Lê Như Yến
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.opendrive.com/files/MV85Mzk5NTA0MV9IcG5oc19mMDAw/20150502_LNY_HanhTrinhThuNhatCuaPhao-lô.pdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Bài Giảng
Kính chào Hội Thánh!
Mến chào các em thiếu nhi!
Một tuần lại trôi qua, và chúng ta cùng được nhóm họp với nhau, thờ phượng Chúa và học Lời của Ngài. Sau ngày Sa-bát tuần trước, chị có suy nghĩ một điều, tại sao chúng ta không học Thánh Kinh như các em học môn lịch sử, địa lý ở lớp, chúng ta học có sự tương tác, không chỉ đơn giản là một người giảng và những người còn lại nghe. Vì vậy, hôm nay các em hãy cầm sẵn cuốn Thánh Kinh trên tay, và cùng học “Hành trình thứ nhất của Sứ Đồ Phao-lô” dựa theo bản đồ 7 và Công Vụ Các Sứ Đồ từ chương 13 đến 14. Các em hãy trả lời các câu hỏi của chị bằng cách gõ ở dưới nhé. Trong quá trình nói, chị sẽ gõ câu Thánh Kinh lên.
Trước tiên, chị hỏi, khi đọc Thánh Kinh, đến những đoạn liệt kê tên người và tên địa danh, các em có nắm bắt được nhiều không? Các em có bao giờ vừa đọc hành trình của Phao-lô và vừa áp vào bản đồ xem Phao-lô đi truyền giáo như thế nào không? Hành trình truyền giáo thứ nhất với Ba-na-ba và Mác (tức Giăng) vào năm 46-48 sau công nguyên, có đường màu đen. Biển lớn trên bản đồ này chính là biển Địa Trung Hải ngày nay. Chúng ta bắt đầu hành trình nhé.
Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1 “Trong Hội Thánh tại thành An-ti-ốt có mấy người tiên tri và mấy thầy giáo sư, tức là: Ba-na-ba, Si-mê-ôn gọi là Ni-giê, Lu-si-út người Sy-ren, Ma-na-hem là người đồng dưỡng với vua chư hầu Hê-rốt, cùng Sau-lơ.”
Sau-lơ tức Phao-lô, như vậy, địa điểm đầu tiên trong hành trình của Phao-lô giảng Tin Lành ra dân ngoại là An-ti-ốt, áp với bản đồ, các em đã thấy A-ti-ốt ở vùng số 2 chưa? Hiện nay, vùng này nằm trong nước Syria, một đất nước khá quen thuộc đúng không? Nước này nằm ở Tây Á.
Công Vụ Các Sứ Đồ 13:4 “Vậy, Sau-lơ và Ba-na-ba đã chịu Đức Thánh Linh sai đi, bèn xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ.”
Ứng với bản đồ, họ bắt đầu đi ra đảo, nay là đi từ lục địa Syria ra đảo Síp, các em nghe về đảo Síp chưa? Là một quốc đảo Âu-Á nằm ở phí đông Địa Trung Hải. Trên đảo này, Phao-lô giảng tại thành Sa-la-min và Ba-phô nằm ven biển, hiện nay là hai khu vực có tên khác, nhưng vì ranh giới không rõ ràng, nên chị không thể khẳng định tên hai khu vực này. Trong lần giảng này, Chúa đã đưa Sê-giúp Phau-lút trở lại đạo.
Công Vụ Các Sứ Đồ 13:13 ”Phao-lô với đồng bạn mình xuống thuyền tại Ba-phô, sang thành Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly.”
Áp với bản đồ, ông trở lại đất liền, đi theo hình vòng cung, xứ Bam-phi-ly hiện nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nước này phần lớn thuộc Tây Á, một phần thuộc Đông Nam Âu và thành Bẹt-giê nằm trong vùng này, quá quen thuộc đúng không? Như vậy, ông đi từ Syria qua đảo Síp và đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông không đi trong đất liền, mà đi qua biển, trong chuyến này, họ lìa Giăng.
Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14 ”Về phần hai người, thì lìa thành Bẹt-giê, cứ đi đường đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, rồi nhằm ngày Sa-bát, vào trong nhà hội mà ngồi.”
Như vậy, có hai thành đều tên An-ti-ốt ở hai nơi khác nhau, thành An-ti-ốt này thuộc xứ Bi-si-đi, nay là Thổ Nhĩ Kỳ, đọc đến đây, chúng ta lại có thêm chứng cớ về sự nhóm họp ngày Sa-bát.
Công Vụ Các Sứ Đồ 14:1 ”Tại thành Y-cô-ni, Phao-lô và Ba-na-ba cùng vào nhà hội của người Giu-đa, và giảng một cách đến nỗi có rất nhiều người Giu-đa và người Gờ-réc tin theo.”
Thành Y-cô-ni cũng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, tại đây, Phao-lô đã mang lại rất nhiều trái ngọt cho Chúa, dù cũng bị nhiều người nghịch cùng. Sau cùng, ông cùng Ba-na-ba đến thành Ly-cao-ni, là thành Lít-trơ, và thành Đẹt-bơ.
Công Vụ Các Sứ Đồ 14:6 ”thì hai sứ đồ đã biết trước, bèn trốn tránh trong các thành xứ Ly-cao-ni, là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và miền chung quanh đó.”
Đây cũng là địa điểm cuối trên hành trình đầu tiên của Phao-lô, nơi này cũng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Qua bài này, chúng ta rút ra hai bài học. Vậy chuyến đi của ông như hình vòng cung, từ đất liền ra đảo, từ đảo vào đất liền.
Chuyến đi tuy gặp nhiều gian khổ, bị bắt bớ, nhưng điều quan trọng là cứu được rất nhiều người. Ông thực sự đã hy sinh thân mình, chịu khổ, rao giảng bằng tình yêu thật. Phao-lô chính là tấm gương sáng về cuộc đời một con người biết hy sinh. Nhưng không phải chúng ta chịu kham khổ, ép mình vào khổ hình, mà điều này Chúa cảm động từng người. Các em hãy xem kĩ bản đồ và sách Công Vụ Các Sứ Đồ đề hiểu rõ chuyến đi của Phao-lô hơn nữa, chứ không chỉ là đọc hời hợt, lướt qua. Những vùng đất này thực chất rất quen thuộc với chúng ta ngày nay, hãy học Thánh Kinh như học địa lý, lịch sử trên trường học của các em vậy, thực sự rất ý nghĩa. Còn ba cuộc hành trình nữa, nhưng chị cần phản hồi từ các em để có tiếp tục hay không. Bởi, giảng một cách sâu nhiệm về Thánh Kinh như người chăn giảng và giảng về các vấn đề xã hội như những bài trước của chị có sự khác nhau, để giảng về những sự kiện trong Thánh Kinh, cần có kiến thức tốt và hiểu chính xác. Bài của chị hôm nay cũng chỉ như một bài thuật lại, chưa có nhiều sự phân tích kĩ càng. Nên chị mong được sự góp ý của các em.
Cảm tạ Chúa, cảm ơn các em đã lắng nghe.
Lê Như Yến
02/05/2015