Ôn Tập – Hành Trình Thứ Nhất Của Sứ Đồ Phao-lô

Lê Như Yến

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://timhieuthanhkinh.opendrive.com/files/MV85NTY3MDU3Nl9FMktsTl9kZTIz/20150523_LNY_OnTapHanhTrinhThuNhatCuaSuDoPhao-lo.pdf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng

Kính chào Hội Thánh! Mến chào các em thiếu nhi!

Trong các tuần trước, chúng ta đã đi được hai hành trình truyền đạo ra dân ngoại của sứ đồ Phao-lô. Trước khi bước vào hành trình thứ ba, chúng ta cùng ôn lại hai hành trình trước, để biết chi tiết hơn về các chuyến đi nhé.

Hôm nay, chúng ta cùng học sách Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-12. Chị xin đọc:

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-12

1 Trong Hội Thánh tại thành An-ti-ốt có mấy người tiên tri và mấy giáo sư, tức là: Ba-na-ba, Si-mê-ôn gọi là Ni-giê, Lu-si-út người Sy-ren, Ma-na-hem là người được nuôi dưỡng chung với vua chư hầu Hê-rốt, và Sau-lơ.
2 Đang khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ để làm công việc ta đã gọi làm.
3 Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ đặt tay trên hai người, rồi để cho đi.
4 Vậy, Sau-lơ và Ba-na-ba đã chịu Đức Thánh Linh sai đi, xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ.
5 Đến thành Sa-la-min, hai người giảng Lời Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho.
6 Trải qua cả đảo cho đến thành Ba-phô rồi, gặp một người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ và tiên tri giả, tên là Ba-Giê-su,
7 vốn ở với quan trấn thủ tên là Sê-giúp Phau-lút là người khôn ngoan. Người này đã sai mời Ba-na-ba và Sau-lơ đến, và xin nghe Lời Đức Chúa Trời.
8 Nhưng Ê-ly-ma, tức là thuật sĩ (ấy là ý-nghĩa tên người), ngăn hai người đó, gắng sức tìm cách làm cho quan trấn thủ không tin.
9 Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, đầy dẫy Thánh Linh, đối mặt nhìn người nói rằng:
10 Hỡi người đầy mọi thứ gian trá và hung ác, con của ma quỷ, thù nghịch lại cả sự công bình, người cứ làm hư đường thẳng của Chúa không thôi sao?
11 Này, bây giờ tay Chúa giá trên ngươi; ngươi sẽ bị mù, không thấy mặt trời trong ít lâu. Chính lúc đó, có sự mù mịt tối tăm phủ trên người, người xoay quanh bốn phía, tìm kẻ để dắt mình.
12 Quan trấn thủ thấy sự đã xảy đến, tin, lấy làm lạ về giáo lý của Chúa.

Trước tiên, nói về Phao-lô. Ông sinh ra vào năm 2 trước Công Nguyên tại Tạt-sơ thuộc tỉnh Si-li-si, đế quốc La Mã. Tên trong tiếng Hê-bơ-rơ của ông là Sau-lơ nghĩa là “cầu xin” hoặc “nài nỉ”. Tên Phao-lô trong tiếng La Mã nghĩa là “ít” hoặc “nhỏ”. Vào khoảng năm 30 sau Công Nguyên, tức tầm 32 tuổi, ông tích cực bắt bớ đạo Chúa, tìm giết nhiều con dân Chúa. Ông bị Chúa làm cho mù mắt và sáng lại rồi tiếp nhận Chúa, chịu phép báp-tem vào ba năm sau, tức là khi ông đã 34 tuổi. Như vậy, Phao-lô tiếp nhận Chúa muộn hơn các em rất nhiều, so về tuổi đời, nhưng có thể nói, quãng đời còn lại của ông đã cống hiến rất nhiều vì nghiệp truyền đạo, là tấm gương sáng cho các em học tập, không quan trọng là chúng ta tin Chúa bao lâu, mà tình yêu chúng ta dành cho Chúa lớn chừng nào.

Vào khoảng năm 44 sau Công Nguyên, tại thành An-ti-ốt, có mấy người tiên tri và giáo sư, trong đó có Phao-lô và Ba-na-ba. Về thành An-ti-ốt, trước kia thuộc quyền cai trị của các vua Hy Lạp, sau năm 64 trước Công Nguyên, xứ này thuộc về nước La mã, đây là cửa ngõ trên biển Ðịa Trung Hải để đi vào các đại lộ Đông phương, cách thành Giê-ru-sa-lem 300 dặm về phía bắc. Cũng được gọi là “Nữ hoàng Ðông phương” và “An-ti-ốt đẹp đẽ.”

