“PHƯỚC LÀNH THỨ NHẤT” ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST PHÁN DẠY TRÊN NÚI

Các con thương mến!

Trong cuộc sống thỉnh thoảng chúng ta thường nghe mọi người nói về chữ phước. Thí dụ như nhà ông Tư thật có phước vì có con đỗ tiến sĩ và bây giờ đang làm chức to lắm, hay như cô con gái bà Năm thật có phước vì vừa đẹp lại lấy được người chồng giàu có nhất vùng. . . Vậy phước là sao nhỉ? Chúng ta có đang là người có phước không? Sự phước hạnh của con dân Chúa có giống như người thế gian? Hôm nay cô xin mời chúng ta cùng tìm hiểu về sự phước hạnh mà Đức Chúa Jesus Christ yêu kính phán dạy chúng ta được chép trong Thánh Kinh nhé!

Nguyện kính xin Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dạy dỗ, dẫn dắt và mở lòng, mở trí cho chúng con giờ nầy để chúng con hiểu, luôn ghi nhớ và cẩn thận làm theo lời Chúa phán dạy hầu cho chúng con có nếp sống đẹp lòng Cha của chúng con ở trên trời và cùng nhau hưởng được mọi thứ phước thiên liêng từ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu-Đấng chúng con tôn thờ! Amen!

Các con thương mến!

Bài giảng về các mối phước mà Đức Chúa Jesus phán dạy trong sách Ma-thi-ơ 5:1-12 chép rằng:

1 Khi thấy đoàn dân đông, Ngài đi về phía một ngọn núi kia. Khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ của Ngài đến gần Ngài.

2 Ngài mở miệng, dạy họ, phán rằng:

3 Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ! [Một số bản chép tay trong nguyên ngữ Hy-lạp chép là: Phước cho những ai nghèo trong tâm thần vì Vương Quốc Trời là của họ!]

4 Phước cho những ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi!

5 Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!

6 Phước cho những ai đói khát sự công bình, vì họ sẽ được no đủ!

7 Phước cho những ai hay thương xót, vì họ sẽ được thương xót!

8 Phước cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời!

9 Phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!

10 Phước cho những ai vì sự công bình mà bị bách hại, vì Vương Quốc Trời là của họ!

11 Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bách hại, và lấy mọi điều dữ vu khống các ngươi.

12 Hãy vui vẻ và mừng rỡ! Vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm, bởi vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi như vậy.

Đây là một bài giảng mang lại ánh sáng và niềm an ủi lớn đến với cho nhiều người đặc biệt là những người nghèo khó. Không chỉ thời bấy giờ mà còn dành cho tất cả chúng ta cùng những ai biết lắng nghe tiếng Chúa suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm qua. Vì, “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta còn mãi đời đời.” (Ê-sai 40:8 và I Phi-e-rơ 1: 24-25).

Các con thương mến!

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học về mối phước thứ nhất Đức Chúa Jesus phán dạy được chép trong sách Ma-thi-ơ 5:1-3

Khi thấy đoàn dân đông, Ngài đi về phía một ngọn núi. Khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ của Ngài đến gần Ngài. Ngài mở miệng, dạy họ, phán rằng: “Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ!” [Một số bản chép tay trong nguyên ngữ Hy-lạp chép là: Phước cho những ai nghèo trong tâm thần vì Nước Đức Chúa Trời là của họ.]

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của từ “phước” mà Đức Chúa Jesus Christ đã chín lần phán dạy trong phân đoạn Thánh Kinh trên.

Theo từ điển Tiếng Việt thì từ phước đồng nghĩa với từ phúc và có nghĩa là: Điều may mắn lớn, điều mang lại những sự tốt lành lớn. Tuy nhiên trong Chúa chúng ta biết không có điều may mắn mà chỉ có ơn ban cho từ Thiên Chúa. Riêng trong chữ Hán được viết theo lối tượng hình thì chữ phước được tạo thành từ 4 chữ: Thiên, Nhất, Khẩu, Điền.

1/ Chữ Thiên có nghĩa là Ông Trời, là Chúa Trời, là Đấng Tạo Hoá, Đấng có từ trước vô cùng.

