LÒNG BIẾT ƠN VÀ LỜI CÁM ƠN, XIN LỖI CỦA CON DÂN CHÚA TRONG NẾP SỐNG MỚI.
“Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được thịnh vượng. Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót.” (Châm-ngôn 28:13).
Các con thương mến,
Thuở xưa, khi tổ phụ chúng ta chống nghịch Đức Chúa Trời, nghe lời Sa-tan ăn trái cấm để biết phân biệt điều thiện và điều ác. Từ đó, loài người đã bị quyền lực của tội lỗi bắt phục, vậy nên dù cho lương tâm loài người nhận biết đúng, sai, thiện, ác nhưng không còn có khả năng chế ngự tội lỗi vì đã bị xa cách sự vinh quang, sức mạnh và quyền phép của Đức Chúa Trời.
Ngày nay chúng ta đã được tự do thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Mặc dù chúng ta vẫn còn phạm lỗi lầm do yếu đuối, khờ dạy hay thiếu hiểu biết. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải luôn biết tra xét và hạ mình thừa nhận sai sót, lỗi lầm cũng như có tấm lòng ăn năn mong muốn sửa chữa, thay đổi, từ bỏ và không quanh co chối tội hoặc tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Câu chuyện không biết nhận lỗi ngay lập tức và ăn năn, xin lỗi Chúa khi phạm lỗi nhưng lại đổ lỗi cho người khác được chép trong sách Sáng-thế-ký 3:6-13 rằng: “Trái nghịch mạng lệnh Đức Chúa Trời, sau khi ăn trái cấm, ông A-đam đổ lỗi cho người nữ mà Chúa đã để gần bên cho ông trái cây đó và ông đã ăn rồi, còn bà Ê-va thì thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi”. Thuở xưa ông A-đam và bà Ê-va đã quanh co đổ lỗi cho người khác và gián tiếp đổ lỗi cho Đức Chúa Trời mà không biết nhận lỗi và ăn năn xin lỗi Chúa, kêu cầu Chúa ngay khi phạm lỗi, họ đã làm mất đi cơ hội được Chúa tha thứ và phục hòa mối tương giao phước hạnh với Ngài, là bài học đắc giá, đau thương và đáng ghi nhớ cho tất cả chúng ta. Không nhận biết mình có lỗi và không nhận lỗi thì không có cơ hội được tha thứ, được phục hồi mối quan hệ và lòng tin đã bị rạn nứt, đổ vỡ.
Lời đầu tiên Đức Chúa Jesus Christ phán dạy chúng ta là: “Các ngươi hãy ăn năn.” Sự ăn năn mà Chúa phán ở đây chính là hành động nhận biết lỗi lầm, thừa nhận mình đã phạm lỗi, biết hối lỗi, biết nói lời xin lỗi và quyết tâm từ bỏ lỗi.
Là con dân Chúa sống trong nếp sống mới khi nhận biết mình có lỗi, chúng ta phải ngay lập tức hạ mình nhận lỗi và nói lời xin lỗi để tội lỗi được đem xa ra khỏi chúng ta, giúp chúng ta ghi nhớ mà không tái phạm, và để ma quỷ không có cớ kiện cáo, bắt phục, dẫn dụ chúng ta đi đến chỗ kiêu ngạo khiến cho tội lỗi ngày càng trầm trọng hơn.
- Mỗi khi có lỗi, chúng ta phải biết hạ mình chân thành xin lỗi dù là đối với người lớn hay người nhỏ hơn mình và xin lỗi Chúa, để được Chúa tha thứ, thánh hóa và làm cho mối tương giao giữa chúng ta với người đó được phục hòa.
- Sự hạ mình xin lỗi không làm cho chúng ta trở nên thấp kém mà trái lại là hành vi cao đẹp của con dân Chúa, thể hiện tấm lòng yêu kính Chúa, vâng lời Chúa dạy biết xem người khác là tôn trọng hơn mình, làm tôn cao danh Chúa, khiến chúng ta giống Chúa ngày càng hơn trong sự công bình, yêu thương, khiêm nhường và chính trực.
