Nguyễn Văn Hào
Hội Thánh Sài Gòn
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.opendrive.com/files/MV81NTk0NzExNF82cDVDTF9jOWFi/NVH_20140705_LongBietOn.pdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Bài giảng
Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ.
Hôm nay, chú rất là vui và cảm tạ Chúa đã cho Chú có cơ hội để chia sẻ Lời Chúa cho các cháu.
Trước khi bắt đầu chia sẻ Lời Chúa thì chú xin kể cho các cháu nghe một câu chuyện của bạn Pin như sau:
Vào một ngày hè nóng bức, sau một hồi đi qua đi lại để suy nghĩ, Pin bèn đến một cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem trái cây thập cẩm mà cậu bé rất thích…
Cậu bé mạnh dạn tiến lại gần cửa, rồi đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, rồi cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế. Vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần bàn và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc.
Ngước nhìn cô, cậu bé hỏi:
– Cô ơi ! một ly kem trái cây thập cẩm giá bao nhiêu tiền ạ?
– 50 xu cháu à. Cô phục vụ trả lời.
Nghe vậy, Pin liền móc trong túi quần đếm các đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu bé hỏi tiếp :
– Thế bao nhiêu tiền một ly kem bình thường hả cô?”
– 35 xu cháu. Người phục vụ kiên nhẫn trả lời, dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô.
Rồi cô mang đến cho Pin một ly kem thường như cậu yêu cầu và sang phục vụ những bàn khác.
Cậu bé ăn kem xong rồi để lại tiền trên bàn và ra về. Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm 5 xu và 5 xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn bên cạnh 35 xu cho một ly kem thường mà Pin đã gọi. Pin có đủ 50 xu cho ly kem đặc biệt mà cậu thích, nhưng cậu chọn ăn ly kem bình thường 35 xu và để 15 xu tiền boa cho cô phục vụ.
Các cháu thiếu nhi thân mến, bạn Pin đã có đủ khả năng để mua và ăn một ly kem thập cẩm mà cậu thích, nhưng cậu bé đã không chọn thế, cậu đã chọn ăn ly kem thường với giá 35 xu và quyết định để dành 15 xu còn lại gửi cho người nữ phục vụ, để bày tỏ tấm lòng biết ơn vì cô đã phục vụ mình như bao vị khách khác. Hành động ấy cho chúng ta thấy được một nghĩa cử cao đẹp, một phẩm chất đáng quý ở cậu bé, đó là tấm lòng biết ơn đối với những người đã phục vụ mình.
Vậy lòng biết ơn là gì?
Lòng ở đây có nghĩa là tấm lòng, nỗi lòng, tình cảm của mình; biết ở đấy nghĩa là thể hiện sự hiểu biết; ơn là những việc tốt mà ai đó giúp mình hoặc mình thực hiện cho người khác. Vậy lòng biết ơn ở đây ý nói chúng ta thực hiện những việc tốt đẹp cho người khác để bày tỏ tấm lòng của mình đối với họ vì họ đã giúp mình. Những việc tốt đẹp ở đây có thể là lời nói hoặc việc làm của mình để làm đẹp lòng người khác.
Chính Chúa Jesus cũng dạy cho chúng ta về bài học lòng biết ơn trong sách Lu-ca 17:11-19.
Đức Chúa Jesus đang lên thành Giê-ru-sa-lem, trải qua bờ cõi xứ Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Nhằm khi vào làng kia, có mười người phong hủi đến đón tiếp Ngài, đứng đằng xa, lên tiếng rằng: Lạy Jesus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng! Khi Ngài thấy họ liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đang đi thì phong hủi lành hết thảy. Có một người trong nhóm họ thấy mình đã được sạch, trở lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jesus, mà tạ ơn Ngài. Người đó là người Sa-ma-ri. Đức Chúa Jesus cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc này trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.