2/ Chữ Nhất mang ý nghĩa rộng diễn đạt một sự trọn vẹn, một sự hoàn hảo, cao trọng, và còn có nghĩa là một, là đầu tiên, là duy nhất, là không thay đổi. Thí dụ như: Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất đáng được thờ phượng. Đức Chúa Jesus Christ là Đấng sinh ra đầu nhất. Học kỳ nầy bạn A đứng nhất lớp. . .

3/ Chữ Khẩu, là chỉ môi miệng.

4/ Chữ Điền có nghĩa là ruộng, là đất đai, điền sản.

Có nghĩa là người có phước: Là người có được Đức Chúa Trời là Đấng tối cao duy nhất làm đầu, làm chủ đời sống mình. Là người được cầu nguyện, nói chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa nói nghĩa là được tương giao với Ngài. Là người được hưởng đất Chúa ban, sống an vui ngay trên đất trong đời nầy lẫn cõi đời đời trong nước Ngài.

Cảm tạ ơn Chúa đã cho chữ Hán có được một chữ tượng hình mang ý nghĩa tuyệt đẹp để diễn đạt đầy đủ và trọn vẹn về sự phước hạnh thật trong Chúa. Vì Lời Chúa có phán: “Phước cho người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước và tốt lành.” (Thi Thiên 128:1-2).

Vậy chữ “phước” Chúa dạy ở đây nghĩa trước nhất là bông trái tốt lành dành cho người biết kính sợ, tin cậy Chúa, vâng phục Chúa có Chúa là nơi nương náu của mình và kế đến là được hưởng thành quả trong mọi sự tay mình làm, để dẫu có mưa sa, nước chảy, gió lay hay khô hạn cũng chẳng hề sợ hãi mà lại như cây trồng gần dòng nước bốn mùa xanh tốt.

Và từ ngữ chúng ta tìm hiểu tiếp theo là từ “nghèo khó”. Nghèo là sự thiếu thốn, túng ngặt, không có gì, và còn có nghĩa là khó khăn. Vậy nghèo khó là không có gì và đang trong tình cảnh khó khăn.

Các con thương mến!

Theo như chúng ta vừa tìm hiểu ở trên: Nghèo khó sẽ túng ngặt không có gì, vậy người nghèo khó thì thật là khổ sở, nhưng sao ở đây Đức Chúa Jesus Christ lại phán phước cho những người như vậy? Có phải vì họ nghèo khó nên Chúa thương xót ban phước và được vào nước Đức Chúa Trời mà không cần phải làm gì chăng? Còn những người không nghèo hoặc giàu có thì ra sao? Chúng ta cùng đến với lời Chúa để hiểu rõ hơn các con nhé!

Thứ nhất:

Xét về thuộc thể: Khi sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khó về vật chất, hoặc đau yếu, bệnh tật chúng ta ý thức được rằng mình thật nhỏ bé, thật mỏng manh và nhận thức rất rõ rằng mình không tài năng, không giỏi giang, mình không thể làm được điều gì nếu không được Đấng Tạo Hoá toàn năng và vĩ đại khôn cùng thương xót. Do đó chúng ta kinh nghiệm được quyền năng, phép lạ trong sự giải cứu của Chúa, lòng chúng ta luôn biết ơn về tất cả những gì Chúa ban cho dù là rất nhỏ bé, giản dị, bình thường như miếng cơm khi đói, tấm áo, mảnh chăn khi lạnh. Cho nên người nghèo khó, cô đơn, khốn cùng trong xã hội dễ dàng biết tìm kiếm, ngưỡng trông, kêu cầu và đặt niềm tin cậy lên Đấng Tạo Hoá trong mọi sự. Đó chính là cơ hội để đến với Chúa, tìm cầu Chúa. Hễ ai biết tìm cầu và nương cậy nơi Thiên Chúa thì sẽ hưởng được phước thật trong Chúa. Như Lời Chúa có phán:

“Phước cho người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước và tốt lành. Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thịnh vượng; Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve. Kìa, người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được phước là như vậy.” (Thi Thiên128: 1-4).

“Ngài là Đấng hay thưởng cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6b) dạy chúng ta biết như vậy.

