Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/d/MV8xMDkzMTcyNjdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
“Hãy nhớ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó.”
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8)
8 Hãy nhớ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó.
9 Ngươi hãy lao động và làm hết công việc mình trong sáu ngày;
10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi; ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, hoặc khách ở trong các cửa của ngươi.
11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.
Bài Giảng
Bác Tim mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học về điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:12-15. Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải nhớ đến ngày Sa-bát và phải thánh hóa ngày ấy. Đây là điều răn thường bị con dân Chúa vi phạm nhất.
Ngày Sa-bát
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của danh từ Sa-bát. Trong tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ được dùng để ghi chép Thánh Kinh Cựu Ước, danh từ “sa-bát” có nghĩa là nghỉ ngơi, không lao động, không làm việc để kiếm sống bao gồm việc mua bán, không làm việc để tạo tiện nghi cho cuộc sống bao gồm các việc xây dựng và sửa chữa.
Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta “hãy nhớ ngày Sa-bát” vì ngay từ ban đầu, khi thế gian được sáng tạo, chính Thiên Chúa đã lập ra ngày Sa-bát sau sáu ngày Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật, và ban phước cho ngày ấy. Đó là ngày thứ bảy, hợp với sáu ngày sáng tạo, làm thành một tuần lễ bảy ngày, như chúng ta có ngày hôm nay:
“Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày thứ bảy Ngài nghỉ mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ mọi việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:1-3).
Ngày thứ nhất còn được gọi là “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” không phải là ngày Sa-bát. Trong tiếng Hán Việt, “chủ” và “chúa” đều cùng một nghĩa là đứng đầu, hoặc cầm quyền, hoặc cai trị. “Nhật” là ngày. Vậy, “Chủ Nhật” hoặc “Chúa Nhật” là ngày đứng đầu của một tuần lễ, tức là ngày Thứ Nhất. Cách gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là “Chủ Nhật” hoặc “Chúa Nhật” là cách gọi của người Trung Quốc mà người Việt chúng ta bắt chước gọi theo. Cách gọi đó không có trong Thánh Kinh. Tương tự như cách gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế” (Vua Trên Cao) cũng là cách gọi của người Trung Quốc mà người Việt bắt chước theo. Thánh Kinh không hề gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế.” Danh từ “Thượng Đế” đã được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và Việt Nam dùng để gọi các tà thần, chúng ta không nên dùng để gọi Thiên Chúa. Thánh Kinh không hề dạy rằng ngày Sa-bát Thứ Bảy đã đổi sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật hoặc Chúa Nhật. Thánh Kinh cũng không bao giờ gọi ngày Thứ Nhất là ngày Sa-bát.
Ngày của Chúa
Trong Thánh Kinh chỉ có danh từ “ngày của Chúa” để chỉ về ngày Thiên Chúa phán xét thế gian. Nhưng Thánh Kinh nhiều lần gọi ngày Sa-bát, tức là ngày Thứ Bảy trong tuần, là “ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu,” “ngày Sa-bát của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu;” [1]. Chính Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là “ngày Sa-bát Ta” [2]. Thánh Kinh không bao giờ gọi ngày Thứ Nhất là ngày của Thiên Chúa.
Chính Đức Chúa Jesus Christ xưng nhận: Ngài là Chúa của ngày Sa-bát, tức là ngày Sa-bát thuộc về Ngài và Ngài chính là Thiên Chúa đã gọi ngày Sa-bát là “ngày Sa-bát của Ta” [2] trong Cựu Ước:
“Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5).
Đức Chúa Jesus Christ đã dựng nên ngày Sa-bát vì “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật gì đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1:3). Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của ngày Sa-bát, ngày Sa-bát thuộc về Ngài, đã được Ngài thánh hóa và ban phước. Vì thế, không ai có quyền thay đổi hoặc bỏ đi ngày Sa-bát của Chúa.
Mục Đích của Ngày Sa-bát
Mục đích chính của sự Chúa dựng nên ngày Sa-bát, tức là ngày “nghỉ lao động,” là để thân thể của loài người và gia súc được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động mệt mỏi; đồng thời để loài người được nhóm hiệp, thông công với nhau, và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, cùng nhau đón nhận các ơn phước từ Thiên Chúa:
“Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” (Mác 2:27).
Lời Chúa phán rõ: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” chứ không phải chỉ vì riêng dân tộc I-sơ-ra-ên. Vì thế, ơn phước của ngày Sa-bát được ban cho mọi dân tộc, sự nghỉ lao động trong ngày Sa-bát được áp dụng cho mọi dân tộc, sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát là bổn phận của mọi dân tộc.
Thời Gian của Ngày Sa-bát
Ngày Sa-bát bắt đầu từ khi mặt trời vừa khuất bóng vào chiều Thứ Sáu và kéo dài cho đến khi mặt trời khuất bóng vào chiều Thứ Bảy. Vì thời điểm mặt trời khuất bóng ở các nơi trên mặt đất không giống nhau, và cho dù cùng một địa điểm nhưng thời điểm mặt trời khuất bóng cũng khác nhau mỗi mùa, thậm chí có khi là mỗi ngày; cho nên, chúng ta có thể chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Sáu, là thời điểm trung bình mặt trời khuất bóng tại Giê-ru-sa-lem, làm thời điểm bắt đầu ngày Sa-bát và chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy làm thời điểm kết thúc ngày Sa-bát.
Lời Chúa dạy con dân Chúa giữ ngày Sa-bát trong những nơi họ ở, nên con dân Chúa có thể theo ngày giờ địa phương để giữ ngày Sa-bát:
“Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).
