Hãy Vì Sự Vinh Hiển Của Thiên Chúa

Đặng Thái Học

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjI2ODAyNzdf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác,
hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.”

(I Cô-rinh-tô 10:31)

Bài Giảng

Xin kính chào Hội Thánh, và bác Học mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu Thiên Chúa.

Các cháu thân mến,

Cảm tạ Chúa, bác rất vui được gặp lại các cháu trong trong buổi nhóm Thiếu Nhi Tìm Hiểu Thánh Kinh hôm nay. Các cháu có biết, tại sao chúng ta lại vui mừng như vậy không? Chúa dạy chúng ta:

“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và anh em thấy ngày ấy càng gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Như vậy, được nhóm họp, thông công thờ phượng Chúa, học biết thêm Lời Ngài là một phước hạnh lớn đối với chúng ta.

Bây giờ, chúng ta cùng nhau học Lời Chúa, với chủ đề “Hãy Vì Sự Vinh Hiển Của Thiên Chúa” Câu Thánh Kinh này rất cần thiết cho chúng ta thực hành nếp sống tin kính trong Chúa.

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” ( I Cô-rinh-tô 10:31).

Chúa là Đấng thật diệu kỳ, công trình tạo dựng nên trời đất muôn vật, muôn loài trong sáu ngày của Ngài vượt quá mọi tri thức của loài người. Trong đó, có sự tạo ra bóng tối và ánh sáng “Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày thứ ba (Sáng-thế-Ký 1:13). Nếu chỉ có ánh sáng (ngày) mà không có bóng tối (đêm) hoặc thời gian giữa ban ngày và ban đêm chênh lệch lớn hơn hoặc nhỏ hơn… Ví như ngày dài, đêm ngắn… và ngược lại thì vạn vật trên trái đất này sẽ ra sao? Khó, hoặc không thể tồn tại. Các cháu có biết, từ nơi trái đất chúng ta đang sống này, nếu xích lại gần mặt trời hơn một chút thì sự sống sẽ ra sao? Và nếu Chúa đặt để nó xa mặt trời hơn một chút thì điều gì sẽ xảy ra? Sức nóng thiêu đốt, hoặc cái lạnh băng giá bao phủ… mọi vật thọ tạo đều không thể tồn tại được? Cảm tạ Chúa vì mọi sự Ngài tạo nên đều tốt lành trọn vẹn.

Hằng ngày, sau một đêm ngủ nghỉ, khi bình minh lên, cũng là lúc chúng ta thức dậy đón chào một “buổi sáng tươi mới,” cũng là lúc chúng ta bắt đầu đối diện với những nan đề trong cuộc sống:

“Hoặc ăn, hoặc uống” Chúng ta ăn như thế nào? Có cần phải ăn uống cầu kỳ, bày vẽ, tìm đến những nơi ăn ngon nổi tiếng, ăn sang, hoặc vào các ngày, như ngày thứ nhất (thế gian gọi là chủ nhật – Chúa nhật – ngày của Chúa) thường nghỉ việc, các cháu có nhu cầu cùng cha mẹ bỏ ra nhiều thời gian đi tìm mua sắm nhu cầu ăn uống cách nô lệ cho thể xác?

“Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Để cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.” (Thi Thiên 90:12).

Rồi khi có đồ ăn uống lạ miệng, ngon lành thì sao? Chúng ta có ăn uống “tiết độ” hay chỉ nhắm vào ăn cho thỏa thích, bất chấp hậu quả, sinh ra tham ăn uống vô độ?

“Nhưng trái của Đấng Thần Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22).

“Hay là làm sự gì khác” là bao gồm mọi suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động của chúng ta đều trong sự giám sát nghiêm ngặt của Thiên Chúa.

Suy nghĩ: Chúa là Đấng thông biết mọi sự.

“Vì Lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Lời nói: Chúng ta có cân nhắc trước khi nói ra điều gì không? Lời này có làm tổn thương, gây cớ vấp phạm, chia rẽ …

Gia-cơ 3:6-10

6 Cái lưỡi là một ngọn lửa, là thế giới của tội ác. Cái lưỡi ở giữa các chi thể của chúng ta, làm ô uế cả thân thể, đốt cháy cả đời người, và nó bị đốt bởi hỏa ngục.

7 Hết thảy loài muông thú và loài chim chóc, loài bò sát và loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi.

8 Nhưng cái lưỡi thì không người nào có thể trị phục được nó. Nó là một vật dữ không thể bị trị phục, đầy dẫy những chất độc giết chết.