Riêng trong trường hợp người không biết kính sợ, không tìm kiếm Đức Chúa Trời, cho dù được sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo hay do vì lười lao động, vì tiêu xài phung phí…lại có lòng ganh ghét đố kỵ với người hơn mình, đổ lỗi cho hoàn cảnh rồi tìm cách trộm cắp, cướp giật, lường gạt hoặc luôn lằm bằm, oán trách, nguyền rủa, xúc phạm danh Chúa vì cho rằng: Trời đã bất công cho mình nghèo khó, vô phước nên có mình quyền phá phách làm tổn hại đến người khác. (Mặc dù Đức Chúa Trời vẫn đang ban phước thật nhiều ngay trong hoàn cảnh của họ, từ việc được sinh ra làm người theo hình và ảnh của Chúa, có trí tuệ và quyền tự do để tìm cầu Ngài đến việc Chúa ban mưa, ban nắng, thời tiết, mùa màng. . .) Những người có tấm lòng như vậy chắn chắn không phải là những người khó nghèo có phước và hưởng được nước Đức Chúa Trời như lời Ngài phán dạy ở đây.  

Vì Lời Chúa có chép:

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn ngoan. Sự tri thức về Đấng Thánh là sự thông sáng.” (Châm Ngôn 9:10).

Nhưng “Sự ngu dại của người nào làm cho hư hỏng đường lối mình và lòng người oán Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Châm Ngôn 19:3).

 “Họ lại mãi mãi quên các công việc Ngài.” (Thi Thiên 106:13a).

“Nhưng họ phiền lòng Ngài bởi ý muốn họ, và họ hèn mọn vì tội ác của họ.” (Thi Thiên 106:43a).

“Người lầm lạc xa đường khôn sáng sẽ ở với hội kẻ chết.” (Châm Ngôn  21:16).

Vậy còn người giàu thì sao? Có phải Chúa lên án và không ban phước cho người giàu?

Chúa phán: “Một người giàu vào nước thiên đàng khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim.” nhưng lời Chúa cũng có chép rằng: “tiền ứng cho mọi sự.” Ngay từ buổi đầu sáng thế Thiên Chúa sáng tạo mọi việc thật tốt lành, mục đích muốn chúng ta sống vui thỏa và hạnh phúc. Giống như cha mẹ thuộc thể làm lụng khó nhọc để chăm lo cho chúng ta có được những điều tốt nhất vậy. Chúng ta cần tiền và phương tiện vật chất để đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Điều Chúa muốn dạy ở đây chính là thái độ của chúng ta đối với của cải vật chất đời nầy. Nếu chúng ta biết dùng những điều Chúa ban để sử dụng vào mục đích hữu ích, tốt lành trong danh của Chúa thí dụ như:  tạo điều kiện cho nơi ăn, chốn ở sạch sẽ, chăm lo tốt cho sức khoẻ bản thân và gia đình, (vì thân thể của chúng ta cũng chính là đền thờ của Chúa), mang vác, chia sẻ gánh nặng, cứu giúp lẫn nhau, nhất là anh chị em trong Chúa và người lân cận, chăm lo cho đời sống của người dạy đạo, góp phần trong việc rao giảng Tin Lành để mang tình yêu, sự cứu rỗi của Chúa đến cho muôn dân, làm vinh hiển danh Chúa thì đó chính là đang làm những việc lành mà Chúa sắm sẵn cho chúng ta. Là con dân của Chúa nếu biết dùng những ơn phước, những ta lâng Chúa ban để hầu việc Chúa một cách hữu ích nhất theo thánh ý của Ngài, biết tôn thờ và đặt Chúa lên trên hết mọi sự thì những người giàu có trong Chúa như vậy không chỉ hưởng được phước ngay trong đời nầy mà còn được Chúa ban thưởng khi vào nước thiên đàng nữa.

Trái lại những ai sống trong giàu sang, dư dật, thừa mứa về vật chất mà sinh lòng kiêu ngạo tự cho mình tài giỏi, rằng do tay mình làm ra tất cả, xem thường người khác, yêu mến thế gian, chạy theo vật chất đời nầy để làm thoả những tư dục sai trái của xác thịt, xem của cải tài sản như là Đức Chúa Trời của mình, không biết ơn, không tìm kiếm, không kính sợ và thờ phượng Thiên Chúa, bị tiền bạc sai khiến và làm nô lệ cho nó. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất ngăn trở người giàu đến với Đức Chúa Trời, với nước thiên đàng. Họ chính là những người giàu có mà Đức Chúa Jesus Christ đã phán cùng các môn đồ rằng:

“Quả thật, ta nói với các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm. Ta lại nói với các ngươi, một sợi thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời. [Một số bản dịch ghi là “lạc đà chui qua lỗ kim.” (Ma-thi-ơ 19:23-24).

