Đức Chúa Jesus Chịu Báp-tem

HIẾU NHI TÌM HIỂU THÁNH KINH

https://timhieuthanhkinh.com/thieunhi

Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TLTN011:Đức Chúa Jesus Chịu Báp-tem

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến!

Hôm nay chúng ta tiếp tục học về Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay chúng ta sẽ học đến bài: Đức Chúa Jesus Chịu Báp-tem. Tuần trước chúng ta đã cùng nhau học đến sự kiện Chúa Jesus được mười hai tuổi. Để học bài mới thì chúng ta sẽ ôn lại bài cũ bằng hình thức trả lời câu hỏi.

1/ Đức Chúa Jesus cùng ba mẹ đi lên thành tên là gì?
A/ Giê-ru-sa-lem

B/ Ca-bê-na-um

C/ Cả hai điều sai

Đáp án: A

2/ Lúc này Chúa Jesus được mấy tuổi?

A/ Mười tuổi

B/ Mười một tuổi

C/ Mười hai tuổi

D/ Chín tuổi

Đáp án: C

3/ Khi ba mẹ trở về thì Chúa Jesus có theo về không? Nếu không thì Ngài ở lại làm gì?

A/ Có theo về.

B/ Không theo về, ở lại để chơi cùng bạn bè.

C/ Không theo về, ở lại trong đền thờ vừa nghe vừa hỏi các nhà thông giáo.

D/ Không theo về, ở lại để làm việc riêng của Ngài.

Đáp án: C

4/ Đức Chúa Jesus ở lại để lo việc của ai?

A/ Lo việc của Cha

B/ Lo việc cho ông Giô-sép và bà Ma-ri

C/ Lo việc riêng của Ngài

Đáp án: A

5/ Đức Chúa Jesus đã trả lời với ba mẹ Ngài như thế nào? Điền vào ô trống.

Ngài đã thưa với họ: Sao mà các người kiếm con? Các người chẳng biết rằng, … trong những việc của Cha con sao? (Lu-ca 2:49).

A/ Con phải có mặt

B/ Con phải ở lại đây

C/ Con ở đây

Đáp án: A

6/ Sau bài học Chúa Jesus lúc mười hai tuổi thì con đã làm được những việc gì để lo việc của Chúa? 

Vừa qua chúng ta đã cùng nhau ôn lại bài học trước chúng ta học về Chúa Jesus lúc Ngài 12 tuổi. Hôm nay chúng ta học về Chúa Jesus chịu Báp-tem. Lúc này Chúa Jesus đã được 30 tuổi. 

Ma-thi-ơ 3:13-17

13 Thế rồi, Đức Chúa Jesus từ Ga-li-lê đến với Giăng, tại sông Giô-đanh, để chịu báp-tem bởi người.

14 Tuy nhiên, Giăng đã ngăn cản Ngài, thưa rằng: Tôi có nhu cầu được báp-tem bởi Ngài mà Ngài lại đến với tôi?

15 Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với người: Bây giờ, cứ làm! Vì như vậy, ấy là chúng ta làm trọn mọi sự công chính. Vậy, người đã chiều ý Ngài.

16 Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền trỗi dậy khỏi nước. Kìa, các tầng trời đã được mở ra trên Ngài. Ngài đã thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.

17 Kìa, có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Con ấy, Ta đã thỏa lòng!

Lễ Báp-tem là gì. 

Ý nghĩa và mục đích thứ nhất của Lễ Báp-tem theo lệnh truyền của Đức Chúa Jesus Christ, là: để người chịu báp-tem “được tha tội”, sau khi đã ăn năn tội; và để người chịu báp-tem “được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh”:

Lời Chúa dạy rõ: Phải làm báp-tem cho người tin Chúa trước khi dạy Lời Chúa cho họ và một người phải chịu báp-tem rồi mới được tha tội và nhận lãnh Đức Thánh Linh!

Ý nghĩa mà cũng là mục đích thứ nhì của Lễ Báp-tem theo lệnh truyền của Đức Chúa Jesus Christ là: để người tin Chúa chết đi con người cũ và sống lại thành một người mới trong Đấng Christ

Một người đón nhận phép báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ là người ấy tự nguyện cùng chết với Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cái bản ngã tội lỗi của mình. Nói cách khác, người ấy cùng bị đóng đinh với Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, để trả giá cho tất cả các tội lỗi trong cuộc đời của người ấy. Tuy nhiên, nhờ có Đức Chúa Jesus Christ cùng chết cho tội lỗi của người ấy, mà người ấy được cơ hội tái sinh thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ.

