rằng: Hỡi dòng dõi rắn độc, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau?
8 Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta; vì ta nói với các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được.
9 Cái búa đã để kề gốc cây; bất cứ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.
10 Chúng hỏi Giăng rằng: Vậy thì chúng tôi phải làm gì?
11 Người đáp rằng: Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy.
12 Cũng có những người thu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?
13 Người nói rằng: Đừng đòi chi ngoài số luật định.
14 Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng lừa dối ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình.
15 Bởi dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy đều tự hỏi trong lòng nếu Giăng phải là Đấng Christ chăng,
16 nên Giăng cất tiếng nói với mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.
17 Tay Ngài sẽ cầm nia mà rê thật sạch sân lúa của mình. Ngài sẽ thu lúa mì vào kho của Ngài; nhưng Ngài sẽ đốt trấu trong lửa chẳng hề tắt.
18 Trong khi Giăng rao giảng, thì cũng khuyên bảo dân chúng nhiều điều nữa.
19 Nhưng Hê-rốt, vua chư hầu, đã bị Giăng can gián về việc Hê-rô-đia vợ của em ruột mình, cùng về các điều ác vua đã làm,
20 thì lại thêm một điều ác nữa, là bắt Giăng bỏ tù.
PHẦN II: CHÚ THÍCH
-
Sê-sa: là danh hiệu của vua La-mã thời bấy giờ.
-
Chư hầu: là một từ xuất phát từ tiếng Hán dùng để chỉ trạng thái các vua của nước nhỏ bị phụ thuộc, phải phục tùng một vua nước lớn mạnh hơn.
-
Thầy tế lễ thượng phẩm: là chức vụ cao nhất của những người giữ trách nhiệm phục vụ trong đền thờ của Đức Chúa Trời trong thời kỳ cựu ước. Theo luật cựu ước thì chỉ có con cháu của A-rôn mới được phép giữ chức thầy tế lễ cho dân Y-sơ-ra-ên. (
An-ne và Cai-phe là hai cha con)Cai-phe là con rể của An-ne và cả hai cha con đều là 2 thầy tế lễ thượng phẩm. -
Giăng Báp-tít: người tên Giăng làm báp-tem cho người khác.
-
Đồng vắng: là nơi không có người ở nhưng vẫn có thú rừng, cây cối và cỏ dại. Không giống như sa mạc đầy cát thường có các loại cây xương rồng và cỏ gai.
-
Ăn năn: đau khổ về tội lỗi của mình và không muốn phạm tội nữa; nhưng nếu chúng ta chỉ ăn năn thôi thì vẫn chưa được cứu rỗi mà cần phải tiếp nhận và tin vào sự chết chuộc tội vì chúng ta của Đức Chúa Jesus Christ.
-
Can gián: Can = cầu xin; gián = khuyên bảo. Can gián là khuyên bảo xin ai đó làm hoặc không làm một điều gì đó.
PHẦN III: CÂU HỎI
- Tiên tri nào đã nói tiên tri về chức vụ giảng đạo của Giăng Báp-tít?
- Giăng Báp-tít ăn gì, mặc gì?
- Giăng Báp-tít đã giảng điều gì?
- Giăng Báp-tít giảng đạo ở đâu? Và ai đã đến với ông?
- Phép Báp-tem của Giăng Báp-tít khác với phép báp-tem của con dân Chúa thời nay như thế nào?
- Vì sao Giăng Báp-tít bị ở tù
- Vì sao chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta qua câu chuyện về chức vụ giảng đạo của Giăng Báp-tít?
PHẦN IV: TÓM TẮT CÂU CHUYỆN
-
Lời Chúa trong sách Ê-sai đã ứng nghiệm về một tiên tri sẽ xuất hiện và giảng đạo trong đồng vắng.
-
Đời sống khiêm tốn, giản dị và hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời của Giăng Báp-tít.
-
Giăng giảng về Đấng quyền phép sẽ đến, là Đức Chúa Jesus Christ. Ngài đem sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho loài người và Ngài sẽ làm phép Báp-tem bằng thánh linh cho những ai ăn năn tội.