Các con thương mến!

Chúa không lên án những người giàu có về vật chất, ở đây Ngài phán dạy những ai không biết quản lý tiền bạc lại ham mê nắm giữ sự giàu có cho riêng mình và làm nô lệ cho nó đến nỗi tôn thờ tiền bạc thay vì phải tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa.

Về thuộc linh: Nghèo khó trong tâm linh là thái độ biết hạ mình suy xét, biết nhận ra sự hư hoại trong thân thể hay chết nầy, nhận biết mình hoàn toàn bất lực trước quyền lực của tội lỗi, nhận biết rằng cho dù mình có là ai hay đạt đến địa vị nào trong đời nầy cũng không thể cậy vào học thức, danh tiếng, tiền bạc, tài năng để có thể tự cứu lấy linh hồn mình khỏi sự hư mất đời đời. Nhận biết mình thật nghèo khó, đói khát trong tâm thần nên dốc lòng khao khát tìm kiếm Chúa, tìm kiếm sự giàu có về lòng nhân từ, thương xót của Chúa, hoàn toàn đầu phục Chúa, xin Chúa giúp đổ đầy Thánh Linh để có năng lực bước đi theo Ngài cách thành tâm trung tín vì biết rằng trước mặt Chúa, dù giàu hay nghèo nhưng không có Chúa, không được ở trong tình yêu và ân điển của Chúa sẽ chỉ là “những người khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” (Khải Huyền 3:17b). Những người có tâm thần khao khát tìm kiếm, ngưỡng trông và luôn muốn sống đẹp lòng Chúa như vậy thì thật là người có phước và quả thật Vương Quốc Trời cũng là của họ.

Thí dụ:

Ở đầu làng nọ có hai người bạn ở cạnh nhà nhau, một người hiền lành, thật thà sinh ra trong cảnh bần hàn, nên luôn chăm chỉ làm lụng vất vả ngày đêm trên đồng ruộng để kiếm sống, người còn lại thì được sinh ra trong một gia đình giàu có. Hai người kết bạn và rất thương mến nhau, người bạn giàu luôn có lòng thương xót, biết yêu thương, cảm thông và tìm cách chia sẻ, cứu giúp người bạn nghèo khó của mình trong bất cứ khi nào có dịp tiện. Tuy có hoàn cảnh khác nhau nhưng họ sống rất vui vẻ.

Và ở cuối làng có một người trẻ tuổi rất giàu có và nổi tiếng vì sự hống hách, kiêu ngạo. Cũng có một người nghèo ở bên cạnh, người nghèo nầy thì lười biếng và vô cùng căm ghét người giàu kia, anh ta luôn tìm cách chửi rủa, nói xiêng xỏ người hàng xóm giàu có và không ngừng oán trách ông Trời đã không công bằng, bắt anh ta nghèo khó trong khi cho người bên cạnh thì thừa mứa trong nhung lụa, nên anh ta rình rập tìm cách trộm cắp bất cứ vật gì anh nhà giàu để sơ hở.

Ngày kia, một vị vua giàu có đất đai bạc ngàn, tài sản nhiều không sao tả hết lại vô cùng tốt bụng. Vua muốn tìm kiếm người xứng đáng để cùng vui hưởng và cai trị đất nước giàu có của mình, nên thông báo trong khắp làng mạc xung quanh kêu gọi mọi người, không phân biệt giàu nghèo hãy đến làm việc cho vua. Vua hứa rằng tất cả những ai đến cùng vua và làm việc xứng đáng thì sẽ có một cuộc sống tốt nhất mà trước đây họ chưa từng biết đến.

Anh nhà giàu tốt bụng ở đầu làng muốn giúp cho người bạn mình có cuộc sống tốt hơn, vả lại anh cũng là người rất ham mến làm việc nữa, nên liền xin phép cha mẹ cho mình đi lập nghiệp và rủ người bạn nghèo của mình cùng đi. Thế là cả hai vui vẻ cùng nhau tìm đến đất nước của vị vua nọ.