Hình thức dìm mình hoàn toàn xuống dưới mặt nước tiêu biểu cho tội lỗi bị hình phạt bởi sự chết trên thân thể xác thịt của tội nhân. Sự ra khỏi nước tiêu biểu cho sự tội nhân được cứu từ trong sự chết, bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, mà được cùng sống lại với Đức Chúa Jesus Christ. Chính nhờ đức tin vào trong lời hứa của Đức Chúa Trời về sự ăn năn tội để được tha tội qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà một người được Đức Chúa Trời xưng là có lương tâm tốt, biết đáp ứng Lời Chúa.

Đức Chúa Jesus đã bảo Giăng Báp-tít cứ làm báp-tem cho Ngài. Sự Giăng Báp-tít làm báp-tem cho Đức Chúa Jesus và sự Đức Chúa Jesus chịu được báp-tem bởi ông là việc làm công chính đối với ông và đối với Chúa. Đó là vì không phải Giăng Báp-tít báp-tem Đức Chúa Jesus vào trong sự ăn năn; mà là ông báp-tem Ngài vào trong chức vụ của Đấng Christ, báp-tem Ngài vào trong sự gánh chịu án phạt của tội lỗi thay cho toàn thể loài người, báp-tem Ngài vào trong sự chết và sự sống lại.

“Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh” [1].

[Trích:]

Hình ảnh Đức Chúa Jesus trầm mình dưới dòng nước của sông Giô-đanh tiêu biểu cho sự Ngài chết thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại, dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha. Đức Thánh Linh nhắc cho chúng ta nhớ, sự tương quan giữa phép báp-tem bằng nước trong Đấng Christ và sự Đức Chúa Trời đoán phạt thế gian tội lỗi trong Cơn Nước Lụt (I Phi-e-rơ 3:20-21).

Hình ảnh Đức Chúa Jesus ra khỏi nước tiêu biểu cho sự phục sinh vinh hiển sau khi chết của Ngài. Sự chết không có quyền trên Ngài. Ngài đắc thắng và cầm quyền trên sự chết (Khải Huyền 1:18).

Hình ảnh Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu giáng đậu trên Đức Chúa Jesus tiêu biểu cho sự Đức Chúa Cha ban cho thần quyền, tức thánh linh, vô giới hạn (Giăng 3:34), trên con người xác thịt Jesus để Ngài thi hành công vụ của đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua; là ấn chứng Ngài là Đấng được xức dầu, tức Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh.

Vì thế, phép báp-tem Đức Chúa Jesus chịu tại sông Giô-đanh là phép báp-tem vào trong chức vụ, vào trong thần quyền.

Còn ngày nay chúng ta chịu phép Báp-tem là chúng ta được tha tội và nhận lãnh Đức Thánh Linh! để người tin Chúa chết đi con người cũ và sống lại thành một người mới trong Đấng Christ.

Nói tóm lại sự Chúa Jesus chịu phép Báp-tem ý nghĩa khác với chúng ta. Đức Chúa Jesus báp-tem Ngài vào trong chức vụ của Đấng Christ, báp-tem Ngài vào trong sự gánh chịu án phạt của tội lỗi thay cho toàn thể loài người, báp-tem Ngài vào trong sự chết và sự sống lại.

Vì Đức Chúa Jesus không có bị di truyền tội lỗi. Còn ngày nay chúng ta là những người bị di truyền tội lỗi bởi tổ phụ là ông A-đam và bà Ê-va nên chúng ta chịu phép báp-tem để được tha tội, được nhận Đức Thánh Linh để chết đi con người tội lỗi, sống lại con người mới. 

Những ai có thể làm lễ Báp-tem là những người thật lòng tin Chúa nhận biết rõ tội lỗi. Các con là những thiếu nhi có ba mẹ tin Chúa nhưng đến độ tuổi các con có thể nhận biết rõ về đức tin của mình, hiểu rõ ý nghĩa của lễ Báp-tem, thật lòng tin Chúa thì các con có thể nhờ ba mẹ làm lễ báp-tem cho mình, hoặc các trưởng lão ở Hội Thánh địa phương. Thông thường thì từ 12 tuổi trở lên các con đã nhận thức rõ thì các đã có thể làm báp-tem. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus christ.

Ghi chú:

[1] https://timhieuthanhkinh.com/y-nghia-cac-phep-bap-tem-trong-thanh-kinh/