Grace Nguyễn
Cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ thể hiện tình yêu cao cả, vĩ đại của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người ở giữa chúng ta trong thế gian, chịu sự cám dỗ, hoạn nạn, bắt bớ, đánh đập, sỉ nhục và bị giết như tội nhân trong xác thịt yếu đuối, để gánh thay cho loài người hình phạt của sự phạm tội.
Nhờ đó, bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì đượcThiên Chúa tha tội, làm cho sạch tội, và ban cho thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa, để có thể sống thánh khiết và hạnh phúc trong Chúa.
Người tin nhận Chúa là người đáp lại bảy lời kêu gọi sau đây của Chúa.
- “Các ngươi hãy ăn năn vì Vương Quốc Trời đã đến gần!”
Ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên loài người trọn vẹn, tốt lành theo hình và ảnh của Ngài. Ngài ban phước, ban năng lực và quyền tự do để họ vui hưởng hạnh phúc và quản trị muôn loài. Nhưng tổ phụ chúng ta đã chọn không tin cậy và chống nghịch Thiên Chúa dẫn đến hậu quả: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài.” II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9.
Để có thể thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, chúng ta phải tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và thật lòng ăn năn tội.
Sự ăn năn Chúa nói đến ở đây chính là lòng đau thương thống hối của chúng ta về những tội lỗi đã làm ra trong cuộc đời và con người xưa cũ của mình, quyết tâm từ bỏ, không còn ưa thích hay suy nghĩ và hành động tội để thỏa mãn những nhu cầu, ham muốn bất chính. Luôn biết cảnh giác, tránh xa và sẵn sàng trả giá để không phạm tội nữa. Trong trường hợp do vô tình, thiếu hiểu biết hay yếu đuối mà phạm tội thì phải ngay lập tức ăn năn xưng tội mình, cầu nguyện kính xin Chúa tha thứ và ban năng lực để chúng ta không tái phạm.
Người hết lòng ăn năn là người gớm ghét tội lỗi, yêu thích sự công bình, thánh khiết của Chúa. “Là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.” Ê-phê-sô 4:24 cho chúng ta biết như vậy.
Người thật sự ăn năn là người bằng lòng từ bỏ quyền làm chủ chính mình, để mời Chúa ngự vào làm Vua, làm Chủ, làm Chúa trên cuộc đời mình, dâng tâm thần, linh hồn và thể xác của mình như một của lễ sống và thánh có thức hương thơm lên Thiên Chúa, để tôn vinh và chiếu rạng sự vinh hiển của Chúa qua việc hết lòng suy gẫm, cẩn thận làm theo mọi lời Ngài phán dạy. Chỉ khi nào chúng ta đáp ứng lời kêu gọi “Hãy ăn năn!” của Chúa thì chúng ta mới trải nghiệm được sự bình an, phước hạnh diệu kỳ của nước Đức Chúa Trời ở ngay trong lòng mình, có năng lực để nghe và bước đi theo những lời kêu gọi kế tiếp của Ngài.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy nêu thí dụ về sự ăn năn tội.
- “Hãy theo ta!”
Sau khi Đức Chúa Jesus Christ chịu sự cám dỗ, thử thách và kiêng ăn bốn mươi ngày, đêm trong đồng vắng. Khởi sự chức vụ, Ngài tìm và chọn lựa các môn đồ, dạy dỗ, huấn luyện, ban năng lực và quyền phép để họ trở nên những hạt giống cho chương trình rao giảng Tin Lành trong muôn dân. Các môn đồ đầu tiên là Phi-e-rơ và em mình là Anh-rê cùng Gia-cơ và Giăng đã lật đật bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả người nhà của mình mà đi theo Chúa khi nghe tiếng Ngài gọi: “Hãy theo ta!”.
