Grace Christian
Điều Răn Thứ Tư của Đức Chúa Trời
“Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày; nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:12).
Ý Nghĩa, Nguồn Gốc và Mục Đích Của Ngày Sa-bát
Trong tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ được dùng để ghi chép Thánh Kinh Cựu Ước, danh từ “Sa-bát” có nghĩa là nghỉ ngơi, không lao động, không làm việc để kiếm sống bao gồm việc mua bán, không làm việc để tạo tiện nghi cho cuộc sống bao gồm các việc xây dựng và sửa chữa.
Sách Sáng Thế Ký 2:3 và Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11 cho chúng ta biết Thiên Chúa “ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh” cho nên ngày Sa-bát, hay ngày nghỉ chính là ngày thứ bảy trong tuần lễ.
Nếu xét theo tổng quát về nội dung và ý nghĩa của mười điều răn, chúng ta sẽ thấy ba điều răn đầu nói đến bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên họ và giải cứu họ. Sáu điều răn sau nói đến bổn phận của loài người đối với nhau. Riêng điều răn thứ tư vừa là bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa vừa là bổn phận của loài người đối với chính mình. Đối với Thiên Chúa, ngày Thứ Bảy được biệt riêng làm ngày thánh để loài người tương giao với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, được Ngài ban phước một cách đặt biệt. Đối với loài người, trong ngày Thứ Bảy họ được nghỉ lao động, được tạm gác những khó nhọc trong đời sống lại để nhận lấy ơn phước đặc biệt Chúa ban trong sự gần gũi tương giao với Chúa và thông công với nhau.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận như sau:
– Ngày Sa-bát được chính Đức Chúa Trời dựng nên trong công trình sáng tạo trời đất.
– Ngày Sa-bát được thiết lập trước khi điều răn và luật pháp được ban hành.
– Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần lễ.
– Ngày Sa-bát được Đức Chúa Trời ban phước và đặt làm ngày thánh, tức là một ngày biệt riêng ra.
– Ngày Sa-bát có nghĩa là ngày nghỉ làm việc.
– Ngày Sa-bát được dựng nên vì loài người, cũng như trời đất và muôn vật được dựng nên vì loài người.
– Thiên Chúa là Chúa của ngày Sa-bát.
Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta “Hãy nhớ ngày Sa-bát” vì ngay từ ban đầu khi thế gian được sáng tạo, chính Thiên Chúa đã lập ra ngày Sa-bát sau sáu ngày Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật, và ban phước cho ngày ấy. Đó là ngày thứ bảy hợp với sáu ngày sáng tạo làm thành một tuần lễ bảy ngày như chúng ta có ngày hôm nay:
“Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất. Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:1-3).
Ngày Thứ Nhất còn được gọi là “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” không phải là ngày Sa-bát. Trong tiếng Hán Việt, “chủ” và “chúa” đều cùng một nghĩa là đứng đầu, hoặc cầm quyền, hoặc cai trị, “nhật” là ngày. Vậy “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” là ngày đứng đầu của một tuần lễ, tức là ngày Thứ Nhất. Cách gọi ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” là cách gọi của người Trung Quốc mà người Việt bắt chước theo. Cách gọi đó không có trong Thánh Kinh. Tương tự như cách gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế” cũng là cách gọi của người Trung Quốc và người Việt bắt chước theo. Thánh Kinh không hề gọi Thiên Chúa là “Thượng Đế”. Danh từ Thượng Đế đã được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và Việt nam dùng để gọi các tà thần, chúng ta không nên dùng để gọi Thiên Chúa. Thánh Kinh không hề dạy rằng ngày Sa-bát Thứ Bảy đã đổi sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật hay Chúa Nhật. Thánh Kinh cũng không bao giờ gọi ngày Thứ Nhất là ngày Sa-bát.
Đức Chúa Jesus Christ đã dựng nên ngày Sa-bát. Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của ngày Sa-bát, ngày Sa-bát thuộc về Ngài, đã được Ngài thánh hóa và ban phước. Vì thế, không ai có quyền thay đổi hoặc bỏ đi ngày Sa-bát của Chúa.
Mục đích chính của sự Chúa dựng nên ngày Sa-bát, tức là ngày “nghỉ lao động” để thân thể của loài người và gia súc được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động mệt mỏi, đồng thời để loài người được nhóm hiệp thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, cùng nhau đón nhận các ơn phước từ Thiên Chúa.
“Ngày Sa-bát đã được làm nên vì loài người, không phải loài người được làm nên vì ngày Sa-bát.” (Mác 2:27).