- Biết thừa nhận sự yếu đuối, khuyết điểm khi có lỗi, biết chân thành nhận lỗi, là chúng ta bày tỏ niềm cậy trông vào tình yêu, lòng nhân từ thương xót và năng lực thánh hoá của Chúa trên đời sống mình. Nhờ đó sẽ vượt thắng mọi sự cám dỗ và bẫy rập của ma quỷ để luôn bước đi theo Chúa cách thành tâm, trung tín.
- Trong trường hợp do sự hiểu lầm chúng ta cần mềm mại, khiêm nhu hạ mình giải thích, để làm sáng tỏ mọi sự, giúp cho mối quan hệ trở lại tốt đẹp hơn trong sự cảm thông, hiểu biết và yêu thương.
Các con thương mến,
Lòng biết ơn và lời cám ơn cùng nhận biết lỗi và nói lời xin lỗi là hai mặt song song, cần thiết gắn liền với tiến trình thánh hóa của mỗi một chúng ta. Có biết ơn mới biết nói lời cảm tạ, cám ơn. Có biết lỗi mới có thể nói lời xin lỗi.Do đó con dân Chúa phải luôn biết ơn, biết nói lời cám ơn, biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi.
Vì giống như lời cám ơn luôn mang lại sự vui thỏa và bình an trong Chúa, nuôi dưỡng đức tin, gây dựng các mối quan hệ ra sao, thì lời xin lỗi chân thành cũng có năng lực hàn gắn những rạn nứt, giải tỏa những hiểu lầm, làm phát triển mạnh mẽ, vững vàng và gắn kết mối thông công yêu thương, hiệp một giữa các chi thể trong Chúa.
Nhận ra lỗi lầm và nói lời xin lỗi rất khó, nhưng bằng tình yêu thương chân thật trong Chúa và bằng sức Chúa ban cũng như với tấm lòng khao khát được trở nên trọn vẹn, không tì, không vít cho đến ngày Chúa đến, chắc chắn chúng ta sẽ ghi nhớ và thực hành được bài học về lòng biết ơn và lời cám ơn, xin lỗi trong nếp sống mới mỗi ngày trong Chúa.
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Hãy giữ điều chính trực, và làm sự công bình; vì sự cứu rỗi của Ta gần đến, sự công bình của Ta sắp được bày tỏ.” (Ê-sai 56:1).
Các con thương mến,
Để ghi nhớ và biết cách áp dụng bài học vào cuộc sống chúng ta cùng đến với các câu hỏi thảo luận các con nhé!
Câu hỏi thảo luận:
1. Khi tổ phụ chúng ta nghe lời Sa-tan phạm tội đối với Chúa, loài người đã bị điều gì bắt phục?
2. Từ khi bị xa cách sự vinh quang, sức mạnh và quyền phép của Đức Chúa Trời loài người có thể tự mình làm điều lành tránh điều ác không?
3. Vì sao Chúng ta cần ăn năn xin lỗi Chúa và xin lỗi người mà chúng ta phạm lỗi ngay lập tức?
4. Trong lời kêu gọi: “Các ngươi hãy ăn năn.” Đức Chúa Jesus Christ muốn chúng ta hành động ra sao đối với tội lỗi của mình?
5. Biết hạ mình xin lỗi khi phạm lỗi, chúng ta thể hiện tấm lòng như thế nào đối với Chúa?
6. Luôn biết xem người khác là tôn trọng hơn mình, thể hiện chúng ta giống Chúa điều gì?
7. Người không biết ơn khi nhận được ơn, không biết nói lời cám ơn, không biết nhận lỗi khi phạm lỗi và không biết nói lời xin lỗi thể hiện đó là người có bản tính như thế nào?
Nguyện lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày để chúng ta giống Chúa càng hơn trong sự công bình, yêu thương và khiêm nhường, chính trực.
GraceNguyen 18-01-2017