Ngày nay, chúng ta đã đáp lời và đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng chúng ta theo Chúa bằng cách mà Ngài muốn, hay chúng ta đang đi bằng sức lực, sự khôn ngoan và theo ý riêng của mình? Đi theo Chúa là chúng ta noi gương và cùng bước trên con đường mà Chúa đã đi qua, để trở nên như hình bóng của Ngài, có nghĩa là từ bỏ chính mình, từ bỏ những điều mình yêu thích nghịch lại với ý Chúa, để học theo Chúa, sống, suy nghĩ và làm giống như Chúa đã làm, yêu những điều Chúa yêu, ghét những điều Chúa xem là gớm ghiếc và tội lỗi, vâng phục, phó thác trọn vẹn tâm thần, linh hồn và cuộc sống của mình cho Chúa, vui thỏa trong các điều răn, pháp luật của Ngài. Vì biết rằng các điều răn, pháp luật Thiên Chúa ban, chính là để giữ gìn và bảo vệ chúng ta bình an trên con đường phước hạnh mà Chúa muốn chúng ta đi. Đi theo Chúa là chúng ta bằng lòng bỏ lại con người của những ngày tháng xưa cũ, kẻ nô lệ cho quyền lực tội lỗi nơi tối tăm, để đến nơi ánh sáng công nghĩa và sự sống của Chúa, mặc lấy con người mới tái sinh thánh khiết trong tình yêu và ân điển lạ lùng của Ngài. Để được đồng hành cùng Chúa và ở mãi mãi trong ân điển của Ngài, chúng ta phải mang lấy ách của Chúa và học theo Chúa. Chính là lời kêu gọi tiếp theo Đức Chúa Jesus Christ dành cho những ai bằng lòng bước đi theo Ngài.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy nêu thí dụ về sự theo Chúa.
- “Hãy mang lấy ách của ta và học theo ta!”
Lời Chúa phán: “Hãy đến cùng Ta! Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách của Ta là dễ chịu, gánh Ta là nhẹ nhàng.” Ma-thi-ơ 11:28-30
Mang lấy ách của Chúa là cùng làm việc với Chúa, học theo nếp sống hạ mình, khiêm nhu, yêu thương, tin kính và vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời.
Mang lấy ách của Chúa nghĩa là chúng ta suy nghĩ, hành động theo thánh ý của Chúa trong mọi sự, chứ không theo ý riêng của mình. Chính Đức Chúa Jesus làm gương cho chúng ta noi theo. Ngài hạ mình vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự công bình và thánh sạch, thậm chí trước gánh nặng khủng khiếp là sắp phải bị đóng đinh trên thập tự và chết như một người tội lỗi Ngài vẫn dâng lời cầu nguyện rằng: “… Xin ý Cha được nên!”
Mang lấy ách của Chúa nghĩa là chúng ta cùng đồng công, cùng liên kết với Ngài trong sự công bình, yêu thương, để chính Ngài sẽ thêm sức, ban năng lực và gánh gánh nặng cho chúng ta. Ngài chứng minh sự thành tín bằng chính thập hình Ngài mang thay chúng ta.
Mang lấy ách của Chúa là chúng ta đến trao cho Chúa những lo lắng, muộn phiền của cuộc đời đang trĩu nặng trên linh hồn và thể xác của chúng ta, đặc biệt là gánh nặng không ai trong chúng ta có thể mang nổi, đó chính là lòng mặc cảm, ăn năn và hậu quả về những tội lỗi mà mình đã làm ra, để mang lấy ách công bình, yêu thương, thánh khiết và sự yên nghỉ đời đời phước hạnh trong Chúa như lời Ngài mời gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”
Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi chúng ta hãy mang lấy ách của Ngài và học theo Ngài là để rèn luyện chúng ta trở thành một người lính giỏi của Ngài, biết quản trị chính mình và sẵn sàng làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta, để cùng Ngài vui hưởng và đồng trị Vương Quốc đời đời của Đức Chúa Trời. Việc lành lớn nhất là rao truyền Tin Lành Cứu Rỗi cho muôn dân và khiến họ trở nên môn đồ của Ngài.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy cho thí dụ về sự mang ách của Chúa và học theo Chúa.
- “Hãy soi sự sáng các ngươi trước mặt người ta!”
Chúa phán rằng các ngươi là muối của đất, là ánh sáng của thế gian. Vậy “Sự Sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành của các ngươi mà ngợi tôn Cha các ngươi ở trên trời.” Ma-thi-ơ 5:16.