An-ti-ốt được tăng phần mỹ lệ bằng mọi vật mà “sự giàu có của La-mã, sự thẩm mỹ của Hi-lạp và sự xa hoa của Ðông phương có thể sản xuất.” Dân thành nầy thờ thần Át-tạt-tê, kèm theo có những nghi lễ phóng túng, hư hoại và ô uế không sao tưởng tượng được. Tuy nhiên, rất đông dân chúng ở đây đã tiếp nhận Ðấng Christ. Danh hiệu “Cơ-đốc nhân” đã phát sinh tại đây, và đây là trung tâm tổ chức cố gắng dắt đưa thế giới trở về cùng Ðấng Christ. Đây là nơi đầu tiên Phao-lô đặt chân đánh dấu sự ra đi rao giảng lời Chúa cho dân ngoại trong cả hai hành trình thứ nhất và thứ hai.

Đang trong khi thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng hãy để Ba-na-ba và Phao-lô đi truyền đạo ra dân ngoại. Vậy, sau khi cầu nguyện, mọi người đặt tay và để hai người bắt đầu hành trình. Nói về Ba-na-ba, ông là người Lê-vi, ở đảo Chíp-rơ, ông là người có tính tình hiền lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin như được mô tả trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:24.

Vậy, Phao-lô và Ba-na-ba chịu Đức Thánh Linh sai đi, xuống thành Sê-lơ-xi để đến đảo Chíp-rơ”. (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:4).

Từ đó có thể thấy, hai người có sự lắng nghe và làm theo lời Chúa. Lắng nghe và làm theo là hai việc đi đôi với nhau, khi các em lắng nghe lời Chúa, các em sẽ biết đường lối tốt nhất để làm theo. Chỉ khi các em làm theo, Chúa mới chỉ dẫn các em, vì có nhiều người kêu cầu danh Chúa mà chẳng thấy Chúa, bởi họ không cẩn thận làm theo. Vậy có lắng nghe, mới làm theo được, và có làm theo mới tiếp tục được chỉ dẫn để lắng nghe.

“Vậy, Môi-se gọi cả I-sơ-ra-ên mà nói rằng: Hỡi I-sơ-ra-ên, hãy nghe những luật lệ và mệnh lệnh mà ngày nay ta rao truyền nơi lỗ tai các ngươi; các ngươi phải học tập và cẩn thận làm theo những điều đó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:1).

Ví dụ như khi các em tập nấu một món ăn do mẹ dạy, các em phải nghe mẹ nói, thì mới biết cách để nấu, và khi đã nghe rồi thì phải làm theo, nếu không làm xong bước 1 thì mẹ không thể chỉ tiếp cho các em bước 2 được.

Tiếp tục cuộc hành trình, nói đến thành Sê-lơ-xi, là một tỉnh trên bở biển của Sy-ri. Nơi đây, có đồn lũy vững chắc và hải cảng, cách thành An-ti-ốt chừng 24km, cảng có hai mỏm đá nhô ra biển được đặt tên là Phao-lô và Ba-na-ba như để gợi nhớ nơi đầu tiên ghi dấu chân của Phao-lô trên hành trình truyền đạo ra dân ngoại trong cả hành trình thứ nhất và thứ hai. Có thể nói, cả hai chuyến hành trình đều gian lao, khó nhọc, thậm chí có thể bỏ mạng trên biển, nhắc chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Phao-lô, để hôm nay lời Chúa đến được với nhiều người. Và, khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi, liệu những vị mục sư, được mang danh là các thầy giảng đạo hiện nay có đủ can đảm để đi trên con đường lao khổ vì Chúa như vậy không? Liệu có thể từ bỏ chức vụ, lương bổng sau mỗi bài giảng, để đi rao giảng cho dân ngoại, không những không lương mà còn bị bắt bớ?

Sau khi rời Sê-lơ-xi, Phao-lô xuống đảo Chíp-rơ. Thời đó, cũng như bây giờ, đảo Chíp-rơ nằm ngay vị trí chiến lược ở phía đông Địa Trung Hải. Dù ngày nay du lịch là nguồn thu nhập chính, nhưng vào thời Phao-lô, Chíp-rơ là một đảo giàu có về tài nguyên thiên nhiên nên người La Mã đã khai thác để làm đầy kho bạc của họ. Đồng được phát hiện vào thời đầu lịch sử của đảo. Người ta ước lượng khoảng 250.000 tấn đồng được khai thác trong suốt thời kỳ người La Mã cai trị. Tuy nhiên, ngành công nghiệp luyện đồng này đã ngốn hết nhiều cánh rừng. Vì vậy, khi Phao-lô đến đảo này, nhiều khu rừng đã biến mất. Tại đây, ông giảng tại hai thành là Sa-la-min và Ba-phô. Tại thành Sa-la-min, có sự giúp đỡ của Giăng hay còn gọi là Mác, nhưng khác với hai người mang tên hai sách trong Thánh Kinh, người này là cháu của Ba-na-ba, có lẽ vì ông cũng là người ở đảo Chíp-rơ như Ba-na-ba nên việc nhờ ông giúp đỡ sẽ thuận tiện hơn.

