Nhà Vua và Người Ăn Xin
(Sự Hối Tiếc Muộn Màng)
Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/aqsjgprrmi58d2u/TH16_NhaVuaVaNguoiAnXin.mp3
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDg2MDYwMDNf/TH16_NhaVuaVaNguoiAnXin.pdf
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/5qe367p19jpd0le/TH16_NhaVuaVaNguoiAnXin.pdf
Bác Tim mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Nhân dịp đầu năm mới 2017, bác Tim mến chúc các cháu cùng gia đình của các cháu một năm đầy vui mừng và bình an trong Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu cùng gia đình các cháu.
Hôm nay, bác Tim sẽ kể cho các cháu nghe một câu chuyện ngụ ngôn. “Ngụ ngôn” là một từ Hán Việt, tức là tiếng Việt được nói theo cách phát âm của tiếng Trung Quốc. Ngụ có nghĩa là: gửi gấm. Ngôn có nghĩa là: lời nói. Chuyện ngụ ngôn là chuyện gửi vào trong lời nói một lẽ thật về đạo đức hoặc đức tin, để dạy dỗ người nghe. Ngoài ra, các cháu cũng học thêm vài từ Hán Việt sau đây:
-
Quân vương: Danh từ để gọi chung các bậc vua chúa. Quân là vua của một nước nhỏ phải phục tùng một nước lớn. Chúa là người đứng đầu, cầm quyền cai trị. Vương là vua của một nước độc lập. Một nước độc lập là một nước mà sự cai trị đất nước không bị lệ thuộc vào chính quyền của nước khác.
-
Quốc vương: Vua của một nước độc lập.
-
Vương quốc: Một nước độc lập được cai trị bởi vua.
-
Hoàng đế: Vua của một nước lớn có nhiều nước nhỏ phục tùng.
-
Đế quốc: Một nước lớn có nhiều nước nhỏ phục tùng.
-
Kinh đô: Thành phố lớn, nơi có triều đình là chỗ làm việc của nhà vua.
Tiếp theo, bác mời các cháu cùng đọc với bác câu gốc trong Rô-ma 12:1. Câu gốc này liên quan đến sự dạy dỗ của câu chuyện ngụ ngôn, mà bác sẽ kể cho các cháu nghe:
“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha,
tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên các anh chị em
dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời,
ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.”
(Rô-ma 12:1)
Và bây giờ, bác Tim mời các cháu theo dõi câu chuyện ngụ ngôn: Nhà Vua và Người Ăn Xin.
Trong một vương quốc kia, dân chúng sống trong thanh bình, hạnh phúc, vì vương quốc ấy có một nhà vua tài giỏi, nhân ái, cai trị đất nước. Một số người nghèo khổ từ các nước lân cận tìm đến vương quốc ấy để đi ăn xin. Trong số những người đi ăn xin ấy, có một người già yếu, bệnh tật, nhưng vẫn gắng sức đi đến kinh đô của vương quốc ấy. Sau nhiều ngày lê bước, người ấy đã đến được cổng thành của kinh đô vào một ngày đầu của năm mới.
Người ấy đã bị đói nhiều ngày, vì không xin được bao nhiêu. Trong chiếc túi ăn xin chỉ còn có một mẩu bánh khô, nhỏ bằng ba ngón tay; ba hạt thóc; và một đồng xu ai đó đánh rơi mà người ấy nhặt được trên đường. Người ăn xin ngồi xuống, tựa vào một gốc cây bên vệ đường để nghỉ mệt. Cơn đói cồn cào khiến cho người ấy thò tay vào túi, định lấy mẩu bánh khô ra nhai. Tuy nhiên, từ xa có tiếng nhạc và vó ngựa vang lên. Người ăn xin ngước nhìn, thấy có một đoàn người cưỡi ngựa tiến về phía cổng thành.
Người ấy ngạc nhiên, quên đói, nhìn đoàn người cưỡi ngựa đang tiến gần đến mình. Thì ra, đó là đoàn quân hộ tống quốc vương đi thăm dân chúng ở ngoài thành đang trên đường trở về. Đoàn quân đến gần, tiếng nhạc ngân vang, dân chúng hai bên đường quỳ xuống, sấp mình, tung hô vua của mình. Người ăn xin cũng vội vã quỳ xuống, sấp mình, run rẩy trong bộ quần áo bẩn rách.
