LỜI KÊU GỌI “HÃY TỈNH THỨC” CỦA ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST

                              HÃY TỈNH THỨC

 

Các con thương mến! 

Ngay khi Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh, còn là một hài nhi bé bỏng, yếu ớt, ma quỷ đã tìm cách giết Chúa qua bàn tay của vua Hê-rốt. Và khi Ngài chuẩn bị thi hành chức vụ, kẻ đứng đầu ma quỷ là Sa-tan lại xảo quyệt dùng chính lời của Đức Chúa Trời để tấn công, thử thách và xúi giục Ngài phạm tội. Chúng đã dụ dỗ Ngài nhảy khỏi nóc đền thờ hòng tiêu diệt Chúa một lần nữa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã trải qua những thử thách, tấn công khốc liệt từ ma quỷ nên Ngài hiểu rõ sự tàn bạo của chúng cùng sự yếu đuối của mỗi chúng ta. Chính vì vậy, hai ngày trước Lễ Vượt Qua là ngày Đức Chúa Jesus Christ sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự. Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri những việc sắp xảy ra và phán dạy các môn đồ hãy giữ mình tỉnh thức. Sự tỉnh thức mà Chúa nói đến ở đây là trạng thái tinh thần tỉnh táo của một người lính canh có nhiệm vụ quan sát, đề phòng, phát hiện, báo động và luôn luôn cảnh giác trước sự tấn công của quân địch.

Khi Chúa phán bảo chúng ta hãy tỉnh thức, nghĩa là Ngài muốn chúng ta hãy mở mắt canh chừng, đề phòng trước những cạm dỗ, thử thách, bắt bớ và tai ương, hoạn nạn sẽ xảy ra trong thế gian cho đến lúc Ngài trở lại.

Lời Chúa phán:  

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ, tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối.” (Mác 14:38).

“Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:42).

“Hãy tỉnh táo và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8). 

Đức Chúa Jesus Christ ví sự tấn công của ma quỷ như một con sư tử hung hãn, đói mồi đang ngày đêm kiên nhẫn, rình mò, tìm mọi cách tấn công khi chúng ta yếu đuối, mệt mỏi và sơ hở nhất.

Vì vậy:

Về thuộc thể: Chúng ta phải tỉnh thức trước những nhu cầu và ham muốn của xác thịt như: ham ăn, ham chơi, ham được tiếng khen, ham được giàu sang, sung sướng theo thế gian hoặc ham muốn những điều không thuộc về mình. Ví dụ: Đòi hỏi cha mẹ mua cho mình chiếc áo mới giống như bạn, mặc dù chúng ta có đầy đủ hoặc rất nhiều áo đẹp rồi.

Về thuộc linh: Chúng ta càng phải hết sức giữ mình tỉnh thức trước những sự quyến dụ, tấn công, đánh phá từ ma quỷ và những thế lực đen tối. Ví dụ: Ma quỷ tinh ranh cài đặt những người chăn giả vào dẫn dạy chúng ta làm sai lời Chúa, như là dạy chúng ta không cần giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, không cần giữ ngày Sabat mà đi làm kiếm tiền, đi chơi, xem phim thay vì dành thời gian tương giao, thờ phượng, học lời Chúa để giữ gìn ngày Sabat thánh của Chúa cho khỏi ô uế.

Ma quỷ và thế gian ghét Chúa và ghét chúng ta nên luôn tìm cách dụ dỗ, tấn công, đánh phá, cắn nuốt con dân Chúa. Mục đích làm cho Chúa đau lòng, làm cho chúng ta phạm tội, bị hư mất đời đời xa lìa Chúa.

Vậy nên, chúng ta phải siêng năng học lời Chúa để hiểu biết ý Chúa, dùng lời Chúa làm vũ khí chiến cự lại với ma quỷ và các thế lực tà linh đen tối, giống như Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta đã làm gương cho chúng ta noi theo khi Ngài ở trên đất.

Tại sao chúng ta phải tỉnh thức?

Là con dân của Chúa, chúng ta biết Đức Chúa Trời vì yêu thương chúng ta nên đã phó Con Một của Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Chúng ta tin Đức Chúa Jesus Christ đã mua chuộc chúng ta bằng chính máu của Ngài. Ngài đã chết, đã sống lại và sẽ tái lâm vào một ngày thật gần. Chúng ta khắc khoải chờ mong và hy vọng ngày Chúa trở lại đem chúng ta lên nơi vinh hiển đời đời bên cạnh Ngài, trong nước Ngài. Sự trở lại của Chúa là một sự trông đợi hạnh phước của mỗi một con dân Chúa

Tỉnh thức chính là thái độ sẵn sàng nghênh đón Chúa tái lâm của những ai hết lòng yêu kính, biết ơn Đấng yêu thương, cứu chuộc mình.

Tỉnh thức có nghĩa là:

  • Chúng ta luôn chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và đối với nhau, bằng cách yêu thương, giúp đỡ, canh giữ, khuyên nhủ lẫn nhau sống đẹp lòng Chúa.
  • Ăn năn những lỗi lầm của mình,
  •  Siêng năng học và thực hành lời Chúa trong nếp sống mỗi ngày,
  • Tránh xa tội lỗi, cám dỗ, và hết thảy những điều gì không thánh khiết.
  • Hết lòng làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta,
  • Sử dụng những ta lâng, ơn phước Chúa ban để hầu việc Chúa một cách hữu ích nhất theo thánh ý Chúa làm chiếu rạng sự vinh hiển của Ngài,
  • Đem người khác đến với tình yêu và ân điển của Chúa.

Đó là cách chúng ta biết dồn chứa của cải chắc chắn cho mình ở trên trời là nơi không hư hoại, và cùng nhau tỉnh thức, dọn mình thánh sạch, hân hoan chờ đợi ngày Đức Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng ta trở lại.

Để giúp chúng ta dễ dàng ghi nhớ những ý chính của bài học, cô xin mời các con cùng đến với phần câu hỏi thảo luận nhé! 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Biết sự yếu đuối của chúng ta Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy điều gì trước khi Ngài chịu thương khó? 
  2. Sự tỉnh thức mà Đức Chúa Jesus Christ phán có nghĩa là gì? 
  3. Vì sao Đức Chúa Jesus Christ phán bảo chúng ta “Hãy tỉnh thức”?
  4. Chúa dạy chúng ta làm gì để khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỷ và các thế lực đen tối khi thể xác chúng ta yếu đuối? 
  5. Chúng ta cần phải luôn tỉnh thức (có nghĩa là cảnh giác, đề phòng) về thuộc thể và thuộc linh trước những điều gì ? 
  6. Nếu chúng ta thờ ơ, không quan tâm và làm theo lời kêu gọi hãy tỉnh thức của Đức Chúa Jesus Christ thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta?
  7. Tỉnh thức thể hiện thái độ và tấm lòng của chúng ta đối với Chúa ra sao? 
  8. Muốn giữ cho mình luôn tỉnh thức trước mọi thử thách, cám dỗ con dân Chúa cần làm gì? 
  9. Các con hãy cho thí dụ về sự tỉnh thức. 

Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta có trí nhớ, trí hiểu lời Chúa và một tấm lòng mềm mại, thuần phục, hết lòng làm theo mọi lời Ngài phán dạy để chúng ta luôn luôn tỉnh thức, cảnh giác và chiến thắng mọi cám dỗ thử thách, dọn mình thánh sạch, hân hoan chờ đợi ngày Chúa trở lại đón chúng ta vào nơi vinh hiển trong nước Ngài.

Grace Nguyễn
13-02-17