9 Bởi nó chúng ta tôn vinh Thiên Phụ chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

10 Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh em của tôi, không nên như vậy.

Thay cho những điều trái ý Chúa trên đây, chúng ta cần áp dụng lời Ngài, trong câu Thánh Kinh dưới đây để sự vinh quang của Chúa – Hào quang của Ngài luôn tỏa sáng qua đời sống mình:

“Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, để cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thế nào.” (Cô-lô-se 4:6).

“Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.” (Gia-cơ 3:2).

Cử chỉ: Đôi khi, có thể chúng ta thể hiện cử chỉ thân ái, nhưng điều đó có xuất phát từ tấm lòng hay không, chưa nói đến có khi lại dành cho người lân cận sự thô lỗ, bạo nghịch, hèn hạ, hèn nhát… Vì điều gì không ra bởi tấm lòng là có tội.

Thái độ: Nhiều lúc, có thể chúng ta không tỏ ra bằng lời nói, nhưng qua cử chỉ, thái độ toát lên con người cách thật chính xác. Thiếu tôn trọng người khác, tự ái – yêu mình. Chúa dạy: chúng ta phải tôn trọng, yêu thương  người ngoại như chính mình. Yêu thương anh em trong Chúa hơn bản thân mình.

Hành động: Luật thế gian xét hành động làm cơ sở kết án, nhưng luật Chúa lấy từ tư tưởng, lời nói, cử chỉ, thái độ, đến hành động để xét đoán loài người.

“vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:8).

Chừng nào chúng ta còn sống nơi thế gian, lẽ tất nhiên chúng ta còn được đối diện với thử thách. Chịu đựng thử thách là một phần nền tảng đức tin của Cơ Đốc nhân chân thật, khiến chúng ta trở nên trọn vẹn theo thánh ý Chúa.

Hết thảy mọi người muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus, thì sẽ bị bắt bớ.” (II Ti-mô-thê 3:12).

Sự vui mừng, tin cậy, tha thứ là một phần nền tảng đức tin của Cơ Đốc nhân, giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh qua mối tương giao với Chúa và suy gẫm Lời Ngài.

Hãy để cuộc sống chúng ta biến đổi bằng cách ghi nhớ Thánh Kinh!

Chúng ta biết tình yêu của Đức Chúa Jêsus Christ – như con nai cái đã nếm qua và vẫn thèm khát khe nước, thì chúng ta càng khát khao, càng ao ước được múc, được uống nước của những dòng suối càng sâu hơn, càng dồi dào hơn của tình yêu Ngài. Nếu chúng ta không muốn hiểu biết Ngài rõ ràng hơn thì điều đó có nghĩa là chúng ta chưa hề yêu Ngài, bởi vì tình yêu luôn luôn đòi hỏi: Gần hơn, càng gần hơn nữa! Như trong bài Thánh ca, có câu: “Dẫu phải mang cây thập tự, càng gần Chúa hơn.” Vắng bóng Ðấng Christ là hỏa ngục; nhưng hiện diện của Chúa Jêsus là thiên đàng. Có Ngài là có Thiên Đàng, có Ngài là có tất cả!

Chúng ta có làm được điều Chúa muốn hay không? Câu trả lời là: Có, chúng ta biết chắc mình sẽ làm được điều này, vì chúng ta có Đức Chúa Cha toàn năng hằng hữu, chúng ta có Đức Chúa Jesus Christ ở cùng, y như Lời Ngài đã phán trước khi Ngài thăng thiên, rằng Ngài vẫn “ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế.” Chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng chúng ta, Đấng an ủi, soi sáng dẫn dắt chúng ta trên mọi nẻo đường theo Chúa. Lại khẳng định rằng, chúng ta làm được điều Chúa muốn, vì:

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Chúng ta làm gì để đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa, cho xứng đáng với ân điển của Ngài?

Sống công bình, thánh khiết, yêu thương, như bản tính của Thiên Chúa là Công Bình, Thánh Khiết, Yêu Thương vậy. Amen!

Bài học hôm nay đến đây là kết thúc. Bác chúc các cháu luôn an vui, học biết thêm lời Chúa mỗi ngày, suy ngẫm và cẩn thận làm theo Lời Ngài răn dạy. Bác cảm ơn các cháu!

Đặng Thái Học
14/11/2015