Khi chiếc xe ngựa chở nhà vua đến ngang chỗ người ăn xin thì nhà vua ra lệnh dừng xe. Vua khoan thai bước xuống xe, đến trước người ăn xin. Người ăn xin sợ hãi đến run bần bật. Ông ta không thể nào tưởng tượng được nhà vua quyền quý, cao sang, lại dừng xe, đến đứng trước ông. Mùi thơm từ nhà vua thoát ra, làm át đi sự hôi hám từ thân thể không tắm gội và từ bộ quần áo rách rưới không giặt giũ của người ăn xin.
Tiếng tung hô của dân chúng im bặt, tiếng nhạc cũng im bặt, chỉ có đây đó tiếng vó ngựa thỉnh thoảng gõ lộp bộp trên mặt đường. Người ăn xin vẫn còn run rẩy và nín thở, chờ đợi. Nhà vua cúi xuống, đưa hai tay ra, nâng người ăn xin đứng dậy. Người ăn xin ngạc nhiên vô cùng, khẻ ngước lên nhìn mặt vua. Một khuôn mặt tươi sáng, oai nghi, và phúc hậu đang đối diện với ông. Nhà vua nhìn thẳng vào mắt của người ăn xin, mỉm cười, và hỏi:
– Bạn ơi! Bạn có gì cho ta không?
Người ăn xin vô cùng ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến quên cả sợ, hết run. Ông nhìn trân trối vào khuôn mặt của nhà vua. Thứ nhất: Một nhà vua quyền quý, cao sang lại gọi ông ta là bạn! Thứ nhì: Một nhà vua quyền quý cao sang lại hỏi xin một người ăn xin như ông! Ông lặng người, không biết trả lời nhà vua như thế nào. Nhà vua vẫn mỉm cười và xoè bàn tay phải ra trước mặt người ăn xin, lập lại câu hỏi:
– Bạn ơi! Bạn có gì cho ta không?
Người ăn xin lúng túng, ngượng ngập, cúi nhìn thân hình rách rưới, tiều tụy của mình. Rồi ông đưa tay vào cái túi ăn xin. Bàn tay của ông chạm vào mẩu bánh khô. Ông định lấy ra, nhưng chợt nghĩ là mình đang đói và mình cần mẩu bánh ấy. Ông bỏ mẩu bánh ra, chạm vào đồng xu và định lấy ra, nhưng chợt nghĩ dù một đồng xu không mua được gì, đồng xu vẫn là tiền, biết đâu mình sẽ nhặt thêm được hay xin được các đồng xu khác, thì sẽ mua được thức ăn. Thế rồi bàn tay của ông chạm vào ba hạt lúa. Ông chọn hạt lép nhất, lấy ra, cung kính hai tay dâng cho nhà vua, và nói:
– Kính thưa quốc vương! Đây là điều mà tôi có thể dâng lên Ngài.
Nhà vua vẫn mỉm cười, nhận hạt lúa lép, nói lời cám ơn người ăn xin, rồi quay về xe của mình, ra lệnh cho quân lính tiến vào thành. Người ăn xin ngỡ ngàng, đứng nhìn theo cho đến khi đoàn quân khuất bóng sau cổng thành. Một cơn giận pha với thất vọng bỗng nổi lên trong lòng người ăn xin. Ông tưởng rằng, ít ra nhà vua nổi tiếng là nhân đức sẽ ban cho ông một đồng tiền vàng, đủ cho ông mua thức ăn suốt một năm; chứ có đâu lại hỏi xin từ nơi ông, một kẻ ăn xin, sắp chết đói. Ông oán trách nhà vua không biết thương xót người nghèo khó. Cơn đói lại cồn cào nổi lên. Người ăn xin ngồi phịch xuống ven đường, tựa lưng vào gốc cây, thò tay vào túi, lấy mẩu bánh khô ra nhai. Mẩu bánh khô nhỏ bằng ba ngón tay chẳng thấm vào đâu, so với cơn đói nhiều ngày. Người ăn xin thò tay vào túi, lần lượt lấy ra hai hạt thóc, cắn vỏ mà ăn. Cơn đói cồn cào càng hơn. Dù biết trong túi chẳng còn gì ngoài đồng xu không mua được gì, nhưng người ăn xin vẫn dốc ngược túi lên, đổ ra vạt áo, xem còn sót mẩu bánh vụn nào hay không. Ông lằm bằm:
– Biết thế, lúc nãy ta dâng cho vua đồng xu thì bây giờ ta vẫn còn thêm một hạt lúa.
