Muối Của Đất

Nguyễn Thị Thanh Thủy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://timhieuthanhkinh.opendrive.com/files/MV85NjU3MTE5Nl94cWFtdF9mNmU4/20150606_NTTT_MuoiCuaDat.pdf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng

Kính chào Hội Thánh, và cô Thủy xin chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một ngày Sa-bát thật phước hạnh và cảm tạ ơn Chúa rất nhiều vì Chúa cũng ban cho cô có cơ hội để tiếp tục học Lời Chúa với các cháu. Nguyện xin Chúa ở cùng và dẫn dắt, ban phước cho chúng ta trong buổi nhóm này trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.  Amen.

Hôm nay chúng ta cùng nhau học Lời của Chúa được chép trong sách Ma-thi-ơ 5:13.

Các ngươi là muối của đất; nhưng nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy gì mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân”. (Ma-thi-ơ 5:13).

Các cháu thân mến, muối là một loại gia vị không thể thiếu trong mỗi một gia đình của chúng ta và có các công dụng sau:

Công dụng thứ nhất của muối:
Dùng để nêm nếm khi thực hiện một món ăn nào đó, chỉ cần cho một lượng muối vừa đủ vào nồi canh hay món ăn nào đó, nó sẽ làm tăng hương vị của món ăn đó lên, khiến chúng ta cảm thấy ngon miệng. Ngay trong khi chúng ta nấu chè chúng ta nêm thêm một ít muối vào thì nồi chè sẽ ngọt đậm đà hơn, không ai thích ăn thức ăn nhạt quá. Ngày xưa cũng vậy các của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời đều phải nêm thêm muối,

“Phải nêm muối các của lễ chay; chớ nên dâng lên thiếu muối; vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Thiên Chúa ngươi đã lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối” (Lê-vi-ký 2:13).

Về phần thuộc linh thì sứ đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, để cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thế nào” (Cô-lô-se 4:6).

Mỗi ngày, ngoài gia đình ra chúng ta còn tiếp xúc rất nhiều người xung quanh, bạn bè, bà con hàng xóm, cho nên chúng ta phải cẩn thận trong từng lời nói của mình. Bình thường, khi giao tiếp chúng ta có thể mềm mại hòa nhã, nhưng khi có ai đó nói khích hay nói một điều gì đó chúng ta nghe chướng tai, chúng ta có thể phản ứng ngay mà chưa kịp suy nghĩ xem coi có nên nói hay không và nếu nói thì phải nói như thế nào để người nghe bỏ ngay ý định nói khích chúng ta nữa. Cũng có thể trong lúc nóng giận thì đây là cơ hội khiến chúng ta dễ vấp phạm trong lời nói của mình và cũng dễ gây bất bình, xung đột.

Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể”. (Gia-cơ 3:2).

Hãy cậy Lời Chúa để gìn giữ môi miệng mình, cho nên lời nói có nêm thêm muối có nghĩa là cách nói của chúng ta phải thể hiện tình yêu thương, sự mềm mại, dịu dàng, ôn hòa trong tinh thần gây dựng, ích lợi và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Công dụng thứ hai của muối là bảo quản:
Ngày xưa không có tủ lạnh thì ông bà mình dùng muối ướp thịt, cá để bảo quản chúng không bị hư thối. Tại sao Chúa ví chúng ta “Các ngươi là muối của đất”? Và chỉ có những ai là con dân của Chúa thì Ngài mới gọi là muối của đất?

Muối có ích lợi khi nó giữ được vị mặn. Ngày nay, nhờ những phương tiện sản xuất phát triển, chúng ta có được muối tinh khiết để dùng, nhưng ngày xưa muối được lấy từ mỏ hay ruộng muối có lẫn rất nhiều những tạp chất, nó không được tinh khiết và có khi không có vị mặn. Trong trường hợp muối không có vị mặn người ta phải đem bỏ ra ngoài đường và bị giẫm đạp lên.