Lời Chúa phán rõ: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” chứ không phải chỉ vì riêng dân tộc I-sơ-ra-ên. Vì thế, ơn phước của ngày Sa-bát được ban cho mọi dân tộc, sự nghỉ lao động trong ngày Sa-bát được áp dụng cho mọi dân tộc, sự nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Sa-bát là bổn phận của mỗi dân tộc.
Ngày Sa-bát bắt đầu từ khi mặt trời vừa khuất bóng vào chiều Thứ Sáu và kéo dài cho tới khi mặt trời khuất bóng vào chiều Thứ Bảy. Vì thời điểm mặt trời khuất bóng ở các nơi trên mặt đất không giống nhau. Vậy nên chúng ta có thể chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Sáu là thời điểm trung bình mặt trời khuất bóng tại Giê-ru-sa-lem là thời điểm bắt đầu ngày Sa-bát và chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy làm thời điểm kết thúc ngày Sa-bát.
Lời Chúa dạy con dân Chúa giữ ngày Sa-bát trong những nơi họ ở, nên con dân Chúa có thể theo ngày giờ địa phương để giữ ngày Sa-bát.
“Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê Vi Ký 23:3)
Thánh hóa ngày Sa-bát có nghĩa là chúng ta biến ngày Sa-bát thành một ngày thánh, một ngày thuộc về Chúa, được chúng ta dùng theo thánh ý của Chúa. Ngài muốn chúng ta nghỉ lao động kiếm sống, nghỉ lao động tạo tiện nghi cho cuộc sống. Nhưng Chúa không hề cấm chúng ta làm những việc lành trong ngày Sa-bát như cứu một gia súc bị nạn, chữa bệnh cho một người. (Ma-thi-ơ 12:10-12).
Ngoài việc ngưng lao động trong ngày Sa-bát, chúng ta còn phải nhóm hiệp với nhau để thờ phượng Chúa. Mệnh lệnh của Chúa, dạy rằng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm lại:
“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Phạm điều răn của Đức Chúa Trời tức là phạm tội. Phạm tội mà không ăn năn thì sẽ không được Chúa tha tội. Người không được Chúa tha tội thì phải hư mất đời đời trong hỏa ngục.Chúng ta là những con dân của Chúa, chúng ta nhớ ngày Sa-bát của Chúa, tức là ngày Thứ Bảy và thánh hóa nó, không lao động kiếm sống, không xây cất hoặc sửa chữa, không mua bán trong ngày Sa-bát. Nhưng chúng ta cùng nhau nhóm hiệp để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa, cùng nhau làm những việc lành trong danh Chúa.
Bảy Điều Quan Trọng Chúa Dạy về Ngày Sa-bát
1/ Thiên Chúa ban thức ăn cho con dân Chúa gấp hai vào ngày Thứ Sáu để chúng ta không phải làm việc kiếm sống vào ngày Thứ Bảy.
“Hãy xem! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, ngày Thứ Sáu Ngài cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Ngày Thứ Bảy, mỗi người phải ở lại trong chỗ của mình, không người nào đi ra khỏi nhà.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29).
Câu “mỗi người phải ở lại trong chỗ của mình, không người nào đi ra khỏi nhà.” có nghĩa là ở yên, không đi ra khỏi nhà để kiếm ăn, chứ không phải hoàn toàn không được ra khỏi nhà. Bởi vì trong ngày Sa-bát con dân Chúa vẫn ra khỏi nhà đi nhóm hiệp thờ phượng Chúa theo lệnh truyền của Thiên Chúa, làm các việc lành như Đức Chúa Jesus Christ đã làm. Ngày nay, những người sống bằng nghề nông thì không nên canh tác trong ngày Sa-bát, những người lao động làm thuê làm mướn hoặc mua bán thì không nên làm việc hoặc mua bán trong ngày Sa-bát, đối với những công nhân làm việc trong các hãng xưởng thì phải yêu cầu chủ cho mình được nghỉ làm trong ngày Sa-bát. Chắc chắn Chúa sẽ ban đủ nhu cầu mỗi ngày cho chúng ta khi chúng ta vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa. Chúa sẽ mở đường cho chúng ta có một việc làm không phạm ngày Sa-bát, nếu chúng ta hết lòng tin cậy và phó thác cuộc sống mình trong bàn tay của Chúa. Đây là vấn đề đức tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta có tin rằng Chúa có quyền năng để bảo vệ và chăm sóc chúng ta hay không? Chúng ta có yêu Chúa đủ để hy sinh, để chịu khổ và ngay cả chịu chết để vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa hay không? Hãy thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa và tình yêu của chúng ta đối với Ngài, thì Ngài sẽ bày tỏ quyền năng và phép lạ của Ngài trên chúng ta. Đặc biệt những người là các nghề như quân lính, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế là những nghề liên quan đến phúc lợi chung, có tính cách chăm sóc, bảo vệ, cứu giúp thì có thể thay phiên nhau để làm việc trong ngày Sa-bát, vì trong ngày Sa-bát được phép làm việc lành. Tuy nhiên tiền lương trong ngày đó nên tặng hết cho người nghèo khó khốn cùng. Đó cũng là một việc lành.