Muối có tác dụng ngăn chặn sự hư hoại vì có tính sát khuẩn và làm tăng hương vị cho thực phẩm. Muối còn là chất xúc tác bảo đảm cho sự lan truyền tín hiệu của hệ thần kinh, điều chỉnh độ chứa nước làm cân bằng chất lỏng của cơ thể, làm tan băng tuyết và trong một số trường hợp muối còn được dùng để dập tắt lửa. . .
Ánh sáng đem sự sống. Cây cối cần có ánh sáng để tồn tại và phát triển, qua quá trình quang hợp cây thải khí Oxy là chất khí cần thiết cho con người và động vật hô hấp, duy trì sự sống. Nếu không có ánh sáng, con người và rất nhiều loài sinh vật không thể sống.
Thế giới vật chất không tồn tại và phát triển nếu thiếu muối và ánh sáng.
Người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ càng quan trọng hơn đối với nhân loại. Do đó Chúa ví sánh con dân Ngài như muối của đất và ánh sáng của thế gian.
Loài người sẽ không thể thoát khỏi sự chết đời đời về thuộc thể và thuộc linh nếu không có ánh sáng cứu rỗi và tình yêu của Thiên Chúa ban cho qua Đức Chúa Jesus Christ. Lời Chúa phán: “Ta là sự sáng của thế gian, người nào theo Ta, chẳng đi trong sự tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” Giăng 12:46.
Chúa muốn chúng ta là muối của đất là sự sáng của thế gian, nghĩa là chúng ta phải chiếu rạng ánh sáng vinh quang của Chúa, đem an bình, yêu thương, quyền năng cứu rỗi và sự sống của Ngài đến cho người khác. Chính nếp sống chuẩn mực theo lời Chúa trong sự công bình, yêu thương và thánh sạch của mỗi chúng ta sẽ là tấm gương soi rọi, thu hút, mời gọi nhiều người đến với Chúa để tin nhận, thờ phượng và tôn vinh Ngài
Đức Chúa Jesus Christ đã chết và sống cho chúng ta. Chúng ta hãy sống như muối của đất để đem yêu thương chữa lành, hàn gắn những đổ vỡ, băng hoại của nhân loại, như ánh sáng của thế gian soi sáng sự sống của Chúa vào nơi tối tăm của tội lỗi và sự chết.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy cho thí dụ về một đời sống chiếu sáng cho thế gian.
- “Hãy tỉnh thức!
Ngay khi Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh, còn là một hài nhi bé bỏng, yếu ớt, ma quỷ đã tìm cách giết Chúa qua bàn tay của vua Hê-rốt. Và khi Ngài chuẩn bị thi hành chức vụ, kẻ đứng đầu ma quỷ là Sa-tan lại xảo quyệt dùng chính lời của Đức Chúa Trời để tấn công, thử thách và xúi giục Ngài phạm tội. Chúng đã dụ dỗ Ngài nhảy khỏi nóc đền thờ hòng tiêu diệt Chúa một lần nữa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã trải qua những thử thách, tấn công khốc liệt từ ma quỷ nên Ngài hiểu rõ sự tàn bạo của chúng cùng sự yếu đuối của mỗi chúng ta. Chính vì vậy Đức Chúa Jesus Christ đã kêu gọi, nhắc nhở rằng: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ, tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối.” Mác 14:38. “Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.” Ma-thi-ơ 24:42. Và “Hãy tỉnh táo và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” IPhi-e-rơ 5:8.
Đức Chúa Jesus Christ ví sự tấn công của ma quỷ như một con sư tử hung hãn, đói mồi đang ngày đêm kiên nhẫn, rình mò, tìm mọi cách tấn công khi chúng ta yếu đuối, mệt mỏi và sơ hở nhất.
Về thuộc thể: Chúng ta phải tỉnh thức trước những nhu cầu, ham muốn của xác thịt như: ham ăn, ham chơi, ham được tiếng khen, ham được giàu sang, sung sướng theo thế gian hoặc ham muốn những điều không thuộc về mình. Ví dụ: Đòi hỏi cha mẹ mua cho mình chiếc áo mới giống như bạn, mặc dù chúng ta có đầy đủ hoặc rất nhiều áo đẹp rồi.