Là con dân Chúa, muốn trở nên muối của đất thì đời sống của chúng ta phải được biến đổi, chúng ta sống ở thế gian nhưng chúng ta không thỏa hiệp với thế gian, không hòa lẫn với đời sống tội lỗi của thế gian, không ham thích giống người thế gian. Sống ở thế gian, con người đã sa ngã và chìm đắm trong tội lỗi, Đức Chúa Trời động lòng thương xót ban con một của Ngài là Đức Chúa Jesus đến thế gian để cứu kẻ có tội. Khi Đức Chúa Jesus phán: “Các ngươi là muối của đất” thì Ngài giao cho chúng ta trách nhiệm phải trở nên giống Chúa để làm muối cho thế gian, làm mặn mà đời sống vô nghĩa bằng tình yêu thật sự xuất phát từ tấm lòng của một người tin kính và vâng phục Chúa.

Muối có lẫn nhiều tạp chất hay không còn vị mặn thì người ta đem bỏ ra đường, là con dân Chúa cũng vậy chúng ta là muối của đất nhưng nếu muối ấy mất mặn có nghĩa là đời sống của chúng ta trở nên vô dụng, các việc làm của chúng ta không biểu lộ được tình yêu của Chúa, nếp sống của chúng ta cũng đầy tội lỗi giống như người thế gian, tham lam, dối trá v.v… Còn một đời sống được gọi là muối của đất thì qua đời sống ấy thế gian sẽ nhìn thấy được những bông trái của Thánh Linh

“Nhưng trái của Đấng Thần Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22).

Để có thể sống làm muối của đất cho thế gian trước hết chúng ta cần phải giữ gìn đời sống của mình từ thuộc thể lẫn thuộc linh thật thánh khiết. Nhất là, để những người thân trong gia đình của chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Chúa trong chúng ta mà họ tin Chúa và không bị hư mất. Hằng ngày, chúng ta khuyên bảo nhau đọc và suy ngẫm Lời của Chúa, cầu nguyện tương giao với Chúa, đặt mình trong sự dẫn dắt của Chúa. Như vậy, chúng ta đã thực hiện nêm muối mỗi ngày cho đời sống chúng ta trở nên mặn mà hơn, và ướp muối là giữ cho đời sống chúng ta không bị ảnh hưởng thói hư tật xấu của thế gian, khiến chúng ta bị hư hỏng mà phạm tội với Chúa.

Có một tấm gương trong thời cựu ước là muối của đất đó là vua Giô-si-a, được ghi lại trong II Sử Ký 34. Các cháu nên đọc lại phân đoạn này để hiểu rõ hơn về vua Giô-si-a.
Giô-si-a lên làm vua khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng ông có tấm lòng tìm kiếm Chúa và vâng phục Ngài, làm điều thiện trước mặt Thiên Chúa, trừ bỏ các nơi cao, phá dỡ đền thờ tà thần và nghiền nát thần tượng, tượng chạm và tượng đúc trong đất nước của ông.

Hinh-kia là thầy tế lễ, tìm được cuốn sách luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu truyền lại bởi Môi-se trao cho vua, sau khi vua nghe đọc lại những Lời trong sách luật pháp ấy thì vua xé áo mình. Ông nói với các quan trong triều rằng:

“Hãy vì ta, vì các người I-sơ-ra-ên và vì người Giu-đa còn sót lại, mà đi cầu vấn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu về các lời phán của sách này đã tìm lại được vì cơn giận của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã giáng trên chúng ta thật lớn thay, bởi các tổ phụ ta không gìn giữ lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và chẳng làm theo các điều đã chép trong sách này.” (II Sử Ký 34:21).

Vua Giô-si-a cho triệu tập những trưởng lão Giu-đa và mọi người đến, để nghe sách luật pháp và truyền cho họ phải dâng hiến đời sống của họ cho Đức Chúa Trời, và hết lòng gìn giữ điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Sống giữa đất nước suy đồi, thờ lạy tà thần không kính sợ Thiên Chúa mà Vua Giô-si-a đã giữ được tấm lòng kính sợ Chúa và vâng Lời Ngài một cách trọn vẹn. Cho nên, việc làm của ông đã tác động mạnh mẽ lên dân sự, giúp thay đổi tấm lòng của họ, nhờ đó Đức Chúa Trời đã không giáng tai vạ trên họ và họ lại được phục hòa với Đức Chúa Trời. Đời sống và sự lãnh đạo của vua Giô-si-a chính là “muối” cho dân tộc của ông.

Qua bài học này chúng ta hãy sống noi theo gương của vua Giô-si-a biết kính sợ Chúa và vâng phục Ngài để trở nên muối của đất.

Nguyễn Thị Thanh Thủy
06/06/2015