Môi-se, vị tiên tri vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời (1)

Trần Thị Thu Hương (1991)
Hội Thánh Sài Gòn

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng:

Cô Thu Hương thân ái mến chào tất cả các em thiếu nhi trong tình yêu thương của Đức Chúa Jesus Christ!

Các em thân mến, chắc các em đã từng nghe nói đến từ “tiên tri” rồi đúng không? Tiên tri là một danh từ tiếng Hán Việt. Tiên có nghĩa là trước. Tri là biết. Từ ngữ này, khi được dùng để nói đến các tiên tri thời Cựu Ước hay chức vụ tiên tri trong Hội Thánh, thì có nghĩa là: người của Lời Đức Chúa Trời, nói ra ý muốn của Chúa phán trước với dân sự những sự việc sẽ xảy đến. Đối với các tiên tri trước thời Hội Thánh được thành lập, thì họ nhận sứ điệp qua lời phán trực tiếp từ Đức Chúa Trời để nói với dân sự. [1] Các sứ điệp đó đã được ghi chép lại trong các sách tiên tri của Thánh Kinh. Tiên Tri Môi-se là một tiên tri vĩ đại của Chúa, Ngài kêu gọi ông thống lãnh dân sự và cũng là tuyển dân của Chúa, giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ đầy khắc nghiệt.

Ông được sinh ra trong hoàn cảnh nào? Trước thời của ông, lịch sử loài người đã trải qua các biến cố thăng trầm nào? Đó là nội dung của bài học hôm nay cô muốn kể cho các em nghe.

Thiên Chúa tự có và có mãi. Thiên Chúa phán ra thế gian trong sáu ngày. Ngài thấy các việc mình làm thật rất tốt lành. Trong các loài thọ tạo, Chúa yêu thương con người nhất. Ngài sáng tạo nên A-đam và đặt người vào vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn rồi căn dặn chớ hề ăn đến trái của cây biết điều thiện và điều ác. Vì cớ loài người ở một mình là không tốt, nên Thiên Chúa đã lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam để thử xem A-đam đặt tên chúng nó làm sao. A-đam đã đặt tên mỗi vật sống đều thành tên riêng cho nó (Sáng Thế Ký 2:7, 15, 16, 18, 19).

Thiên Chúa cho A-đam ngủ mê, lấy một xương sườn để làm nên Ê-va. Ê-va và A-đam đã chống nghịch Đức Chúa Trời, ăn trái cấm, và rồi tội lỗi bắt đầu vào thế gian loài người từ đó (Sáng Thế Ký: 2: 21-22/ 3: 6, 7). Sự gian ác của loài người mỗi lúc một tăng, các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn. Thiên Chúa buồn rầu trong lòng mà tự trách mình (Sáng Thế Ký 6: 5). Ngài đã dùng cơn nước lụt hủy diệt toàn thể nhân loại, chỉ để lại gia đình ông Nô-ê vì gia đình ông được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 6, 7, 8). Nghe lời Chúa phán dặn, Nô-ê khởi sự đóng tàu: Nô-ê, vợ, ba con trai và dâu cùng các súc vật, chim, côn trùng tùy theo loại lên tàu. Thiên Chúa làm mưa xuống mặt đất trong bốn mươi ngày bốn mươi đêm, Ngài tuyệt diệt khỏi đất hết tất cả các loài Ngài đã sáng tạo.

Sau cơn nước lụt, Ngài làm một dấu chỉ là cầu vồng để loài người biết về lời hứa của Ngài. Lời hứa đó chính là Thiên Chúa sẽ không cho một cơn nước lụt nào lớn như vậy để hủy diệt loài người nữa (Sáng Thế Ký 9: 14, 15).

Sau đó, con người lại sinh sôi đầy dẫy trên mặt đất. Bấy giờ, con người chỉ có một giọng nói và một thứ tiếng. Nhưng bản chất tội lỗi bị nhiễm từ tổ phụ loài người vẫn còn đó, con người lại kiêu ngạo, muốn xây một cái thành, và dựng nên một cái tháp, chót tháp cao đến tận trời. Thiên Chúa nhìn xuống thấy việc của loài người thì Ngài làm cho tiếng nói của họ lộn xộn để họ ngưng các công việc xây tháp lại. Sự kiện đó được Thiên Chúa ghi chép trong sách Sáng Thế Ký đoạn 11 câu 8 và câu 9:

Rồi, từ đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.”

Dòng dõi loài người trải qua nhiều đời và Áp-ra-ham được ơn của Chúa. Áp-ra-ham cũng là tên Chúa đổi cho ông và chữ Áp-ra-ham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc. Áp-ra-ham thuộc dòng dõi của Sem. Sem là con của Nô-ê. Chúa ban phước cho dòng dõi của ông trở nên đông như sao trên trời, nhiều như cát bờ biển. Ông còn được gọi là anh hùng của đức tin nữa, các em có biết tại sao không?

Vì ông đã dâng chính đứa con duy nhất của mình, là I-sác làm của tế lễ cho Đức Chúa Trời. Nhưng ngay lúc đó, Chúa sai thiên sứ của Ngài hiện ra và bảo ông dừng lại (Sáng Thế Ký 22).