Qua câu chuyện Chúa Jesus chữa lành bệnh phong hủi cho mười người bệnh nhân và duy chỉ có người đàn ông sứ Sa-ma-ri quay lại cám ơn Chúa và lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, cho chúng ta thấy được một điều, đó là đôi khi trong cuộc sống chúng ta nhận rất nhiều ân huệ từ người khác, nhưng chúng ta lại quên nói lời cám ơn, bày tỏ lòng biết ơn đối với họ. Mỗi một ngày, mỗi một giờ, mỗi một giây trong đời sống chúng ta, Chúa đều ban ơn cho chúng ta hết thảy, Ngài cho chúng ta có cơ hội được sống để lắng nghe Lời Ngài, để ăn năn tội và sửa đổi đời sống mình, Ngài ban cho chúng ta sức khỏe để làm việc, Ngài ban cho chúng ta có của ăn, … nhưng những lúc như vậy chúng ta có nói lời cám ơn và tôn vinh Ngài không? Hằng ngày, các cháu được bố mẹ chăm sóc, mua đồ chơi, được ăn ngon, được ngủ ấm, … các cháu đã nói lời cám ơn với bố mẹ mình chưa? Các cháu được thầy cô trên lớp dạy bảo các cháu về kiến thức để nên người, các cháu đã làm gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ? Những người thân trong gia đình, những anh chị và bạn bè luôn giúp đỡ các cháu, chơi cùng với các cháu, cho các cháu đồ chơi, thức ăn, truyện đọc, … các cháu có bao giờ nói lời cám ơn đến họ không?
Hãy bắt chước gương Chúa Jesus về việc bày tỏ lòng biết ơn. Ngài luôn dâng lời cảm tạ ơn Chúa Cha khi Ngài làm phép hóa bánh và cá cho hàng ngàn người ăn “Ngài bảo đoàn dân ngồi xuống đất; rồi lấy bảy cái bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho môn đồ để phân phát cho đoàn dân” (Mác 8:6). Ngài tạ ơn Đức Chúa Cha trước khi làm cho La-xa-rơ sống lại “Vậy, họ lăn hòn đá đi. Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi.” (Giăng 11:41).
Nếu như các cháu chưa thực hiện điều này thì hôm nay, sau khi các cháu học xong bài này thì các cháu ghi nhớ và thực hiện trong đời sống hàng ngày của mình nhé.
Vậy làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn?
– Lòng biết ơn phải xuất phát từ tấm lòng đơn sơ và chân thành của các cháu.
Giống như cậu bé Pin trong câu chuyện trên đã để lại 15 xu gửi tặng cho người phục vụ, giống như người đàn ông Sa-ma-ri quay trở lại quỳ gối dưới chân, sấp mặt xuống đất nơi chân Chúa Jesus để tạ ơn Ngài và tôn vinh Đức Chúa Trời.
– Khi nhận sự giúp đỡ của ai đó, trước hết các cháu hãy nói lời cám ơn trước.
Mỗi sáng thức dậy, trước khi bước chân xuống giường ngủ, các cháu hãy chắp tay và dâng lời cảm tạ Chúa đã cho các cháu có một đêm ngon giấc và bình an, cảm tạ Chúa đã ban cho các cháu thêm một ngày mới để sống và thờ phượng Ngài, mỗi tối trước khi đi ngủ, các cháu cũng làm như thế để tạ ơn Chúa đã gìn giữ và ban bình an đến cho các cháu và gia đình mình.
Hãy biết vâng lời bố mẹ, thầy cô và các anh chị để thể hiện lòng biết ơn đối với họ các cháu nhé.
– Lòng biết ơn còn thể hiện qua những hành động tốt đẹp
Những lúc các cháu có thể phụ giúp bố mẹ, anh chị các công việc: quét nhà, chơi với em, cố gắng học giỏi, thường xuyên đọc Thánh Kinh, … đó cũng là cách mà các cháu thể hiện lòng biết ơn của mình.
Tóm lại, qua hai câu chuyện ngày hôm nay chú muốn gửi đến với các cháu một bài học đó là lòng biết ơn. Hãy biết ơn và nhớ ơn đối với những người đã giúp đỡ ta.
Đặc biệt, trong cuộc sống các cháu phải luôn cảm tạ Chúa lúc bình minh cũng như khi màn đêm buông xuống. Biết cám ơn ba mẹ, anh chị em và những người xung quanh không những bằng suy nghĩ, lời nói, mà còn bằng hành động.
Câu hỏi:
1. Thế nào là lòng biết ơn?
2. Tại sao chúng ta phải có lòng biết ơn?
3. Những ai chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn hàng ngày trong cuộc sống?
4. Để thể hiện lòng biết ơn đối với người khác ta phải làm gì?
Nguyễn Văn Hào
Ngày 05.07.2014