-
Giăng rao giảng tin lành và kêu gọi mọi người ăn năn xưng tội, đừng hà hiếp, lừa dối, và tham lam, mà hãy biết hết lòng yêu thương, san xẻ những gì mình đang có cho người khác và cũng đừng tự hào rằng mình là dòng dõi Áp-ra-ham vì Đức Chúa Trời có thể khiến đá sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được.
-
Những người cứng lòng không biết kính sợ và vâng phục Đức Chúa Trời thì họ sẽ ngày càng lún sâu vào việc làm ác, tội lỗi sẽ chồng thêm tội lỗi giống như vua chư hầu Hê-rốt. Hậu quả kết cuộc là họ sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt như những cây không kết quả thì sẽ bị Đức Chúa Trời đốn mà chụm trong lửa đời đời không bao giờ tắt.
PHẦN IV: ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG
- Đức Chúa Trời là thành tín, những lời Ngài phán truyền cho nhân loại, qua mọi thời đại bởi các đấng tiên tri của Ngài, luôn luôn được ứng nghiệm một cách mầu nhiệm theo thánh ý của Ngài. Khi chúng ta tin và chú ý lắng nghe lời Chúa, sống tỉnh thức trong sự kính sợ Ngài để được hưởng những phước hạnh theo thánh ý của Ngài, hay sẽ phải chịu sự đoán phạt do mải mê chạy theo đời nầy làm ra những điều ác, những điều chống nghịch Ngài, thì chương trình và ý định của Chúa cũng sẽ không bao giờ thay đổi vì “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Đức Chúa Trời còn lại đời đời.” Lời Chúa trong sách Ê-sai 40:8; I Phi-e-rơ 1:24-25 đã dạy chúng ta như vậy.
- Là con dân của Chúa chúng ta cũng hãy có nếp sống giản dị theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Chúng ta phải biết luôn vui thỏa với những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống, đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, không tham lam, không than van, so bì, nhìn lên hay thèm muốn những gì không thuộc về mình, không được Chúa ban cho mình. Vì có đôi khi qua hoàn cảnh khó khăn Chúa cho phép xảy ra để thử thách đức tin và dạy cho chúng ta biết thương yêu đồng cảm với người khác. Còn khi chúng ta được Chúa ban đầy đủ ơn phước hơn người khác, thì chúng ta phải biết yêu thương san xẻ, nhín nhút phần mình đang có để chia sẻ cùng với người khác. Đặc biệt là đối với anh chị em trong Chúa của mình. Lời Chúa dạy chúng ta trong sách Ga-la-ti 6:2 “Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” Chúng ta cũng phải luôn biết hạ mình khiêm nhu vâng phục mọi điều phán dạy của Chúa. Vui mừng trong việc chu toàn ý chỉ của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta trong mọi nghịch cảnh. Chúng ta cần phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn mà Giăng Báp-tít đã nói rất rõ cho chúng ta biết cách thực hiện những điều đó: “Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có, và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy” (Lu-ca 3:11). Nếp sống đẹp lòng Chúa, thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với Chúa, chính là thể hiện đức tin một cách hoàn toàn khi hết lòng sống, làm theo những điều răn pháp luật của Chúa và thể hiện được tình yêu với người lân cận qua những việc làm cụ thể. Vì Lời của Chúa trong sách Ma-thi-ơ 22: 37-40 có chép: “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”
- Ăn năn không phải chỉ là cảm thấy hối tiếc về những lỗi mình đã phạm mà còn phải biết từ bỏ và kiên quyết không tái phạm nữa.
Ví dụ:
– Trước đây, chúng ta cố gắng học và làm bài thật tốt, giúp đỡ người khác để được tiếng khen tặng. Còn giờ, chúng ta làm mọi việc vì chúng ta muốn cha mẹ vui lòng vì chúng ta vâng lời Chúa và muốn có nếp sống đẹp lòng Chúa.
– Trước đây, chúng ta sống và làm mọi việc vì lợi ích của mình, bây giờ chúng ta hiến dâng cuộc sống của mình để làm mọi việc sao cho luôn tôn cao danh Chúa, mang lại lợi ích và sự gây dựng cho người khác vì muốn hết lòng phụng sự Chúa.
– Trước kia chúng ta làm mọi việc theo ý mình, không muốn vâng theo mệnh lệnh của người khác, bây giờ chúng ta hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi sự.