Người ăn xin giủ cái túi mấy lần, không nhìn thấy một mẩu bánh vụn nào. Nhưng trên vạt áo của ông lấp lánh một viên ngọc bích có hình dạng của một hạt lúa… lép! Viên ngọc bích phản chiếu thật đẹp ánh sáng của mặt trời. Người ăn xin ngạc nhiên, cầm viên ngọc lên ngắm nghía. Ông bỗng ngẩn người, hiểu ra rằng, hạt lúa lép ông trao tặng nhà vua đã trở thành viên ngọc bích trên tay ông. Nhà vua muốn ông tặng cho nhà vua một vật gì đó, để nhà vua biến vật ấy thành có giá trị cho ông. Ông tiếc nuối, rên rỉ:
– Ôi! Biết thế thì ta đã tặng cho nhà vua hạt lúa chắc thay vì tặng hạt lúa lép. Không! Nếu biết thế, ta tặng cho nhà vua mẩu bánh thì bây giờ ta đã có viên ngọc bích lớn bằng ba ngón tay. Không! Nếu biết thế, ta tặng cho nhà vua cả cái túi ăn xin của ta, luôn cả vò nước uống, thì bây giờ: ba hạt lúa, đồng xu, mẩu bánh, cái túi, và cái vò nước đều đã biến thành ngọc…
Vừa rên rỉ đến đó thì bỗng nhiên, một ý tưởng sáng ngời hiện ra trong tâm trí của người ăn xin. Ông bàng hoàng, kêu to:
– Không! Không! Nếu biết thế thì ta đã quỳ xuống và thưa với vua rằng: Lạy vua! Tôi xin dâng lên vua cả thân thể hèn mọn này của tôi! Ôi! Nếu ta làm như thế, có phải giờ đây ta đã trở thành người của nhà vua, được biến hóa thành một người cao sang, quyền quý. Ôi! Ta đã quá ngu dại, đánh mất cơ hội quý giá của đời mình!
Người ăn xin thẩn thờ nhìn viên ngọc bích trên lòng bàn tay của mình, rồi nhìn về phía cổng thành. Hương thơm từ nhà vua vẫn còn thoang thoảng quanh ông.
Các cháu thân mến!
Bác Tim muốn hỏi các cháu mấy câu hỏi sau đây: Người ăn xin tiêu biểu cho ai? Nhà vua tiêu biểu cho ai? Hạt thóc lép tiêu biểu cho điều gì? Viên bích ngọc tiêu biểu cho điều gì? Câu chuyện ngụ ngôn này giúp cho các cháu hiểu gì về câu gốc của tuần này trong Rô-ma 12:1? Các cháu sẽ dâng lên Chúa điều gì?
Bác Tim cầu xin Đức Thánh Linh giúp cho các cháu hiểu thật rõ ý nghĩa của Rô-ma 12:1, và ban cho các cháu sự khôn sáng, để các cháu biết dâng hiến của lễ tốt nhất lên Đức Chúa Trời, đẹp lòng Ngài.
Nguyện tình yêu của Thiên Chúa đời đời bao phủ các cháu.
Huỳnh Christian Timothy
07/01/2017
Ghi chú: Ngụ ngôn này được lấy ý từ khúc thứ 50 trong tập thơ “Lời Dâng” (Gitanjali) của Rabindranath Tagore, một văn hào Ấn-độ. (Văn hào: Người viết văn nổi tiếng).
Bản tiếng Anh:
I had gone a-begging from door to door in the village path, when thy golden chariot appeared in the distance like a gorgeous dream and I wondered who was this King of all kings!
My hopes rose high and methought my evil days were at an end, and I stood waiting for alms to be given unasked and for wealth scattered on all sides in the dust.
The chariot stopped where I stood. Thy glance fell on me and thou camest down with a smile. I felt that the luck of my life had come at last. Then of a sudden thou didst hold out thy right hand and say `What hast thou to give to me?’
Ah, what a kingly jest was it to open thy palm to a beggar to beg! I was confused and stood undecided, and then from my wallet I slowly took out the least little grain of corn and gave it to thee.
But how great my surprise when at the day’s end I emptied my bag on the floor to find a least little gram of gold among the poor heap. I bitterly wept and wished that I had had the heart to give thee my all.
Nguồn: https://app.box.com/s/3d2480d525c66259d23b (Gitanjali – E-book, page 14)