Không Ai Có Quyền Đổi Hoặc Bỏ Ngày Sa-bát
Vì ngày Sa-bát thuộc về Chúa, Chúa là chủ của ngày Sa-bát, cho nên không một ai có quyền đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, tức ngày Thứ Nhất, hay là bỏ đi sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn thứ tư. Các giáo hội dạy rằng, vì Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại vào ngày Thứ Nhất nên ngày Sa-bát đã chuyển từ ngày Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ đã không bị đóng đinh vào chiều một ngày Thứ Sáu và sống lại vào sáng sớm của một Chủ Nhật như các giáo hội dạy. Sự thật là Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh vào sáng một ngày Thứ Tư, chết vào lúc chiều, sống lại vào chiều một ngày Thứ Bảy, rồi hiện ra cho các môn đồ vào sáng Chủ Nhật. Ngài đã thật sự ở trong lòng đất đúng ba ngày và ba đêm y theo lời tiên tri của Ngài (Ma-thi-ơ 12:40). Các chi tiết trong Thánh Kinh và trong lịch sử La-mã đã xác định ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh [3].
Cho dầu Đức Chúa Jesus Christ có sống lại vào Chủ Nhật thì đó cũng không là lý do để bất cứ ai tự ý đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa phải nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa kỷ niệm sự phục sinh của Chúa vào Chủ Nhật. Thậm chí, Thánh Kinh cũng không hề dạy con dân Chúa phải kỷ niệm sự giáng sinh hay sự phục sinh của Chúa, mà chỉ truyền cho con dân Chúa phải kỷ niệm sự chết của Chúa qua Tiệc Thánh. Quan trọng hơn hết là Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa ngưng tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy! Trái lại, chính Đức Chúa Jesus Christ dạy dân I-sơ-ra-ên hãy cầu nguyện để ngày AntiChrist tấn công thành Giê-ru-sa-lem sẽ không xảy ra vào một ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 24:20). Thánh Kinh cũng cho biết trong Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, con dân Chúa khắp nơi trên đất vẫn nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát:
“Những ngày Sa-bát và những ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).
Chúng ta để ý rằng, Lời Chúa nói “dân sự của đất,” là bao gồm muôn dân trên đất, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên.
Nhớ Ngày Sa-bát
Nhớ ngày Sa-bát có nghĩa là, hãy nhớ rằng, ngày Sa-bát có từ ban đầu khi Chúa mới dựng nên các tầng trời và đất; hãy nhớ rằng chính Chúa đã dựng nên ngày Sa-bát và ban phước cho ngày Sa-bát; hãy nhớ rằng chính Chúa cũng nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát; hãy nhớ rằng ngày Sa-bát là của Chúa.
Điều răn thứ tư không thiết lập ngày Sa-bát mà là truyền cho chúng ta nhớ đến ngày Sa-bát đã được Thiên Chúa lập ra từ khi sáng thế, và truyền cho chúng ta thánh hóa ngày ấy.
Thánh Hóa Ngày Sa-bát
Thánh hóa ngày Sa-bát có nghĩa là chúng ta biến ngày Sa-bát thành một ngày thánh, một ngày thuộc về Chúa, được chúng ta dùng theo thánh ý của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta nghỉ lao động kiếm sống, nghỉ lao động tạo tiện nghi cho cuộc sống. Sự lao động mà Chúa muốn chúng ta nghỉ trong ngày Sa-bát bao gồm cả việc mua bán, xây dựng, sửa chữa. Nhưng Chúa không hề cấm chúng ta làm những việc lành trong ngày Sa-bát, như: cứu một gia súc bị nạn, chữa bệnh cho một người (Ma-thi-ơ 12:10-12).
Ngoài việc ngưng lao động trong ngày Sa-bát, chúng ta còn phải nhóm hiệp với nhau để thờ phượng Chúa. Trong Hê-bơ-rơ 10:25 ghi lại mệnh lệnh của Chúa, dạy rằng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm lại:
“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và anh em thấy ngày ấy càng gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Trong suốt Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ truyền cho chúng ta nhóm lại vào trong các ngày Sa-bát. Thánh Kinh không hề truyền cho con dân Chúa phải nhóm hiệp vào Chủ Nhật hay là một ngày nào khác, không phải là ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội. Tiếc thay, ngày nay có biết bao nhiêu người xưng mình là con dân Chúa mà họ không nhớ đến ngày Sa-bát, không tôn thánh ngày Sa-bát, không nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. Trái lại, họ vẫn lao động và kiếm tiền trong ngày Sa-bát.
Kết Luận
Không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Phạm điều răn của Đức Chúa Trời tức là phạm tội. Phạm tội mà không ăn năn thì sẽ không được Chúa tha tội. Người không được Chúa tha tội thì phải bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.
Chúng ta là những con dân chân thật của Chúa, chúng ta nhớ ngày Sa-bát của Chúa, tức là ngày Thứ Bảy, và thánh hóa nó, tức là chúng ta không lao động kiếm sống, không lao động xây cất hoặc sửa chữa, không mua bán trong ngày Sa-bát; nhưng chúng ta cùng nhau nhóm hiệp để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, cùng nhau làm những việc lành trong danh Chúa.
Huỳnh Christian Timothy
12/09/2015
Ghi Chú
[1] Xuất Ê-díp-tô Ký 16:25; 20:10; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:14; Nê-hê-mi 9:14;
[2] Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13; Lê-vi Ký 19:3; Ê-sai 56:4; 58:13; Ê-xê-chi-ên 20:12-13, 16, 20-21, 24; 22:8, 26; 23:38; 44:24.
[3] http://thanhoc.timhieutinlanh.net/?p=217