Về thuộc linh: Chúng ta càng phải hết sức giữ mình tỉnh thức trước những sự quyến dụ, tấn công, đánh phá từ ma quỷ và những thế lực đen tối. Ví dụ: Ma quỷ cài đặt người dẫn dạy chúng ta làm sai lời Chúa như là không giữ ngày Sabat mà đi làm kiếm tiền, đi chơi, xem phim thay vì dành thời gian tương giao, thờ phượng, học lời Chúa để giữ gìn ngày Sabat thánh của Chúa cho khỏi ô uế.
Ma quỷ và thế gian ghét Chúa và ghét chúng ta nên luôn tìm cách dụ dỗ, tấn công, đánh phá, cắn nuốt con dân Chúa. Mục đích làm cho Chúa đau lòng, làm cho chúng ta phạm tội, bị hư mất đời đời xa lìa Chúa. Vậy nên, chúng ta phải siêng năng học lời Chúa để hiểu biết ý Chúa, dùng lời Chúa làm vũ khí chiến cự lại với ma quỷ và các thế lực tà linh đen tối, giống như Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta đã làm gương cho chúng ta noi theo khi Ngài ở trên đất.
Hãy tỉnh thức có nghĩa là chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận của mình đối với nhau và đối với Chúa, bằng cách yêu thương, giúp đỡ, canh giữ, khuyên nhủ lẫn nhau sống đẹp lòng Chúa, ăn năn những lỗi lầm của mình, siêng năng học và thực hành lời Chúa trong nếp sống mỗi ngày, hết lòng làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta, sử dụng những ta lâng, ơn phước Chúa ban để hầu việc Chúa một cách hữu ích nhất theo thánh ý của Ngài. Đó là cách chúng ta biết dồn chứa của cải cho mình ở trên trời, cùng nhau tỉnh thức và dọn mình thánh sạch, hân hoan chờ đợi ngày Chúa đến.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy cho thí dụ về sự tỉnh thức.
- “Hãy vào cửa hẹp!”
“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” Ma-thi-ơ 7:13-14.
Các con thương mến! Thông thường con người luôn thích đi trên con đường rộng và các lối thênh thang vì bước trên con đường rộng cho người ta cảm giác tự do, vui vẻ, thoải mái và dễ dàng. Nhưng sao Đức Chúa Jesus Christ đã yêu đến nỗi hy sinh chịu chết vì chúng ta lại muốn chúng ta đi trên con đường hẹp và vào cổng chật?
Các con đã từng leo núi hoặc ngồi trên xe đi tham quan một nơi cao rồi chưa? Càng lên cao chúng ta càng thấy không gian mênh mông, đẹp đẽ và vô cùng hấp dẫn, nhưng nếu để ý các con sẽ nhận ra là để giữ an toàn, chúng ta luôn nối bước nhau lần lượt leo lên theo một con đường mòn hoặc xe sẽ chỉ chạy lên theo con đường hẹp đã có sẵn, chứ chúng ta không thể tự do đi hoặc chạy ra khỏi con đường theo ý thích của mình. Vì như vậy, không những chúng ta không đến được nơi muốn đến mà còn gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính mình và người khác.
Trên bước đường theo Chúa cũng vậy, Chúa kêu gọi chúng ta đi trên đường hẹp, cổng chật nhằm giữ cho chúng ta bình an trên con đường phước hạnh dẫn đến sự sống đời đời. Chúa muốn chúng ta không đi ra khỏi sự quan phòng và vòng tay yêu thương của Ngài bằng cách dạy chúng ta đi trên con đường đã được bảo vệ trong ranh giới an toàn bởi những điều răn, luật pháp của Ngài. Nhưng tại sao Chúa gọi là đường hẹp, cổng chật? Vì khi đi trên con đường đó chúng ta phải từ bỏ chính mình, phải thay đổi, phải buông bỏ những điều hấp dẫn đẹp đẽ thuộc về thế gian, buông bỏ những tiện nghi vật chất phù phiếm làm chúng ta chìm đắm vào sự ham mê xác thịt, buông bỏ sự tự ái, lòng kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ khiến chúng ta không yêu thương tha thứ, hy sinh và cầu nguyện cho người khác, ngay cả kẻ thù nghịch của mình.
Câu chuyện Thánh Kinh kể rằng: Có một người trẻ tuổi giàu có đến hỏi Đức Chúa Jesus Christ anh ta phải làm chi cho được sự sống đời đời?