Một khi chúng ta hết lòng hướng về Chúa thì trong từng suy nghĩ, hành động và cách ứng xử của chúng ta trong cuộc sống cũng sẽ thay đổi và dẫn dắt chúng ta đi đến mục đích chính duy nhất đó là có một đời sống thánh khiết, yêu thương, công bình giống như hình và ảnh của Chúa, làm của lễ có thức hương thơm kính dâng lên Chúa đẹp lòng Chúa. Đó cũng chính là mục đích của chức vụ giảng đạo của Giăng Báp-tít được Đức Chúa Trời dành cho những ai sẵn lòng ăn năn từ bỏ tội lỗi và con người xưa cũ để đến với tình yêu và ánh sáng sự cứu rỗi của Ngài. Vậy chúng ta chỉ cần biết ăn năn tội lỗi và không tái phạm tội lỗi nữa là đã được sự cứu rỗi phải không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vì trong thế gian có nhiều người ăn năn những việc làm sai trái của họ nhưng họ lại thờ hình tượng và các tà thần mà không biết tin nhận và thờ phượng Chúa. Họ đã làm điều ác lớn nhất là không biết thờ phượng Đấng đã dựng nên mình, ban cho mình hơi thở và mọi ơn phước trong cuộc sống thì sự cuối cùng của họ cũng là sự hư mất. Cũng một lẽ ấy, nếu chúng ta tin nhận và thờ phượng Chúa nhưng lại không hết lòng từ bỏ tội, không có kết quả xứng đáng với sự ăn năn thì chúng ta cũng sẽ bị Đức Chúa Trời chặt bỏ chúng ta và chụm trong lửa đời đời không bao giờ tắt của Ngài.
- Ngoài ra, là con dân của Chúa chúng ta cũng phải luôn biết mạnh dạn, thẳng thắn dùng lẽ thật lời Chúa để khuyên nhủ, can ngăn và đưa dắt những người lân cận trở về với sự cứu chuộc của Ngài trong sự dẫn dắt của Chúa, trở về với con đường chính đáng đó là thờ phượng Chúa – Đấng Chân Thần duy nhất mà thôi.
- Còn khi chúng ta được Chúa ban nhiều ơn phước lớn lao trong cuộc sống, chúng ta cũng không vì vậy mà lên mình kiêu ngạo, tự cao rằng mình là con cái của Chúa, được Chúa yêu, hiểu biết Lời Chúa rồi có thái độ thiếu sự tôn trọng, thiếu lòng thương xót đối với những người chưa biết Chúa hay có hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta. Qua câu chuyện Thánh Kinh chúng ta nhận thấy Giăng Báp-tít không những là người có nếp sống giản dị mà ông còn là một tấm gương cho chúng ta noi theo về lòng khiêm tốn, sự hạ mình và luôn biết tôn cao danh Chúa của ông trong cuộc sống và trong khi thi hành chức vụ. Chính câu nói: “Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài” (Lu-ca 3: 16). Khi có sự hiểu lầm hoặc được sự khen tặng, ngưỡng mộ của những người chung quanh trước những ơn phước, những ân tứ, những phép lạ mà Chúa đã ban cho chúng ta, chúng ta cần phải thẳng thắn và lập tức giải thích rõ mọi chuyện, phải kính dâng mọi vinh hiển lên Thiên Chúa là Đấng quyền phép, chính Ngài đang ban ơn và cai quản trên đời sống của chính chúng ta cùng muôn loài. Phải làm rõ và hướng sự ca ngợi tôn vinh về Đức Chúa Trời yêu kính của chúng ta trong mọi sự cho đến đời đời vô cùng vì chỉ nhờ có Chúa mà chúng ta mới có được những sự ấy.
CỦA LỄ DÂNG LÊN CHÚA:
1/ Các con hãy kể câu chuyện về việc mình đã từng vâng lời Chúa dạy, đã biết vui thỏa với những điều Chúa ban
2/ Các con hãy kể những việc các con đã làm để tôn vinh Chúa. Một việc về sự hạ mình khiêm nhu yêu thương giúp đỡ, rao giảng lời Chúa, hoặc cầu thay cho người khác trong cuộc sống.
Grace Nguyễn
Priscilla Trần
27/08/2016