Trải qua các đời của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp, Đức Chúa Trời luôn ở cùng tuyển dân của Ngài. Khi Gia-cốp kiều ngụ tại xứ Ca-na-an, Giô-sép, con trai người bị các anh mình ganh ghét và hãm hại. Họ bán anh cho dân buôn Ích-ma-ên đem sang xứ Ai-Cập làm nô-lệ (Sáng ThếKý 37). Giô-sép được Đức Chúa Trời ban phước nên luôn được thịnh vượng. Mặc dầu làm đầy tớ nhưng chàng luôn làm tốt các công việc của mình, lại còn bị vợ của chủ để ý và hãm hại nữa, rồi chàng bị bắt vào tù (Sáng Thế Ký 39: 7-19). Vì Giô-sép giải được mộng cho vua Pha-ra-ôn thời bấy giờ, nên chàng được vua tha khỏi ngục. Vua thấy Giô-sép thông minh nên ban cho anh quyền làm quan cai trị. Mỗi lúc Giô-sép càng thể hiện sự tài giỏi của mình trong những công việc mà vua giao phó (Sáng Thế Ký 41).

Một thời gian sau, Giô-sép được đoàn tụ với cha mình, là Gia-cốp và các anh tại xứ Ê-díp-tô. Con cháu của I-sơ-ra-ên càng ngày càng đông lại rất thịnh vượng vì Chúa ở cùng họ. Nhiều năm trôi đi, Gia-cốp, Giô-sép cùng các anh của chàng đều qua đời. Các vị vua Ai-cập mới cũng nối ngôi. Vua Ai-Cập đương thời không còn nhớ đến ơn của Giô-sép khi xưa cứu thoát dân mình ra khỏi nạn đói, không còn nhớ đến ơn cai trị đất nước mình cường thịnh như thế nào, mà chỉ lo sợ dân I-sơ-ra-ên ngày càng đông sẽ chống lại họ, nên họ tìm đủ mọi cách biến dân I-sơ-ra-ên thành nô lệ của họ. Họ đặt ra những luật lệ hà khắc, những gánh nặng trên vai người dân Do-thái, là tuyển dân của Chúa. Nhưng lạ thay, người Ê-díp-tô càng bắt làm các công việc cực nhọc chừng nào thì dân I-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên và tràn ra chừng nấy, vì Đức Chúa Trời ở cùng dân Ngài.

Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài, yêu thương, và ban phước cho dòng dõi của Áp-ram-ham, I-sác, và Gia-cốp nên Ngài đã kêu gọi Môi-se – là một vị tiên tri lớn của Ngài, dẫn dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Thánh Kinh kể về Tiên Tri Môi-se, câu chuyện bắt đầu từ: “Một đứa bé trôi trên sông …”

Chuyện kể rằng:

Vào thời ấy, vua Pha-ra-ôn muốn tuyệt diệt người Y-sơ-ra-ên nên đã ban lệnh cho các bà mụ khi đỡ đẻ thấy con trai thì giết đi còn con gái thì cho sống sốt. Nhưng các bà mụ tin kính Đức Chúa Trời nên họ để cho các đứa bé trai đều sống cả. Rồi vua Pha-ra-ôn lại ban ra lệnh những đứa bé trai mới sanh thì liệng xuống sông còn con gái thì để cho sống. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1: 15-22) Trước sự thống trị hà khắc đó, tiên tri Môi-se, một người con của Y-sơ-ra-ên cũng được sinh ra đời.

Môi-se thuộc dòng dõi người Lê-vi. Mẹ chàng sau khi sinh ra chàng, thấy khôi ngô nên đem giấu đi trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa bờ sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó để cho biết nó sẽ ra sao. Bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các tớ gái đi dạo chơi trên bờ sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, sai tớ gái mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đang khóc, động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Người chị đứa trẻ nói với công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong nhóm đàn bà Hê-bơ-rơ để cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ này về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. Khi lớn khôn rồi, người dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước (Xuất Ê-díp-tô Ký 2).

Thế là, Môi-se, con của một nô lệ Do-thái đã trở thành một thành viên trong Hoàng Gia Ai Cập. Môi-se mang danh là con của công chúa, nhưng thật chất ông là người I-sơ-ra-ên và ông luôn ý thức được điều đó. Thời niên thiếu của tiên tri Môi-se như thế nào? Ông được Chúa ở cùng để dẫn dân sự của mình thoát khỏi ách nô lệ xứ Ê-díp-tô một cách ngoạn mục như thế nào? Cô hẹn gặp lại các em trong những buổi nhóm kế tiếp nha! Cô chúc các em một đêm ngủ nghỉ bình an trong tình yêu Thiên Chúa!

Trần Thị Thu Hương
31.05.2014


Câu hỏi:

  1. Ai là người đặt tên cho các con vật sống trên thế gian này thành tên riêng cho nó?
  2. Cầu vồng là dấu chỉ về lời hứa của Chúa đối với toàn thể nhân loại, lời hứa ấy là gì?
  3. Tại sao trên thế gian này lại có nhiều ngôn ngữ?
  4. Tại sao Áp-ra-ham được lịch sử gọi là tổ phụ của đức tin?
  5. Tên Môi-se có nghĩa là gì?

Chú Thích:

[1] Trích bài viết: http://thanhoc.timhieutinlanh.net/?p=338