Chúa đáp: “Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.”
Người trẻ đó thưa rằng: Tôi đã giữ đủ các điều nầy, còn thiếu chi cho tôi nữa?
Đức Chúa Jesus phán rằng: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo, rồi hãy đến mà theo ta.”
“Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy thì đi bộ buồn bực lắm, vì chàng có của cải nhiều lắm.”
Chúa dạy chúng ta: “Ngươi hãy hết lòng, hết ý, hết linh hồn mà yêu kính Thiên Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và hãy yêu người lân cận như mình.”
Trong câu chuyện trên, chàng trai trẻ có lòng yêu kính Chúa nên vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chàng không yêu người lân cận. Chàng vừa muốn được đi theo Chúa vào nước thiên đàng lại cũng vừa muốn nắm giữ sự giàu có thuộc về thế gian cho riêng mình. Chàng không hiểu rằng khi của cải ở đâu thì lòng cũng ở đó và không có giá trị so với sự phước hạnh mà chàng sẽ được Chúa ban nơi nước thiên đàng.
Đức Chúa Jesus Christ đã lìa bỏ nơi cao quý, xuống thấp, đi vào cửa hẹp vì chính mỗi một chúng ta. Vậy nên, nếu vẫn ôm mang những điều thuộc về thế gian và sống trong con người cũ, chúng ta không thể đồng hành cùng Chúa đi vào đường chật, cổng hẹp để trở nên trọn vẹn mà được gặp Đức Chúa Trời.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy cho thí dụ về sự vào cửa hẹp.
- “Hãy nên trọn vẹn!”
Lời Chúa phán: “Vậy nên, các ngươi hãy trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Ma-thi-ơ 5:48
Ngay khi tin nhận Đức Chúa Jesus Christ và chịu phép Báp-tem thì chúng ta được tái sinh thành một con người mới hoàn toàn thánh sạch, công bình trong Chúa, được Chúa đổ đầy Thánh Linh để có năng lực làm lành, sống đời sống thánh khiết vì chính Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở trên chúng ta, đi bên cạnh chúng ta và ở trong chúng ta để cáo trách, nhắc nhở, sửa trị, dạy dỗ, bảo vệ, giữ gìn và thánh hóa chúng ta mỗi bước, cùng đồng công trong quá trình làm cho chúng ta trở nên trọn vẹn như chính Ngài.
Ngày mới tin Chúa, chúng ta trọn vẹn khác với hiện tại, hôm qua chúng ta trọn vẹn khác với hôm nay, các cháu thiếu nhi trọn vẹn khác với các thanh thiếu niên và bậc trưởng lão, chúng ta trọn vẹn khác với người chăn.
Ví dụ như khi lên năm tuổi các con chỉ khiêng được vật nặng một ký, đến mười tuổi các con khiêng được hai ký, nhưng khi trưởng thành có thể khiêng năm mươi ký.
Ví dụ như các con chỉ có thể quét sân, nhưng các chú thanh niên thì có thể leo lên cao để sửa chữa mái nhà.
Ai ở bậc nấy. Điều cốt yếu là chúng ta không ghì mài ở mãi trong sự yếu đuối, bất toàn, thiếu hiểu biết lời Chúa, mà phải có lòng khao khát, cương quyết trở nên trọn vẹn, không tì, không vít, không chỗ trách được. Xứng đáng với địa vị con cái của Đức Chúa Trời, xứng đáng với tình yêu và sự hy sinh cao cả của Ngài.
Hãy nên trọn vẹn không chỉ là lời kêu gọi mà còn là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ đối với tất cả môn đồ. “Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em là thánh, thì các anh chị em cũng phải nên thánh trong cách ăn ở mình. Bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh.”; “. . . vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.” IPhi-e-rơ 1:15-16; Hê-bơ-rơ 12:14b đã dạy chúng ta như vậy.
Sự trọn vẹn Chúa nói đến ở đây là sự trọn vẹn trong đức tin và tấm lòng đầu phục, kính yêu và hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa và sống trong Chúa.
Câu hỏi thảo luận: Các con hãy cho thí dụ về đời sống trọn vẹn trong Chúa.
Nguyện Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng và hết lòng đáp lại bảy lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus Christ. Amen!
Grace Nguyễn