Còn chàng trai giàu có ở cuối làng thì kiêu ngạo cho rằng: “Tài giỏi và giàu có như mình thì cần gì phải đi làm tôi tớ cho ai, cần gì phải đi tìm một cuộc sống khác chắc gì giống như lời nhà vua hứa.”, anh ta cảm thấy rất thoả mãn và hài lòng với những gì mình đang có nên không quan tâm gì đến lời kêu gọi của vua, còn người nghèo bên cạnh thì do lòng đố kỵ và lười biếng nên cũng thầm nghĩ: ”Việc gì phải làm việc cho cực nhọc, mình sẽ tìm cách giết tên giàu có hống hách để cướp gia tài của nó.”

Các con có nhận định như thế nào về hai người nghèo và hai người giàu trong thí dụ trên? Ai sẽ hưởng được cuộc sống tươi đẹp và cùng vị vua tốt bụng cai trị đất nước giàu có? Có phải chỉ hai người nghèo trong câu chuyện trên không? Hay là chàng trai trẻ giàu có và tài giỏi ở cuối làng? Vì sao?

Chúa dùng khó khăn, trở ngại để thử thách người nghèo, dùng sự dư dật để thử nghiệm người giàu.

Như vậy lời giải đáp cho chúng ta về sự phước hạnh mà Đức Chúa Jesus Christ phán dạy ở đây chính là dù ở trong hoàn cảnh như thế nào, đặc biệt là khi gặp khó khăn, thử thách thì đó là cơ hội và điều kiện thuận lợi lớn mở đường cho chúng ta đến gần Chúa hơn. Nhưng tất cả còn tuỳ thuộc vào tấm lòng của chúng ta có biết tìm kiếm Chúa và khi gặp được thì có hết lòng vâng phục, sống và làm y theo mọi lời Ngài phán dạy hay không? Vì sự phước hạnh và Vương Quốc Đức Chúa Trời sẽ chỉ dành cho những ai biết tìm kiếm, ngưỡng trông và thờ phượng Thiên Chúa một cách thành tâm và trung tín.

Tóm lại, người khó nghèo về vật chất và tâm linh có phước vì dễ dàng có cơ hội tìm kiếm và gặp được Đức Chúa Trời hơn những người giàu. Đây chính là ý nghĩa của sự phước hạnh thật mà Đức Chúa Jesus Christ phán dạy trong sách Ma-thi-ơ 5:3 Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ!”

Câu hỏi thảo luận:

  1. Đức Chúa Jesus Christ giảng về các mối phước ở đâu và dành cho ai?
  2. Vì sao chúng ta biết bài học về các mối phước Đức Chúa Jesus Christ phán dạy gần hai ngàn năm trước vẫn áp dụng cho chúng ta ngày nay?
  3. Ý nghĩa đầy đủ của sự phước hạnh thật trong Thánh Kinh được chữ Hán diễn tả như thế nào?
  4. Thiên Chúa phán trong Thánh Kinh như thế nào về người có phước?
  5. Vì sao những người nghèo về vật chất rất khó khăn lại được Đức Chúa Jesus Christ phán là người có phước?
  6. Có phải tất cả những người nghèo khó luôn có phước và sẽ đương nhiên thuộc về Vương Quốc Đức Chúa Trời, còn người giàu có thì không? Vì sao?
  7. Những người giàu nào thì được Chúa ban phước và phần thưởng trong cõi đời đời?
  8. Qua bài học các con hãy nhận định mình có phải là người có phước không? Vì sao?

Để kết luận cho bài học về phước lành thứ nhất Đức Chúa Jesus phán dạy. Chúng ta cùng đến với Lời Chúa:

Phước cho người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đi trong đường lối Ngài!” (Thi Thiên 128:1).

“Ngài là Đấng hay thưởng cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6b).

Nguyện kính xin Ba Ngôi Thiên Chúa giúp chúng con luôn biết ngưỡng trông, tôn vinh và thờ phượng Ngài đời đời cho đến vô cùng!

Chúng con xin kính dâng mọi vinh quang, quyền phép, sự cao quý và hết thảy những lời chúc tôn duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu từ nay cho đến đời đời! Trong danh Đức Chúa Jesus Christ! Amen!

GraceNguyen

17-04-2017