Thực chất, đa số người dân của đảo Chíp-rơ đã biết đến Đức Chúa Jesus Christ, bởi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19 có chép.

“Những kẻ bị tan lạc bởi sự bắt bớ xảy đến về dịp Ê-tiên, đi đến xứ Phê-ni-xi, đảo Chíp-rơ và thành An-ti-ốt, chỉ giảng đạo cho người Giu-đa thôi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19).

Như vậy, sự tử đạo của Ê-tiên, mà Phao-lô cũng góp phần vào sự giết Ê-tiên, đã khiến các môn đồ tản lạc đến đảo này và giảng lời Chúa cho người Giu-đa. Rồi sau đó, họ đi dọc đảo Chíp-rơ, đến giảng tại Ba-phô, là thủ đô của đảo. Trong phân đoạn Thánh Kinh chúng ta đang học không nói kỹ về nội dung bài giảng của Phao-lô, nhưng theo chị nghĩ, những bài giảng của ông mang tính đơn giản, dễ hiểu, nhưng tràn đầy nhiệt huyết và sự chân thực.

I Cô-rinh-tô 2:4-5

4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra của thần trí và năng lực;
5 để cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, mà là trên năng lực của Thiên Chúa.

Đây là một bài học cho các em khi mang lời Chúa đến cho người ngoại, có thể là bạn bè của các em. Chúng ta không phải dùng những từ ngữ cao trọng, mỹ miều, bởi vậy, khi chúng ta nhìn vào gương Phao-lô mới thấy, người có đức tin mạnh mẽ không dựa vào người có lời Chúa nhiều như thế nào, bởi như những người Pha-ri-si, học thông hiểu thạo Thánh Kinh nhưng họ lại là những kẻ đáng gớm ghiếc.

Tiếp tục, khi Phao-lô vào giảng tại Ba-phô, thì có gặp quan trấn thủ Sê-giúp Phau-lút, là một con người khôn ngoan, muốn nghe lời Chúa, nhưng lại gặp sự phản đối quyết liệt của nhà thuật sĩ Ê-ly-ma. Trước điều này, Phao-lô đã đối mặt nhìn người, nói với phần quỷ trong con người đó, khiến hắn bị mù, điều này lấy làm lạ cho quan trấn thủ, ông đã tin theo và tiếp nhận Chúa. Từ đó, thấy được sự cương quyết trong cách giảng của Phao-lô. Vì khi chúng ta chăm sóc thuộc linh cho ai, thì là Chúa mách bảo cho chúng ta, chúng ta có trách nhiệm trên việc giúp đỡ người đó. Đôi khi các em sẽ bị bắt bớ, bị hiểu nhầm, câu hỏi đặt ra là các em có ngại ngùng hay sợ sệt nếu như ai đó đùa cợt hay cấm đoán chúng ta. Có nhiều người thế này, khi đứng giữa ranh giới cái chết và sự sống, nếu chối Chúa thì sống, theo Chúa thì chết, họ quyết theo Chúa không ngần ngại. Nhưng cũng chính người đấy, trong đời thường, khi đối mặt với việc công khai đức tin thì lại không dám. Có sự mâu thuẫn trong một con người như thế, cũng bởi thập tự giá đôi khi không phải cái chết hay hình phạt, mà có thể là chính người thân, bạn bè mình.

Một lần nữa, nhìn lại hành trình của Phao-lô, ông đi qua nhiều vùng đất, gặp nhiều người, giảng cho không ít người, nhưng số người tin theo thì không phải tất cả, thậm chí bắt bớ ông, nhưng những người ông cứu ra được thì dù chỉ là một linh hồn, cũng đáng quý vô cùng. Và, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa, cảm ơn sứ đồ Phao-lô, vì những hành trình như thế, để hôm nay chúng ta biết đến lẽ thật và được cứu rỗi linh hồn.

Cảm tạ Chúa. Cảm ơn Hội Thánh và cảm ơn các em đã lắng nghe.

Lê Như Yến
23/05/2015