2/ Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là Lễ Nghỉ và truyền cho con dân Chúa nghỉ lao động để nhóm hiệp trong ngày Sa-bát.
“Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi-ký 23:3).
Đức Thánh Linh truyền con dân Chúa chớ bỏ qua sự nhóm lại mỗi ngày Sa-bát:
“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.” (Hê-bơ-rơ 10:25-26).
Chỉ cần nói dối mà không ăn năn thì sẽ ở trong hỏa ngục. Vậy, nếu người vi phạm ngày Sa-bát mà không ăn năn thì sẽ ra sao?
Những người vi phạm ngày Sa-bát là những người làm cho ngày Sa-bát bị ô uế, nên chính họ cũng trở thành ô uế đáng gớm ghiếc. Những người vi phạm ngày Sa-bát còn là những người không tin nơi Lời Chúa, họ trở thành những kẻ chẳng tin. Những người vi phạm ngày Sa-bát cũng có thể vì hèn nhát, không dám sống theo Lời Chúa, vì sợ sự bắt bớ. Phần của những kẻ hèn nhát, chẳng tin, đáng gớm ghiếc là hỏa ngục.
“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta” (Ê-sai 56:6).
“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu huỳnh. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải-huyền 21:8).
Vì vậy, con dân Chúa không nên bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát để thông công cùng nhau và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa.
3/ Thiên Chúa gọi sự giữ ngày Sa-bát là dấu hiệu đời đời dành cho con dân của Ngài, để tỏ ra họ là một dân thánh.
“Ngươi hãy nói với con cháu của I-sơ-ra-ên rằng: Thật! Các ngươi sẽ giữ những ngày Sa-bát của Ta, vì đó là một dấu giữa Ta và các ngươi, trải qua các đời, để biết rằng, Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thánh hóa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13).
“Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát của Ta để làm một dấu giữa Ta và chúng nó, để chúng nó biết rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biệt chúng nó ra thánh.” (Ê-xê-chi-ên 20:12).
4/ Thiên Chúa gọi ngày Sa-bát là của Ngài. Vì thế, không ai có quyền thay thế hay hủy bỏ ngày Sa-bát.
5/ Tất cả những ai không thuộc dân I-sơ-ra-ên, khi tin nhận Thiên Chúa đều vâng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa.
“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6-7).
6/ Thiên Chúa truyền lệnh cho con dân Chúa phải giữ những ngày Sa-bát của Ngài và tôn kính đền thờ Ngài.
“Các ngươi sẽ giữ những ngày Sa-bát của Ta và tôn kính Nơi Thánh của Ta. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi-ký 19:30).
“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì Đền Thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).
Vì thế mỗi ngày Sa-bát chúng ta phải nghỉ ngơi lao động, để cho thân thể chúng ta được nghỉ ngơi và cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa.
7/ Thiên Chúa hứa ban phước cho những ai giữ ngày Sa-bát.
“Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).
Thiên Chúa hứa ban những ơn phước đặc biệt cho những ai vâng giữ ngày Sa-bát của Ngài. Những ai không vâng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa thì không được hưởng các ơn phước ấy.
Cách giữ ngày Sa-bát
Không nên làm:
– Mọi người và mọi súc vật không nên làm việc trong ngày Sa-bát. Không lao động kiếm sống kể cả trồng trọt, chăn nuôi, gặt hái, dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa, nhặt củi để đun bếp…
– Không mua bán trong ngày Sa-bát.
– Không mang vác nặng trong ngày Sa-bát.
– Không làm theo ý riêng.
– Không bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát.
Nên làm:
– Nhóm hiệp để thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa trong ngày Sa-bát.
– Dâng hiến lên Chúa trong ngày Sa-bát.
– Đọc Lời Chúa trong ngày Sa-bát.
– Giảng Lời Chúa trong ngày Sa-bát.
– Làm những việc lành.
Nguyện Đức Thánh Linh ban ơn dạy dỗ các con và giúp cho các con ngày càng có tấm lòng yêu mến Lời Chúa, có sự hiểu biết Lời Chúa và luôn hết lòng làm theo Lời Chúa.
Trong ân điển yêu thương của Đấng Christ Jesus! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi,
Cô, Grace Christian.
Ngày 09/12/2023
(Bài chia sẻ dựa trên sự giảng dạy của người chăn Huỳnh Christian Timothy)